Nhạc sỹ Tuấn Khanh: Đại gia lì lợm không tiền
Những người gần anh hay đùa, Tuấn Khanh là đại gia lì lợm không tiền. Anh cũng cười thú nhận, đến giờ anh chẳng có gì cả, ngoài một cái xe rách để đi làm, một mái nhà mẹ anh cho ở nhờ, một cậu con trai đang ở cùng… mẹ nó.
Báo chí với Tuấn Khanh có vẻ như hai mặt đối lập. Một là anh đã từng kinh qua nhiều tòa soạn báo, quá hiểu các… chiêu của phóng viên. Hai là anh thất vọng với một số phóng viên văn nghệ Sài Gòn chuyên ăn tiền nghệ sỹ để viết bài. Ba là những phát biểu của Tuấn Khanh lúc nào cũng chọc thẳng vào sự trì trệ của nền nhạc trẻ Việt Nam, khiến không ít những “đại gia” đang nắm giữ hệ thống biểu diễn ca nhạc tại TP Hồ Chí Minh phải bực mình và giật mình. Thế nên các nhà báo cũng ngại anh, còn Tuấn Khanh cũng chủ động né nhà báo. Anh chỉ muốn giấu mình vào một góc nào đó và làm việc.
Những người gần anh hay đùa, Tuấn Khanh là đại gia lì lợm không tiền. Anh cũng cười thú nhận, đến giờ anh chẳng có gì cả, ngoài một cái xe rách để đi làm, một mái nhà mẹ anh cho ở nhờ, một cậu con trai đang ở cùng… mẹ nó. Nhưng khi “chém đẹp” được tiền của các công ty quảng cáo nước ngoài, anh lại sẵn sàng bỏ ra chi phí cho các nhóm hát mà mình tạo dựng, mua đồ, làm album, mà không hề lấy một đồng tiền công của họ. Trong mắt bạn bè đồng nghiệp, Tuấn Khanh là kẻ bất thường, kín đáo và không thể đoán trước…
Tôi đem những giai thoại về anh ra kể, Tuấn Khanh cười rung kính trắng, người tròn lắc lư như ông địa. Trời ơi, chuyện vậy chưa ăn thua, tụi nó rao nhiều cái tin ác hiểm về tôi lắm. Chuyện bắt đầu từ sự bất thường của anh. Vào cái buổi mà đồng tiền đi trước, các ông bầu tự phong chưa kịp tính đường đi cho ca sỹ đã tính chuyện kiếm tiền từ họ thì Tuấn Khanh lại sẵn sàng bỏ tiền ra một cách không tính toán.
Mà những nhóm hát của anh cũng đi ngược với chuẩn mực của ban nhóm châu Á hiện thời. Trio 666, MTV đều là những nhóm hát xuất sắc về giọng ca nhưng ngoại hình thì… có phần khiêm tốn. Vì sự bỏ công, bỏ tiền ra cho hai nhóm hát đó không tính chuyện thu về mà Tuấn Khanh gánh không biết bao nhiêu tin đồn. Ai cũng nghĩ, phải có những lý do tế nhị đằng sau những việc làm quá vô tư này. Còn tin đồn rằng, các nhóm hát là chỗ để “mafia Tuấn Khanh” rửa tiền.
Không ai tin rằng anh làm chỉ vì một cái mong ước có phần… ngông cuồng, muốn chứng minh một điều ngược lại với xu thế hiện thời của showbiz Việt, giọng hát tốt và có được hướng đi chuyên nghiệp sẽ thành công chứ không phải chỉ là những ca sỹ hát nhép có một chút ngoại hình được các ông bầu bơm thổi lên các phương tiện truyền thông.
Thực hiện điều đó trước hết vì tham vọng cá nhân, nhưng đồng thời nếu chấp nhận đi chung con đường với anh thì các ca sỹ phải có đam mê cực lớn và không quá ham chuyện nổi tiếng. Bởi họ có thể đi đến cùng trên con đường đã lựa chọn, nhưng chắc chắn họ sẽ không thể là những ngôi sao “hot”, không thể giàu có nhanh chóng như những ngôi sao khác. Thế thì, để cho họ chịu đi cùng anh, chịu dấn thân vào cái hướng mà anh đã chọn, thì anh phải giúp họ những gì anh có thể làm được.
Không ai biết, các ca sỹ đi theo hướng mà anh chọn cũng phải hy sinh nhiều thứ, dường như các đồng nghiệp cùng thời nổi nhanh hơn họ và được tụng ca nhiều hơn họ. Và bước đầu lên sân khấu, họ còn bị coi như những… kẻ khùng, hát những bài hát không dễ nghe chút nào. Bài hát “Giọt đàn Thạch Sanh” nhóm MTV hát tới 4 năm mới có khán giả vỗ tay, bài “Bụi trong mắt em” Trio 666 cũng phải hát tới cỡ đó mới nhận được những bông hoa đầu tiên.
Ngày đầu có khán giả lên tặng hoa sau tiết mục của họ, Trio 666 về thao thức cả đêm, không biết có phải khán giả bày trò để mỉa mai mình không. Họ không dám tin vào sự cổ vũ đó, bởi đã quá lâu họ quen với sự lạnh nhạt của khán giả với mình. Sự hy sinh là có thật nơi những người trẻ tuổi và cũng vì lý do đó mà các nhóm hát rất hay có sự thay đổi thành viên. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, sự say mê với con đường dài phía trước và không phải ai cũng dám khước từ những ảo ảnh vinh quang đến vội. Sự ổn định của các nhóm hát và phong cách của họ được khẳng định tới thời điểm này có thể coi là những bước đi thành công của Tuấn Khanh trên con đường không có hoa hồng và những lời tụng ca.
Tuấn Khanh được coi là người… mát tay, nhìn thấy những giọng hát đẹp và sẵn sàng làm đĩa để các ca sỹ trẻ có cơ hội đến với công chúng. Doãn Minh là một ví dụ. Ngày từ quê vào Sài Gòn dường như ngoài một giọng hát đẹp, Minh không có nổi một tụ điểm để hát và kiếm sống. Tuấn Khanh đã bắt tay thực hiện cho Minh đến nay là 3 đĩa nhạc.
Minh không nổi tiếng như những ca sỹ thời thượng, nhưng là giọng ca được nhiều người biết tới trong giới ca sỹ phòng trà. Tuấn Khanh cười, giúp cho Minh có được việc làm ổn định thôi, chứ tôi không có khả năng tạo dựng các ngôi sao. Không ít các ông bầu thường đi ve vãn các ca sỹ trẻ để tìm cách trục lợi từ gia đình họ, không ít ông bầu lừa vài tỷ rồi tính bài “chuồn”. Với những ông bầu ấy, họ sẽ tìm cách thuyết phục gia đình ca sỹ đổ tiền làm album, làm liveshow cùng những lời hứa hẹn thành sao lớn.
Mang tâm lý ấy, nhiều người cũng thường đem đĩa nhạc, nhiều phụ huynh dẫn con đến nhờ tôi coi có thể thành ngôi sao không. Có người hỏi thẳng Tuấn Khanh, liệu con họ có thể trở thành ngôi sao không? Và liệu anh có giúp được con họ thành người nổi tiếng không? Nếu được họ sẽ về bán miếng đất để lo cho con, như một số vốn cho con dựng nghiệp. Tuấn Khanh lắc đầu, rất tiếc là mình buộc phải nói thật, để họ còn có miếng đất cho con, vì muốn nổi tiếng bây giờ không chỉ là một giọng hát tàm tạm, một ngoại hình tàm tạm và vài trăm triệu đồng.
Tuấn Khanh có một mối bức xúc lớn, chính là tình trạng chung của sân khấu ca nhạc. Anh nói, Sài Gòn bây giờ đã diễn ra sự bất lực của các phương tiện truyền thông với thực tế đời sống. Vì các phương tiện truyền thông đang bị lạm dụng để trở thành những phương tiện lăng xê cho một nhóm người còn đã bỏ quên những hiện tượng văn nghệ đang diễn ra sôi động ngoài cuộc sống. Không ít ca sỹ không lên tivi, không được báo chí ngợi ca rùm beng nhưng vẫn rất đông khán giả trung thành đến tụ điểm nghe họ hát hàng đêm.
Ngược lại, một số ca sỹ được o bế quá kỹ, lên tivi hàng tuần, mà lên hoài khán giả vẫn không chịu nhớ tên. Đó là sự thật rất phũ phàng mà công nghệ lăng xê của giới bầu show Sài Gòn đang phải loay hoay tìm lời giải. Và anh đang hy vọng, một ngày khi lương tâm trở lại, những giá trị thực sẽ lại lên ngôi và người ta nghe nhạc Việt với tâm thế không hoài nghi, rằng cái này có phải là của người Việt hay nó bị lai tạp ở đâu đó.
Trò chuyện với anh, tôi thấy trong Tuấn Khanh dường như lúc nào cũng mong muốn về sự hội nhập. Âm nhạc của anh, như một con đường riêng, đã đến được với công chúng của mình và khi giới thiệu với bạn bè quốc tế đã không trở nên lạc lõng. Anh còn nhớ, vào cuối thập niên 80, khi nhóm nhạc rock Indonesia sang Việt Nam biểu diễn giao lưu, chúng ta chỉ biết đáp lại họ bằng một bản… dân ca.
Phải một thời gian sau, anh mới kiếm được một băng nhạc của Hồng Nhung, như một sự khả dĩ nhất của nhạc trẻ Việt, gửi cho những người bạn nước ngoài đó (vì anh trót biết tiếng Anh và trót hứa với tư cách một nhà báo). Và cũng lúc ấy, Tuấn Khanh cùng một nhóm bạn mong muốn thiết lập một sân chơi nhạc trẻ cho những người trẻ của thành phố. Giờ ngồi nghĩ lại chặng đường đi qua, Tuấn Khanh cho rằng, có thể âm nhạc của anh không xuất sắc, nhưng nó là tiếng nói phù hợp với đương đại, không ai có thể chê nó cũ kỹ nhưng cũng không vì thế mà nó bị tiếng lai căng.
Thế nhưng, vào thời điểm đó, cũng là lúc loạt bài của anh mổ xẻ một cách khá cụ thể về thực trạng nền âm nhạc thành phố với hàng loạt bất cập của nó đã làm cho anh… quá nổi tiếng. Anh chịu không ít búa rìu, không những thế các ca khúc của Tuấn Khanh còn bị ngừng cấp phép biểu diễn trong các chương trình văn nghệ. Lý do không có cụ thể, nhưng giống như một thứ luật bất thành văn. Mãi về sau, khi mọi chuyện đã qua đi, Tuấn Khanh cho rằng, có thể đó là một sự hiểu lầm, một sự xuất hiện chưa phù hợp thời điểm của ca khúc…
Nhưng anh vẫn làm việc, không bè phái, không bon chen. Công việc bận rộn luôn kéo anh vào một thời gian biểu dày đặc. Anh không ăn nhậu, ít tụ tập bạn bè, cũng không đi sauna, massage, khiến xung quanh anh đầy tin tức về chuyện giới tính. Một ông bạn nhạc sỹ rảnh chuyện còn mở một cuộc điều tra xem… Tuấn Khanh có đồng tính hay không mà sao không thấy “đi tụ điểm” bao giờ. Kể tới chuyện đó, Tuấn Khanh lại cười hề hề: “Đời vui vậy đó!”.
Tôi ngồi tán chuyện với Tuấn Khanh suốt cả buổi sáng, vòng đi vòng lại chỉ là chuyện âm nhạc, vì anh bảo chuyện đời tư của anh rất nhạt và tôi cũng tin rằng nó… nhạt thật. Trên đường chở anh về khách sạn, tôi hỏi anh có tiếp tục làm giám khảo Sao Mai – Điểm hẹn hay không, anh nói có lẽ là không vì anh thấy… hết khoái rồi. Vì sao? Vì Sao Mai – Điểm hẹn năm nay không hay bằng hai năm trước, không có những gương mặt vượt trội và cuộc thi này vẫn có những giới hạn của nó. Mà anh cũng đã làm giám khảo cuộc trước rồi, cuộc này để dành cho người khác, hoa thơm mỗi người hưởng một chút mới thơm lâu.
Nghĩa là anh nói, Sao Mai – Điểm hẹn có tiêu cực, thí sinh chạy tiền giám khảo chứ gì? Tuấn Khanh cười, hồi năm trước, thí sinh hỏi nhà miết mà mình toàn phải hẹn ở quán cà phê, để khi mình ra về có bỏ lại cái gì ở quán cũng tiện, chứ họ mang quà đến nhà thì chuyện từ chối khó khăn hơn nhiều. Cái đó thì cuộc nào cũng có, quan trọng là mình phải biết cách từ chối mà thôi. Mình không nói là Sao Mai – Điểm hẹn tiêu cực vì giám khảo thay đổi liên tục mà.
Nhưng có những cuộc thi hát mà có vị giám khảo ngồi đó đến chục năm, thử hỏi có là chuyện bình thường hay không? Cũng vì thế mà cuộc thi đó luôn có những giải nhất hát cực dở, trong khi những ca sỹ đoạt giải khuyến khích (giải tư) đều đã trở thành những ngôi sao. Đấy, chấm thi như thế, làm sao mà khán giả tin nổi, phải không?
Tôi biết, nếu cứ nói tiếp, chắc chẳng bao giờ Tuấn Khanh hết bức xúc về những cái chướng tai gai mắt xung quanh mình. Bởi ngoài một người làm nhạc, anh có một bản năng thính nhạy của một nhà báo, luôn thu nạp vào nó mọi biến động của đời sống xung quanh. Vậy thì một ngày không có âm nhạc của Tuấn Khanh có đáng bị coi là tẻ nhạt lắm không? Anh bảo, không làm nhạc thì anh xem phim, đọc sách và sắp tới anh quay trở lại Mỹ để tiếp tục khóa học viết nhạc phim.
Và anh cũng đang thực hiện phần nhạc cho bộ phim truyền hình dài tập của một đạo diễn trẻ gốc Việt, một bộ phim về ba số phận khác biệt giữa một cuộc hội nhập và mưu sinh trên đất Mỹ. Thế còn một ngày Tuấn Khanh không có bạn, hẳn là cũng rất… đáng buồn? Tôi chỉ không có bạn thân, còn những người làm nhạc cùng tôi, họ là bạn đấy chứ. Cuối năm, tôi gom tiền từ các dự án làm nhạc, rồi yêu cầu các bạn ca sỹ cùng quyên góp, để làm một chuyến xe bus đi làm từ thiện. Những chuyến đi như thế, thực ra không phải là chuyện nhiều hay ít tiền, mà tôi muốn cho các bạn trẻ ấy thấy rằng, những việc họ làm đã không hề vô nghĩa, để họ có niềm tin…
Tuấn Khanh xuống xe, chào tôi, miệng cười, chân bước, cái dáng anh tròn đi lẫm chẫm vào nắng, hệt dáng ông địa. Anh đang bước trên con đường của một mình anh…