Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng & Những Dòng Chia Sẻ
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bị cầm chân tại gia, mỗi ngày theo dõi tin tức toàn tin buồn, tử sinh trong gang tấc…! Để khuây khỏa, ngoài viết lách, đọc sách… thú vui và niềm an ủi duy nhất là nghe nhạc. Từ những ca khúc đó, tôi thả hồn trong khói thuốc và cung bậc với lời ca để tìm lại cung thương ngày cũ.
Như đã viết, trong ba thập niên ở Little Saigon, làm báo không lệ thuộc giờ giấc nên mỗi buổi sáng dù nắng hay mưa, tôi cũng ra quán cà phê gặp gỡ anh em, đồng nghiệp, thân hữu. Mỗi nơi có vài vị đóng đô nên phải chọn để tán gẫu. Nhờ vậy cũng biết thêm khá nhiều những mẩu chuyện trong giới văn nghệ qua chứng nhân thời quá khứ. Trong giới văn nghệ và báo chí của một thuở miền Nam hay Sài Gòn năm xưa được hiện diện nơi nầy giúp tôi hiểu thêm vì thời quân ngũ không có dịp gần gũi… Theo dòng thời gian, những khuôn mặt thân quen đó đã lần lượt qua đời khá nhiều!
Thế nhưng, từ tháng 3 năm 2020 đến thượng tuần tháng 7 năm 2021, tôi không ra quán cà phê mà mỗi sáng với cà phê backyard. Vài tháng đầu thấy buồn nhưng sau đó quen dần nhờ cái iPhone bầu bạn. Nhiều lần bạn bè gọi nhưng tôi từ chối vì ngồi quán cà phê mà thấy cảnh đeo khẩu trang mất thú vị.
Thời gian gần đây tôi đề cập đến nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (qua hai bài viết trước đây) và nhạc sĩ Lan Đài, xuất thân nơi xứ Quảng của tôi. Tôi nhận được tin nhắn và email nhắc nhở về nhạc sĩ tài hoa với những ca khúc tuyệt vời trước năm 1975 và 15 năm ở hải ngoại (1985-2000): Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng (Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1937 tại Đại Lộc, Quảng Nam), ngoài ra còn bút hiệu là Anh Nam.
Năm 1990 khi định cư ở Little Saigon, tôi quen với Lâm Tường Dũ, Nguyễn Ngọc Chấn và qua hai người bạn nầy kéo thêm Trầm Tử Thiêng vì NNC & TTT thân nhau từ lúc ở Trung Tâm Học Liệu tại Sài Gòn. Khi anh Ngọc Chánh còn vũ trường Ritz trên đường Brooklurst ở Anaheim (1984-1998) thỉnh thoảng chúng tôi đến chơi được chủ nhân ưu ái tặng vài cốc rượu miễn phí, ngồi ở kệ trước quầy rượu. Cậu Trời NNC cũng ngứa tay ngứa chân nhưng có ông nhạc sĩ không thích nhảy nhót, chỉ nhâm nhi, phì phà điếu thuốc nên Cậu Trời chỉ uống Coke vì không biết uống beer, rượu, cà phê… nên tôi đùa “công tử mặc váy” nhưng yên tâm với bác tài.
Năm 1998, nhà in Westminster Press ra tờ Thế Giới Nghệ Thuật, khổ magazine, giấy láng, full color, chủ bút là Lâm Tường Dũ (cũng là chủ nhân tuần báo Tình Thương), và tôi làm tổng thư ký cả 2 tờ nầy. Với nội dung tờ TGNT thuần túy về lãnh vực nầy nên chọn đề tài cũng dễ để viết. Khi Lâm Tường Dũ đề nghị tôi viết về Trầm Tử Thiêng và nói ông nầy khó tính, đừng đề cập đến chuyện tình (dù chúng tôi cũng biết nhiều) chỉ viết về nhạc lính, quê hương và thân phận người Việt lưu vong, giữ bí mật không báo cho ông biết.
Thế rồi khi tờ báo ấn hành, khi layout bị tổ trác, tên Trầm Tử Thiêng, chữ “g” bị tấm hình trắng đen che khuất. Anh giận quá nên Lâm Tường Dũ ca vài câu vọng cổ nên anh cũng bỏ qua.. và sau đó cùng uống cà phê với nhau vào buổi tối ở Mái Hiên Tây trên đường Bolsa cạnh đường Magnolia (nay là quán nhà hàng Phi Thuyền của người bạn ở Đà Lạt…)
Nhớ lúc uống cà phê ở Mái Hiên Tây với nhau, Trầm Tử Thiêng thích ngồi ở góc và dựa lưng vào tường, hỏi anh vì sao thì anh nói, thấy có bất trắc thì dọt. Nguyễn Ngọc Chấn và Lâm Tường Dũ thích đánh Keno nên chạy tới chạy lui. Tôi đọc nhiều về sách tử vi, tướng số và phong thủy nên đem chuyện nầy tán gẫu với Trầm Tử Thiêng. Hình như anh cũng “mê tín dị đoan” thích gợi chuyện nầy. Có lẽ thời điểm đó anh có nỗi niềm tâm sự ray rứt nên tìm lãng quên, thật ra không khí nầy không phù hợp với anh. Một người trầm lặng như anh và một người thích trò chuyện như Lâm Tường Dũ lại hợp nhau. Lâm Tường Dũ biết nhiều những mẩu chuyện xảy trong giới ca nhạc ở Little Saigon với lối kể chuyện duyên dáng, khôi hài, vô thưởng vô phạt nên có biệt danh “Lâm huề vốn”.
Tòa soạn tuần báo Tình Thương nằm trên đường Bolsa (cạnh đường Beech) của vợ chồng Lâm Tường Dũ, có tiệm giặt ủi, khách hàng là thân hữu, có cô Nhung chuyên viên đánh máy nên các bạn văn viết trên giấy, vài nhà báo thu âm phóng sự… phải qua tay cô để in báo. Nơi đây gọi ví von là “tụ nghĩa đường” thật vui.
Viết về Trầm Tử Thiêng, là một trong những nhạc sĩ được đề cập nhiều nhất ở hải ngoại khi anh vĩnh biệt cõi trần nên không muốn lặp lại… Gia tài âm nhạc của anh với khoảng hai trăm bản nhạc để lại rất đa dạng và phong phú trong nền tân nhạc Việt Nam. Du Tử Lê đã nhận định: “Ở thế hệ thứ hai của sinh hoạt 20 năm âm nhạc miền Nam, tính từ 1954 tới 1975, nếu có một người lặng lẽ nhất trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi xuất hiện, thì có lẽ, đó là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng”. Và 15 năm ở hải ngoại, bản tính anh cũng vậy, anh tham gia trong sinh hoạt nhưng thời gian sau đó không thích xuất hiện trước công chúng.
Ngoài ra, anh tham gia trong vài lãnh vực khác như trong Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại, thời gian chúng tôi cộng tác với nhau. Tôi đã viết về tổ chức nầy đã phổ biến trên các trang web, điển hình như Đặc San Lâm Viên
http://www.dslamvien.com/2021/04/viet-ve-hoi-ky-gia-viet-nam-hai-ngoai.html
Đặc biệt với Thư Viện Việt Nam từ khi thành lập với các thành viên nòng cốt sáng lập như Du Miên, Trần Lam Giang, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đức Lập (đã qua đời), Võ Trọng Di (nha sĩ ở San Diego cũng là mạnh thường quân của TVVN)…
Khi anh Trầm Tử Thiêng còn sống, là người kín tiếng, dù biết những bóng hồng một thời và còn dư hương ngày cũ nhưng chúng tôi không hỏi và nhắc đến… Tưởng con người anh khô khan, sống cô độc nhưng đó chỉ là dáng dấp bên ngoài… cho đến khi anh qua đời, bạn bè ngạc nhiên vì nhạc sĩ đào hoa ra phết!
Nhạc sĩ Nhật Ngân trong thời gian học trung học và dạy nhạc tại Đà Nẵng với nhiều kỷ niệm nên coi nơi nầy như quê hương thứ hai trong mọi sinh hoạt của Hội Đồng Hương Quảng Nam ở Little Saigon. Ca khúc Quảng Nam Quê Tôi của anh nói lên tình cảm đó. Với cố hương thì Trầm Tử Thiêng coi như bóng mờ vì rời nơi chốn khi còn trẻ. Có lần tôi hỏi anh trong thời kỳ kháng chiến nhưng anh chỉ nói lâu quá cũng quên… Tôi nghĩ anh có điều gì đó không muốn khơi lại nên tôi không bao giờ đề cập.
Trầm Tử Thiêng và Nhật Ngân phục vụ quân ngũ trong cùng thời điểm được phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị ở Sài Gòn.
Nhân đây đề cập sơ qua chi tiết về giới văn nghệ sĩ khi khi phục vụ trong quân ngũ ở Sài Gòn mà những bài viết sau nầy không nắm vững nên sai lạc. Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa ở các trường trung học có dạy bộ môn vẽ và nhạc. Lúc đó ở Huế và Sài Gòn có trường dạy về âm nhạc và hội họa nhưng sinh viên tốt nghiệp còn hạn chế nên các trường mời những người có khả năng chuyên môn vào dạy nhạc và vẽ dù không có bằng cấp. Vì vậy sau nầy có lệnh động viên, họ không có tú tài I (sĩ quan tài nguyên vào trường Bộ Binh Thủ Đức) nên theo học lớp hạ sĩ quan. Có những người có bằng cấp nhưng muốn ở Sài Gòn nên gia nhập vào Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (trước năm 1965 gọi là Nha Chiến Tranh Tâm Lý) có Cục Tâm Lý Chiến, đài Phát Thanh Quân Đội, nhật báo Tiền Tuyến, nguyệt san Tiền Phong, bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa… và Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương… những nơi nầy gọi là “chiêu hiền đãi sĩ” cho người lính trên mặt trận văn nghệ để họ gia nhập từ binh sĩ đến hạ sĩ quan, sĩ quan. Ngoài ra, còn có các đơn vị, khối, phòng CTCT ở Sài Gòn và phụ cận cũng là chỗ “khoác áo lính” cho văn nghệ sĩ…
Trường hợp Trầm Tử Thiêng, vào thời điểm cuối thập niên 50, anh có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (thường gọi là bằng Diplôme) bằng nầy cũng có giá trị vì thi viết và vấn đáp khoảng 15 phần trăm trúng tuyển. Có mảnh bằng nầy cũng có cơ hội lập thân, nếu có chứng chỉ lớp Đệ Nhị, đủ điều kiện nộp đơn vào vài quân trường để được đào tạo thành sĩ quan QLVNCH. Trầm Tử Thiêng theo học trường Sư Phạm Thực Hành một năm ở Sài Gòn, ra trường dạy tiểu học nhưng với chuyên môn nên dạy nhạc ở trung học. Năm 1966 bị động viên vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế Nha Trang, ra trường về phục vụ tại Phòng Văn Nghệ của Cục Tâm Lý Chiến, vì ngạch giáo chức nên cuối năm 1969 được biệt phái về Bộ Giáo Dục và làm việc tại Trung Tâm Học Liệu… Thời VNCH, thầy cô dạy tiểu học gọi là giáo viên, ở bậc trung học gọi là giáo sư. Ngày nay trong nước chỉ gọi chung là giáo viên. Với văn nghệ sĩ thì vấn đề bằng cấp không thành vấn đề mà chính tác phẩm mới quan trọng tạo nên tên tuổi của họ…
Khi viết về hình ảnh nào đó nơi cố hương, tôi thường liên tưởng đến hình ảnh khác như tấm gương sáng, trân quý và kính phục. Hình ảnh nhà giáo và nhạc sĩ đó có chí, tài năng và đức độ… Ai đã từng học qua nơi mái trường nơi phổ cổ Hội An, dù nay đã trên 70, 80 từng ca bài Hành Khúc Trần Quý Cáp đều nhớ đến nhạc sĩ sáng tác. Nhân lễ thượng thọ nhạc sĩ Huỳnh Nhâm 90 tuổi vào thượng tuần tháng 8 nầy, viết thêm vài dòng. Trường trung học Trần Quý Cáp Hội An thành lập năm 1952, nhạc sĩ Huỳnh Nhâm không có bằng cấp gì nhưng được mời dạy nhạc, thầy tự học lấy bằng tú tài, sau đó động viên vào Khóa 18 trường Bộ Binh Thủ Đức, làm trưởng toán thông dịch viên của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, sau thời gian đi tù, đi diện H.O, định cư tại Little Saigon, tuy tuổi đã cao nhưng tiếp tục học âm nhạc, lấy bằng cử nhân… Thầy ấn hành vài tác phẩm về nhạc lý hòa âm, phối khí… Khi được tặng sách, đúng ra phải viết đáp lễ nhưng tôi nói trình độ nầy rất cao, ngoài khả năng nên không thể “múa rìu qua mắt thợ”.
Nhạc sĩ Huỳnh Nhâm sáng tác nhiều ca khúc, trong đó có Mãi Mãi Bên Nhau, Mộng Tình Đầu, Nhớ Cố Hương, Xuân Mơ Về Quê Mẹ, Đoản Khúc Cho Sài Gòn (thơ Nguyên Hạ)… với tiếng hát ca sĩ Kim Tước. Chờ Đợi, Yêu Em Vô Lượng (thơ Thái Tú Hạp), Buồn Cả Một Chiều Mưa (thơ Phan Nhật Nam)… với tiếng hát Mai Hương… Tương Tư với tiếng hát Quỳnh Giao… Thông thường những ca sĩ nầy kén chọn nhạc phẩm để trình bày, nếu trước kia những ca khúc nầy ra đời ở Sài Gòn hay được phổ biến qua vài trung tâm băng nhạc ở Quận Cam sẽ được giới thưởng ngoạn âm nhạc biết nhiều.
Sáu thập niên về trước, nhạc sĩ Huỳnh Nhâm cùng chơi nhạc Hội An với thầy Lê Khuê, nhạc sĩ La Gia Quảng, Võ Văn Thọ (cậu họ tôi), Trần Thanh, Thái Xuân Đình… sau đó có La Vĩnh Châu (anh rể tôi), nay chỉ còn Hoàng Tú Mỹ (khoảng 95 tuổi) đang sống ở Hội An… Nơi phố cổ nầy cũng là cái nôi âm nhạc của một thời.
Trở lại với nhạc sĩ nơi cố hương, năm 1982 và năm 1983 Nhật Ngân và Trầm Tử Thiêng khi vượt biên ở trại tỵ nạn được ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ định cư tại California, thời gian ở chung với nhau nên chứng kiến mối tình hơn mười năm xa cách… nhưng sau nầy mới đề cập.
Ngày 25 tháng 1 năm 2000, Trầm Tử Thiêng qua đời tại Quận Cam. Là người cô độc nhưng được mọi người quý mến nên đám tang của anh rất đông… trong đó có hình ảnh người tình năm xưa. Trong những ngày anh lâm trọng bệnh, ở trong apartment thành phố Anaheim, giới văn nghệ sĩ muốn tổ chức đêm nhạc gây quỹ nhưng anh từ chối và anh cũng không muốn làm phiền lòng thân hữu ghé thăm.
Viết về mối tình đó qua bài viết của Nguyễn Ngọc Chấn, nay trích đăng:
“Trưa Chủ Nhật, 23 tháng Hai, 2020, khán giả tại thủ đô tỵ nạn, được thưởng thức một chương trình nhạc thính phòng tuyệt diệu, tưởng niệm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Chương trình được ca diễn bởi một thành phần nghệ sĩ tiêu biểu cho nhiều thế hệ…
Trầm Tử Thiêng đã hiến trọn một đời cho âm nhạc, ông được hàng triệu người thương yêu mến mộ. Kho tàng nghệ thuật của ông là 200 ca khúc tình yêu, thân phận, quê hương và chiến chinh. Hành trình sáng tác cũng như tác phẩm của Trầm Tử Thiêng gắn liền với thời cuộc của đất nước và mối tình của chính cuộc đời ông…
… Buổi tưởng niệm Trầm Tử Thiêng năm nay, đặc biệt có sự hiện diện của người bạn đời duy nhất của ông, mối tình được giấu kín gần nửa thế kỷ mà vẫn chưa ngưng rung động… Gần 20 năm ở đất tạm dung, không ai bắt gặp Trầm Tử Thiêng tay trong tay với bất cứ bóng hồng nào. Đằng sau những hào quang của hàng trăm buổi diễn, người vinh danh, kẻ ái mộ, Trầm Tử Thiêng chối bỏ mọi mời gọi, hoặc thương hại, trở về sống co cụm trong căn phòng đơn sơ để hết tâm huyết vào nghệ thuật.
Buổi tưởng niệm vừa qua, với sự xuất hiện “Nửa kia của Trầm Tử Thiêng” như đã được bật đèn xanh, để chúng ta có cơ hội hé mở cái góc khuất về cuộc đời Trầm Tử Thiêng. Là một trong hai nhân chứng, đã được sự đồng ý, chúng tôi không ngần ngại chia sẻ, niềm vui và nỗi buồn với chị Đỗ Thái Tần, mà xưa nay chúng tôi vẫn quen gọi chị dưới cái tên của anh là “Chị Lợi.”
Nhân chứng thứ nhất là cô Minh Phú, người đã làm việc cùng phòng tại Trung Tâm Học Liệu với anh Nguyễn Văn Lợi từ năm 1970 đến 1976 (sau năm 1975 có lưu dụng thời gian). Thứ hai là Nguyễn Ngọc Chấn, “chính hắn đây”; mà ít người biết tôi là một nhà giáo trước khi thành lính Cọp, binh chủng Biệt Động Quân.
“Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở” thế mà nay được về làm việc bên cạnh những đại nhân trong giới cầm kỳ thi họa, một trung tâm văn hóa của Bộ Giáo Dục. Các cổ thụ Hùng Lân, Lê Thương, Vĩnh Phan, Cao Thanh Tùng, và bạn tôi Trầm Tử Thiêng đã hỗ trợ hết lòng cho nền giáo dục tiến bộ nhất Đông Nam Á. Chúng tôi rất hãnh diện là viên gạch lót cho nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.
Nhạc sĩ Hùng Lân, Lê Thương và Nguyễn Văn Lợi mỗi người phụ trách một chương trình nhạc thiếu nhi, trong khi Minh Phú, cô giáo trẻ nhất trung tâm, phụ trách hai chương trình Hương Hoa Đất Nước (Địa Lý) và Giáo Dục Cộng Đồng và vài giáo sư khác như Đặng Ngọc Hương, Bạch Tuyết, Nguyễn Long, Nguyễn Thị Thuyết mỗi người tự lo một chương trình khác nhau theo môn học và tất cả được cơ quan USAID tài trợ…
… Anh Trầm Tử Thiêng, làm việc với tinh thần rất nghiêm chỉnh. Nói về người phụ tá của mình ông Hùng Lân đã từng tâm sự: “Chưa bao giờ thấy anh ấy đến trễ một phút, và vào tới là cặm cụi làm việc ngay.” Ông cũng khoe một chút về người hàng xóm Trầm Tử Thiêng, ở sát vách nhà ông tại đường Tự Đức “Anh chị ấy” đi về êm ả, nói năng nhỏ nhẹ, không hề gây tiếng động làm phiền hàng xóm.”
Anh chị ấy là anh Lợi và chị Tần, các anh chị em trong Trung Tâm Học Liệu chúng tôi được chứng kiến, đồng cảm một cuộc tình tuyệt vời đã được diễn tả trong các tình khúc của anh.
Chị Đỗ Thái Tần mà tất cả chúng tôi chỉ gọi là chị Lợi. Gia đình anh chị mua một căn nhà ở sát vách nhà nhạc sĩ Hùng Lân. Các sinh hoạt ngoài đời thỉnh thoảng anh đem chị đến dự như họp mặt của giáo chức Sư Phạm Sài Gòn, hoặc tiệc tùng của anh chị em trong sở, v.v…
… 1975 chiến sự biến chuyển dồn dập, anh em lao xao, ưu tư về vận nước. Anh Trầm Tử Thiêng vì tự ái ở lại không đi theo chị. Sau 75 anh và cô Minh Phú còn được lưu dụng vì là nhân viên Phòng Ghi Âm. Anh nhận được thư và hình chị gởi từ Mỹ về, anh khoe và tâm sự với Minh Phú: “Trong đời, tôi chưa làm điều gì sai phải hối hận nhưng việc từ chối không đi Mỹ theo gia đình Tần là việc tôi làm rất sai”. Thì ra, thầy giáo Nguyễn Văn Lợi nhà nghèo, trong khi tiểu thơ họ Đỗ là công chúa, con giám đốc mỏ than Nông Sơn, chủ tiệm kim hoàn. Chữ môn đăng hậu đối đã ngăn cách mối tình trong sáng của hai anh chị hồi trẻ. Từ năm 1970, cuộc tình Lợi-Tần mới chính thức thành tựu. Cho tới biến cố 30 tháng Tư, 1975. Gia đình nhạc phụ ngỏ ý cho ghép tên anh Lợi vào hộ di tản chính thức. Vì tự ái, anh từ chối, viện cớ còn mẹ già em dại. Trầm Tử Thiêng lặng lẽ tiễn chân vợ và hai con (con của chị nhưng anh thương như con ruột) chia phôi biền biệt. Cuộc tình của anh đi vào ngõ cụt, nhớ nhung dày vò tim não, tưởng chừng bị chìm đuối. Giai đoạn này anh sáng tác vài tình khúc cho hàng triệu người thưởng thức, nhưng, chỉ một người quặn thắt con tim…
Những đắng cay, đói rét, tù đày không đau buốt bằng sự ngăn cách một đại dương với một nửa trái tim, Trầm Tử Thiêng viết ca khúc để đời “Mười Năm Yêu Em” khi gặp lại chị Tần tại Cali, chị vẫn còn thương yêu anh như thuở nào, trở thành tuyệt phẩm hay và chua xót nhất của tình người.
… Trầm Tử Thiêng phải giấu tên, trốn tránh, tìm đường vượt biên nhiều lần nhưng bất thành, bị bắt ở tù hơn một năm, từ khám lớn Rạch Giá, Trầm Tử Thiêng viết bài “Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biển,” sau đó anh bị đày xuống trại cải tạo lao động U Minh, sống chung với anh em công chức cao cấp và sĩ quan QLVNCH…
… Trở lại với Trầm Tử Thiêng, lúc đến trại tỵ nạn anh sáng tác hăng hơn, tự do hơn. Tự ví mình như con sâu, gói tròn trong cái kén, 10 năm sau mới mọc cánh, cắn lủng cái vỏ để thoát ra, bay đi thành cánh bướm…
… Nói về Trầm Tử Thiêng, tôi có thể viết một bộ bách khoa tự điển, nhưng thôi! Để tưởng niệm, đến đây tôi xin khép lại. Trầm Tử Thiêng được mọi người mến mộ, nhưng chỉ một người có cùng nhịp thở với tim anh.
Tôi cảm thông với nửa trái tim còn lại của Trầm Tử Thiêng,
Cám ơn chị Nguyễn Văn Lợi, Đỗ Thái Tần đã giúp bạn tôi trở thành huyền thoại”.
Hai thập niên trôi qua, Trầm Tử Thiêng và Lâm Tường Dũ trở thành người thiên cổ “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?” (VĐL). Rất tiếc anh mất ở tuổi 63, tuổi còn nhiều kinh nghiệm và trí tuệ, nguồn cảm hứng sáng tác… Nếu còn sống đến hôm nay, sẽ có nhiều nhạc phẩm nổi danh cho nền âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Anh là người có tài, có đức, mô phạm, rất tự trọng, sống giản dị và khiêm nhượng. Thông thường, nhạc sĩ trước qua đời nếu viết Di Chúc thì đề cập đến tác quyền nhưng Trầm Tử Thiêng chỉ viết thư thay lời Di Chúc cho một người và cuộc tình không trọn vẹn! Anh sống cho mối tình dang dở cho đến khi chết mang theo.
Nhạc Sĩ Nhật Ngân đã qua đời vào sáng nay Thứ Bảy 21/1/2012. Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhạc Sĩ Nhật Ngân do Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 28 tháng Bảy, tại Moonlight Restaurant, Westminster. Dù tổ chức muộn màng nhưng đã nói lên tình đồng hương với người con xứ Quảng.
Trong thời gian Trầm Tử Thiêng lâm trọng bệnh, ca sĩ Quốc Việt (Mỹ lai) gọi Trầm Tử Thiêng và Lâm Tường Dũ bằng bố. Quốc Việt tận tình chăm sóc và lo cho “bố Thiêng” đến hơi thở cuối cùng. Lâu qúa, không gặp lại Quốc Việt.
Trầm Tử Thiêng với tâm hồn nhân hậu nhưng cuối đời anh chỉ hận một người trong đám “thương nữ bất tri vong quốc hận” (Đỗ Mục) vì bà “ca kỹ” nầy chỉ biết có tiền mà quên đi tình nghĩa đã một thời gắn bó với nhau. Trước đây “ông tiến sĩ” ở Bắc California viết một bài đả kích bà thậm tệ, khi gặp chồng bà ở nhà sách Tú Quỳnh, ông nhờ tôi viết bài feedback. Tôi nói, ông cũng là nhà báo sao không lên tiếng cho vợ mà nhờ tôi, hơn nữa bài viết nầy cũng không có gì sai… Thời gian sau, khi bà về VN thì đúng là “ca kỹ vong quốc hận” tiền và tiền! Thế nhưng, khi Trầm Tử Thiêng qua đời, bà lại “thương vay khóc mướn” cũng tưởng niệm!
Ở nơi chốn gọi là “gió tanh mưa máu” nầy nếu có viết cuốn sách vài trăm trang cũng chưa hết, trong vườn hoa tươi đẹp thấp thoáng loài sâu mọt.
Hy vọng những dòng nầy được đến với người thân của nhạc sĩ Trần Tử Thiêng trong và ngoài nước để biết thêm tháng ngày nơi cố hương và cuộc đời của anh trải qua thăng trầm của lịch sử.
Little Saigon, 7/2021
Vương Trùng Dương