Nhạc sĩ Phong Nhã là “người viết sử Đội qua các ca khúc”

Nhạc sĩ Phong Nhã lớn hơn chú 9 tuổi. Khi còn là thiếu nhi, chú đã hát những ca khúc của nhạc sĩ Phong Nhã, như: Nhanh bước nhanh Nhi đồng, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng… Chính những tác phẩm của nhạc sĩ đã gợi ý, đã truyền cảm hứng cho chú sáng tác. Đặc biệt, những ca khúc đầu tay của chú cũng là nhạc thiếu nhi. Chẳng hạn bài Hoa xuân đất nước, chú viết vào năm 16-17 tuổi.

Nhạc sĩ Phong Nhã và nhạc sĩ Trương Quang Lục trong một lần hội ngộ

Năm 1957, khi tập kết ra Bắc, chú may mắn được tham gia Đại hội thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam. Trong khoảng 40 người hôm ấy có mặt nhạc sĩ Phong Nhã và nhiều “đàn anh” khác như Văn Cao, Đỗ Nhuận… So với các thành viên khác, chú là người trẻ tuổi nhất, chẳng khác nào em út. Thật sự lúc ấy, chú không ngờ có ngày mình được ngồi cạnh nhạc sĩ Phong Nhã cũng như những nhạc sĩ nổi tiếng khác. Đó là một niềm hạnh phúc rất lớn. Bây giờ, cảm giác ấy vẫn còn đong đầy trong chú dù đã hơn 60 năm trôi qua.

Ngoài đời, nhạc sĩ Phong Nhã là một người giản dị, sống chan hòa. Sau này, có dịp ra Hà Nội, chú lại đến nhà thăm và chuyện trò cùng nhạc sĩ Phong Nhã. Do hai anh em cùng là nhạc sĩ, cùng sáng tác nhạc thiếu nhi nên nói chuyện với nhau rất cởi mở, thoải mái.

Chú Trương Quang Lục đang tìm lại những hình ảnh, tài liệu về nhạc sĩ Phong Nhã để chia sẻ cùng phóng viên Mực Tím.

Nhiều các bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã gắn với các hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi như công tác Trần Quốc Toản, phong trào kế hoạch nhỏ… Tuy nhiên, khác với các câu khẩu hiệu hô hào văn bản hành chính, hầu hết, ca từ trong tác phẩm của nhạc sĩ Phong Nhã đẹp, vừa mang tính văn học vừa mang tính chính trị và có cả chất trong sáng, tươi vui của thiếu nhi.

Trong một lần hai anh em chuyện trò, nhạc sĩ Phong Nhã tâm tình với chú cảm hứng sáng tác bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Đó là lần đầu tiên nhạc sĩ thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghe Người đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. Hình ảnh Người vẫy tay với các em thiếu nhi gây xúc động mạnh trong lòng tác giả. Còn với ca khúc “Bác sống đời đời”, nhạc sĩ sáng tác vào năm 1969 khi hay tin Bác mất. Những câu ca: “Bác còn sống mãi với quê hương đất nước, Bác còn sống mãi với đàn cháu thân yêu thương, Bác Hồ ơi!” như đã nói hộ tâm tình, niềm kính yêu của tác giả với Bác.

Chú Trương Quang Lục và tuyển tập “Đội ta lớn lên cùng đất nước” của nhạc sĩ Phong Nhã do Nhà xuất bản Văn hóa (Hà Nội) in ấn vào năm 1974.

Sau chiến thắng mùa xuân 1975, nhạc sĩ Phong Nhã liên tiếp cho ra đời ba tác phẩm Cảm ơn bầu bạn bốn phương, Tây Nguyên chiến thắng và Bài ca sum họp. Trong đó, Bài ca sum họp phổ biến nhất thời bấy giờ. Chú thích bài này vì phong cách nó mới lạ, tươi vui, réo rắt và trình độ nghệ thuật “nhỉnh” hơn các tác phẩm khác.

Vào những năm 1940 – 1945, nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi có tác phẩm đến với quần chúng ít lắm, có thể đếm trên đầu ngón tay, như: nhạc sĩ Phong Nhã, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý… Là một cán bộ hoạt động trong phong trào thiếu nhi nên nhạc sĩ Phong Nhã cần có những tác phẩm tuyên truyền đến các em. Do vậy, ông đã sáng tác nhiều ca khúc liên quan đến hoạt động Đội. Ngoài ra, với tình cảm, kinh nghiệm “làm việc” với “đàn em”, các tác phẩm của sáng tác của ông thật gần gũi, hợp với tâm lý tuổi nhỏ. Những sáng tác đầu tiên của nhạc sĩ như: Nhanh bước nhanh nhi đồng (1944), Kim Đồng (1945), Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (1945), “Măng mọc thẳng” (1946), người ta đã nhận thấy một tâm hồn gần gũi, một tiếng nói yêu thương, trìu mến với thiếu nhi. Chính vì thế, các tác phẩm này càng được lan truyền rộng rãi và tiếp thêm nguồn cảm hứng để nhạc sĩ viết tiếp hàng trăm ca khúc khác.

Chân dung nhạc sĩ Phong Nhã được vẽ bên trong tuyển tập đầu tay của mình.

Những sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã thường gắn liền với những chủ điểm sinh hoạt, những chủ đề giáo dục, gắn liền với hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam. Trong đó thành công nhất là có những ca khúc dùng trong phần nghi thức của Đội thiếu niên, nhi đồng mang tính chất chính ca, như: Nhanh bước nhanh nhi đồng (1944), Cùng nhau ta đi lên (1950), Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (1970)…

Với chú, nhạc sĩ Phong Nhã là “người viết sử Đội qua các ca khúc”.

NGUYỄN TÚ ghi
(Theo Mực Tím)

Rate this post