Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và những tình khúc vượt thời gian
Đồng chí Võ Văn Thưởng thăm và chúc Tết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh tư liệu: Quang Nhựt/TTXVN
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà. Các tác phẩm âm nhạc của ông luôn được ông chắt chiu, nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài. Nhiều sáng tác của ông sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của vùng miền, chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà và mang đậm bản sắc dân tộc. Trải qua nhiều thập niên, rất nhiều bài hát của ông đến nay vẫn được đông đảo công chúng yêu mến, trong đó có: Dư âm, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Bài ca năm tấn, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Vượt trùng dương…
Như bao thanh niên yêu nước khác, năm 1945, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh. Ông là người sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, với tác phẩm đầu tay “Ai xây chiến lũy”.
Năm 1948, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở Đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn cục. Sau đó, từ năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm Trưởng đoàn. Vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam và là Ủy viên Ban Chấp hành khóa I. Đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vào TP Hồ Chí Minh và làm việc tại Viện Nghiên cứu âm nhạc.
Các tác phẩm âm nhạc của ông luôn được chắt chiu, nghiền ngẫm qua những chuyến đi thực tế trong thời gian dài. Nhiều sáng tác của ông sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của vùng miền, chất trữ tình được thể hiện qua lời ca trau chuốt cùng với giai điệu mượt mà, mang đậm bản sắc dân tộc. Từ chất liệu dân ca nhuần nhuyễn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có khả năng chạm vào mọi đề tài của cuộc sống, từ chăn nuôi đến thủy lợi, từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ giáo dục đến ngân hàng, từ miền núi Tây Bắc đến đồng bằng Nam Bộ.
Đi đến đâu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng sống như người bản địa, học từng cách ăn, lối nói, cách hành xử, giao lưu. Bản “Dư âm” nổi tiếng được ông sáng tác vào khoảng 1950 sau một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tác phẩm lãng mạn được hình thành trong giai đoạn khói lửa ác liệt, khiến người yêu nhạc không thể không liên tưởng đến tình yêu nồng nàn và si mê của tác giả “đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ”. Dư âm được xem là một trong những bản nhạc “vượt thời gian”, được rất nhiều người yêu nhạc hâm mộ và khi nói đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gần như ông bị “đóng đinh” với ca khúc này.
Còn “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” được nhạc sĩ viết trong chuyến đi công tác về vùng đất Kinh Bắc. Và “Dáng đứng Bến Tre” là kết quả của mấy tháng đi điền dã cùng hai vợ chồng nhạc sĩ – nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Lư Nhất Vũ và Lê Giang về với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhạc sĩ từng chia sẻ: “Tôi đến vùng đất nào cũng vậy, đều cố gắng học làm người trước đã và chỉ khi dân ca vùng đó đã ngấm vào máu thịt của mình, tôi mới sáng tác”.
Đề tài về người phụ nữ Việt Nam cũng được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý dành nhiều ưu ái. Nhiều bài hát của ông đến nay vẫn được đông đảo công chúng yêu mến, đó là “Mẹ yêu con”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Bài ca năm tấn”, “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, “Em đi làm tín dụng”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Cô nuôi dạy trẻ”…
Nếu trong tình khúc, những người phụ nữ Việt Nam xuất hiện dưới hình ảnh những thiếu nữ kiều diễm, mơ màng, thì ở những bài ca cách mạng, ngợi ca quê hương đất nước, lao động, sản xuất, họ lại là người phụ nữ Việt Nam sáng ngời tinh thần “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Chính nhạc sĩ có lần tâm sự rằng: “Đề tài phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng thường trực trong tôi. Xưa nay, người ta vẫn thường cho rằng phụ nữ là phái yếu, nhưng nhiều khi chính sự mềm mại, dịu dàng ấy lại là đòn bẩy lợi hại tạo nên sức mạnh khiến ta phải yêu mến, kính phục”.
Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có thể vận dụng âm nhạc dân gian của cả 3 miền Bắc – Trung – Nam vào những bài hát của mình một cách tài tình và có hiệu quả. “Vượt trùng dương” được xem là bài hát cách mạng thành công đầu tiên của ông, bài hát rộn ràng âm hưởng của nhịp điệu hò khoan này ngay sau đó nhận được giải Nhì (không có giải Nhất) của Hội Văn nghệ Việt Nam. Hình tượng của bài hát là con thuyền vượt qua sóng gió biển khơi, gợi liên tưởng về cuộc kháng chiến chống Pháp khó khăn, gian khổ nhưng sẽ đi đến thắng lợi.