Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời: “Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió”
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, với những ca khúc đã đi cùng năm tháng: “Người đi xây Hồ Kẻ Gỗ”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Bài ca Năm tấn”, “Dư âm”…
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống gần 10 thập niên đã qua nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong tâm thức của những người yêu nhạc Việt, vẫn là một tên tuổi không thể lẫn với bất kỳ ai, bởi những ca khúc của ông đã là một dấu ấn đậm nét trong dòng chảy âm nhạc với những giai điệu trữ tình, sâu lắng…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925 tại Vinh, Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông là người đứng đầu một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào, sau vào làm thợ máy nhà máy xe lửa Trường Thi ở Nghệ An.
Thuở bé, Nguyễn Văn Tý học ở Trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy những bài hát của Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca. Ở đó, ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè.
Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawai. Có cây đàn trong tay, Nguyễn Văn Tý bắt đầu đi hát ở phòng trà tại thành phố Vinh kiếm sống. Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ.
Theo lời của Nguyễn Văn Tý, ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947, khi là Trưởng Phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương. Năm 1948, Nguyễn Văn Tý ở đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn cục. Sau đó, từ năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng đoàn văn công của Sư đoàn 304 và làm trưởng đoàn. Bản “Dư âm” nổi tiếng được ông sáng tác khoảng 1950 sau một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. “Dư âm” viết về cô em gái của người bạn đó.
Từ ánh mắt, nụ cười của cô bé 16 tuổi đã khiến chàng trai trẻ xốn xang và ông đã viết “Dư âm” với những lời ca đậm sự lãng mạn: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ/ Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ/ Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió/ Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời/ Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ/ Anh như lầu vắng em như ánh trăng reo muôn ý thơ/ Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến…/ Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ/ Hẹn em từ muôn kiếp trước/ Nhớ em mấy thuở bạc đầu/ Em để cung đàn đưa anh về đâu?/ Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung/ Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung/ Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió/ Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng…”.
Ca khúc “Dư âm” sau này được những người đang yêu, đã yêu và đang mê đắm trong tình yêu, ngân nga như một giai điệu đẹp, ủ ấm con tim mộng ảo đến bến bờ tình yêu thăng hoa.
Năm 1951, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Hòa mình vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc, sau đó Nguyễn Văn Tý tiếp tục có những sáng tác mang ý nguyện, tâm trí của con người mới xã hội chủ nghĩa. Những ca khúc được nhiều thế hệ nằm lòng của ông như “Tấm áo chiến sĩ sẽ mẹ vá năm xưa”, “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, “Dòng nước quê hương”, “Ru người trăm năm”…
Năm 1952, ông quen bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và sau đó hai người thành hôn. Thời gian này ông sáng tác những bài như: “Vượt trùng dương” (1952), “Tiếng hát Dôi-a” (1953) và ca khúc nổi tiếng “Mẹ yêu con” (1956). Đặc biệt, ca khúc “Mẹ yêu con” được coi như một trong những ca khúc hát ru hay nhất, tiêu biểu nhất cho tình mẫu tử trong giai đoạn đất nước đang nhiều khó khăn.
Có lần nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã kể với phóng viên: Ông viết bài “Mẹ yêu con” thời điểm sau khi sinh con, vợ chồng ông phải trở về quê mẹ sống một thời gian trong cảnh khó khăn, túng thiếu. Cũng trong hoàn cảnh này, nhạc sĩ viết nên bài “Mẹ yêu con” bằng cả tấm lòng của những người làm mẹ khi thấy con biết cười, biết nói cho đến lúc trưởng thành.
Nguyễn Văn Tý từng tự hào nói: “Đến bây giờ con tôi vẫn thường khoe với người ta miệng con “chúm chím xinh xinh như đài hoa đang hé trên cành” để nói về nó”. Để thấy, với ông, “Mẹ yêu con” không chỉ là bài hát mà còn là kỷ niệm khó quên gắn liền với những thăng trầm trong cuộc đời và những người con của riêng tác giả.
Được biết, “Mẹ yêu con” lần đầu tiên được thu âm bởi NSND Thanh Huyền. Đây cũng là bản thu mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thích nhất. Sau đó là những tên tuổi khác như NSND Lê Dung, NSND Thu Hiền, ca sĩ Nguyên Thảo và gần đây nhất là bé Thiện Nhân.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Cuối năm 1957, Nguyễn Văn Tý cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đầu năm 1961, ông được biệt phái về Hưng Yên. Thời gian này, Nguyễn Văn Tý đã viết một số ca khúc như “Chim hót trên đồng đay” (1963), “Dòng nước quê hương” (1963), “Tiễn anh lên đường” (1964), “Múa hát mừng chiến công” (1966)… Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong những năm cuối cuộc đời cũng chịu một số nỗi buồn. Ca sĩ Ánh Tuyết, một ca sĩ khá thân thiết với ông từng viết: “Giờ sống một mình khi đã qua phần lớn con dốc cuộc đời, ông nhất định không chịu đến những trung tâm tình thương để sống và nhận sự bảo trợ cộng đồng từ xã hội. Ông bảo, vậy sẽ càng đau khổ hơn khi chứng kiến những nỗi cô đơn giống như mình.
“Người với người sống để yêu nhau”, thế nhưng khi cảm nhận được nỗi đau của nhau mà bất lực thì đó là một điều mà trái tim đa cảm của người nhạc sĩ sẽ không thể chịu đựng nổi.
Tôi gặng hỏi tế nhị khá nhiều lần, mãi rồi ông mới cho biết mình đang sống bằng lương hưu, phụ cấp hoạt động trước cách mạng, rồi tiền tác quyền chừng hơn 1 triệu/tháng, tất cả là hơn 4 triệu đồng mỗi tháng không đủ để ông sinh hoạt tằn tiện thuốc men, chưa kể trả lương đỡ đần việc nhà cho cô cháu gái của người vợ đã khuất cũng mất gần hết số tiền ấy rồi.
Hai cô con gái thì một người sinh sống ở Hà Nội, cô út ở TP Hồ Chí Minh thì cũng gần nhưng chính nhạc sĩ không muốn về sống cùng vì biết hoàn cảnh của các con cũng khó khăn. Nhạc sĩ cho biết thêm thỉnh thoảng có những thính giả yêu mến tác phẩm của ông tìm đến và giúp đỡ ít nhiều, điều này khiến ông có thêm niềm vui và sự tự tin rằng con người và tác phẩm của mình vẫn chưa bị thế gian này quên lãng”.
Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để lại trong lòng người yêu nhạc những dư âm. Người ta vẫn hát về ông, hát các bài hát của ông trong hầu hết các cuộc thi, các cuộc hội họp, thậm chí, rất nhiều trong quán karaoke với những bài hát đã được số đông khán giả thuộc làu làu từng lời ca, giai điệu… Nhưng, có những nỗi buồn vui thế sự thì chỉ người nhạc sĩ sống gần tuổi bách niên giai lão mới thấm và ngấm được vị mặn mòi của nó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một tên tuổi của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX, cha đẻ của nhiều ca khúc bất hủ và chỉ cần nhìn tên những ca khúc ấy, những giai điệu và lời ca đã bay nhảy và vang lên trong trái tim mỗi chúng ta. Đó là những giai điệu bất tận về tình yêu quê hương đất nước, về những vùng đất, con người, tình yêu của mẹ cha dành cho con cái và tình yêu lứa đôi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và truyền cảm hứng khiến ta yêu lây những vùng đất mà ông đã đến, cảm nhận và kể lại trong tác phẩm của mình. Khiến ta dù có thể chưa đến mảnh đất ông kể cũng cảm thấy gần gũi và yêu nó đến nhường nào. Ông là người nhạc sĩ tài hoa, người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến cho âm nhạc với rất nhiều tác phẩm để đời mà bao thế hệ trẻ phải học hỏi, noi theo, phải gọi tên ông là một người thầy đúng nghĩa”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và ca sĩ Ánh Tuyết.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên khi hay tin người thầy đáng kính ra đi cũng ngậm ngùi: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là người thầy đã dạy cho tôi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm nghề trong những ngày đầu đất nước giải phóng. Thầy là người rất uyên bác, có tấm lòng rộng mở, luôn nhiệt thành, sẵn sàng giúp đỡ, truyền dạy kinh nghiệm cho các nhạc sĩ trẻ.
Khi tôi còn là Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, thầy đã cùng tham gia đứng lớp trong nhiều chương trình giảng dạy chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật trong sáng tác âm nhạc cho anh em trẻ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh. Ông là người thầy đáng kính của bao thế hệ nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Nguyễn Đức Trung, Lê Văn Lộc… Nay, thầy đã ra đi, thế hệ nhạc sĩ đã có tuổi chúng tôi thành kính tri ân, kính gửi đến thầy nén nhang tưởng nhớ với nỗi buồn khôn nguôi…”.
Những ngày cuối năm tất bật, sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý ở tuổi 94, đã gợi trong lòng người yêu nhạc những nỗi lòng dư âm tiếc nuối. Dù biết kiếp người là hữu hạn, song trước những tài năng, luôn có những nỗi niềm lắng đọng khôn nguôi.
Tuy nhiên, nói như cổ nhân, ông mất đi chỉ là thể xác, những gì ông để lại mới là tinh anh của cuộc đời, một tài năng mà suốt nhiều thế hệ sẽ còn phải nhớ đến.
Như một giai điệu yêu thương thật đẹp và mềm mại của ông, đã lắng hồn vào sông núi dân tộc: “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn/ Mà đời không ngại đào mấy con kênh/ Ðắp hồ xây đập, ta đưa dòng nước ngọt/ để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm/ Ruộng đồng ta thỏa mơ uớc bao ngàn năm…”.