Nhạc sĩ Hoàng Giác: ‘Lưng trời âu yếm bay đi tìm đàn…’
Nhạc sĩ Hoàng Giác. (Ảnh: Thái Lộc).
1. Thời gian gần đây, biết tin sức khoẻ nhạc sĩ Hoàng Giác đã xuống nhiều, gia đình thường xuyên phải đưa ông vào bệnh viện Việt Xô để có sự trợ giúp kịp thời từ phía các y bác sĩ… Vào ít ngày rồi lại được về, rồi lại vào… Mấy lần tôi đã muốn chạy qua thăm ông mà cứ lần lữa mãi, một phần vì muốn đợi thêm một vài người anh, người bạn bởi đã có lời hẹn nhau từ trước, một phần vì cũng muốn chọn thời điểm thích hợp, bởi sợ sự xuất hiện của mình quấy rầy không gian yên tĩnh của ông…
Thế rồi không thể chần chừ được nữa, sau cuộc điện thoại xin phép nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, trưởng nam của nhạc sĩ, tôi và nhà báo Trần Nhật Minh (VOV2, Đài tiếng nói Việt Nam) chạy xe máy tới thẳng nhà nhạc sĩ Hoàng Giác bên khu Đầm Trấu vào buổi trưa ngày thứ ba, 12 tháng 9 năm 2017… Vẫn là căn phòng ấy, 115- A8, nơi cách đây 7 năm tôi đã tới thăm ông và thực hiện một bài chân dung nhạc sĩ. Cánh cửa khép hờ… Anh Minh và tôi gõ cửa nhè nhẹ… Bà Kim Châu, phu nhân của nhạc sĩ bước ra cửa chào, mời chúng tôi vào… Bà nhận ra tôi ngay dù đã lâu ngày không gặp: “Có phải Vũ đấy không?…”
Bước vào căn phòng nhỏ, trời ơi, nhạc sĩ Hoàng Giác của tôi đây sao? Ông nằm trên giường, người gầy nhỏ như đứa trẻ thơ, dây dợ cắm quanh mình, dáng người hơi co lại như thể sự sống chỉ còn mong manh lắm, phải thật chú ý mới nhận ra hơi thở còn vương nhè nhẹ… Hai anh em lặng lẽ ngồi xuống, ngắm ông và chuyện trò hỏi thăm đôi chút với cụ bà… Thế rồi được chừng hai ba phút, nhạc sĩ Hoàng Giác dường như đã phát hiện ra sự có mặt của chúng tôi. Ông cố gắng chuyển động người, ra hiệu được đỡ dậy. Và việc đầu tiên khi ông ngồi dậy được là nắm tay chúng tôi. Tôi có cảm giác như ông đã sụt đi phải tới 15 – 20 kg so với thể trạng bình thường trước đây, gương mặt hóp lại, mắt ông đã không còn sáng và tinh anh như ngày nào tôi đến thăm ông 7 năm về trước… Nhưng cái thần thái sâu thẳm của người trai Hà thành hào hoa một thuở thì vẫn còn đó, cái nồng ấm ân tình vẫn còn đó… Ông cố nói một vài câu với chúng tôi: “Vũ, Vũ ngày xưa viết bài về bác…”
Cây guitar treo trên vách đã sờn cũ, khóa trờn, phím long. có lẽ chỉ là để treo cho ông đỡ nhớ, chứ cũng lâu rồi không có ai cầm đàn mà gảy khúc nào lên. Anh Minh và tôi rưng rưng hồi lâu… Rồi tôi quyết định phải làm một điều gì đó. Tôi gỡ cây đàn ra khỏi vách treo, kiểm tra sơ qua lại dây và dạo lên vài tiếng nhè nhẹ… Dây đàn hơi thấp, cũng không dám vặn cao hơn cho chuẩn thanh mẫu, nhưng thôi không sao, để bọn con hát tặng ông một vài bản nhạc ngày xưa ông đã viết… Gọi là ngày xưa nhưng những ca khúc ấy, tôi vẫn mãi tin rằng, không bao giờ có tuổi…
“Cô hái hoa tươi, xin dừng bước chân. Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời. Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên. Quên người gặp gỡ, trong một chiều mơ. Chuông chiều ngân tiếng, vấn vương lòng trông theo cô hái hoa. Bước đi bâng khuâng, muôn ngàn sầu nhớ, bóng mờ mờ xa. Tan giấc mơ hoa! Bóng người khuất xa, đôi đường từ đây, ai bước đi không hẹn ngày. Người tuy xa cách, nhưng lòng ta khắc ghi. Bên đèn một bóng, tháng ngày chờ mong”
Và kìa, nhạc sĩ vỗ tay theo từng câu hát của tôi. Bàn tay run run, nhưng ông vẫn theo rất chuẩn từng phách mạnh, phách nhẹ của bản tình ca một thuở, là ca khúc đầu tiên ông công bố năm 21 tuổi và đã nhanh chóng làm nên một tên tuổi Hoàng Giác sống mãi với thời gian.
Tôi hát thêm bài thứ hai, Hương lúa đồng quê, ông lại vỗ nhịp theo, nhưng mới chỉ hát đươc khoảng năm câu thì dây đàn bỗng chùng xuống, lạc đi, không thể chơi tiếp được. Tôi cũng không hiểu vì sao. Bản này giai điệu buồn hơn bài trước, xa vắng mênh mang hoài nhớ quá đỗi: Từ bao năm, quê người sống phiêu linh. Mơ đồng lúa xanh thơm, êm đềm dìu theo cánh gió. Vang tiếng tiêu, ru hồn lúc chiều vàng. Ru lòng khách mơ màng, khúc thanh bình. Từng đoàn mục đồng vui chơi bến sông. Bao cô gái làng trong thôn hát vang. Pha tiếng cười trẻ thơ trong xóm. Đang nô đùa dưới mái nhà tranh..”
Anh Hoàng Nhuận Cầm đã xuất hiện từ lúc nào. Anh cũng đi xe máy tới, xách theo cặp, vẫn dáng tất bật. Anh ghé qua thăm hai cụ, tiếp chúng tôi chút rồi chuẩn bị phải đi duyệt phim – công việc thường ngày các buổi chiều của anh. Và tôi không dám hát thêm bài Ngày về nữa. Anh Minh và tôi kịp ghi lại một vài bức ảnh kỷ niệm, một video clip ngồi hát bên nhạc sĩ cùng với nhịp vỗ tay của ông…
2. Nửa đêm về sáng ngày 15 tháng 9 năm 2017, tôi bỗng tỉnh dậy và đọc tin nhắn mới đến trong điện thoại. Ôi, nhạc sĩ Hoàng Giác đã mất rồi. Anh Hoàng Nhuận Cầm nhắn tin, ông mới đi hồi 23h 38 phút ngày 14 tháng 9 năm 2017, tức là nửa đêm hôm thứ năm. Vào facebook, đọc status mới nhất của anh Cầm: “Buổi tối 14 tháng 9 năm 2017. Nhạc sĩ Hoàng Giác đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 23h38 phút tại nhà riêng. Ông ra đi rất nhẹ nhàng và thanh thản, gửi lại Gia Đình và Cuộc Đời mà ông thương yêu vô vàn là hai hàng lệ vương bên khóe mắt”. Cùng với dòng trạng thái là ảnh chụp ca khúc Ngày về đã ngả màu, có hai vết mực xanh loang ra trên giấy. Bản nhạc này có lẽ đã được nhạc sĩ Hoàng Giác cất giữ qua bao tháng năm, từ cuối những thập niêm 40 của thế kỷ trước…
Vẫn biết trước sẽ có ngày này, vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật muôn đời, mà sao lòng tôi cứ bùi ngùi trĩu xuống. Vậy là một trong những nhạc sĩ cuối cùng của nền Tân nhạc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã ra đi, ông về thế giới bên kia để gặp lại những người bạn âm nhạc một thuở của mình: Đoàn Chuẩn, Ngọc Bích, Dzoãn Mẫn, Phạm Duy, Văn Cao… Ông như một cánh chim luôn xác lập sự trở về với quê hương, dân tộc mình và giờ đây, có phải cánh chim ấy “lưng trời âu yếm bay tìm đàn”, đi về miền miên viễn thênh thang…
3. 9h sáng thứ tư ngày 20 tháng 9 năm 2017, tôi có mặt tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng. Trời mưa tầm tã như thể chút bùi ngùi của chốn cao xanh tiễn biệt người nhạc sĩ. Và đến 9h30, lúc bắt đầu của lễ phát tang thì trời tạnh. Tôi có may mắn được ngồi ở Bàn đón tiếp để ghi tên các đoàn vào viếng lễ tang. Những đoàn người cứ nườm nượp nối tiếp nhau vào dâng hương. Có rất nhiều cơ quan, đoàn thể. Nhưng tôi lại nhớ nhiều nhất về những thân quyến là người nhà của các nghệ sĩ, nhạc sĩ thân hữu của cụ Hoàng Giác: gia đình của tài tử Ngọc Bảo, gia đình nhạc sĩ Đỗ Nhuận, gia đình nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn… Một vài người bạn cùng thời với nhạc sĩ Hoàng Giác, nay tuổi đã ngoài 90, cũng chống gậy tới viếng bạn cũ như cụ Nguyễn Thiệu Giang, các cụ ở dãy phố 124 Hàng Bạc thuở nào…
Cách đây chừng 5,6 năm, có lần, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đọc cho tôi nghe bài thơ có tựa đề Theo vòng bánh xe, như một tiên cảm về phút giây tiễn biệt thân phụ của mình: Tôi lên mua đất Vĩnh Hằng/Bằng tiền nhuận bút nhiều năm để dành/Trên trời xanh, dưới cỏ xanh/Vỡ đôi hạt lệ long lanh NGÀY VỀ/Cúi đầu lạy tạ sơn khê/MƠ HOA từng cánh rụng tê tái lòng/Con đường thẳng, con đường cong/Trái tim quặn thắt theo vòng bánh xe…
Và giờ đây, không chỉ riêng Hoàng Nhuận Cầm và gia đình của nhạc sĩ Hoàng Giác tiễn đưa ông. Vây quanh gian phòng vào giây phút truy điệu thiêng liêng còn có biết bao gương mặt, bao trái tim, bao tấm lòng từng yêu mến thiết tha những tác phẩm của người nghệ sĩ. Cho đến hôm nay tôi mới biết, nhạc sĩ Hoàng Giác chính là một trong 53 nhạc sĩ đầu tiên có công sáng lập và là những thành viên đầu tiên của Hội nhạc sĩ Việt Nam được thành lập vào năm 1957. Và cho đến mùa thu này cũng là lúc ông tròn 60 năm tuổi Hội. Ông đã đi qua những thời kỳ thăng trầm của lịch sử dân tộc, từ lúc Tiền khởi nghĩa, Cách mạng tháng 8, cho tới cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi đến thời kỳ Đổi Mới và sau này… Trái tim người nghệ sĩ lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương với cuộc đời, với con người Việt. “Tuy những sáng tác của Hoàng Giác để lại không nhiều, chỉ trên dưới 20 ca khúc, song đó thực sự là những tác phẩm vô giá, sống mãi trong lòng người yêu nhạc Việt, còn mãi với thời gian như những đóa MƠ HOA nở mãi cùng năm tháng…” – Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định trong lời điếu vĩnh biệt nhạc sĩ Hoàng Giác.
Và với riêng tôi, tôi cảm thấy thật hạnh phúc bởi được đến thăm ông, ở bên ông vào những ngày cuối cùng; được nhìn thấy, nghe thấy những nhịp vỗ tay của ông bên tiếng đàn guitar. Sẽ còn mãi nơi đây những giai điệu của ông. Sẽ còn mãi nơi đây nét hào hoa, lãng tử của người trai Hà thành một thuở. Còn bây giờ, cả mùa thu Hà Nội cùng tiễn ông đi với sương khói trần gian, để những tình khúc của ông mãi còn vang vọng như những tháng năm đầu…