Nhạc sĩ Đức Trí:
Bước vào âm nhạc bằng bộ trống tây và cây đàn bầu thuở thiếu niên, sự nghiệp trải dài trên 20 năm của Đức Trí đi qua nhiều “chương”. Từ tay trống “nhí” đánh xập xình cho các đám cưới, đến nhạc công đàn bầu điệu nghệ của đội nhạc dân tộc Nhà Thiếu nhi TP.HCM trên sân khấu cũng như trong các chương trình Những bông hoa nhỏ trên ti vi.
Vậy “chương” mới của nhạc sĩ Đức Trí trong năm 2013 là gì?
Từ người dẫn dắt ban nhạc Đen Trắng lừng lẫy (đoạt giải nhất Liên hoan Pop Rock Sài Gòn năm 1992; giải nhì biểu diễn keyboard tại Liên hoan nhạc nhẹ toàn quốc năm 1993), đến một tác giả của nhiều ca khúc “hit” một thời như Ta chẳng còn ai, Kathy, Nắng có còn xuân, Khi giấc mơ về, Đêm nghe tiếng mưa…Từ nhạc sĩ hòa âm, phối khí “đắt sô” vào hàng nhất nước đến nhà sản xuất , đào tạo ra những ca sĩ thị trường hạng sao như Hồ Ngọc Hà, Phạm Anh Khoa, Phương Vy… Xen lẫn vào đó là những “chương” rất tĩnh của anh như theo học đại học tại Nhạc viện TP.HCM, học ngành biên soạn và sản xuất âm nhạc đương đại tại Nhạc viện Berklee (Mỹ), đi dạy ở Đại học Sài Gòn, Trường Nghệ thuật Quân đội, Trường nhạc nhẹ MPU và… kết hôn.
Là quay trở lại thực hiện đĩa nhựa 33 vòng mà LP tuyển tập nhạc Nguyễn Ánh 9 có tên gọi Lặng lẽ tiếng dương cầm đã chào hàng đầu năm 2013. Đây là sản phẩm đầu tiên. Hiện tôi đang hoàn thành sản phẩm thứ hai với các giọng ca Ý Lan, Quang Dũng, Thanh Long bass và chuẩn bị thực hiện cái thứ ba cho ca sĩ Phạm Thu Hà. Có vẻ như tôi đi “ngược dòng” khi thị trường hiện nay đang chạy theo trào lưu âm nhạc kỹ thuật số, song có lẽ tôi đã đến tuổi thích hợp với sự mộc mạc trong âm nhạc lẫn âm thanh.
Tôi làm loại đĩa LP này nhằm đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng người nghe có gu thưởng thức kỹ, muốn tận hưởng cái hay của từng chi tiết trong sản phẩm âm nhạc. Cộng đồng này hiện chưa nhiều, bởi phải có máy nghe chuyên dùng, nhưng tôi hy vọng số thính giả “sành điệu” ấy sẽ được nhân rộng. Thật ra, phong trào sản xuất đĩa than trên thế giới đã quay trở lại nhiều năm nay với chất lượng cao hơn trước rất nhiều, bởi sự tiến bộ vượt bậc của các thiết bị thu thanh.
Điều gì đã khiến một người rất đắt sô trong làng giải trí như anh lại “rẽ ngang”, dành phần lớn thời gian cho việc dạy học?
Ngoài mỗi tuần một buổi dạy sáng tác ở trường Nghệ thuật Quân đội, thời gian còn lại, tôi dành cho Trường nhạc nhẹ MPU (294 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM) và Đại học Sài Gòn. Từng khát khao được học nhạc nhẹ chính quy mà trong nước không có nơi nào dạy, hơn 10 năm trước, tôi đã phải dành dụm trong hàng chục năm cật lực cày bừa để tìm đường qua Mỹ, vào trường Berklee. Vì vậy, sự ra đời của một ngôi trường chuyên về nhạc nhẹ như MPU từ ba năm nay, với những học viên có cùng khát khao như tôi ngày ấy, là cơ may.
Còn với tôi bây giờ, chính là sự đồng điệu, là sự thỏa mãn những ấp ủ cả chục năm nay về việc làm sao có được một trường dạy nhạc nhẹ trong nước. Vậy nên, bên cạnh việc nhận làm cố vấn chuyên môn, định hướng đào tạo cho trường, tôi còn trực tiếp hướng dẫn nhiều môn học như sử dụng keyboard, sáng tác, hòa âm, phối khí, âm thanh phòng thu, lịch sử nhạc nhẹ… Còn Đại học Sài Gòn (Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM cũ) là nơi đào tạo giáo viên. Tôi nghĩ, không gì có ích cho bằng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm làm âm nhạc cho những người sẽ đi dạy.
Nhạc nhẹ thế giới đã có hàng trăm năm. Sách vở tiếng Anh không hiếm, nhưng sách được dịch hoặc soạn lại rất ít. Những sách đang được dùng ở ta tụt hậu tới vài ba chục năm so với thế giới. Mỗi ngày đi dạy là mỗi lần tôi soạn giáo án. Thông qua chuyện dạy, dần dần tôi hình thành nên hệ thống giáo trình, chắc chắn sẽ để lại được cái gì đó trong những năm đi dạy. Việc tập trung vào lĩnh vực sư phạm với những mục tiêu tâm huyết như vậy, ngày càng choán nhiều hơn niềm đam mê, khiến tôi dần dần thấy xa lạ với thị trường âm nhạc.
Người ta không đặt hàng nữa, hay anh không nhận làm?
Người ta đặt hàng, nhưng tôi không nhận làm hòa âm, hoặc chỉ nhận có chọn lọc. Công việc thì vô số, nếu nhận, chắc chắn không bao giờ hết việc. Vào những năm 1990, khi tôi mới vào nghề, khách hàng là những hãng đĩa lớn. Bây giờ, khách hàng là các ca sĩ, thường chạy theo trào lưu ăn khách, không ai dám làm cái gì mới, chỉ chạy theo những cái đang có ở thị trường. Đó là lý do khiến tôi không còn hứng thú, vì thấy không phù hợp.
Đã học môn lý luận phê bình âm nhạc (ngành Âm nhạc học) tại Nhạc viện TP.HCM, sao không thấy Đức Trí “phóng bút” phê bình bao giờ?
Trong ngành Âm nhạc học, ngoài môn lý luận phê bình, còn có môn nghiên cứu âm nhạc. Tôi tập trung vào môn thứ hai nhiều hơn. Là người sáng tác, tôi không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Mảng lý luận phê bình âm nhạc trong nước lâu nay quá yếu. Người ta thường nghe phóng viên văn hóa “phán” chứ không nghe được tiếng nói của người chuyên môn về phê bình. Điều đó dẫn đến tình trạng làm cho công chúng hoang mang, không biết có nên tin hay không. Một sản phẩm âm nhạc ra đời, thường có những bài báo viết theo cảm tính, chứ không phân tích được cái hay cái dở, thiếu khách quan và không công bằng với người sáng tác. Đọc báo thường là người trẻ, bị truyền thông dẫn dắt kiểu đó rất nguy hiểm. Những người có chuyên môn bây giờ chỉ còn viết ý kiến của mình trên mạng xã hội mà thôi.
Đức Trí từng nói, một nghệ sĩ thành công là người biết cân đối giữa nghệ thuật và kinh doanh . Công ty Music Faces của anh với những ca sĩ độc quyền như Hồ Ngọc Hà, Phương Vy, Phạm Anh Khoa… có thể xem là một mô hình thành công?
Theo tôi, mô hình này thật ra không hiệu quả, cả về mặt kinh tế lẫn trong quan hệ hợp tác. Sau khi ký hợp đồng, ca sĩ giao khoán mọi việc cho công ty, khiến họ mất đi tính năng động. Hiện nay, Music Faces đã hết hợp đồng với các ca sĩ độc quyền này và chúng tôi đang thực hiện một mô hình ngược: trước kia, công ty thuê ca sĩ, đầu tư cho ca sĩ, nay, ca sĩ thuê lại công ty. Mô hình này giúp ca sĩ chủ động hơn trong công việc, mặt khác, công ty có thể mở rộng việc hợp tác với nhiều ca sĩ khác. Chúng tôi làm thuê cho họ từng dự án, như đã có sản phẩm với Lê Hiếu, Hoàng Bách, Quốc Thiên, Phạm Anh Khoa…
Trước đây, có lúc anh thấy cô đơn vì không có bạn đồng hành trong nghệ thuật và kinh doanh âm nhạc, còn bây giờ?
Các nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp trong nước xuất hiện ngày một nhiều, khiến tôi không còn cảm giác bơ vơ như trước. Đã có những sản phẩm của một số ca sĩ tên tuổi đạt chất lượng về mọi mặt, có bước phát triển mạnh về chuyên môn so với trước đây. Tuy nhiên, con số này còn quá nhỏ so với những sản phẩm chạy theo thương mại. Nhưng tôi không bi quan về thị trường âm nhạc trong nước, bởi cái đẹp, cái hay luôn có mẫu số chung, khó mà đánh lừa cảm giác mãi được.
Đức Trí đã có nhiều ca khúc được người nghe yêu thích, như anh từng tâm sự, chuyện viết ca khúc chỉ là “chuyện nhỏ”, nhưng lâu nay không thấy anh có bài nào mới? Công việc phòng thu với nhiều người là công việc nặng nề, còn anh?
Trước đây, tôi viết ca khúc như một cách giải tỏa cảm xúc của chính mình, còn bây giờ, cảm hứng sáng tác thường nhằm thỏa mãn dự án của ca sĩ mà mình cộng tác, nghĩa là bắt đầu từ công việc hơn là từ cuộc sống. Hiện tôi đang có gần 10 bài đang tìm dịp để công bố. Bài hát như đứa con của mình, đem gửi không đúng người, không đúng chỗ thì tội lắm. Khi người ta ở tuổi 40, tư duy rất khác với tuổi 20, viết những gì từng thấy chứ không phải đang thấy. Tôi là người mê ẩm thực, thường vào bếp nấu những món mình thích, nên lấy nguyên tắc nấu ăn áp dụng trong công việc làm nhạc, hễ cái gì nấu càng lâu, càng mất vị. Tôi làm nhạc rất nhanh, không chủ trương ngồi lâu, bởi kinh nghiệm cho thấy cái hay, cái dở đều hiện ngay trong cảm giác đầu tiên.
Thời sôi nổi, những mối tình của Đức Trí luôn làm “dậy sóng” dư luận. Có ai trong số đó anh từng có ý lấy làm vợ? Và khi chia tay, có ai khiến anh đau khổ vì thất tình hay để lại trong lòng anhác cảm?
Tôi luôn để tình yêu đến một cách tự nhiên, không đi tìm cũng không chờ đợi. Khi yêu ai, tôi đều muốn người đó sẽ là vợ mình, nếu mất đi người đó, mình sẽ không sống nổi, nhưng “qua cơn mê”, thấy thực tế cuộc sống không phải như mình nghĩ. Người ta thường nói, yêu một năm, mất hai năm để quên. Tâm trạng ấy tôi từng trải qua, nhưng thường khi chia tay cũng là lúc tình yêu “tắt lửa” nên không để lại “di chứng” gì nặng nề. Tôi tin vào số phận, từ những cái đến rồi đi trong chuyện tình cảm của mình. Không căm thù hay ác cảm gì ai, nhưng có những lúc tôi thấy tiếc quãng thời gian dành cho chuyện tình với người này người kia, và như vậy mới thấy trân trọng những tình cảm đích thực mà mìnhđược nhận.
Anh kết hôn vào lúc… không ai ngờ. Cho đến nay, công chúng hâm mộ cũng chưa mấy ai hình dung được một Đức Trí chói sáng của giới giải trí ngày nào bỗng trở nên lặng lẽ với cuộc sống gia đình?
Tôi nghĩ mình kết hôn vào đúng thời điểm đủ “chín”, đủ sự trải nghiệm trong cuộc sống độc thân để bước vào cuộc sống gia đình. Xưa, cuộc sống độc thân khiến con người tôi có xu hướng vươn ra ngoài, bây giờ, gia đình đem lại cho tôi sự quân bình. Cái gì trong cuộc đời cũng rất mong manh, nhưng gia đình giúp tôi hiểu giá trị gia đình là giá trị thật, không phải ảo; sự trân trọng của mình cũng rất thật và tôi sẽ cố gắng giữ hết mức có thể. Vợ tôi làm trong ngành quảng cáo, thuộc týp người mạnh mẽ, có tính tự lập cao, không phải là “fan” choáng ngợp bởi hào quang của tôi, nên chúng tôi đối với nhau như bạn nhiều hơn là người tình. Tình yêu của chúng tôi không quá lộng lẫy để không thấy được thực tế. Vợ chồng tôi giống như cách người ta thường nói, người bạn đời phải khác mình để bổ sung cho mình. Con gái của chúng tôi đang ở tuổi mẫu giáo và tôi giành lấy việc sáng chiều đưa đón con đi học. Tôi cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống hiện nay.
Xin cảm ơn và chúc anh hạnh phúc.