Nhạc sĩ Đỗ Nhuận… cán bộ Việt Minh thời tiền khởi nghĩa
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận và con trai, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân tại Matxcova năm 1978.
Làng Vạc, nay là thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là một thôn khá đặc biệt. Đặc biệt vì một thôn đất không rộng, người không đông nhưng có tới 70 dòng họ, nhiều khoa bảng và dân Hoạch Trạch có mặt ở hầu khắp các địa phương trong cả nước và nhiều nơi trên thế giới.
Hoạch Trạch cũng là quê hương của nghề làm lược của nước ta. Và từ thời Lê đã ra Hà thành lập nghiệp và hình thành phố Hàng Lược hiện nay.
Truyền thống của làng Vạc là cứ đến ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, con cháu thuộc các dòng họ dù bận mấy cũng trở về đoàn tụ lo Tế Tổ. Trong ngày Hội làng đông vui đó, những người có công làm rạng danh cho quê hương, cho dòng họ được nhân dân tôn vinh. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những người có vinh dự đó.
Đỗ Nhuận sinh ngày 10/12/1922 trong một gia đình có bố phục vụ trong đội quân nhạc mà dân làng thường gọi cụ là “ông quản kèn Tây”.
Năm 3 tuổi, ông theo bố ra sống và học tập tại Hải Phòng. Vạc, vốn là quê hương của đất chèo – đã sớm gieo vào tâm hồn cậu thanh niên Đỗ Nhuận cảm hứng và đam mê âm nhạc. Song song với học văn hóa và tiếng Pháp, ông say sưa học nhạc. 14 tuổi, ông đã sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như: Sáo trúc, Tiêu, đàn Nguyệt, đàn Tứ, đàn Bầu v.v…
Bước vào những năm học trung học đệ nhất cấp trường Bonnal Hải Phòng, ông tham gia phong trào hướng đạo sinh do Hoàng Đạo Thúy làm Huynh trưởng và bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc phương Tây, bắt đầu học ký âm pháp, học ghi ta, băng giô, viôlông.
Khác với phần đông các nhạc sĩ thời đó theo khuynh hướng lãng mạn, Đỗ Nhuận bước vào làng âm nhạc bằng những bài ca yêu nước. Năm 1939 ở tuổi 17, ông có tác phẩm đầu tay “Trưng Vương”. Trong những năm 1940 – 1941 ông tập trung hoàn thành ca – kịch “Nguyễn Trãi – Phi Khanh” và nhiều sáng tác khác. Những tác phẩm của ông được trình diễn đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta. Chính vì những ca khúc này cùng các hoạt động khác được Mặt trận Việt Minh giao như: in và rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng, vận động học sinh, thanh niên hưởng ứng các phong trào do Mặt trận Việt Minh phát động. Ông đã trở thành cán bộ nòng cốt của Mặt trận Việt Minh trong thanh niên, học sinh Hải Phòng. Hải Phòng những năm 30 là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi tập trung đông giai cấp công nhân và tầng lớp thợ thuyền, nơi sản sinh ra “những con người làm nên lịch sử” như Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt), Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Công Hòa v.v… Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và tầng lớp cần lao của Hải Phòng đã tác động mạnh mẽ đến giới văn nghệ sĩ trẻ Hải Phòng thời đó và cuốn hút họ tham gia vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân bằng những tác phẩm văn học, nghệ thuật của mình như: Nguyên Hồng, Văn Cao, Lê Thương, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn v.v…
Do tham gia các hoạt động của Việt Minh, Đỗ Nhuận đã bị bắt và đưa về giam ở nhà lao Hải Dương. Cuối năm 1943, ông bị đưa ra xét xử tại tòa án sơ thẩm Hải Phòng với mức án 3 năm tù và chuyển lên giam tại Hỏa Lò Hà Nội và sau đó bị đầy lên Sơn La. Chính tại những nơi này, Đỗ Nhuận được gặp “những nhà cách mạng đàn anh” như: Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng (tức Sao Đỏ), Xuân Thủy v.v… và được phân công tham gia tờ “Suối Reo” – tờ báo bí mật của nhà tù Sơn La do Xuân Thủy làm Chủ bút và phụ trách văn nghệ của nhà tù.
Hơn một năm ở Sơn La, Đỗ Nhuận cho ra đời hàng loạt ca khúc như: Chiều tù, Côn Đảo, Hận Sơn La, Tiếng gọi tù nhân, Viếng mồ liệt sĩ. Cùng với việc sáng tác, theo đồng chí Xuân Thủy, Đỗ Nhuận còn là diễn viên kịch tài năng của Nhà tù được anh em mến phục.
Như Đỗ Nhuận từng tâm sự: Chính sự tù đầy đã làm ông gắn bó ngày càng sâu nặng với Việt Minh, với cách mạng và với Đảng của giai cấp công nhân.
Ra tù, cảm hứng về Sơn La, về đời tù, về đồng đội, về chiến khu đã thôi thúc ông hoàn thành hàng loạt những ca khúc cách mạng nhằm cổ vũ, động viên nhân dân ta chuẩn bị Tổng khởi nghĩa điển hình như: Du kích ca, Nhớ chiến khu v.v…
Ngày 23/9/1945 thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Đỗ Nhuận sáng tác: “Tiếng súng Nam Bộ”, Tiếng hát đầu quân, Đoàn lữ nhạc v.v….”.
Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, là chiến sĩ trên Mặt trận văn hóa – văn nghệ, những tác phẩm của Đỗ Nhuận đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta vùng lên, chắc tay súng, vững tay cày, chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ độc lập, tự do của đất nước. Bên cạnh “Áo mùa Đông” đầy trữ tình là “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, là “Du kích Sông Thao”, là “Hành quân xa” – những tác phẩm đã trở thành phổ biến và thân thiết đối với thế hệ thanh niên thời đó, rồi “Trên đồi Him Lam” và Chiến thắng Điện Biên.
Năm 1955, tổng kết 9 năm hoạt động văn học nghệ thuật phục vụ kháng chiến, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được trao giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam về chùm ca khúc liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kéo dài suốt 20 năm, là một trong những cuộc kháng chiến chống xâm lược lâu dài, gian khổ, và ác liệt nhất đã mang lại thắng lợi vẻ vang nhất, tạo một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Nhuận. Các tác phẩm của ông bám sát cuộc sống, cổ vũ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: Quê hương tôi; Thắm hoa núi rừng; Trai anh hùng, gái đảm đang; Vui mở đường; Trống hội tòng quân; Hát mừng các cụ dân quân; Trông cây lại nhớ tới Người; Em là thợ quét vôi v.v… đã ra đời trong bom đạn của chiến tranh, khích lệ quân dân ta vững tay búa, chắc tay súng bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện sức người, sức của giải phóng miền Nam.
Những năm bị giam cầm và tra tấn trong nhà tù của thực dân Pháp trước Cách mạng tháng Tám cũng như hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ xâm lược đã tôi luyện ông – một cán bộ Việt Minh thời Tiền khởi nghĩa thành một chiến sĩ kiên cường, người cộng sản kiên trung trên Mặt trận văn hóa – văn nghệ.
Đỗ Nhuận là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và ở cương vị này suốt 2 khóa (khóa I và khóa II) từ năm 1957 đến 1983.
Ngoài sự nghiệp âm nhạc, Đỗ Nhuận còn là một nhà báo, nhà phê bình âm nhạc. Lịch sử báo Cứu Quốc còn ghi: Sau mãn tù, Đỗ Nhuận rời Sơn La về Hà Nội gặp các bạn tù cũ lúc đó đang là phóng viên của báo Cứu Quốc thời bí mật và được Xuân Thủy – Chủ nhiệm phân công đi cơ sở nắm tình hình, đưa tin, viết bài. Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ Đỗ Nhuận được Trung ương rút khỏi báo Cứu Quốc sang phục vụ quân đội.
Do công lao to lớn đóng góp cho Cách mạng, cho nhân dân và quân đội, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được tặng thưởng:
Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (năm 1996).
Ông mất ngày 18/5/1991 tại Hà Nội.