Nhà văn Hoàng Ngọc Phách – Tâm hồn trong sáng
Trong cuộc đời lao động trí óc cần mẫn và khiêm nhường của mình, ông còn là tác giả của nhiều công trình khác. Đó là những cuốn như “Thời thế với văn chương” – tiểu luận, phê bình văn thơ (1941), “Đâu là chân lý” (1941), “Bên bờ sông Lô” (1966), “Chuyện trường Cao đẳng sư phạm” (1968)… Ngoài ra, ông còn tham gia biên soạn nhiều công trình khác như “Cung oán ngâm khúc” (bình luận, hiệu đính, 1957), “Thơ văn Nguyễn Khuyến” – hợp soạn, nghiên cứu (1957), “Chèo và tuồng’ (1958), “Văn thơ Trần Tế Xương” (1958), “Sơ tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng” (biên soạn, tập 1 năm 1958, tập 2 năm 1959, tập 3a năm 1959, tập 3b năm 1959), “Nhị Độ Mai’ (1960), “Giai thoại văn học Việt Nam’ (1965), “Thơ văn Phan Châu Trinh” (1983)… Để làm được những công trình ấy, ngoài khả năng nghiên cứu, ông còn là một người thông thạo tiếng mẹ đẻ và nắm vững hai ngoại ngữ là tiếng Hán và tiếng Pháp.
Nhưng vì sao tiểu thuyết “Tố Tâm” lại như một tên riêng của Hoàng Ngọc Phách? Cuốn này, ông viết vào năm 1922. Năm đó Hoàng Ngọc Phách mới 26 tuổi. Và đến năm 1925, mới được ấn hành. Cuốn tiểu thuyết ra đời gây tiếng vang kinh ngạc trong giới trẻ nước ta. Trên khắp ba miền rộng lớn, đi lại còn khó khăn, nhưng giới trẻ đều đọc chung cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Giới nghiên cứu văn học nhận định, “Tố Tâm” là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết bằng chữ Quốc ngữ.
Nhà văn Hoàng Ngọc Phách.
Giải thích về sự thành công, nhà văn cho biết, ông sinh ở Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống về khoa cử và văn học. Khi ra Hà Nội, học trường Bưởi, nhưng nhà văn được học một ông thầy người Pháp. Đó là ông Dufresne, học trò thường gọi là cụ “Phèn”. Ông này biết chữ Nho, giỏi tiếng Nam, rất thông thạo về phong tục, lịch sử, địa dư nước ta. Cậu học trò Song An thường được ông dắt về các vùng quê hàng tuần, hàng tháng trời, cùng thầy ghi chép, vẽ phong cảnh. Lúc đói, vào chùa xin phẩm oản…
Về Việt văn, ông được học các giáo sư như cụ Huấn Đan, cụ Bảng Mộng, cụ Tú Tiệp… Các cụ tuy dạy chữ Nho nhưng thường khuyến khích học trò về quốc văn, tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Mấy học trò yêu quốc văn, tụ thành nhóm, luyện tập. Bao nhiêu thơ văn nôm cổ, những Truyện Kiều, Phan Trần… thuộc gần hết. Sau đó, nhà văn được tiếp thu tinh hoa văn học Pháp. Ông đọc Bourget, Barrès… nhưng thích nhất là những văn gia, thi sĩ thế kỷ 18 và 19 như Rousseau, Chateaubriand và bốn thi sĩ mà các ông gọi là tứ trụ – Lamartine, Hugo, Musset và Vigny. Những văn – thi sĩ đó hợp với tâm hồn thanh niên ta lúc bấy giờ.
Nhiều người nhận xét “Tố Tâm” chịu ảnh hưởng văn học Pháp. Nhà văn cho biết: Hồi ấy, ông muốn viết một cuốn tiểu thuyết khác hẳn những tiểu thuyết đã có. Về hình thức, ông sắp đặt theo những tiểu thuyết mới của Pháp, lối kể chuyện, tả cảnh đều theo văn chương Pháp. Về tinh thần, ông đem vào những tư tưởng mới, tâm lý nhân vật được phân tích theo phương pháp của những nhà tâm lý tiểu thuyết có tiếng đương thời.
Khi “Tố Tâm” ra đời, nhiều người suy luận, các nhân vật giống người này, người kia ngoài đời. Nhà văn giải thích, chuyện đời đâu có giống tiểu thuyết. Người viết, tất nhiên, phải thêm bớt ít nhiều cho chuyện được mạch lạc, cấu trúc. Nhưng miêu tả tâm lý mà bịa chuyện thì không có nghĩa lý gì. Đã phân khải một việc ở cõi lòng thì việc đó tất phải hiển hiện, nhân vật phải có thật, và những tư liệu như thư tín, văn thơ trong chuyện đều phải có. Nếu không, câu chuyện của mình chỉ như một lâu đài bằng giấy ở giữa không gian, đứng vững sao được với giờ mưa ngày nắng?
Nhưng sau này, vào năm 2006, người Pháp đã dịch “Tố Tâm” ra tiếng Pháp. Tiểu thuyết được in trong bộ “Kiến thức về Phương Đông”, Nhà xuất bản Gallimard. Trong lời giới thiệu về “Tố Tâm”, Hiệp hội Pháp ngữ Prefasse đã dành những lời trang trọng: “Niềm thương cảm của độc giả khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản đã góp phần vào sự thay đổi tư duy của lớp trẻ thời đó. Và sức mạnh văn chương còn tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực khác đối với xã hội Việt Nam đương thời – nửa thực dân, nửa phong kiến.
Cuốn tiểu thuyết được viết bằng một ngôn ngữ thơ tinh tế, giọng điệu được thể hiện bằng nhiều âm sắc: Chúng ta nghe giọng của người kể chuyện, giọng Đạm Thủy, giọng Tố Tâm, những người mà chúng ta khám phá được cuốn nhật ký và những bức thư gửi Đạm Thủy. Câu chuyện ngắn gọn mà thấm thía kết thúc bằng những từ ngữ vạn kiếp bất phục. Mối tình của họ là những trái tim thuần khiết. Câu chuyện cũng được kể bằng chữ Quốc ngữ thuần khiết của một nhà văn thuần khiết Việt Nam”.
Song cũng có những ý kiến khác. Nhà văn Đặng Thai Mai, trong hồi ký của mình, đã chỉ ra nguyên nhân sự thành công của “Tố Tâm” cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Ông viết: “Nói đến tiểu thuyết, thì những tác phẩm có nội dung yêu nước cố nhiên bị cấm không được phát hành và dầu có được in thành sách thì cũng bị tịch thu ngay. Chung quy chỉ có những tập truyện lãng mạn là có thể ra mắt công chúng. Thành thử tác phẩm gặp thời hơn hết lúc này lại là tập “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách. Một buổi tối, trong phòng nội trú năm thứ ba trường trung học Vinh, chúng tôi đã giật mình tỉnh giấc khi nghe hai cậu bạn sụt sùi, thút thít dưới một cái chăn mỏng, chúng tôi ghé lại giường, thì ra hai anh bạn đang sống như Tố Tâm và Đạm Thủy dưới ánh sáng của phòng nội trú ở trường Quốc học Vinh, hai trang sách “Tố Tâm” đang được mở rộng trên gối”.
Nhưng ngoài đời, nhà văn Hoàng Ngọc Phách không ủy mị như những nhân vật của mình. Dạo học ở trường Bưởi, nhà văn tương lai luôn là một chàng trai hiếu động, tinh nghịch. Cùng bạn bè, ông đặt những biệt hiệu đáo để cho các giáo viên Pháp không tôn trọng học sinh. Cùng với cậu bạn Hồ Trọng Hiếu – nhà thơ Tú Mỡ sau này, họ còn đặt ra hai trường phái là “thơ thơm” và “thơ thối”. Thơ “thơm” ca ngợi cảnh thiên nhiên. Thơ “thối” đả kích những hành vi chướng tai gai mắt. Ông còn viết báo rất nhiều. Ông cộng tác với tờ báo nhất là tờ Nam Phong, đặc biệt là chuyên mục “Văn chương với nữ giới” kéo dài nhiều tháng.
Nhà văn Hoàng Ngọc Phách thời viết “Tố Tâm”.
Trả lời câu hỏi, tại sao sau “Tố Tâm”, ông không sáng tác thêm? Nhà văn trả lời chân thành: Có người cho rằng, ông sợ viết quyển sau không bằng. Sự thực không phải thế. Sau khi ra trường, đi làm, có rất ít thời gian rỗi. Khi đi học, ông tưởng sau này đi làm, sẽ có nhiều thời giờ. Nhưng khi đi làm, nào chức vụ, nào gia đình, không mấy lúc có thì giờ để nghĩ đến một công việc công phu hàng tháng. Thứ nhất, ông ở tỉnh lẻ, có nhiều cái bất lợi cho sự làm văn. Muốn khảo gì, sách thiếu. Xung quanh mình, bạn bè không có chí hướng như mình, không có người khuyến khích. Ngoài ra, lại còn việc xã hội, mình đã có chút địa vị, không mấy việc mình có thể bỏ qua… Vả chăng, sức yếu, làm việc thường đã thấy mệt, nên cũng nản viết văn.
Năm 1922, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, ông dạy học ở trường Thành Chung, Nam Định. Ba năm sau ông chuyển về Hà Nội làm Tổng Thư ký trường Cao đẳng sư phạm. Thời gian đó, phong trào để tang Phan Chu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu diễn ra sôi nổi. Thực dân Pháp ép ông phải có những biện pháp cứng rắn đối với những sinh viên tham gia biểu tình. Nhưng ông làm ngơ. Sau đó, ông bị thuyên chuyển xuống Hải Phòng. Ở đây, vừa dạy học, ông vừa tổ chức những buổi diễn thuyết, những buổi diễn kịch.
Năm 1931, nhà giáo lên Lạng Sơn, tiếp tục công việc dạy học. Năm 1935 ông chuyển về Bắc Ninh. Tại đây, ông tham gia Hội Khuyến học, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Năm 1945, với cương vị và học vấn của mình, ông là một trong những người tích cực trong cuộc Tổng khởi nghĩa và giải quyết những vấn đề khó khăn trong thời kỳ đầu cách mạng.
Về đời tư của ông, trong hồi ký “Những năm tháng ấy” nhà văn Vũ Ngọc Phan kể, một hôm, ông Hoàng Ngọc Phách đến chơi. Bà Hằng Phương, vợ ông Vũ Ngọc Phan đã nhắc đến tiểu thuyết “Tố Tâm” và đọc câu của Đạm Thủy mừng Tố Tâm lấy chồng. Ông Phách rất cảm động. Ông Phan hỏi: “Tôi xin hỏi thật bác, Đạm Thủy có phải là hình ảnh của bác thời xưa không?”. Ông Phách trả lời: “Nhân vật chính trong tác phẩm của mình thế nào chả có một phần mình, dù là phần rất nhỏ”. Ông Phan nhận xét: “Đó là câu tâm sự và đó cũng là một nhận định xác đáng của một tác giả lão thành về người viết tiểu thuyết và tiểu thuyết”.
Thế hệ tôi, những học sinh trung học phổ thông hệ 10 năm (1975-1978) cũng được học trong trường, trích đoạn “Tố Tâm”. Chưa kịp tìm sách đọc, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Chúng tôi nhập ngũ. Ở chiến trường, tôi mang chuyện “Tố Tâm” kể với Lê Minh Quốc, bạn cùng đơn vị, sau là nhà thơ nổi tiếng. Quốc đã đọc “Tố Tâm”. Một ngày đẹp trời, dạo chưa có internet, Quốc gửi tôi cuốn tiểu thuyết này.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Quốc còn biết, ở Hà Nội có một phố được mang tên nhà văn. Rồi Quốc ra Hà Nội. Tôi chở Quốc đến thăm phố Hoàng Ngọc Phách ở Láng Hạ. Ngồi trong quán cà phê trên phố, Quốc còn kể cho tôi về luận án của Hoàng Ngọc Phách làm để tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm: “Bàn về gia đình Việt Nam và ảnh hưởng luân lý của gia đình” (La famille Annamite et son influence morale). Khi làm luận văn, ông đã xem hết những sách của các tác giả người Âu nói về gia tộc Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. Rồi chúng tôi lên trường Bưởi – Chu Văn An, nơi ngày xưa nhà văn Hoàng Ngọc Phách là học trò. Nhớ lại những trang hồi ức về trường xưa của nhà văn, chúng tôi vẫn thấy Hồ Tây, nhưng không còn thấy bóng núi Tam Đảo xa xa như ngày nhà văn đi học. Nhà cao tầng phía đó như những chiến hạm che khuất tầm nhìn. Và bầu trời không còn xanh như xưa. Nhưng nhớ Đạm Thủy – một dòng sông trong sạch. Nhớ Tố Tâm, một trái tim thuần khiết. Như nhà văn, nhà giáo Hoàng Ngọc Phách giản dị, sâu sắc và khiêm nhường.
Và cuộc đời nhà văn Hoàng Ngọc Phách cũng gần như hình đồng dạng với tác phẩm yêu quý của ông. Năm ông 20 tuổi, gia đình quyết định cưới vợ cho chàng sinh viên trường Bưởi. Cô dâu là người cùng quê, có cha tham gia Phong trào Cần Vương. Khi tốt nghiệp, ông bắt đầu viết “Tố Tâm”. Lúc đầu, ông chỉ cho một người bạn thân là Lê Hữu Phúc và hai cô giáo đọc. Mãi đến khi sách được in, vợ ông mới được đọc. Bà có ý kiến: “Truyện cũng hay đấy, nhưng câu cuối thì không thích: “Ngẫm như những lúc tôi được hưởng điều hoan lạc, nghĩ đến nàng thiệt phận thì lại chạnh lòng, mà bây giờ nhiều khi trông cảnh nhớ người, thấy dấu tích như hồn ai còn vương vít”.
Người vợ tảo tần của nhà văn mất năm 1948, khi gia đình tản cư lên Bắc Giang. Cô Hoàng Thị Thục, con gái thứ hai của nhà văn kể, nhiều khi bố cô đi làm về, bước vào nhà, lại hỏi như mọi lần: “Mẹ đâu?”, các con thưa: “Mẹ mất rồi”. Ông ngồi cúi đầu, lặng lẽ hồi lâu, không nói gì. Khi vợ mất, nhà văn mới 53 tuổi. Các con hỏi, sao bố không lấy vợ khác? Ông trả lời: “Đến một tuổi nào đó, người ta không sống vì mình, mà vì con cái”.