Nhà thơ Tú Mỡ: Chuyện thật như đùa và chuyện đùa như thật
Nhiều bạn đọc đã biết đến tên tuổi Tú Mỡ (1900-1976), nhà thơ trào phúng cự phách, người đại diện duy nhất của dòng thơ này được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hẳn không phải ai cũng biết rằng, thật khác với yếu tố hài hước, dí dỏm trong tác phẩm của mình, ở ngoài đời, Tú Mỡ là người ít bông đùa, lối sống mực thước. Những sự “gây cười” – nếu có, thì đa phần mang yếu tố ngẫu nhiên, hiếm khi là chủ định của ông. Có lẽ vì thế mà xung quanh Tú Mỡ, ngoài một ít những câu chuyện “đùa như thật”, bao giờ cũng đầy ắp những câu chuyện “thật như đùa”?
Vóc dáng trái ngược với bút danh
Thường thì với một nhà văn mà ta chưa được tiếp xúc, ta hay hình dung đặc điểm của họ theo như ngữ nghĩa mà các bút danh của họ gợi ra. Tuy nhiên, phải nói ngay là, trong nhiều trường hợp thì hình dung của ta khác xa với đặc điểm của họ trong thực tế. Bút danh của nhà thơ Tú Mỡ là một ví dụ.
Tên thật của Tú Mỡ là Hồ Trọng Hiếu. Sở dĩ ông chọn cho mình cái bút danh nghe có vẻ “sung mãn” nói trên, mặc dù xét về vóc dáng, ông “gầy nhẳng như que, chỉ thấy xương, không thấy… mỡ” (như ông tự nhận xét), là vì ông rất ngưỡng mộ cụ Tú Xương, ước mong kế tục sự nghiệp thơ trào phúng của cụ. Và thế là, từ cái sự “trái khoáy” giữa bút danh và vóc dáng ấy của ông, lịch sử văn học Việt Nam đã có thêm bài thơ đùa trêu Tú Mỡ do nhà văn Nguyễn Công Hoan chấp bút. Bài thơ lý giải vì đâu “Tú Mỡ sống lâu”.
Bịa ra chuyện một lần Tú Mỡ làm thơ “xỏ” Trời, gọi Trời là “sừ”, thậm chí bảo Trời là đồ “xỏ lá”, khiến Trời phải cho Thiên Tào đi dò la khắp hạ giới để tìm bắt Tú Mỡ, đưa về “trị tội”, Nguyễn Công Hoan đã hóm hỉnh vin vào cái bút danh của Tú Mỡ, ý rằng “Mỡ” thì phải…béo, cho nên khi tìm bắt Tú Mỡ, Thiên Tào chỉ chú trọng vào cái tên… “Mỡ” ấy, và đã:
Bắt thằng béo kẹp kìm lòi mỡ
Phớt lờ đi những đứa gầy còm
Kết cục là Tú Mỡ đã “lọt lưới lọt hom”, đã thoát được tay Thiên Tào. Thật là một cách đùa thông minh của Nguyễn Công Hoan với người bạn thơ cùng thế hệ.
Khởi sự là… thơ tình
Đọc nhiều bài thơ châm biếm, đả kích rất sắc sảo của Tú Mỡ, hẳn không mấy ai biết, trước khi thành danh với thể tài này, nhà thơ của chúng ta đã nổi máu viết… thơ tình.
Bài thơ có tên gọi “Tương tư”, xuất xứ như sau: Năm ấy (1916), Tú Mỡ còn đang theo học năm thứ ba Trường Bưởi (Hà Nội). Ông như bị hút hồn bởi một thiếu nữ độ tuổi trăng rằm, nhà ở phố Hàng Bông. Khi nỗi nhớ nhung đã ngày thêm sâu nặng, chàng trai bắt đầu chuyển hướng sang làm thơ. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú, là lối thơ phổ biến lúc bấy giờ:
Vì ai nên nỗi nhớ cùng thương
Một khối tơ tình dạ vấn vương
Sáu khắc mơ màng tình bạn ngọc
Năm canh nhớ tưởng bóng người vàng
Ruột tằm chín khúc vò tơ rối
Giấc điệp năm canh diễn khắc trường
Muốn nhắn cùng ai, ai nhắn hộ
Mòn đuôi con mắt dải sông Tương
Đó là những câu thơ mà sau này, Tú Mỡ đã nhìn nhận lại và đánh giá là những câu thơ vừa “sầu thảm” vừa “khuôn sáo”. May mà ngay từ khi ấy, bài thơ đã được người bạn văn, bấy giờ cùng học một trường là Hoàng Ngọc Phách (tác giả tiểu thuyết “Tố Tâm” nổi tiếng sau này) góp ý, khen mấy câu ba, bốn đối chỉnh, nhưng chê chữ “năm canh” và “sáu khắc” bị cũ. Câu năm, câu sáu khá quen thuộc, như “bắt chước” một ai đó. Chính nhờ những lời góp ý chân tình ấy mà Tú Mỡ đã nhìn nhận lại mình, có được sự nghiêm khắc về nghề. Sau này, ông đi sâu vào một loại thơ khác. Loại thơ đó thể hiện được đúng sở trường của ông và chính vì thế mà chúng ta có nhà thơ Tú Mỡ.
Đùa… người, đến lượt người… đùa
Bởi Tú Mỡ nổi tiếng là một “cây cù” trong làng thơ cho nên bạn bè thân hữu đến với ông, ai cũng thích khơi lên một cái gì đó để… gây cười, kể cả những lúc hoàn cảnh nhà thơ rơi vào tình thế đáng buồn. Chuyện kể rằng, một lần nọ, sau đợt đi nghỉ ở Yanta theo lời mời của Hội Nhà văn Liên Xô trở về, nhà thơ Tú Mỡ phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Xô vì bệnh đường ruột. Những ngày Tú Mỡ năm viện, nhà văn Nguyễn Công Hoan có vào thăm. Và để ông bạn già của mình giải khuây, nhà văn nổi tiếng hài hước này đã làm tặng bài thơ vui, trong đó có mấy câu “hỏi thăm”:
Thế nào thể lực thoái hay tiến?
Không khéo Bành Tổ phát đơn kiện
Truất chức thường vụ Hội Nhà văn
Bắt đưa ra Hội Nhà văn… Điển
Hai chữ Văn Điển (tên một nghĩa trang lớn ở Hà Nội) được nhắc đến thật vui. Nó cho thấy mặc dù đã ở tuổi gần đất xa trời song cả Nguyễn Công Hoan lẫn Tú Mỡ đều chẳng “ngán” gì, chẳng kiêng kỵ gì khi nhắc đến nó cả (nó còn khiến bạn đọc nhớ tới chuyện Tú Mỡ làm thơ vui tặng nhà văn Hoàng Ngọc Phách khi cụ Phách sắp mất, khiến cụ Phách mặc dù rất yếu mệt, vẫn phải cười bảo: “Thú đấy”).
Mấy câu thơ của Nguyễn Công Hoan chính là “cú hích” để khi ra viện Tú Mỡ làm một bài thơ vui, trong đó có câu:
Năm qua Tú lại vào nằm viện
Bệnh cũ lần này có vẻ biến
Trong Hội Nhà văn các bạn lo
Lão già có lẽ về Văn Điển
Đùa mà là thật
Những năm cuối đời, do đau yếu, nhiều lần phải vào viện chữa trị, Tú Mỡ lâm cảnh túng bấn. Thông cảm với gia cảnh của nhà thơ đàn anh, một cán bộ xuất bản đã nảy ý làm đề xuất để Tú Mỡ được tạm ứng trước tiền nhuận bút một số bài dịch thơ Laphôngten. Tú Mỡ rất cảm kích trước nghĩa cử này. Ông tâm sự với bạn bè: “Thế là nhà thơ ngụ ngôn Pháp đã cứu nhà thơ trào phúng Việt Nam”.
Sinh thời, nhà thơ Tú Mỡ từng có dịp được… xuất ngoại. Ấy là lần ông sang thăm Liên Xô (năm 1970). Tại đây, ông đã khiến không ít nhà văn nước bạn phải kinh ngạc khi biết ông có tới… 9 người con.
Khi được hỏi, ông định mua gì làm quà cho các cháu nội, ngoại (bấy giờ cả thảy 27 đứa), Tú Mỡ đã khiến các bạn Liên Xô bật cười thích thú bởi sự thật thà của mình. Ông nói ngắn gọn: “Tôi sẽ mua một quả bóng” (bóng đá). Câu trả lời thoạt nghe ngỡ như… đùa, song nó lại hàm chứa một ý nghĩa rất sát với thực tế. Quả tình, với nguồn tài chính hạn hẹp của ông, chỉ món quà như thế này mới có thể “chia” được cho nhiều người (đứa thì tham gia thi đấu, đứa thì đứng ngoài xem, cổ vũ).
Đùa phải đúng nơi đúng chỗ
Như ở phần đầu bài đã nói, đọc những vần thơ trào lộng của Tú Mỡ, nhiều người cứ ngỡ ở ngoài đời, ông phải là người có tác phong hoạt bát, nói năng dí dỏm, thích bông đùa. Kỳ thực, theo hồi ức của nhiều bạn bè, đồng nghiệp thì ông lại là người điềm đạm, ít nói ít cười. Thậm chí, theo cách nhìn nhận của nhà văn Tô Hoài thì “ở lâu với Tú Mỡ, thấy anh cứ vừa ngơ ngác vừa thâm thúy và không biết đùa”.
Nhà văn Ngô Văn Phú cũng kể lại cảm giác lần đầu được diện kiến bác Tú: “Tôi đọc “Dòng nước ngược”, từ lâu vẫn cứ tưởng bác Tú phải có hình thù khác người lắm. Chẳng hạn, hóm hỉnh, nghịch ngợm, hay chọc ghẹo…, nhưng bác Tú thật hiền”.
Nói cho công bằng thì không phải ở ngoài đời, nhà thơ trào phúng cự phách Tú Mỡ là người “không biết đùa”. Ông chỉ “không thích… đùa” với những điều mà ông cho là hệ trọng. Và nói chung, ông thường chỉ giới hạn sự “ưa vui nhộn, thích châm chích” của mình trên trang giấy, còn thì ở ngoài đời, ông giữ nguyên nếp sống quy củ, chừng mực của một người nguyên là công chức Sở Tài chính (thời thuộc Pháp).
Nhiều người trong văn giới, mỗi khi nói tới nỗi lo sinh kế của người cầm bút thường hay trích dẫn hai câu thơ trứ danh của Xuân Diệu: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Ít người biết rằng, đây là hai câu trích trong bài thơ Xuân Diệu viết tặng Tú Mỡ (đã in trong tập “Thơ thơ” xuất bản lần đầu năm 1938). Bài thơ còn có những câu cho biết nỗi niềm của Tú Mỡ trước thời thế nhiễu nhương: “Giữa người, anh ráng giấu tên đi/ Thi sĩ, thưa cô, có quý gì”, đồng thời cho thấy khả năng chuyên môn và sở thích của ông hồi trẻ: “Hãy biết rằng anh lúc ở trường/ Rất tồi toán pháp, khá văn chương/ Chàng trai đi học nghe chim giảng/ Không thuộc bài đâu, ấy sự thường”.
Xuân Diệu là một nhà thơ trữ tình. Bài thơ của ông mặc dù viết rất cụ thể về một trường hợp song vẫn “ký gửi” tâm sự chung của nhiều người làm thơ thời ấy. Tuy vậy, trong bài thơ cũng vẫn có những đoạn, những câu giọng điệu của tác giả hơi có phần… bông đùa. Có lẽ vì tác giả nghĩ mình đang đối mặt với một nhà thơ trào phúng chăng?
Trong khi, bài thơ của Tú Mỡ viết tặng Xuân Diệu với tư cách người đến với đời sống văn chương báo chí cũng như là người có chân trong nhóm Tự lực văn đoàn trước Xuân Diệu, lại thể hiện ở nhà thơ trào phúng một thái độ rất nghiêm cẩn. Đó quả thực là những lời dặn dò đầy tâm huyết, không chút bỡn cợt: “Tớ gần lên lão ở làng đây/ Mình mới chen chân đến xóm này/ Bền chí mà theo đòi nghiệp mới/ Vỡ lòng đã học lấy nghề hay/ Đường đời sẽ thấy cầu vinh nhục/ Sự thế rồi xem khéo quắt quay/ Ba chục năm dài đi lẽo đẽo/ Nàng thơ chẳng rẫy, ấy là may”.
Nếu như thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, công dân Hồ Trọng Hiếu lấy bút danh là Tú Mỡ với ý hướng nối nghiệp cụ Tú Xương, thì khi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã nhất quyết chọn cho mình một bút danh khác. Đó là: Bút Chiến Đấu. Ông giải thích: “Vì thấy công cuộc kháng chiến là công cuộc nghiêm chỉnh, mình dùng bút danh để đánh địch cũng là việc làm nghiêm chỉnh, cho nên tôi không muốn dùng bút danh cũ là Tú Mỡ”. Không chỉ có thế, hai chữ Tú Mỡ lúc này ông còn nghe gần với “đú mỡ”, có vẻ không được… nghiêm túc.
Thực tế cho thấy, bạn đọc cũng như các nhà quản lý văn nghệ của chế độ mới, không ai có định kiến gì với cái tên Tú Mỡ từ lâu đã trở thành một “thương hiệu” được biết đến rộng rãi, cũng như không ai nghe Tú Mỡ ra thành “đú mỡ” cả. Đấy cũng là lý do để sau này, nhà thơ cự phách của chúng ta đã lại quay về với cái bút danh quen thuộc nói trên.
Những năm cuối đời, Tú Mỡ ít làm thơ. Một bận, có phóng viên trẻ của tòa soạn nọ đến đặt bài ông. Hẳn là do sự hiểu biết của anh chàng này có hạn, nên thay vì đặt nhà thơ lão thành một bài thơ trào phúng, anh chàng lại yêu cầu ông viết một bài thơ “trữ tình” để đăng vào số báo Tết. Thậm chí, anh còn yêu cầu cụ thể, rằng nội dung bài thơ phải “khỏe khoắn, hùng ca”.
Nghe vậy, Tú Mỡ ngỡ ngàng suýt rơi kính. Ông tròn mắt nhìn anh chàng phóng viên. Nhưng bản tính là người điềm đạm, ôn hòa, nhà thơ không có phản ứng gì trước yêu cầu này. Thậm chí, còn hứa ngày nộp bài. Chỉ có điều, đó là một bài thơ chất lượng cũng “bình bình”. Điều này kể cũng dễ hiểu: Thơ trữ tình đâu phải là sở trường của Tú Mỡ.
Thế mới thấy, Tú Mỡ là người rất tôn trọng lời hứa. Đặc biệt, ông rất biết những gì không nên đùa, không được đùa