Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Sự cố hình ảnh minh hoạ có gì mà to tát
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Tôi gọi “sự cố” là nói theo dư luận cộng đồng mạng, chứ thực tình, nó chẳng có gì to tát, ghê gớm cả. Tôi cũng rất ngạc nhiên, và không phải chỉ có tôi mà rất nhiều đại biểu ngồi nghiêm túc ở hội trường, suốt cả hai ngày Đại hội cũng có cảm giác như tôi – là không hiểu sao một việc con con, chẳng hệ trọng gì, lại bùng lên thành một sự cố kinh khiếp đến vậy.
Trước hết, là hình ảnh ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và nhiều đảng viên biến chất bị kỷ luật lồ lộ trên màn hình Đại hội. Quả thật, nếu không biết nội dung, chỉ nhìn hình ảnh thì đúng là phản cảm thật. Nhưng đây là phần văn nghệ của Hội Âm nhạc Hà Nội trước khi khai mạc Đại hội.
Chương trình có bốn bài hát. Ba bài ca ngợi Thủ Đô, trong đó có bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Bài thứ tư là bài Sau lời tuyên thệ của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, phổ thơ Lê Cảnh Nhạc. Anh Nhạc là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, anh Cường là Trưởng ban Kiểm tra Hội khóa 12. Bài hát hưởng ứng cuộc chiến chống tham nhũng, suy thoái và tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo và chủ trương. Người nào vào Đảng cũng tuyên thệ, cũng học theo tấm gương liêm khiết của Bác nhưng rồi không ít người đã nuốt lời tuyên thệ, trở thành nỗi kinh hoàng của dân.
Lần đầu tiên trong âm nhạc Việt Nam đã có bài chống tham nhũng tiêu cực trực diện như thế. Mấy hình ảnh kia là minh họa cho nội dung câu hát, chỉ xuất hiện trong mấy giây. Kể ra, nếu thật sự tinh tế và kỹ lưỡng, thì không nên đưa hình ảnh ông Chu Ngọc Anh, vì dẫu sao, ông cũng là Chủ tịch Hà Nội, đây lại là Đại hội của Hội Liên Hiệp VHNT Hà Nội thì không nên.
Ấy là cái thế thái nhân tình. Còn xét về lý thì không sai. Không có gì sai cả. Vì ông Chu Ngọc Anh dù chưa xử, nhưng đã bị kỷ luật khai trừ Đảng và đang bị tạm giam. Bài hát chạm đến những đảng viên biến chất, thì đưa hình mấy ông biến chất ra minh họa cũng hợp lý thôi chứ có gì đâu.
Chi tiết thứ hai là cử nhạc Hồn tử sĩ trong lễ khai mạc. Thường thì khai mạc các Đại hội, người ta cũng tưởng niệm những Hội viên của Hội mình đã khuất trong nhiệm kỳ. Bình thường và người ta thường làm là dành một phút mặc niệm không cử nhạc. Nhưng hôm đó lại đúng ngày 27/7 thì việc tưởng niệm các liệt sĩ, các văn nghệ nghệ sĩ đã hy sinh trong mấy cuộc kháng chiến và những văn nghệ sĩ đã mất trong cả nhiệm kỳ là việc cần làm.
Nếu ngày bình thưởng chỉ tưởng niệm im lặng, nhưng ngày 27/7, cử nhạc Hồn Tử sĩ cũng là đúng đạo lý, không có gì sai cả. Tôi tin, Đại hội Đảng toàn quốc, hay bất cứ Đại hội nào khai mạc chính thức vào đúng ngày 27/7- một ngày rất đặc biệt trong năm cũng sẽ làm như hội liên hiệp VHNT HN thôi. Làm thế là đúng đạo lý chứ có gì đâu. Tôi là người quan sát, là người rất khách quan, tôi thấy không có vấn đề gì cả. Chúng ta không nên mất thời gian vào những việc chẳng đâu vào đâu.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa