Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ‘gợi ý’ cho thí sinh về đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT 2020

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Khi viết Đất nước tôi là thanh niên mới trưởng thành - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – Ảnh: THƯỢNG HIỂN

* Bài thơ Đất nước ông viết năm 1971 đã được chọn vào đề thi ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ông có thể chia sẻ với thí sinh năm nay ông đã suy tư, trăn trở gì khi viết bài thơ này không?

– Lúc tôi viết bài thơ này tôi là một thanh niên mới trưởng thành. Tôi đã viết bài thơ với tất cả ý nghĩ của tôi về đất nước như vậy đó. Tôi nói ngôn ngữ của thế hệ thanh niên, nên có thể cho đến giờ vẫn phù hợp với tâm tư của nhiều học sinh. Khi tôi viết ra những vần thơ đó, tôi cũng cùng thế hệ trẻ với các em thôi mà.

* Suy tư về đất nước của ông hiện nay so với trước như thế nào? 

– Bài thơ là cảm xúc rất riêng tư của tôi, trong đó tôi chia sẻ rất giản dị đất nước là nơi anh đến trường. Tôi vẫn nghĩ hồi đó tôi nói liều kiểu tuổi trẻ. Bây giờ người ta không nói như vậy đâu. Nhưng đó là cách nói của tuổi trẻ của mình. Nếu mình có sai sót gì người ta sẽ hiểu cho, giờ mình già rồi, mình chẳng nói như vậy nữa.

Giờ ở tuổi này, tôi khó có thể viết được những vần thơ như thế nữa, nhưng suy nghĩ về đất nước của tôi vẫn vậy. Đất nước là của nhân dân chứ không phải của các triều đại, của các ông vua. Nhân dân xây dựng lên đất nước, đất nước là của nhân dân nên phải chăm lo cho nhân dân. Trước nay tôi vẫn nghĩ như vậy.

* Ông nghĩ gì về lòng yêu nước của giới trẻ hiện nay và làm thế nào để vun đắp lòng yêu nước trong giới trẻ?

– Hãy để người trẻ hồn nhiên hiểu về đất nước như họ nghĩ. Khi họ được lựa chọn như vậy, họ sẽ có trách nhiệm về những điều họ nhận thức và suy nghĩ, và có trách nhiệm lâu dài với đất nước của họ thôi.

Đó là một cái lỗi của chúng ta nhiều năm qua khi đã khuôn sáo hóa cách thức tuyên truyền, dẫn đến một số người rơi vào đường mòn tư duy. Tình yêu nước, nói như nhà thơ, nhà văn Ilya Grigoryevich Ehrenburg là yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông.

Hãy để thế hệ trẻ được thể hiện tình yêu nước tự nhiên, đừng giành lấy phần nhận thức của người khác. Tuổi trẻ là phải tự nhận thức, không ai thay thế được họ đâu.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Đất Nước

Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

(Trích Đất Nước – trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 121)

Đề thi văn: Đất nước và Đề thi văn: Đất nước và ‘trân trọng cuộc sống mỗi ngày’

TTO – Đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ra bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, còn câu nghị luận yêu cầu viết về trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Cả thí sinh lẫn giáo viên nói đề dễ.

Rate this post