Nhà thơ BẰNG VIỆT – Bảo tàng Văn học Việt Nam

      1.TIỂU SỬ

Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, nguyên quán tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Ông sinh ngày 15-6-1941 tại phường Phú Cát, thành phố Huế nhưng có cuộc sống tuổi thơ ở Hà Tây, học trung học tại Hà Nội. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

       2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Bằng Việt học đại học tại Liên Xô cũ, Sau khi tốt nghiệp khoa Pháp lý, Đại học Tổng hợp Kiev. Liên Xô năm 1965, ông về Việt Nam, công tác tại Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Đến năm 1969, ông chuyển sang công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1970, ông tham gia chiến trường Bình Trị Thiên với tư cách là một phóng viên chiến trường và làm tại Bảo tàng truyền thống cho Binh đoàn Trương Sơn. Năm 1975, trở về Hà Nội, ông  làm biên tập văn học tại Tạp chí Tác phẩm mới rồi Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Sau khi về Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội (gọi tắt là Hội Văn nghệ Hà Nội) năm 1983, ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1983 – 1989) và là một trong những người sáng lập tờ báo văn nghệ Người Hà Nội (xuất bản từ 1985) rồi Tổng biên tập báo Người Hà Nội. Sau đó được bầu làm Uỷ viên Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, làm tổng biên tập tờ tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (1989 – 1991).

Năm 2001, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và được bầu lại làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2006 – 2010. Tại Đại hội lần thứ VII Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (tháng 9 năm 2005), Bằng Việt được bầu làm một trong 5 Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Ông cũng từng là thành ủy viên Thành ủy Hà Nội (4 khoá), Thư ký thường trực, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội từ năm 1991-2000. Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III và khóa V, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.

       3. TÁC PHẨM

Thơ:

Hương cây bếp lửa (1968)

Đường Trường Sơn, cảnh và người (ký sự thơ 1972 – 1973)

Những gương mặt, những khoảng trời (1973)

Đất sau mưa (1977)

Khoảng cách giữa lời (1984)

Cát sáng (1985)

Bếp lửa – khoảng trời (1988)

Phía nửa mặt trăng chìm (1995)

Ném câu thơ vào gió (2001)

Thơ trữ tình (2002)

Thơ Bằng Việt (tuyển sáng tác 40 năm, 2003)

Nheo mắt nhìn thế giới (2008)

Tác phẩm chọn lọc (2010)

Hoa tường vi (Tập thơ), (7-2018)

Dịch thơ:

Hãy nói bằng ngôn ngữ của tình yêu (dịch thơ Ritsos) 1987

Lọ lem (dịch thơ Eptusenkô, 1982)

Thơ Raxun Gamzatốp (dịch, 2004)

Tuyển thơ trữ tình thế giới thế kỷ 20 (tuyển thơ dịch, 2005)

Tham gia dịch các Tuyển thơ Pushkin, Lermôntôp, Yannis Ritsos, Pablo Neruda, Bagriana, v. v…, tiểu thuyết Muối của đất (G. Markôp); tiểu thuyết TASS được quyền tuyên bố (Yu. Semiônôp), v. v…;

Tham gia biên soạn:

Mozart (truyện danh nhân, 1978)

Từ điển Văn học, 2 tập, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1983-1984, đồng tác giả

Từ điển Văn học (bộ mới), Nhà xuất bản Thế giới, 2004, đồng tác giả

Từ điển tác giả văn học nước ngoài, đồng tác giả, Hữu Ngọc chủ biênTuyển thơ Thăng Long-Hà Nội 10 thế kỷ (2010).

       4. GIẢI THƯỞNG

Giải nhất về thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1967) với bài thơ Trở lại trái tim mình

Giải thưởng chính thức về dịch thuật văn học quốc tế và phát triển giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa bình Liên Xô trao tặng năm 1982

Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.

Giải thưởng thơ của Hội nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Ném câu thơ vào gió” (2002)

Giải thưởng văn học ASEAN 2003

Giải thưởng về thành tựu Dịch thuật Văn học nghệ thuật của Hội Nhà văn Hà Nội, 2005.

Rate this post