Nhà ngoại cảm Bích Hằng lên tiếng trước tâm bão dư luận
“Tôi đã quá quen sống chung với bão dư luận và tin đồn kiểu từ sao hoả rơi xuống ấy nên tôi không thanh minh, giải thích. Tôi tập trung làm những việc mà tôi cho là tốt đẹp cho gia đình và cộng đồng”, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chia sẻ.
Vừa qua, nhà báo Hoàng Anh Sướng và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã tổ chức ra mắt cuốn sách “Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng – hành trình 25 năm tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ” tại Hà Nội. Tác phẩm đã ghi lại một cách trung thực, sinh động hành trình vượt núi, băng rừng đi tìm mộ liệt sĩ với biết bao thăng trầm, gian khó, với những tình tiết ly kỳ, xúc động và cả những tin đồn bủa vây cùng những trải lòng của nhà ngoại cảm Bích Hằng.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và tác giả Hoàng Anh Sướng mong rằng cuốn sách: 25 năm tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ sẽ sưởi ấm vong linh liệt sĩ và thân nhân của họ. Cuốn sách cũng giúp độc giả có một góc nhìn đầy đủ hơn về công việc tìm mộ liệt sĩ.
– Đã lâu rồi sau những tin đồn về chuyện tìm mộ liệt sĩ thật giả lẫn lộn, chị chọn cách ở ẩn. Nhưng ở ẩn rồi, lại có tin đồn chị hết khả năng ngoại cảm. Thực hư chuyện này ra sao, thưa chị?
Tin đồn ư? Có lẽ trong tử vi của tôi có sao “tin đồn” chiếu mệnh nên tên tôi luôn được ưu ái gắn vào các tin đồn. Ngay cả cái chết của cụ rùa hồ Hoàn Kiếm cuối năm 2015, tôi cũng được một số tờ báo gắn vào miệng những lời phán, mặc dầu tôi chẳng một lời phát ngôn. Tôi đã quá quen sống chung với bão dư luận và tin đồn kiểu từ sao hoả rơi xuống ấy nên tôi không thanh minh, giải thích. Tôi tập trung làm những việc mà tôi cho là tốt đẹp cho gia đình và cộng đồng. Đã qua rồi cái thời bồng bột, sốc nổi muốn chứng minh mình trong sạch. Ở tuổi trung niên, tôi thấy mình chín chắn hơn, đằm sâu, trầm tĩnh, vững vàng và hướng nội.
Tôi vẫn đi cầu siêu cho các liệt sĩ, đi từ thiện. Gần thì tôi thăm hỏi, trao quà trực tiếp. Xa thì gửi bưu điện hay nhờ bạn bè. Có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít… nhưng phải cố gắng làm sao đến được tận tay người cần giúp.
Sau lần đi tìm mộ liệt sĩ ở Đắc Lắc về, tôi bị ốm thập tử nhất sinh, có hơn 7000 hồ sơ chờ tôi tìm mộ. Tôi nằm bệt trên giường hàng tháng trời. Đến rất nhiều bệnh viện mà vẫn không tìm ra bệnh. Các giáo sư, bác sĩ vô cùng lo ngại cho sức khoẻ của tôi và khuyên tôi nên nghỉ. Bởi nằm trên giường bệnh nhưng thân nhân liệt sĩ vẫn xếp hàng đợi tôi từ 6h sáng đến 10h để nhờ tìm mộ. Tôi đành phải dặn người nhà và nhân viên của tôi là hãy xin lỗi khách, hãy nói với họ rằng: Cô Hằng hết khả năng rồi, không thể giúp các bác được.
Một thời gian sau, khi khoẻ lại, việc đầu tiên tôi làm là kê khai toàn bộ danh sách các liệt sĩ từ số hồ sơ đang lưu trữ và thỉnh mời Đại lão hoà thượng Thích Chí Tịnh để làm lễ cầu siêu cho tất cả. Bên cạnh đó, tôi sắp xếp xử lý từng hồ sơ, mỗi ngày một ít.
Vậy chị đã giải quyết được bao nhiêu trường hợp trong số 7.000 hồ sơ ấy tính đến thời điểm này?
Tôi đã giải quyết xong cơ bản khoảng trên 5000 hồ sơ. Một số trường hợp thu được thông tin từ người đã mất, tôi chuyển đến cho gia đình. Trường hợp nào không hướng dẫn từ xa được, tôi sẽ đi trực tiếp giúp. Còn một số trường hợp không thể kết nối được với người đã mất (có thể họ đã siêu thoát), tôi trả hồ sơ lại cho gia đình. Song do một số gia đình khi gửi hồ sơ đến, không ghi rõ địa chỉ liên lạc hay điện thoại, tôi vẫn lưu giữ. Hàng năm, tôi thường làm lễ cầu siêu cho họ. Bởi sau nhiều năm đi tìm hài cốt, có những lúc liệt sĩ chỉ dẫn đến tận nơi, chính xác đến từng gốc cây, ngọn cỏ.
Khi đào lên tăng võng gói ghém vẫn vẹn nguyên nhưng lúc mở ra, xương thịt chỉ còn là nắm đất đen, tôi đã ngộ ra: Khi chết, thân xác sẽ trở về cát bụi. Vậy phải làm gì cho phần còn lại của người đã khuất có ý nghĩa nhất? Là một Phật tử ít nhiều được giác ngộ và thấm nhuần giáo lý đạo Phật, được lĩnh ứng nhiều sự mầu nhiệm của Phật pháp nên tôi đã nương nhờ đạo Phật để trợ duyên, làm tốt nhất những gì có thể cho các anh linh liệt sĩ. Nhân duyên tới đâu tôi làm tới đó.
25 năm gắn bó với công việc tìm hài cốt liệt sĩ, đó là cả một chặng đường dài. Chị đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát trong cuộc sống riêng tư để đồng hành cùng rất nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt. Tại sao chị lại chọn con đường nhọc nhằn, chông gai ấy khi mà với khả năng kết nối với thế giới tâm linh, chị có thể dễ dàng kiếm những công việc nhẹ nhàng hơn mà thu nhập vẫn dư dả?
25 năm gắn bó với công việc tìm hài cốt liệt sĩ, đó là cả một chặng đường dài. Chị đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát trong cuộc sống riêng tư để đồng hành cùng rất nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt. Tại sao chị lại chọn con đường nhọc nhằn, chông gai ấy khi mà với khả năng kết nối với thế giới tâm linh, chị có thể dễ dàng kiếm những công việc nhẹ nhàng hơn mà thu nhập vẫn dư dả?
Vâng! 25 năm, chặng thời gian ấy không phải ngắn. Từ khi là thiếu nữ 18 tuổi đến bây giờ là thiếu phụ 44 tuổi. Suốt chặng đường dài ấy, có lúc công việc chọn tôi, có lúc tôi chọn công việc. Khi tuổi còn trẻ, sự bồng bột cộng với sự tò mò, hiếu kỳ khi có khả năng tâm linh, tôi đã chọn công việc tìm mộ và cố gắng chứng minh khả năng ấy của mình là có thật. Tôi đã từng bỏ học để đi theo con đường làm tâm linh. Nếu không có cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khuyên nhủ: “Cháu hãy cố gắng học tập thành tài” thì không biết bây giờ tôi sẽ ra sao.
Đặc biệt hơn nữa là sự khích lệ của bố tôi, người lính Trường Sơn đã bao lần nuốt nước mắt chôn vội đồng đội giữa hai làn đạn. Đã bao lần vào ngày 27/7, bố ngậm ngùi thắp nén nhang quay về dải Trường Sơn gọi tên đồng độ cũ, rồi một ngày chất độc đi-ô-xin phát tác làm cho thân hình tiều tụy, xác xơ. Ông nắm tay, nước mắt lưng tròng, giọng nghèn nghẹn: “Con cứ đi tìm đồng đội của bố đi. Tìm thêm được một người là bố thêm một giờ sống, để chờ con trở về”. Bây giờ không còn bố nữa, tôi lại càng hiểu hơn nỗi khổ đau, niềm khát khao của những gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt của cha mình.
Chỉ tiếc rằng sức khỏe con người có hạn, ngày càng giảm sút theo tuổi tác. Con cái ngày càng lớn, cần sự quan tâm xát xao của cha mẹ hơn. Đã đến lúc tôi cần phải dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.
Những thị phi xoay quanh việc chị tìm thủ cấp của Tướng Phùng Chí Kiên đã gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của chị. Chị muốn nói gì về vụ việc này?
Câu chuyện tìm Tướng Phùng Chí Kiên năm 2008 thực tế rất rõ ràng, minh bạch. Tôi được ban liên lạc Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nhờ giúp đỡ tìm lại phần thủ cấp của Tướng Phùng Chí Kiên. Tôi đã thực hiện các bước theo đúng nguyên tắc, quy định của hệ thống luật pháp và nghi thức tôn nghiêm của tâm linh. Từ những chỉ dẫn tâm linh tôi thu nhận được bằng khả năng đặc biệt, tôi đã hướng dẫn đoàn tìm kiếm đến nơi có phần thủ cấp của Bác. Phần công việc của tôi kết thúc vào 6h chiều ngày 7/5/2008 tại Vân Tùng – Ngân Sơn – Bắc Cạn. Ngay sau bữa cơm tối, tôi lên xe về Hà Nội.
Phần khai quật, cất bốc hài cốt do các cơ quan có trách nhiệm và gia đình bác Phùng Chí Kiên trực tiếp thực hiện vào 1-2 giờ sáng ngày 8/5/2008. Bà Trương Thị Đông (cháu dâu), anh Nguyễn Văn Quang (cháu trai) là những người đích thân thực hiện.
Chiều ngày 8/5, đoàn mang quách gỗ có chứa thủ cấp của bác Phùng Chí Kiên đã được niêm phong, phủ cờ về nhà tang lễ quân đội Bệnh viện quân đội 108 bàn giao. Tôi được thông báo đến dự lễ. Do đến muộn khi mọi nghi lễ bàn giao đã xong nên tôi chỉ vào dâng hoa và thắp hương cho bác.
Sau này, khi lùm xùm xảy ra, gia đình bác Phùng Chí Kiên đã tìm đến tôi để xin lỗi vì việc tôi giúp gia đình mà truyền thông lại đưa tin sai lệch nên ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tôi. Tôi còn giữ đầy đủ tất cả các hồ sơ, tài liệu về vụ đi tìm bác Phùng Chí Kiên và các đơn thư của gia đình.
T.Lê
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và tác giả Hoàng Anh Sướng mong rằng cuốn sách: 25 năm tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ sẽ sưởi ấm vong linh liệt sĩ và thân nhân của họ. Cuốn sách cũng giúp độc giả có một góc nhìn đầy đủ hơn về công việc tìm mộ liệt sĩ.