Nhà báo Thép Mới: Tài hoa và chất thép (Bài 1)
Nhà báo Thép Mới
Theo như nhận xét của nhà báo Phan Quang: “Thép Mới là nhà báo tài hoa nhất trong số những nhà báo Việt Nam mà tôi được biết. Anh là người có thực tài, thực học. Một con người say xưa tìm tòi cái mới, sáng tạo phong cách mới. Một người làm báo với tâm hồn nghệ sỹ” (1) .
KỲ 1: CẢ MỘT ĐỜI LÀM BÁO
Gia đình truyền thống cách mạng
Thép Mới có tên khai sinh là Hà Văn Lộc, sinh ngày 15/2/1925. Quê gốc của ông ở xã Quảng An, huyện Từ Liêm, Hà Nội, (từ tháng 10/1995 là phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông lấy bút danh là Thép Mới với mong muốn được trở thành một nhà văn, nhà báo cách mạng, có chất thép trong tác phẩm của mình như ý hai câu thơ trong bài “Cảm tưởng đọc thiên gia thi” của Hồ Chí Minh: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Ông còn có các bút danh khác như: Phượng Kim, Hồng Châu, Ánh Hồng, tuy nhiên các bút danh này chỉ xuất hiện trong một số bài viết thời kỳ đầu.
Thép Mới có một người em ruột kém ông 3 tuổi, nhà báo nổi tiếng Hồng Hà (tên khai sinh là Hà Văn Trường), là Tổng Biên tập báo Nhân dân (1982-1987), Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (1987-1991), Bí thư Trung ương – Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng (1991-1996).
Do cha của Thép Mới, cụ Hà Văn Nguyên làm công chức ở Ty Dây thép (tức Ty Bưu điện) Nam Định nên Thép Mới được sinh ra ở Nam Định. Lớn lên ở một trong những cái nôi cách mạng của cả nước, theo học ở trường học nơi những nhà cách mạng nổi tiếng Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh… đã từng học tập và hoạt động, nên Thép Mới sớm ảnh hưởng tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp trung học, ông lên Hà Nội theo học đại học Luật khoa và tham gia hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Hội Văn hóa Cứu quốc và bắt đầu viết cho báo Tự trị, cơ quan của Tổng hội Sinh viên Việt Nam.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chọn Hà Văn Lộc về công tác tại báo Cờ giải phóng. Trong bài viết “Tôi làm báo” đăng trong Nội san Nhân dân số quý 2/1985, ông nhớ lại: “…trong cuộc họp phân công các hội viên Văn hóa cứu quốc và anh em cơ sở trí thức ở Hà Nội vào công tác tuyên truyền và văn hóa ngay sau cách mạng thành công, khi có ý kiến đề nghị đưa tôi về Tạp chí Tiên phong của Hội Văn hóa cứu quốc thì chính anh Trường Chinh nhìn vào tôi và bảo: “Đồng chí này đã có công tác rồi!”. Cùng về Cờ giải phóng với ông một đợt còn có Thôi Hữu, Nguyễn Huy Tưởng…
Với Cờ giải phóng, anh thanh niên Hà Văn Lộc chính thức trở thành một người làm báo cách mạng chuyên nghiệp. Bút danh Thép Mới được ghi dưới bài báo “Trung thu độc lập đầu tiên” đăng trên báo Cờ giải phóng số ra ngày 20/9/1945 đã đi theo ông đến hết cuộc đời, trở thành một cái tên nổi tiếng trong làng báo Việt Nam, một sự duy danh định nghĩa cho sự nghiệp lừng lẫy của một nhà báo tài hoa, nhiệt thành yêu nước, cháy bỏng đam mê nghề nghiệp.
Ngày 11/11/1945, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra tuyên bố tự giải tán, nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật dưới cái tên “Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”, vì thế báo Cờ giải phóng cũng ngừng xuất bản sau khi ra số cuối cùng, số 33, ngày 18/11/1945. Để thay thế cho Cờ giải phóng, Trung ương Đảng chủ trương xuất bản báo Sự thật – “Cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”.
Ngày 3/12/1945, báo Sự thật được Chính phủ ký nghị định cho phép xuất bản, chỉ 2 ngày sau, báo đã ra số 1. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo báo. Toàn bộ nhân sự của báo Cờ giải phóng, trong đó có Thép Mới, chuyển sang làm báo Sự thật.
Tháng 2/1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai quyết định Đảng ra hoạt động công khai, đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời cũng quyết định xuất bản báo Nhân dân thay cho tờ Sự thật. Thép Mới tiếp tục làm việc tại báo Nhân dân, trở thành một cây bút chủ lực của báo.
Ngày 11/3/1951, báo Nhân dân ra số đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc trong đó đăng bài tường thuật “Đại hội của chúng ta” của tác giả Thép Mới.
Đầu những năm 1960, Thép Mới vượt đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ. Ông như một người chiến sỹ xông pha trận mạc, sẵn sàng đối mặt với gian khổ, hiểm nguy và hy sinh, có mặt ở những điểm nóng trong cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Nam Bộ, chứng kiến và viết về những sự kiện lớn của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên tiền tuyến lớn của cả nước.
Từ năm 1968 đến 1971, ông là Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Tổng biên tập báo Giải phóng. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thép Mới tình nguyện ở lại TP. Hồ Chí Minh làm đại diện báo Nhân dân để có điều kiện chứng kiến và viết về công cuộc hồi sinh, xây dựng cuộc sống mới của nhân dân miền Nam.
Từ năm 1972 đến năm 1988, khi về hưu, Thép Mới làm Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân, song như nhà báo Hoàng Tùng nhận xét, ông “không có hứng thú làm công tác lãnh đạo, chỉ muốn hòa mình vào cuộc sống, xông tới những nơi xuất hiện những sự kiện, những con người điển hình”2 . Sau khi về hưu, Thép Mới sống ở TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục cộng tác chặt chẽ, viết bài cho báo Nhân dân như một bình luận viên cao cấp.
Ngày 28/8/1991, Thép Mới qua đời tại TP.Hồ Chí Minh, thọ 66 tuổi. Ông là một nhà báo chuyên nghiệp, dành cả cuộc đời cho viết báo, là nhân chứng có thẩm quyền trong suốt một thời kỳ lịch sử hào hùng của cách mạng và của dân tộc. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng hai và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thời “Trung thu độc lập đầu tiên”
Hoạt động trong đoàn thể sinh viên đã đưa anh thanh niên Hà Văn Lộc đến với báo chí – một công việc – một sự nghiệp đã theo ông đến cuối cuộc đời. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương 9/3/1945, Tổng hội Sinh viên Việt Nam tổ chức xuất bản báo công khai Tự trị nhằm tuyên truyền vận động lực lượng thanh niên rộng rãi theo tinh thần liên hiệp, yêu nước, không đi theo con đường thân Nhật trong điều kiện tình hình xã hội rất phức tạp lúc bấy giờ.
Tờ Tự trị do Nguyễn Xuân Sanh làm chủ bút. Tham gia viết cho báo Tự trị là các thanh niên sinh viên, có tinh thần yêu nước, đang hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Việt Nam và Hội Văn hóa Cứu quốc. Hà Văn Lộc là một trong những cây bút tích cực của báo. Và cũng chính từ những bài viết đầu tiên của ông trên tờ Tự trị, người ta có thể cảm nhận những dấu hiệu về một khuynh hướng chính trị, một chất giọng, văn phong riêng có của nhà báo Thép Mới trong tương lai.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Thép Mới thực sự bắt đầu cuộc đời làm báo chuyên nghiệp tại báo Cờ Giải phóng, rồi tiếp tục là cây bút hàng đầu của báo Sự thật, báo Nhân dân. Lý tưởng sống trong sáng, khát vọng cống hiến của tuổi trẻ bắt gặp không khí sôi sục và sức hấp dẫn của cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc đã thôi thúc Thép Mới hăm hở bước vào con đường rộng lớn của cuộc đời mình với tư cách một người chiến sỹ chiến đấu bằng ngòi bút.
Bài báo “Trung thu độc lập đầu tiên” của Thép Mới đăng trên báo Cờ Giải phóng ngày 20/9/1945, nghĩa là chỉ 18 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình, dường như tuôn trào dòng cảm xúc dưới ngòi bút. “Ôi, cuộc sống ngày mai, cuộc sống của các em, cuộc sống say mê nồng cháy. Đời sẽ là một bản đàn rực rỡ có muôn vạn âm thanh. Các em sẽ viết bài thơ bằng sắt thép và bằng lửa đỏ lòng trai: bài thơ của xây dựng ấy”.
Những điều Thép Mới nói với các em nhỏ trong ngày trung thu độc lập đầu tiên ấy cũng là nỗi lòng hân hoan, niềm vui phơi phới, hạnh phúc vô bờ của của tác giả, một con người đã trải qua “chuỗi ngày xanh của một bầy trẻ con nô lệ của một nước nô lệ”, trước thắng lợi của cách mạng, trước tương lai rạng rỡ của dân tộc. Đó cũng chính là bài báo, áng văn mở đầu cho một bút pháp giao hòa giữa sự kiện với chất lãng mạn, giữa chất liệu cuộc sống chân thực với những liên tưởng trữ tình ngoại đề, suy tư mỹ cảm phong phú, một phong cách viết báo Thép Mới.
Nhưng Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, Nhà nước dân chủ nhân dân vừa ra đời đã đứng trước những thử thách khắc nghiệt. Nạn đói khiến người dân nhiều nơi ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ bị kiệt quệ. Trong Nam, thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh quay lại âm mưu chiếm nước ta một lần nữa. Ngoài Bắc, 20 vạn quân Tàu ô kéo vào với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật Bản, kéo theo một lũ tay sai việt gian, nhằm thực hiện âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ”, thủ tiêu những thành quả Cách mạng Tháng Tám mà Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam vừa mới giành được.
Trong điều kiện nước sôi, lửa bỏng đó, Thép Mới viết một loạt bài báo tố cáo những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực chống phá cách mạng. Đó là các bài “Căm hờn” (báo Cờ Giải phóng, ngày 21/10/1945) lên án hành động khủng bố của đội quân thực dân Pháp ở Nam Bộ; “Kẻ nào đã bắt có anh Trần Đình Long?” (báo Sự thật, các ngày 20+23/01/1946) tố cáo hành động khủng bố, bắt cóc của Quốc dân Đảng; “Sự thật ở Việt Trì, Phú Thọ” (báo Sự thật, ngày 29/7/1946) tố cáo bọn lưu manh núp bóng Quốc dân Đảng in tiền giả để cướp bóc của cải thật của người dân; “Thiên đường ở đâu? Thiên đường ở đâu?” (báo Sự thật, tháng 10/1946) phê phán báo Chính nghĩa cơ quan của Quốc dân Đảng đã đăng bài xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Liên Xô; “Sự thật ở Lạng Sơn” (báo Sự thật, tháng 11/1946) tố cáo những hành động phá hoại, khủng bố của quân Pháp ở Lạng Sơn v.v..
Trong 9 năm Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thép Mới là phóng viên, nhà bình luận, cây bút chủ lực của báo Sự thật và báo Nhân dân. Ông viết bình luận về các vấn đề trong nước, phê phán những âm mưu thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc chống phá cách mạng. Ông đi đến nhiều địa phương, nhiều cơ quan, đơn vị quân đội, chứng kiến nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tìm hiểu các chiến dịch quân sự, viết các bài bình luận, các thiên phóng sự.
Một số thiên phóng sự của Thép Mới để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc, trở thành dữ liệu lịch sử quý giá của đất nước. Đặc biệt phải kể đến các thiên phóng sự: “Kháng chiến sau lũy tre, trên đồng lúa” (báo Sự thật, tháng 7/1947); “Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947” (báo Sự thật, tháng 10/1947 – tháng 5/1948); “Trách nhiệm” (Nhà xuất bản Văn nghệ, tháng 5/1951); “Viết tại chỗ về Điện Biên Phủ” (báo Nhân dân, từ 9 – 4 đến 12/6/1954); “Từ Cửa Ông đến Bãi Cháy” (báo Nhân dân, 27 và 28/4/1955)…
Nếu “Kháng chiến sau lũy tre, trên đồng lúa” kể về cuộc sống của nhân dân ta trong kháng chiến, vừa khôn ngoan, sáng tạo trong lao động, sản xuất, vừa thông minh, gan dạ ứng phó với sự đàn áp của kẻ thù, thì “Trách nhiệm” là thiên phóng sự về hành trình đi nước ngoài của tác giả và những cảm nhận, suy nghĩ về tình cảm, sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
“Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947” lại là câu chuyện kể về toàn bộ những chiến công của quân đội và nhân dân ta chống lại cuộc tấn công của quân đội Pháp lên Chiến khu Việt Bắc nhằm tiêu diệt Trung ương Đảng, Chính phủ và đầu não của cuộc kháng chiến, từ chiến thắng trên đèo Bông Lau, các trận đánh Phủ Thông, ngã ba Sông Gâm, bến Bình Ca, đến chiến công của bộ đội Vũ Lăng, các chiến thắng Đèo Khế, Đèo Giàng… Có lẽ, đây là thiên phóng sự đầu tiên thể hiện rõ nét phong cách đặc trưng của Thép Mới. Đó là chất sự kiện, sự tiếp nối của những chi tiết, hành vi, sự việc, con người rất cụ thể, gắn bó chặt chẽ với những liên tưởng, suy luận, những cảm xúc chủ quan.
Phóng sự “Viết tại chỗ về Điện Biên Phủ” cùng một bút pháp như “Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947” nhưng có quy mô lớn hơn, được đăng tải từng phần trên báo Nhân dân từ 9/4 đến 12/6/1954. Tác giả đã chứng kiến và kể về những ngày ác liệt nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến khi tướng Đờ-cát cùng bộ chỉ huy địch đầu hàng và niềm vui “rung chuyển cả bầu trời” của bộ đội và nhân dân Tây Bắc về chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Phóng sự “Viết tại chỗ về Điện Biên Phủ” như một bộ phim tài liệu – chính luận, một bức tranh toàn cảnh sinh động về chiến thắng Điện Biên Phủ với sự góp mặt của những nhân vật chính làm nên chiến thắng là những anh bộ đội, những người dân công hỏa tuyến và nhân dân Tây Bắc. Với thiên phóng sự “Viết tại chỗ về Điện Biên Phủ”, Thép Mới hầu như tô đậm hơn, khẳng định rõ hơn phong cách riêng có của mình, sự giao hòa giữa chất sự kiện báo chí với chất lãng mạn trong những suy tư, liên tưởng, trữ tình ngoại đề của tùy bút. Nói như Hoàng Tùng, phóng sự của Thép Mới “có phong cách đặc thù, phóng sự – tùy bút, văn học và tân văn thống nhất với nhau”.
Tháng 5/1964, trong dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thép Mới công bố tác phẩm “Điện Biên Phủ một danh từ Việt Nam”. Có thể nói “Điện Biên Phủ một danh từ Việt Nam” là thiên bút ký chính luận, sự tiếp nối của “Viết tại chỗ về Điện Biên Phủ”, với những tư liệu còn tươi mới, với những bình luận, phân tích sâu sắc nhằm nhấn mạnh hơn, làm rõ hơn, nhất là tô đẹp thêm võ công oanh liệt, “chấn động địa cầu” của quân và dân ta.
Thời “Chiến hào chan chứa tình thương”
Từ sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết đến khi kết thúc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là 20 năm. Suốt 20 năm ấy, Thép Mới liên tục có mặt trên tuyến đầu của công cuộc xây dựng đất nước và chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trong suốt 20 năm ấy, ngòi bút của Thép Mới không ngừng nghỉ, không bao giờ vơi cạn cảm xúc và nhiệt huyết sáng tạo.
Có thể nhận thấy, hai mảng đề tài lớn nhất trong các tác phẩm của ông trong thời kỳ này là: Quan hệ hữu nghị với đồng chí, bạn bè trên thế giới và cuộc chiến tranh cách mạng chống kẻ thù xâm lược. Các tác phẩm của Thép Mới viết về mảng đề tài thứ nhất chủ yếu tập trung trong thời gian trước khi ông vào Nam, khoảng đầu năm 1965.
Mỗi bài viết của ông gắn liền một chuyến đi công tác nước ngoài, nhất là các chuyến tháp tùng đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đi thăm Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ từ 22 – 6 đến 22/7/1956 và đi thăm 9 nước xã hội chủ nghĩa (Triều Tiên, Tiệp Khắc, Balan, CHDC Đức, Hungari, Nam Tư, Anbani, Bungari, Rumani) kéo dài 55 ngày, từ 6/7 đến 30/8/1957. Đó là: “Những ngày tươi nắng ở Maxcơva” (Nhân dân, tháng 7/1955); “Bốn vạn cây số hành trình hữu nghị” (Nhân dân, số 02/9/1957); “Nắng về trên cách đồng Chum” (Nhân dân, số 17/9/1961); “Hiên ngang Cuba” (Nhân dân, số 15/3/1962), “Hai lần đến bãi biển Hirôn”, v.v..
Trước đó, năm 1950, giữa lúc cuộc Kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, Thép Mới với tư cách nhà báo đã có một chuyến đi thăm Liên Xô, một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu rồi về nước qua Trung Quốc. Chuyến đi ấy để lại hai tác phẩm; “Thư về nước” (Sự thật, 16/12/1950) và “Trách nhiệm”, Nhà xuất bản Văn Nghệ, tháng 5/1951. Các tác phẩm viết trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên, hay những chuyến đi về sau của Thép Mới ngập tràn trong niềm vui và sự xúc động.
Khánh thành con đường mang tên Thép Mới năm 2014 tại Hà Nội
Đi ra từ trong khói lửa chiến tranh hay những khó khăn, gian khổ của những ngày đầu dựng xây đất nước, ông được tận mắt chứng kiến những thành tựu xây dựng hòa bình, cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Những điều ấy lại thôi thúc ông nghĩ về nhân dân, Tổ quốc mình.
Trong mỗi câu chuyện, mỗi cảnh sắc bắt gặp trên đường, mỗi cuộc gặp gỡ những người bạn, người đồng chí, ông đều như gửi gắm niềm tự hào, tin tưởng về con người, đất nước mình, về cuộc cách mạng chân chính của dân tộc mình và của chính mình.
Trong các tác phẩm thuộc mảng đề tài thứ nhất, “Hiên ngang Cuba” như viên đá quý lấp lánh sáng, một tác phẩm đặc sắc, nổi bật, đại diện đầy đủ nhất và thể hiện rõ nét nhất phong cách phóng sự – tùy bút của ông. Thép Mới viết về đất nước, con người Cuba, về lãnh tụ Phiđen Castrô, về cây cọ – hình ảnh tượng trưng cho khí phách của người dân và cuộc cách mạng chân chính của Cuba, với thái độ trân trọng, tình cảm tha thiết, chất giọng tráng ca và cả niềm tự hào như chính là những điều cao đẹp của nhân dân mình, những thành công của cuộc cách mạng trên đất nước mình.
“Một dân tộc mà cả lịch sử là anh dũng trường kỳ không thể không cảm, không yêu cái phong độ rất đỗi hiên ngang của bạn. Cái hiên ngang của những con người đã quyết: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và với lòng tin hết sức biện chứng, Cuba giơ thẳng nắm tay: “Benxêrêmôxơ” nghĩa là “Chúng ta sẽ thắng!”.
Các tác phẩm của Thép Mới viết về mảng đề tài thứ hai hầu như trải dài suốt khoảng thời gian từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ cho đến Đại thắng mùa xuân 1975, nhưng tập trung nhất chính là trong 10 năm 1965 – 1975. Đó là một số lượng lớn đến hàng trăm phóng sự, bút ký, tùy bút, như: “Đà Nẵng, thanh gươm kề cổ giặc Mỹ” (Đà Nẵng, tháng 6/1965); “Mìn chông Điện Bàn” (Nhân dân, 26 và 27/5/1965); “Lớp lớp người con của biển căm hờn” (Nhân dân, 28 và 29/7/1965); “Trường Sơn hùng tráng” (Nhân dân, từ 19 đến 22/8/1965); “Tây nguyên, thành đồng của thành đồng” (Nhân dân, từ 8 đến 10/6/1966); “Anh giải phóng quân” (Nhân dân, từ 12 đến 14/7/1966); “Một trận đánh “chí cốt” (Nhân dân, từ 17 đến 21/7/1966); “Tây Nguyên chỉ một lời nguyền: Đánh Mỹ tới cùng” (Nhân dân, từ 30/8 đến 01/9/1966); “Trái mìn của người du kích” (Nhân dân, từ 21 đến 29/5/1967); “Từ trận Điện Biên của đất Củ Chi” (Nhân dân, từ 12 đến 17/9/1967); “Ở một góc mặt trận Sài Gòn (Đợt II Mậu Thân)” (Nhân dân, các ngày 20/6, 20/7, 30/7 và 20/8/1968); “Vươn lên xốc tới” (Nhân dân, ngày 30/7/1968); “Mùa thu ơi, mùa xuân gọi chiến trường chan chứa tình yêu” (Nhân dân, các ngày 02/9 và 5/9/1968); “Nguyễn Thái Bình, nổi dậy của trái tim anh” (Nhân dân, từ 25/7 đến 2/8/1972); “Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người” (Nhân dân, từ 17 đến 26/12/1972); “Sài Gòn, hừng đông của ngày mới” (Nhân dân, ngày 5/5/1975); “Đường Hồ Chí Minh sáng đỉnh Trường Sơn” (Nhân dân, từ 19/5 đến 26/5/1975) v.v.. và v.v..
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn
1. Phan Quang: Thép Mới – cây bút tài hoa, tạp chí Báo chí & Tuyên truyền, số 4 (tháng 7+8-2000).
2. Hoàng Tùng: Một cây bút thép, sách “Thép Mới: Cây tre Việt Nam”, Nxb CTQG, HN, 2001, tr. 9.
—
Đón đọc Kỳ 2: Thời “vất vả đi lên”