Nguyễn Xiển là ai? Đóng góp của ông cho giáo dục, cách mạng?
Giáo sư Nguyễn Xiển là một trí thức uyên bác có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân kháng chiến, kiến quốc của thế kỷ 20.
1. Nguyễn Xiển là ai?
Nguyễn Xiển là Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam (1956–1988) và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam (từ năm 1960 đến 1987)
Ông sinh năm 1907 và mất năm 1997. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học có tiếng của xứ Nghệ, lòng yêu nước của Nguyễn Xiển được thừa hưởng từ truyền thống gia đình và nhen nhóm dần qua tháng năm.
Ông nội của Giáo sư Nguyễn Xiển là cụ Nguyễn Văn đỗ Cử nhân triều vua Tự Đức, làm quan đến chức Án sát tỉnh Khánh Hòa. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, cụ cử Nguyễn Văn đã từ chức Án sát Khánh Hoà, về làng dạy học. Cha của Giáo sư Nguyễn Xiển là cụ Nguyễn Cự Điển, đỗ Cử nhân năm Thành Thái thứ 15 (1903), làm Tri huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) rồi cáo quan về sống cuộc đời thanh bạch.
Nguyễn Xiển là người rất tài năng, thích làm khoa học, say mê toán học. Trước đó, vì tham gia bãi khóa trong cuộc vận động học sinh trường Bưởi để tang cụ Phan Chu Trinh nên ông bị cấm thi tú tài bản xứ, nhưng không bị cấm thi tú tài Tây. Vì vậy, năm 1928, Nguyễn Xiển thi tú tài Tây và giành được học bổng đi Pháp.
Trong sự nghiệp của mình, giáo sư đã giữ nhiều cương vị quan trọng như: Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, Bộ trưởng Bộ Cứu tế – xã hội, Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Điều đặc biệt, từ một trí thức tây học, giáo sư đã được Bác Hồ cảm hóa trở thành người cách mạng, một lòng đi theo lý tưởng của Người.
Giáo sư Nguyễn Xiển có tất cả 9 người con đều giỏi giang và thành đạt. Sinh ra trong một gia đình trí thức, các con của ông đều được học hành một cách khá kỹ lưỡng, được răn dạy cẩn thận, chính quy, nghiêm túc. Sau này, họ trở thành cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, những nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc.
2. Vợ của giáo sư Nguyễn Xiển là ai?
Vợ của giáo sư Nguyễn Xiển là bà Nguyễn Thúy An (1907 – 1998), người Hà Nội, nổi tiếng về “Nữ công gia chánh”; mất sau Cụ Ông đúng 100 ngày.
Bà Nguyễn Thúy An sinh ra trong một gia đình thượng lưu của Hà Nội xưa nên sớm được học nhiều thứ – từ chữ Nho, truyện Nôm, chữ quốc ngữ, chữ Tây cho tới nữ công gia chánh.
Từ khi còn là thiếu nữ, bà đã được theo học nấu nướng, thêu thùa từ những người thợ lành nghề nhất trong vùng.
Là con gái Hà Nội gốc nhưng bà lại làm dâu một gia đình thuần nông xứ Nghệ, quanh năm ăn gạo đỏ, khoai sắn, uống nước chè xanh tự trồng. Mẹ chồng cụ An khen con trai chọn được người thanh lịch, tốt nết nhưng vẫn phải thử thách cô dâu mới. Cuộc thử thách này đã làm cho cả họ mến cô gái Hà Nội.
Bằng sự chăm chỉ và tài năng, bà Nguyễn Thúy An luôn được mọi người nhớ đến với tài gọt vỏ quất thành sợi mỏng bằng sợi len, rút xương gà không dính thịt, nấu bún thang ngon nức tiếng. Sau này, bà Thúy An đã viết cuốn sách “Món ăn thường thức” (NXB Phụ nữ – 1957) và cuốn “Làm bánh” (NXB Phụ nữ – 1961) cùng với nữ sĩ Vân Đài.
Ngoài tài nấu ăn, bà Thúy An còn rất giỏi chơi hoa thủy tiên ngày Tết. Cụ có tài tỉa và hãm hoa để nở đúng vào rạng sáng mồng Một Tết.
3. Giáo sư Nguyễn Xiển đã có những cống hiến gì cho giáo dục, cách mạng?
Sau bốn năm đi học ở Pháp về, với tấm bằng cử nhân khoa học của Pháp, Nguyễn Xiển không nhận ra làm quan ở Huế mà ra Hà Nội dạy học, bắt đầu ở trường Thăng Long là trường tư thục do người Pháp lập ra, ngày nay được coi là kế tục truyền thống Đông Kinh nghĩa thục.
Năm 1937, ông được chuyển sang làm kỹ sư khí tượng. Lúc đó Đông Dương đang cần tuyển người Việt Nam có trình độ đại học để thay thế những kỹ sư Pháp về nước làm nghĩa vụ quân sự. Nguyễn Xiển là người Việt Nam đầu tiên được tuyển vào ngạch khí tượng Đông Dương. Bốn năm sau, ông được cử làm trưởng đài thiên văn Đông Dương ở Phủ Liễn (Kiến An – Hải Phòng) – đài thiên văn hiện đại nhất Đông Nam Á lúc đó.
Sau khi được Bác Hồ cảm hóa, Nguyễn Xiển được Hồ Chủ tịch mời tham gia Chính phủ lâm thời năm 1945. Bác Hồ với đôi mắt tinh anh có sức nhìn vào lòng người đã chỉ ra cho ông rằng trí thức yêu nước phải nhận trách nhiệm trước lịch sử.
Giáo sư Nguyễn Xiển đã làm công chức cao cấp trong bộ máy chuyên môn của Pháp, có kinh nghiệm hơn các anh em cách mạng khác. Nếu không nhận làm Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính, Nguyễn Xiển phải nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Bắc Bộ. Cảm động trước tấm lòng của Bác, Nguyễn Xiển đã nhận lời. Ngày 28/8/1945, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân Bắc Bộ do giáo sư Nguyễn Xiển làm Chủ tịch. Ngày hôm sau, Chính phủ cũng ký Nghị định cử Nguyễn Xiển kiêm nhiệm Giám đốc Nha khí tượng Việt Nam. Trong suốt những năm giữ chức, ông đã cống hiến hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Bắc bộ, giáo sư Nguyễn Xiển bắt tay tu bổ hàng loạt con đê, đập bị vỡ bởi trận lũ lịch sử tháng 8/1945 như đê sông Thao, sông Lô, nhiều khúc đê sông Hồng, đê sông Phó, đê Hưng Nhân… Nguyễn Xiển đã có sáng kiến lập quỹ thóc chữa đê bổ vào diện tích ruộng đất sở hữu của từng điền chủ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý.
Khi công việc của Uỷ ban Nhân dân ít dần, giáo sư Nguyễn Xiển, với tinh thần xung kích của người cách mạng, đã tình nguyện sang giúp Bộ Giáo dục. Năm 1947, giáo sư đã biên soạn hai giáo trình toán lý cao cấp đầu tiên viết bằng tiếng Việt ở nước ta là Toán học đại cương và Cơ học thuần lý. Tất cả những nghiên cứu, đóng góp của giáo sư thời đấy đã trở thành đỉnh cao của khoa học Việt Nam.
Như nhà báo Phan Hoàng đã viết: “Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp phong phú của Giáo sư Nguyễn Xiển, một con người kết tinh từ hai nền văn hóa Đông – Tây, là hình ảnh tiêu biểu của một bậc sĩ phu Bắc Hà thời hiện đại ở thế kỷ XX”. Giáo sư đúng là một người quốc gia hữu sự, sĩ phu hữu trách.
Xem thêm:
5/5 – (5 bình chọn)