Nguyễn Thế Phương – Người “đi bước nữa” của xứ Thanh – Hội Nhà Văn Việt Nam

Vanvn- Trong bộ tuyển tập Nguyễn Thế Phương dầy hai ngàn trang do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1999, nhà thơ Nguyễn Bao viết lời tựa có đoạn: “… Với Nguyễn Thế Phương, mảnh đất khai thác và thâm canh chính là vùng quê xứ Thanh với những sắc thái thiên nhiên và con người khó trộn lẫn như chính dòng sông Mã vừa dữ dội vừa hiền hòa, ào ạt và sâu lắng, lắm ghềnh thác và cũng nhiều bờ bãi phù sa…”

Bộ tuyển tập đồ sộ Nguyễn Thế Phương gồm những tập truyện Đào chèo, Bạn cũ, Cuộc chiến sáng mai lại bắt đầu, Ký ức về mụ dì túp,v.v…

Đáng trân trọng hơn là các tiểu thuyết “Đi bước nữa”, “Ngày trở về”, “Nắng”, “Chân trời mưa gió”…

Nguyễn Thế Phương sinh ngày 29 tháng 12 năm Canh Ngọ 1930 tại làng Bình Lâm xã Hà Lâm huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Tên thật là Nguyễn Xuân Phê. Người anh trai mất anh phải thay thế nên mới có bút danh Thế Phương.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa. Năm 1945, khi mới 15 tuổi ông đã tham gia cách mạng. 18 tuổi vào đội du kích, tổ chức cướp chính quyền ở phủ Hà Trung.

Ông làm công tác tuyên truyền từ xã lên huyện và tỉnh, sau làm tuyên truyền ở liên khu IV.

Nguyễn Thế Phương tham gia cuộc cải cách ruộng đất và làm Hiệu ủy Trường cải cách liên khu IV.

Năm 1958, ông về làm Trưởng ban Triết học Nhà Xuất bản Sự thật nay là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

Năm 1960, khi tiểu thuyết “Đi bước nữa” ra mắt công chúng làm xôn xao dư luận về một tài năng văn học vừa xuất hiện quê Thanh Hóa, anh chuyển qua làm Trưởng ban Biên tập Nhà xuất bản Văn học.

Phải ghi nhận rằng, ít cuốn tiểu thuyết được tái bản tới 6 lần và có lần in tới 5 vạn cuốn đều bán hết ngay như “Đi bước nữa” thời bấy giờ.

Đạo diễn phim nhựa bộ phim “Đi bước nữa” vừa chỉ đạo quay vừa thốt lên: Hiếm có cốt truyện nào gây ấn tượng sâu nặng và cảm động về một vùng quê như “Đi bước nữa”.

Sau khi bộ phim được dư luận cả nước sôi động, năm 1964 do hoàn cảnh gia đình Nguyễn Thế Phương xin chuyển về Ty Văn hóa Thanh Hóa làm Chủ biên tập san “Người bạn văn hoá” tiền thân của Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh hiện nay.

Một lần, nhà thơ Mai Ngọc Thanh mời tôi đến uống rượu cùng nhà văn Nguyễn Thế Phương tại nhà riêng 48 Lý Thường Kiệt làm hình ảnh anh cứ sống trong tôi. Khi ngà ngà say Nguyễn Thế Phương tâm sự:

Xin trở về Thanh Hóa, mình ấp ủ cái ý định sẽ sống trọn vẹn ở quê để có bề dày tư liệu cho sáng tác văn học. Nhưng hai năm sau phải chuồn khỏi quê ngay, phải tìm cách “Đi bước nữa” ngay vì nhiều chuyện khó nói quá. Năm mươi đồng lương mỗi tháng mãi mà không lên được mức năm sáu đồng nghĩa là chỉ nằm yên ở mức cán sự một. Cũng vì chi tiết này anh không chịu nổi với lớp lãnh đạo Ty Văn hóa lúc bấy giờ nên đành bỏ quê một lần nữa ra đi.

Anh uống rượu suốt buổi nhưng chỉ cầm một cái chân gà để nói chuyện. Đưa chân gà lên gần miệng lại đặt xuống mâm để nói chuyện và uống chứ không ăn. Anh kể cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm sâu đậm những năm tháng sống và làm ở tạp chí người bạn văn hoá ở quê nhà.

Vùng đất phong kiến thâm căn cố đế lúc bấy giờ phải buộc anh ra “Đi bước nữa” vào ngày17.6.1967 khi cuộc chiến tranh phá hoại còn sục sôi nhất ở miền Bắc. Anh trở lại Nhà xuất bản Văn học làm Trưởng ban Biên tập và mất tại Hà Nội vào một ngày cuối mùa đông năm Kỷ Tỵ, ngày 18.11.1989 thọ 59 tuổi.

Nguyễn Thế Phương có 5 người con, 2 trai, 3 gái. Con trai đầu là Nguyễn Xuân Hoàng sinh năm 1948. Năm 1966 khi tròn 18 tuổi Hoàng vào bộ đội và hy sinh năm 1972 tại kênh Vĩnh Tế mới vừa 24 tuổi đời. Cô gái thứ hai là Nguyễn Thị Bích đã nghỉ hưu. Con trai thứ ba là Nguyễn Xuân Nghiêm hiện là bác sỹ. Cô gái thứ tư lấy chồng và công tác tại thành phố Đà Nẵng. Còn cô út mà anh thường bảo là gái cưng, gái rượu là Nguyễn Thị Nhung nhiều năm là Phó Giám đốc Thư viện tổng hợp Thanh Hóa.

Bất cứ ai đã từng đọc tiểu thuyết “Nắng” của Nguyễn Thế Phương cũng không sao quên được một “An Na Dâng” nhân vật ấy đã đưa anh lên đỉnh cao trên văn đàn Việt Nam. Điều đáng nói hơn là tiểu thuyết “Ngày trở về”. Nguyễn Thế Phương đã tưởng tượng ra một chàng trai khỏe mạnh, đẹp và cao. Đánh trăm trận, trăm thắng và ngày trở về sẽ làm rạng rỡ một vùng quê. Nhưng Nguyễn Xuân Hoàng không trở về như anh mong ước. Anh vừa chấm hết trang viết cuối cùng của tiểu thuyết “ Ngày trở về” thì cũng là ngày địa phương bảo tử con trai đầu của anh hy sinh ở chiến trường phía Nam. Sau này anh được bạn bè kể lại về cái chết anh dũng quả cảm của Hoàng khi nhận nhiệm vụ đánh chìm đoàn tàu chiến Mỹ ở kênh Vĩnh Tế – Long An. Càng đau hơn khi thi thể của Hoàng trôi chìm vào bùn nước của dòng kênh lịch sử. Có lẽ thế nên từ đó anh chỉ còn biết lấy rượu làm khuây đi nỗi đau quá lớn. Anh còn kịp ghi vào cuốn tiểu thuyết đang in là – Những ngày thương nhớ Hoàng.

Còn nhiều điều chưa tìm hiểu ở Nguyễn Thế Phương nhưng đó là một nhà văn tài hoa và là một nhân cách lớn.

Anh cũng là người đầu tiên của Thanh Hóa đặt nền móng cho thể loại văn xuôi hôm nay. Nhiều lần được tiếp xúc uống rượu với anh tôi càng vô cùng kính trọng một nhà văn tài đức vẹn toàn. Thời gian cứ trôi đi, có lẽ thế nên Hội đồng Xét giải thưởng Nhà nước, Hội Nhà văn nhiều người không còn biết và anh đã bị loại ngay ở Hội của mình.

Đối với thế hệ nhà văn tại Thanh Hóa hôm nay luôn nghĩ anh là một bậc thầy hiếm có, một người thầy cao đẹp đang bị lãng quên.

Thế hệ chúng tôi đọc ở anh được cái chữ “Tâm” cao cả, và tự hào vì Thanh Hoá có một nhà văn Nguyễn Thế Phương.

 KIỀU VƯỢNG

Rate this post