Nguyễn Hiền

“Ta nhắn gửi người dân tha thiết mong chờ,
Hỡi ai lạc hướng mau quay về đây…” – hai câu cuối cùng trong bài Về Đây Anh do chính Nguyễn Hiền sáng tác.

Nguyễn Hiền là một nhạc sĩ đến từ Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, cùng với Lữ Liên, Phạm Duy, Xuân Tiên, Văn Cao, Châu Kỳ, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Đình Chương và Văn Phụng, đồng thời cũng là người phổ nhạc ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân, một trong những ca khúc nhạc xuân nổi tiếng nhất trong dòng nhạc vàng, từ ý thơ của Kim Tuấn.

Nguyễn Hiền

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền ở tuổi 77, một năm trước khi ông qua đời

Tên thật, tên gọi khác (nếu có)

Nguyễn Hiền

Giới tính

Nam

Sinh

1927

Mất

23 tháng 12 năm 2005

Tuổi

Hưởng thọ 77 – 78 tuổi

Sự nghiệp

Vai trò chính

Nhạc sĩ

Vai trò khác (nếu có)

Nghệ sĩ piano

Trạng thái sự nghiệp

Ngừng hoạt động

Năm bắt đầu sự nghiệp

Thập niên 1950

Năm kết thúc sự nghiệp

2005

Cộng tác với trung tâm Thúy Nga

Chương trình Paris By Night đầu tiên xuất hiện

Paris By Night 74 – Hoa Bướm Ngày Xưa

Chương trình Paris By Night cuối cùng xuất hiện

Paris By Night 74 – Hoa Bướm Ngày Xưa

Số chương trình đã xuất hiện

PBN
TNMB
Live
Khác

1
0
0
0

Gia đình

Trạng thái hôn nhân

Đã kết hôn

Tiểu sử

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền sinh năm 1927 tại Hà Nội. Ông học nhạc với thầy người Pháp từ năm 8 tuổi và sáng tác ca khúc đầu tay khi mới 18 tuổi, là phổ bài thơ mang tên “Người Em Nhỏ” của một người bạn là Thiệu Giang.

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền có thể sử dụng được thành thạo 8 loại nhạc khí, như vĩ cầm, dương cầm và đặc biệt là phong cầm (accordion). Năm 1951, ông được mời làm nhạc trưởng của ban nhạc Hotel de Paris (phiên âm tiếng Pháp: ô-ten đơ Pa-ri) ở Hà Nội. Năm 1953, ông cưới người vợ được gia đình sắp đặt, và cuộc hôn nhân này đã hạnh phúc tròn vẹn cho đến tận lúc cuối đời.

Trong thời gian kháng chiến, nhạc sĩ Nguyễn Hiền quen biết nhà thơ Đinh Hùng trong một thị trấn nhỏ. Sau này, khi gia đình ông chuyển vào miền Nam, ông được gặp lại Đinh Hùng và chính nhà thơ này đã đưa một bài thơ mang tên “Một Tiếng Em” – chính nhạc sĩ đã đáp lại bằng cách phổ nhạc bài thơ đó ngay trong quán phở mà hai người đang ngồi và đề nghị nhà thơ lấy tên bài hát này là Mái Tóc Dạ Hương. Ca khúc này sau đó được Lệ Thu thu âm trong album Tứ Quý năm 1971.

Tháng 9 năm 1954, gia đình Nguyễn Hiền di cư vào Nam. Tại Sài Gòn, nhạc sĩ Nguyễn Hiền công tác tại đài phát thanh, đài truyền hình và trong các bộ thông tin, chiêu hồi, xây dựng nông thôn. Ông từng làm Trưởng phòng Văn nghệ của Đài Phát thanh Sài Gòn, Phụ tá Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Cộng hòa, ngoài ra còn làm việc tại các bộ Thông tin, Chiêu hồi và Xây dựng Nông thôn. Năm 1961, khi còn là Trưởng phòng Văn nghệ của Đài Phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc Tìm Đâu và gửi tặng nó cho nữ ca sĩ Lệ Thu, sau khi ông có một dịp được nghe Lệ Thu hát trong phòng trà Kim Sơn. Năm 1962, vào ngày mùng 5 Tết, ông viết ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân từ ý thơ của Kim Tuấn. Sau đó, ông còn đồng sáng tác Lá Rơi Bên Thềm với một người bạn thân là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, người sáng tác ca khúc bolero đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, Nắng Chiều.

Nguyễn Hiền cũng là một trí thức văn nghệ được nhiều người tôn trọng, có thể thông thạo cả tiếng Anh và Tiếng Pháp. Sắc diện của ông được nhận xét là nho nhã, trắng trẻo, có dáng dấp một nhà giáo nhiều hơn một nghệ sĩ.

Ba năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, năm 1978 ông bị chính quyền cộng sản Việt Nam quy là dính líu đến tổ chức phản quốc và bị giam đến năm 1980. Tám năm sau khi được trả tự do, nhạc sĩ Nguyễn Hiền và gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện ODP. Ông cùng nhạc sĩ Ngọc Bích và một số người bạn lập ra ban Saigon Band ở Little Saigon tại Westminster, tiểu bang California.

Tại vùng đất mới, nhạc sĩ Nguyễn Hiền vẫn tiếp tục hoạt động về văn hóa, văn nghệ dân tộc, tổ chức các lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Kỷ niệm Ðức Trần Hưng Ðạo, Hai Bà Trưng, làm cố vấn Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải ngoại, từ khi mới thành lập năm 2000 và được thành phố Westminster mời làm Ủy viên văn hóa văn nghệ cho thành phố.

Ngày 9 tháng 1 năm 2004, bạn thân của ông là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn qua đời. Cũng trong năm đó, trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 74 – Hoa Bướm Ngày Xưa nhằm vinh danh ông, cùng với hai nhạc sĩ hậu bối Huỳnh Anh và Song Ngọc. Nguyễn Hiền là nhạc sĩ lớn tuổi nhất (và cũng là người nổi tiếng nhất) xuất hiện trong chương trình đó, và khán giả đã vỗ tay không ngớt khi ông diện kiến khán giả và lúc nghe ông chia sẻ về bối cảnh ra đời của nhiều sáng tác nổi tiếng của ông. Không chỉ vậy, nhạc sĩ cũng đã chơi dương cầm trong nhạc phẩm Mái Tóc Dạ Hương do Lệ Thu trình bày, tương tự như nhạc sĩ Huỳnh Anh chơi trống trong bài Loan Mắt Nhung trong phần đầu tiên của chương trình. Khi nhạc của Song Ngọc được giới thiệu, ông có thể được nhìn thấy đang ngồi bên cạnh nhạc sĩ Huỳnh Anh.

Nhạc sĩ qua đời vào hồi 10 giờ 15 phút sáng ngày 23 tháng 12 năm 2005 (giờ California, Hoa Kỳ) vì bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 78 tuổi. Thi hài ông được hỏa táng vào lúc 15 giờ ngày 31 tháng 12 cùng năm.

Di sản để lại

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã để lại cho hậu thế rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng, trong đó có nhiều nhạc phẩm đồng sáng tác, bao gồm:

  • Anh Cho Em Mùa Xuân (thơ: Kim Tuấn)
  • Ân Tình Lên Ngôi (sáng tác với Minh Kỳ)
  • Bước Chân Dĩ Vãng (sáng tác với Lan Đài)
  • Buồn Ga Nhỏ (sáng tác với Minh Kỳ)
  • Chiều Nào Em Đến (thơ: Đinh Hùng)
  • Chuyện Đêm Mưa (lời: Hoài Linh)
  • Đêm Sơn Cước (Nguyễn Hiền & Thiện Huấn)
  • Đường Tơ Thôi Lưu Luyến
  • Em Là Vì Sao Sáng
  • Gửi Một Cánh Chim
  • Hai Mươi Câu Tuổi Trẻ (đồng sáng tác với Song Hồ)
  • Hồ Than Thở
  • Hoa Bướm Ngày Xưa (lời: Thanh Nam)
  • Hoa Đào Năm Trước (sáng tác với Lê Dinh)
  • Hoài Thơ (Nguyễn Hiền & Hà Dũng)
  • Hương Thề
  • Huyền Trân Công Chúa
  • Lá Rơi Bên Thềm (sáng tác với Lê Trọng Nguyễn)
  • Lá Thư Gửi Mẹ (thơ Thái Thủy)
  • Mái Tóc Dạ Hương (thơ: Đinh Hùng, nguyên tác: “Một Tiếng Em”)
  • Mắt Buồn Như Mùa Đông
  • Ngàn Năm Mây Bay
  • Người Em Nhỏ (thơ: Thiệu Giang)
  • Thầm Ước
  • Thanh Bình Ca (Lời Thanh Nam)
  • Thu May Áo Cưới (thơ: Đinh Hùng)
  • Tiếng Hát Học Trò (sáng tác với Minh Kỳ)
  • Tiếng Sáo Diều
  • Tìm Đâu
  • Từ Giã Thơ Ngây (sáng tác với Minh Kỳ)
  • Về Bến Xưa (sáng tác với Thiện Huấn)
  • Về Đây Anh (sáng tác với Nhật Bằng)
  • Xuân Vui Ca
  • Ý Nhạc Chiều

Khả năng đặc biệt

Thông thạo ngoại ngữ

Theo ca sĩ Quỳnh Giao cho biết thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền là người rất giỏi ngoại ngữ. Ông thông thạo cả 2 thứ tiếng Anh và Pháp, đã từng dịch nhiều ca khúc tiền chiến bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao ra tiếng Anh.

Trí nhớ tốt

Cũng theo Quỳnh Giao, vào thập niên 1990, khi gặp lại các nghệ sĩ, nhạc sĩ sinh hoạt trước năm 1975, Nguyễn Hiền vẫn còn nhớ và đọc lại được cả biển số xe của họ. Được biết, biển số xe của một người là thứ khó có thể tồn tại trong kí ức của con người tới hơn 15 năm đối với những người có khả năng ghi nhớ bình thường vì đó là điều không đáng chú ý khi tìm hiểu và quen biết những nhân vật nhất định (trừ khi có sự ghi chép cụ thể để kí ức đó luôn có thể được nhắc lại).

Xuất hiện trong Paris By Night 74 – Hoa Bướm Ngày Xưa

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền xuất hiện 5 lần trên sân khấu Paris By Night, và cả 5 lần ông đều được phỏng vấn với MC Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

Lần 1

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa quý vị, trong phần thứ hai của chương trình, chúng tôi giới thiệu một nhạc sĩ khác, đó là nhạc sĩ Nguyễn Hiền.

Thưa quý vị, nhạc sĩ Nguyễn Hiền sinh tại Hà Nội, và ông ở trong một thế hệ trọng tuổi, có thể nói là hiếm hoi, còn sót lại. Ông học nhạc từ năm tám tuổi, do sự hướng dẫn của giáo sư Pháp tại Hà Nội. Sau đó thì ông ghi tên học bốn năm tại École Université de Paris, và ông tốt nghiệp năm 1951 để ông trở thành nhạc trưởng trong Hotel de Paris tại Hà Nội cho đến năm 54 vào miền Nam. Vào miền Nam, ông lại trở thành trưởng ban văn nghệ của đài Phát thanh Quân đội.

Với một người có thẩm quyền về tuổi tác, kiến thức cũng như sinh hoạt văn nghệ như vậy, chắc chắn là những giai thoại như một nhân chứng của dòng nhạc lịch sử Việt Nam, thì lát nữa chắc chắn quý vị sẽ thấy rất thích thú qua những câu chuyện cũng như những sáng tác của ông. Bây giờ chúng tôi mời quý vị cùng chúng tôi trân trọng chào đón nhạc sĩ Nguyễn Hiền.

Nguyễn Hiền: (bước ra sân khấu, chào khán giả rồi đi đến cạnh Nguyễn Ngọc Ngạn)

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa quý vị, chúng tôi quên nhắc một chi tiết mà đáng lẽ là chúng tôi dành lại để nhắc sau để quý vị vỗ tay lớn hơn, nhưng thôi thì nhân đây, nhạc sĩ Nguyễn Hiền… xin kính chào anh.

Nguyễn Hiền: Chào anh Ngọc Ngạn. Chúng tôi xin kính chào toàn thể quý vị khán giả ở Toronto là những quý vị khán giả chọn lọc (cười)

Nguyễn Ngọc Ngạn: Trước hết là phải xin phép được gọi bằng anh theo truyền thống của đại gia đình văn nghệ Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nói cho đúng ra thì vừa mới kỷ niệm 50 năm ngày cưới, tức là lễ vàng. Điều đó rất hiếm hoi đối với chúng ta bởi vì một người đã qua tuổi thất thập cổ lai hy để bước lên thượng thọ bát tuần mà kỷ niệm 50 năm ngày cưới, là một người thường đã hiếm rồi, bởi vì đôi khi nó không toàn vẹn cả hai bên, mà lúc đó đối với một người nghệ sĩ, một người tài hoa như thế này mà lập gia đình cách đây 50 năm và ngày hôm nay bà xã vẫn còn gội đầu cho nhạc sĩ Nguyễn Hiền.

Nguyễn Hiền: 51 năm.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng, năm nay thì bước sang 51 năm, nhưng mà thôi, để lát nữa mình nói chuyện đó.

Bây giờ chúng tôi có hàng trăm câu hỏi phải hỏi nhạc sĩ Nguyễn Hiền, là người mà chúng tôi đã nói là đầy đủ thẩm quyền về dòng nhạc sử Việt Nam, nhưng mà bây giờ để xin hỏi anh về bản nhạc sắp sửa trình bày của anh có tựa đề là Về Đây Anh mà anh đã viết chung với nhạc sĩ Nhật Bằng, không may, nhạc sĩ Nhật Bằng lại vừa từ trần cách đây ba tuần, thành thử ra xin anh vắn tắt cho biết cái mối giao tình của anh đối với Nhật Bằng cũng như hoàn cảnh nào mà hai người hợp soạn bản nhạc Về Đây Anh.

Nguyễn Hiền: Kính thưa quý vị,

Nhạc sĩ Nhật Bằng, đối với chúng tôi là có nhiều liên hệ về gia đình, bởi vì thân mẫu của anh Nhật Bằng lại là bạn thân của bà dì ruột cũng như đối với thân mẫu của tôi ngày xưa, và thân mẫu của Nhật Bằng ngày xưa là hoa khôi ở phố Hàng Ngang, cạnh phố Hàng Đào, Hà Nội một thời đó, và thân phụ anh thì quê quán ở Thanh Hóa và đi ra Hà Nội cưới cái bà hoa khôi ở phố Hàng Ngang ấy và có Nhật Bằng là người con trai đầu tiên.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa anh, đó là cái tình quen biết, liên hệ gia đình, nhưng mà cái tình văn nghệ như thế nào anh?

Nguyễn Hiền: Vâng, cái năm 1951, khi chúng tôi vừa mới ký hợp đồng với một ông chủ Pháp là Hotel de Paris, tôi làm nhạc trưởng ở đó. Có một hôm nhạc sĩ Tu My, tác giả bài Tan Tác, dắt đến giới thiệu với tôi một thanh niên mới hồi cư từ Thanh Hóa trở về Hà Nội. Hỏi đến gốc gác thì hóa ra trong một nhà tất cả và chúng tôi thân nhau từ hồi đó. Cũng đúng cái dịp đó, tôi lãnh phần về văn nghệ cho một buổi trình diễn ở nhà hát lớn Hà Nội, tôi đã giới thiệu Nhật Bằng hát những bài ví dụ như “Con mèo ngồi chầu cây cau” và những bài của Nguyễn Xuân Khoát lúc bấy giờ đối với thính giả ở nhà hát lớn Hà Nội rất là độc đáo; và đồng thời tôi lại gặp anh Đoàn Chuẩn cũng mới hồi cư từ miền hậu phương đi về, Nguyễn Văn Quỳ guitar cũng về, thành ra tôi mời tất cả các anh ấy tham gia vào một buổi trình diễn văn nghệ ở nhà hát lớn rất thành công vào năm 1951.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Sau đó thì cả anh lẫn anh Nhật Bằng đều di cư vào miền Nam.

Nguyễn Hiền: Không, trước đó có lệnh động viên, thành ra chúng tôi đi theo một cái diện, gọi là chuyên viên trưng tập. Nhật Bằng với tôi cùng vào làm việc với Văn Phụng và Hùng Lân, Hoàng Giáp, Văn Khôi, Nguyễn Thiện Tơ,… toàn những anh em gọi là trong giới âm nhạc mà mọi người cũng đã biết đến ít nhiều. Ở cái lứa tuổi chúng tôi trở thành chuyên viên trưng tập và đeo lon hạ sĩ quan thôi, làm việc mà chả bao giờ đeo lon cả.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng, thưa anh Nguyễn Hiền, tôi xin tạm ngắt lời anh ở đây để xin mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm đầu tiên trong phần giới thiệu một số những tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, thưa quý vị, Về Đây Anh, hợp soạn giữa Nhật Bằng và Nguyễn Hiền, mời quý vị thưởng thức qua tiếng hát của nữ ca sĩ Hoàng Oanh.

Lần 2

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa anh Nguyễn Hiền, không phải là tình cờ mà hôm nay trung tâm Thúy Nga lựa một số bản đặc biệt của anh, chẳng hạn như bản đầu tiên là Về Đây Anh, mà năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm cuộc di cư của gần 1 triệu đồng bào miền Bắc vào miền Nam. Ngoài nét lịch sử, ngoài tính chất lịch sử của một biến cố vĩ đại đó, thì chúng ta cũng phải nói rằng cuộc di cư vĩ đại đó đã là mở đầu cho sự giao lưu để đồng bào miền Nam ruột thịt hiểu người miền Bắc nhiều hơn sau cuộc đó, và những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Hiền chẳng hạn như Về Đây Anh chính là những dấu tích để chúng ta nhớ lại thời thanh bình khi gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam.

Thưa anh, có một bài nổi tiếng khác của anh, mà bây giờ xin phép được hỏi anh, đó là bài Mái Tóc Dạ Hương – bài này thì chắc chắn là ai đã yêu nhạc Nguyễn Hiền đều phải say mê bản này, đó là thơ của Đinh Hùng. Vậy thì lại xin anh nhắc cho một kỷ niệm về nhà thơ Đinh Hùng – anh đã quen biết như thế nào, anh gặp lúc nào và anh phổ bài thơ đó như thế nào?

Nguyễn Hiền: Kính thưa quý vị khán – thính giả, chúng tôi được biết nhau từ thời kháng chiến. Có một thị trấn tạm được mở ra ở hậu phương, đó là Đồng Quan, Công Thần, Chợ Đại. Tôi cũng là một kẻ giang hồ đến Cống Thần, vào đêm hôm đó Cống Thần tiếp một vị khách là một nhà thơ, nhà thơ đó là Đinh Hùng lúc nào cũng chải đầu miết và dù là đi tản cư, anh không chịu nhuộm quần áo màu nâu – anh vẫn mặc sơ mi màu trắng, vẫn trông như là trai Hà Nội ở vùng Yên Phụng. Chúng tôi gặp nhau hôm đó thì anh ấy đòi hỏi chủ nhà hàng, cái quán Thủy Tiên ấy, phải kê một cái bàn thật cao để anh ấy đứng trên cái bàn ấy diễn ngâm thơ của chính anh ấy, đó cũng là đòi hỏi đối với quần chúng là hơi quá đáng, nhưng hôm đó mọi người đều rất hân hoan được nghe anh ấy diễn ngâm thơ trên một cái bàn cao do chính anh ấy sáng tác.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thế thì lúc đó có phải bài Mái Tóc Dạ Hương đưa cho anh lúc đó, hay là mãi sau này khi vào miền Nam anh mới phổ – hình như là anh vào miền Nam anh mới phổ Mái Tóc Dạ Hương?

Nguyễn Hiền: Vâng, đi vào miền Nam tôi lại được duyên gặp lại anh ấy ở Đài Phát thanh Sài Gòn. Anh ấy phụ trách ban Tao Đàn. Chúng tôi gặp nhau rất vui vẻ – tôi gặp lại anh ấy tại một tiệm phở – chắc quý vị đây cũng biết tại đường Phan Đình Phùng, trước cửa Đài Phát thanh Sài Gòn có tiệm phở lấy tên là Phở 44. Chúng tôi ngồi ăn phở, điều kiện đầu tiên của Đinh Hùng là đi vào quán phở là khi đặt cái túi của ông ấy xuống thì bao giờ cũng phải có một chai bia để ngay bên cạnh ổng. Thế rồi ông ấy khoe với tôi: “Này, có bài thơ tôi đưa cho ông đây, ông xem ra làm sao.” thì tôi thấy bài thơ tên là Một Tiếng Em – ca ngợi người phụ nữ trong lý tưởng của anh ấy là một người có nét sầu mộng. Rồi anh ấy đưa tôi xem ra làm sao thì ngay tại tiệm phở tôi… phổ nhạc bài thơ ấy thành ra một ca khúc và chính tôi đề nghị với anh ấy lấy tên là Mái Tóc Dạ Hương.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Dạ vâng, cám ơn câu chuyện lý thú của nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Thưa quý vị, vâng, bài Một Tiếng Em đó sau này có in lại trong tập thơ Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng năm 1961 nhưng mà thưa anh Nguyễn Hiền, lúc nãy tôi lỡ giới thiệu anh là nhạc trưởng, sử dụng được 8 loại nhạc khí khác nhau, trong đó có cả nhạc dân tộc, và những ngón đàn đầu tiên của anh là accordion, violon rồi piano. Thế thì mặc dầu tuổi anh cao lắm – anh cao hơn cả anh Huỳnh Anh nữa, nhưng mà anh Huỳnh Anh còn đánh trống được mà, thì bây giờ Mái Tóc Dạ Hương không thể thiếu tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, có phải không quý vị?

Vâng, mời quý vị thưởng thức nhạc phẩm này, qua tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thu và tiếng dương cầm của tác giả – nhạc sĩ Nguyễn Hiền.

Lần 3

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa anh, bản nhạc này, hình như nếu tôi nhớ không lầm thì anh viết cho phim, có phải không anh?

Nguyễn Hiền: Dạ vâng. Phim Ngàn Năm Mây Bay của hãng phim Thái Lai thực hiện với các tài tử Lê Quỳnh, Kiều Chinh đóng vai chính ở trong đó.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng, nghe nó phảng phát như một bài thơ.

Nguyễn Hiền: Khi tôi nghe thấy tên phim ấy là Ngàn Năm Mây Bay, tôi cũng thích văn chương, nhất là văn chương cổ cũng như văn chương Pháp rất là romantic. Thành ra tôi liên tưởng đến bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, trong đó có hình ảnh cánh hạc bay đi rồi mà ngàn năm mây trắng vẫn còn bay, thì tôi viết tựa trong bài nhạc Ngàn Năm Mây Bay – “Em đi như cánh hạc vàng – Ngàn năm mây trắng ngỡ ngàng còn trôi”.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa anh, lại phải nhắc đến bài thơ trở thành nhạc nổi tiếng của anh là “Anh Cho Em Mùa Xuân”. Gốc tích nó như thế nào, thưa anh?

Nguyễn Hiền: Thưa, cái gì nó cũng phải có cái duyên nó mới đến. Cuộc đời mỗi chúng ta khi ta làm một việc gì và ta gặp ai, hôm nay tôi gặp quý vị khán giả ở Toronto do một cái duyên đem tôi đến đây và diện kiến quý vị và nhìn thấy quý vị, trong lòng tôi nó ấm thêm một chút. Thành ra do cái duyên đó… Có một hôm vào mùng 5 Tết, lúc đó tôi làm việc ở Bộ Thông tin, làm Phụ tá cho Văn hóa Bộ Trưởng, trụ sở của nó ở số 15 đường Lê Lợi, đối diện với G-France ở bên kia. Buổi sáng mùng 5 Tết thì cũng buồn thôi, anh Thượng sĩ Già là một nhà phê bình văn học, và anh Sĩ Trung cũng làm việc ở đó – Sĩ Trung là ký giả của tờ Đồng Nai của Huỳnh Thành Vị. Một già một trẻ ấy, mời tôi là cái anh nhom nhom đi ăn sáng – lúc về thì tôi thấy trên bàn giấy có một tập thơ nhan đề là “40 bài thơ của Vương Đức Lệ”, trong đó có Mai Trung Tĩnh – Định Giang là một anh sĩ quan hải quân trẻ tuổi và có Kim Tuấn.

Trong 40 bài thơ ấy tôi mới lật, lật – đúng là mùng 5 Tết, không khí xuân vẫn còn tràn trề trong người nên còn nhiều hứng khởi. Mở ra thì gặp đúng cái bài Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của Kim Tuấn. Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân thì lúc ấy không khí xuân vẫn còn thì tôi mới lấy giấy ra – không có giấy nhạc, tôi lấy tay kẻ khuông nhạc và không ngờ cũng là cái duyên, tôi viết xong độ 1, 2 tiếng thì đã xong bài, xong tôi cất ở trong ngăn kéo, sáng hôm sau có một anh trẻ tuổi đến tìm tôi, nói rằng hôm qua tôi đến tìm anh biếu tập 40 bài thơ, tự giới thiệu là Kim Tuấn… “Ủa? Kim Tuấn à? Tôi vừa mới phổ cái bài của anh ra thành nhạc đây này!”, thì anh ấy mới xin tôi chép lại một bài, và ngay lúc đó thì ông chủ hãng Asia thâu đĩa ghé qua, chắc cũng đói bài, mới bảo “Có bài gì mới không?”, tôi mới nói “Có bài mới toanh đây này!” – đưa cho ông ấy thì ông ấy ký contrat (tiếng Pháp: hợp đồng) với anh Kim Tuấn, tôi cưa đôi cho ảnh một nửa. Thế rồi hãng xuất bản Tinh Hoa là anh Lê Mộng Bảo, anh ấy cũng lại in bài đó, thành ra chúng tôi cũng cứ chia nhau, chia hai hết tất cả chứ không tứ lục tục gì cả.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa, cái giai thoại đó thật đặc biệt, và quý vị phải nghe, phải nhìn, phải thưởng thức cái không khí mùa xuân đó – Anh Cho Em Mùa Xuân – để quý vị biết tại sao bản nhạc đó quá ăn khách. Thưa quý vị, Anh Cho Em Mùa Xuân của Nguyễn Hiền, thơ Kim Tuấn, qua phần trình diễn của nữ ca sĩ Thủy Tiên.

Lần 4

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Thưa nhạc sĩ, lúc nãy cháu đứng đằng sau nghe anh Ngạn nói năm nay nhạc sĩ ăn mừng 50 năm…

Nguyễn Ngọc Ngạn: 51 năm.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: …51 năm, thì cháu có dịp nói chuyện với nhạc sĩ lúc trưa thì một trong những bí quyết giữ hạnh phúc gia đình là đi đâu nhạc sĩ cũng giữ được truyền thống Việt Nam ở trong người, nghĩa là dù sang bên Mỹ bao nhiêu lâu đi nữa thì ví dụ như nhạc sĩ nói “Tôi về nhà, tôi chỉ cần đưa đầu vào cái sink là bà ấy gội đầu cho tôi”, hàng ngày, nghĩa là cô vẫn gội đầu cho nhạc sĩ. (quay xuống khán giả) Em nghĩ là mấy ông ở đây chưa chắc là có nhiều người dám đưa đầu vào đâu, tại vì sợ cạo một hồi ra không còn cọng tóc nào…! Vậy thưa nhạc sĩ, có phải nói một cách khác đi là muốn giữ hạnh phúc gia đình thì người vợ nên nghe lời chồng một cách triệt để, phải không ạ?

Nguyễn Hiền: Không hẳn như thế.

Kính thưa quý vị khán thính giả, tôi nghĩ rằng do một cái duyên, mỗi người được gặp người khác. Tôi cưới nhà tôi, tôi không hề biết mặt và hai cụ bà gặp nhau ở chùa, hứa hẹn với nhau, móc ngoặc với nhau, thế thành ra chúng tôi thành vợ chồng. Qua đến năm nay là 51 năm thì vẫn chẳng có vấn đề gì lục đục cả, cho đến giờ phút này vẫn hai “khỉ già” sống chung trong một nhà.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thật sự thưa quý vị, đôi khi tôi cũng mơ ước được sống lại cái thời cưới người mình không biết mặt. Cái đó nhiều khi cũng là hay – bây giờ các cô, các cậu cứ tìm hiểu nhau, tìm hiểu 10 năm, 20 năm xong mới cưới, lúc cưới về mình thấy không có cái gì là bí ẩn hay cái gì đó mình phải khám phá, phải không? Thành thử ra đôi khi tôi cũng thích…

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Vâng, đôi khi nói như vậy Kỳ Duyên phải moi móc một tí về đời tư của anh Ngạn nhưng mà anh Ngạn lấy chị cũng gần như không biết mặt, tại vì anh Ngạn chỉ gặp chị một ngày thôi đã xin cưới rồi. Gặp đúng một ngày đã xin cưới…

Nguyễn Ngọc Ngạn: Nhưng mà biết mặt, cô. Biết rõ lắm. Nhưng mà thôi, chuyện đó để mình nói sau để lát nữa nhờ nhạc sĩ nói tiếp. Bây giờ mời quý vị thưởng thức tiếp một nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Hiền…

Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Thưa quý vị, nhạc phẩm Thầm Ước qua tiếng hát của nữ ca sĩ Tâm Đoan.

Lần 5

Nguyễn Ngọc Ngạn: Chắc hẳn quý vị nghe nhạc phẩm này của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nó nhắc chúng ta nhớ tới bản Từ Giã Thơ Ngây cũng của nhạc sĩ Nguyễn Hiền mà trước đây Hoàng Lan đã trình diễn trên Paris By Night. Thưa anh, xin hỏi anh câu này, nó là cái tò mò của cá nhân tôi, và chắc là nhiều người thế hệ chúng tôi cũng tò mò. Thưa anh, khi anh mới đặt chân vào miền Nam, anh viết những bài mang tính lạc quan về nền văn nghệ cũng như cuộc sống của miền Nam, thì thưa anh, anh là một người lúc đó là Chủ sự Phòng Văn nghệ của Đài Phát thanh cùng với những người đồng bạn của anh trong thời gian đó, việc sáng tác những nốt nhạc vui vui đó do một chỉ thị, hay do khuyến cáo, hay do các anh tự tìm cho mình một con đường?

Nguyễn Hiền: Anh nói câu đó rất đúng lúc.

Nhiều người cứ liên tưởng đến thời kì sau 1954, chúng ta có một sự chỉ đạo về văn nghệ. Thực ra đó là một tình trạng đột phát giữa anh em văn nghệ sĩ gặp nhau và cùng rung lên một cảm hứng, suy nghĩ chung về lãng mạn – cách mạng, người Pháp gọi là romance révolutionnaire – toàn là những người trẻ, đem một bầu nhiệt huyết từ Bắc vô Nam, giàu rồi thì những người miền Nam cũng hòa nhịp với những người miền Bắc qua nhạc phẩm Duyên Bắc Tình Nam – Khúc Hát Ân Tình do Xuân Tiên làm, lời của Lữ Liên. Cái Duyên Bắc Tình Nam ấy muốn nói đến sự hòa nhịp giữa những người di cư ở miền Bắc, bỏ quê hương để đi tìm đời sống khác tươi đẹp hơn, no ấm hơn, tự do hơn, và riêng tôi cũng như một số bạn bè suy nghĩ – sự thực ra quê hương miền Bắc nó chỉ còn là kỷ niệm cũ, còn chính quê hương miền Nam vĩ tuyến 17 mới là gắn liền với chúng tôi từ thời kỳ còn thanh niên cho đến khi đi ra hải ngoại. Tôi, và một số quý vị ở đây, chúng ta đã mất quê hương hai lần. Trong niềm nhớ quê hương ấy…

Nguyễn Ngọc Ngạn: Nói tóm lại, nghệ sĩ của anh lúc đó là những người có thẩm quyền về đường lối sáng tác, gồm có những ai anh có thể kể, vì thế hệ trẻ có thể đã quên?

Nguyễn Hiền: Cái nhóm ấy bao gồm có những người miền Bắc đi vào Nam với nhau, như Hùng Lân, như tôi, Nhật Bằng, Văn Phụng, Đan Thọ, Nguyễn Túc; Xuân Tiên – Xuân Lôi vô trước chúng tôi mấy năm, Ngọc Bích cũng vô trước chúng tôi, Trọng Khương, Lâm Tuyền cũng đã ở trong miền Nam sẵn. Thành ra lúc bấy giờ không phân biệt yếu tố gì gọi là anh là gốc Bắc hay gốc Nam cả, mà chúng tôi gặp nhau trong tinh thần văn nghệ rất cởi mở.

Nguyễn Ngọc Ngạn: Thưa anh, sở dĩ chúng tôi hỏi kỹ nhạc sĩ Nguyễn Hiền là bởi vì có nhiều tác phẩm gắn liền với cuộc di cư đưa đồng bào miền Bắc vào miền Nam sống, tìm tự do, chẳng hạn như bài Lá Thư Gửi Mẹ – “Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa…”, anh phổ thơ của Thái Thủy, rồi Người Em Nhỏ – “Tôi có người em nhỏ xanh xanh đôi hàng mi…”, thì tất cả những bài đó là thời chúng tôi còn trẻ, 8 – 9 tuổi nhưng vẫn cứ nghe mãi bởi vì nó bừng lên trong lòng một nỗi niềm nhớ quê hương đất Bắc, nhưng nó lại có niềm lạc quan tin tưởng vào buổi bình minh của Đệ nhất Cộng hòa.

Vâng, nói đến những nhạc phẩm như thế thì có lẽ một trong những nhạc phẩm tiêu biểu gắn bó với kỷ niệm 50 năm trước của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, thưa quý vị, Hoa Bướm Ngày Xưa, chúng tôi mời quý vị thưởng thức qua tiếng hát – Trần Thái Hòa và Như Quỳnh.

Thông tin bên lề

  • Tên thật của nhạc sĩ Nguyễn Hiền trùng với tên của một vị thượng thư bộ Công thời Trần tên là Nguyễn Hiền (1234 – 1256), vốn là vị Trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến khi đỗ Trạng nguyên vào lúc chỉ mới 13 tuổi. Đồng thời, Trạng nguyên Nguyễn Hiền còn gắn liền với các giai thoại về một cậu bé thần đồng trong lịch sử Việt Nam.
  • Nguyễn Hiền còn được mệnh danh là “từ điển về nhạc Việt Nam trước năm 1975”, tuy nhiên ông lại chưa từng được trung tâm Thúy Nga lần nào bên ngoài sân khấu Paris By Night – đây là một trong những tiếc nuối lớn nhất của Tô Ngọc Thủy và Huỳnh Thi.

Rate this post