Nguyễn Cường: Ca sĩ không được phép đặt hàng tôi!
Phóng viên: Nhắc đến Nguyễn Cường, người ta hay nghĩ đến Y Moan, Siu Black. Nhưng bây giờ thì Nguyễn Cường – Tùng Dương lại là một cặp đôi trong âm nhạc sau khi Tùng Dương ra mắt album “Tùng Dương hát Nguyễn Cường”. Ông lý giải thế nào về sự kết hợp này?
– Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Trong đời này, mỗi người gặp nhau đều là do duyên. Tôi tuổi dê, Cường – Dương mà không hợp nhau thì còn ai hợp (cười lớn).
Nói đùa vậy thôi, đúng là khán giả đã quen với những sáng tác về Tây Nguyên của tôi qua giọng hát Y Moan, Siu Black. Nhưng gia tài âm nhạc của tôi không chỉ có Tây Nguyên. Trong con người tôi có hai mảng lớn: Một là Tây Nguyên, một là đồng bằng Bắc Bộ. Những sáng tác về Bắc Bộ cũng không kém Tây Nguyên cả về số lượng và chất lượng.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Y Moan, Siu Black là một màu hoang dã hoàn toàn; Tùng Dương cũng năng lượng đó nhưng lại mang màu sắc đồng bằng Bắc Bộ. Lúc đầu gặp gỡ, tôi và Dương cũng chưa hẳn đã hiểu hết về nhau. Tôi từng nghe Tùng Dương hát “Một nét ca trù ngày Xuân”, “Mái đình làng biển”. Nhưng đến khi Tùng Dương mời đi nghe cậu ấy hát “Hò biển”, tôi thật sự nhận ra đây mới đúng là giọng hát mình tìm kiếm cho những tác phẩm mang màu sắc đồng bằng Bắc Bộ. Khi Tùng Dương coi tôi là “bố tinh thần”, tôi nghĩ đó hẳn là sự “hữu duyên” rồi.
Sau Y Moan, Siu Black, Tùng Dương là chàng Trương Chi, là tri kỷ mới của tôi trong âm nhạc. Nếu không có cậu ấy, nhiều ca khúc của tôi sẽ không thể đến với khán giả hoặc nó sẽ bị méo mó. Có những ca khúc, như “Nét ca trù ngày Xuân”, sau 38 năm ra đời, đến giờ tôi mới thấy nó được hát một cách đẹp đẽ nhất qua giọng hát của cậu ấy.
Làm việc với những giọng ca Tây Nguyên có khác với một giọng ca thành phố không, thưa ông?
– Quan điểm của tôi khi làm việc với bất cứ ai là chỉ cần hát trước mặt tôi một lần đúng, sau đó là việc của ca sĩ. Chính vì thế, tôi gặp những bất ngờ kinh khủng khi nghe bài “Đàn cầm dây vũ dây văn”. Tùng Dương đã làm tôi thấy tuyệt vời vô cùng khi cậu ấy bỏ đi của tôi một chữ “chăng” ở kết bài. Ca từ như thế này “Giang sơn một gánh giữa đồng/Thuyền quyên (ứ hự) anh hùng nhớ chăng?”… Đó là nỗi đau đớn của người phụ nữ bị phụ tình, 10 năm gặp lại người xưa nhưng cô ấy tha thứ hết. Người nghe đang chờ đợi một sự căng thẳng, bùng nổ thì Tùng Dương lại bỏ nhỏ, gây một cú sốc khủng khiếp về âm nhạc.
Tôi không ép buộc ca sĩ 100% phải theo ý mình, phải như thế thì mới gợi sự sáng tạo của ca sĩ. Nguyên tắc của tôi mấy chục năm nay là hát bài của tôi chỉ cần đúng là được.
Y Moan, Siu Black hát bài của tôi còn bỏ đi vài câu, tôi vẫn thấy được. Họ bỏ được lắm, vì làm bài hát của tôi hay hơn. Đôi khi tôi còn phải cám ơn ca sĩ đã sửa lời ca khúc cho mình, vì có khi mấy chục năm, mình muốn sửa mà không sửa được, như trường hợp ca khúc “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk”. Bài hát này có câu “Giữa ngút ngàn, dưới nắng vàng, bầy voi đi từng đàn…”. Đã “bầy” lại còn “đàn”, có ngớ ngẩn không chứ! Tôi biết thế mà nghĩ cách nào cũng không ra. Gần 30 năm sau, cô ca sĩ H’Zina Bya hát nhầm lời của tôi. Cô ấy nói xin lỗi tôi và bảo hát nhầm “bầy voi đi từng đàn” thành “bầy voi đi tìm đàn”. Tôi mừng muốn chết, vì từ “tìm” quá hay mà không ai nghĩ ra, nó không chỉ sửa sai ca từ mà còn mang cho bài hát của tôi một tinh thần khác. Cuộc đời rất hay, thiên hạ rất tài và mình phải biết khơi để ca sĩ sáng tạo.
Nhưng có những trường hợp hát sai lời đến ngớ ngẩn. Không chỉ sửa lời, nhiều người còn chế bài hát của ông thành những dị bản, ông có thấy thú vị được không?
– Đúng, ngay cả những ca sĩ ruột cũng hát sai. Nhiều người hát cứ thêm từ, thêm đến độ ngớ ngẩn. Nhưng thôi kệ! Tôi thì cứ nghĩ nếu bài hát của mình đã đóng khung trong lòng khán giả rồi thì “mày” muốn bịa thế nào cũng được. Mà họ bịa hay lắm, kiểu như “Có cái nắng, có cái gió, có cái đó, em cho ai, em cho ai, tùy em” hay “Có cái nắng, có cái đó, không nên cho, không nên cho… tùm lum…”, thậm chí “Có cái nắng, có cái gió, có cái đó, em không cho, em không cho, thì… mua”! Thực ra, bài hát có nhiều dị bản rất hay, vì nó là nhu cầu thực tế của đời sống, đó là tính dân gian. Tôi thấy vui vì điều đó.
Góp mặt trong live show “Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng”, ra mắt album mới, đều đặn đi tỉnh sáng tác theo đơn đặt hàng, lại còn làm giám khảo cuộc thi hát “Alosong Star”…Không phải lúc nào người ta cũng thấy Nguyễn Cường xuất hiện nhiều như lúc này. Có điều gì tác động khiến ông hào hứng như vậy?
– Tôi là người thích vui, không thích buồn. Tôi luôn hứng khởi nhưng người khác không biết đấy chứ.
Tôi nhận lời làm giám khảo cho “Alosong Star” vì đó là sân chơi thỏa mãn được khát vọng hát của người Việt. Bất cứ ai thích ca hát cũng đều có cơ hội thể hiện mình. Cũng hay đấy chứ!
Nói về khát vọng hát, ông vẫn cho rằng âm nhạc của mình kén người nghe lẫn hát, nó không giúp cho người ta giải trí hay thư giãn. Kén khán giả, đồng nghĩa với việc thu nhập từ tác quyền không nhiều, có bao giờ ông nghĩ về điều này?
– Tôi không bao giờ nghĩ đến tác quyền hay quan tâm đến thu nhập bằng nghệ thuật.
Tôi nói thẳng luôn. Tôi sống có cần nhiều tiền gì đâu? Chúng ta đang lãng phí rất nhiều. Đáng lẽ chỉ cần chục cái áo thì chúng ta có ba – bốn chục cái, có những người có hàng trăm cái, mấy trăm đôi giày. Tôi bây giờ không có xe đạp, xe máy hay ôtô. Tôi chỉ đi xe buýt, cần gì phải nhiều tiền.
Nghĩa là tiền với ông không quan trọng?
– Quan trọng chứ, nhưng quan trọng như thế nào mới được.
Vậy nhu cầu lớn nhất của ông bây giờ là gì?
– À, tôi được đi bơi, tập thể dục. Ăn vừa phải để không bị béo quá. Đi chơi, vui vẻ với mọi người, viết những bài hát mới. Thế thôi, đời thế là thích lắm.
Hẹn gặp Nguyễn Cường rất khó, lúc thấy ông đang ở tỉnh này, lúc lại đang đi địa phương khác. Hình như ông rất có duyên với việc sáng tác ca khúc đặt hàng?
– À, đúng! “Còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa một mình”.
Nhưng thực ra, đặt hàng tôi cũng không dễ đâu! Các ca sĩ không được phép đặt hàng tôi. Họ lấy gì để đặt hàng tôi, lấy giọng hát của họ à? Với tôi phải là đời sống đặt hàng, một vùng văn hóa, một làng văn hóa đặt hàng. Mà thực ra, chẳng cần đặt hàng tôi cũng viết. Nhưng đặt hàng là để dồn năng lượng vào đó hơn, để mình tập trung vào đó.
“Chỉ có văn hóa mới hấp dẫn được tôi”
Nghe đâu Nguyễn Cường bén duyên với Tây Nguyên cũng nhờ chuyến đi “đem con bỏ chợ” của nhạc sĩ Trần Tiến?
– Đúng! Lúc đó không ai biết đến tôi, người ta chỉ biết Trần Tiến. Năm 1981, khi Trần Tiến phát biểu trên báo chí muốn vào Tây Nguyên, đoàn trưởng Đoàn Ca múa Đắk Lắk đến tận nhà ông ấy mời vào đó thực tế. Trần Tiến sợ, vì thực ra đi vào nơi hoang dã cũng ngại, bèn bảo “mời thêm ông bạn tôi nữa” là Nguyễn Cường. Khi lên đến nơi, chỉ 4-5 ngày là Trần Tiến chuồn, còn tôi ở lại 7 tháng. Chưa có nhạc sĩ nào đi thực tế 7 tháng ở Tây Nguyên, từ tháng 5 đến tháng 12 mới về.
Sau này, ông đoàn trưởng nói với tôi: “Tôi phải xin lỗi anh, vì lúc mời anh, tôi chỉ nghĩ thôi thì cứ mời thêm người nữa cũng chẳng sao, chỉ là thêm mâm thêm bát, lo gì đâu. Tôi nghĩ mà buồn quá, vì có cục thịt, miếng xương thì cục thịt đã chuồn, còn miếng xương mình phải gặm. Tôi không ngờ đó là miếng xương vàng”.
Có người nghĩ tôi lên đó vì có cô nào thu hút nhưng thực ra không phải vậy. Thu hút tôi là văn hóa Tây Nguyên, văn hóa cồng chiêng, đó là cả một nền văn hóa lớn. Chỉ có văn hóa mới hấp dẫn được tôi. Phụ nữ rất hay nhưng không đủ hấp dẫn tôi đến mấy chục năm như văn hóa Tây Nguyên. Ít người chết vì tình nhưng có hàng triệu người chết vì quê hương. Họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ văn hóa của mình.