Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển giảng về đàm phán ở Fulbright
Ngoài kiến thức
chuyên môn; những kỹ năng mềm
như giao tiếp, đàm phán và thương lượng cũng là hợp phần đào tạo được Trường
Chính sách công và Quản lý Fulbright chú trọng. Lớp Thạc sĩ Chính sách công –
chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý (LM) vừa hoàn thành môn học Đàm phán
(Negotiation) trong học kỳ vừa qua.
Vốn là một môn học có tính ứng dụng cao, ban giảng viên môn Đàm phán đã mời đến lớp học hai vị khách mời là hai nhà đàm phán nổi tiếng trong nước và quốc tế – Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển và Giáo sư Phan Văn Trường.
Ông Trương Đình Tuyển nguyên là Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công thương), là trưởng đoàn đàm phán chính phủ về thương mại quốc tế, và là người có vai trò quyết định trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.
Ông cũng được Thủ tướng mời làm cố vấn cấp cao cho Chính phủ trong quá trình đàm phán TPP (Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương) và CP-TPP. Dù đã rời nhiệm sở, ông vẫn tiếp tục đóng góp không mệt mỏi cho việc thúc đẩy các nỗ lực cải cách cho kinh tế thị trường và xã hội dân sự ở Việt Nam.
Giáo sư Phan Văn Trường là cố vấn Chính phủ Pháp trong thương mại quốc tế, thành viên HĐQT của tập đoàn xây dựng Hòa Bình, giáo sư viện John Von Neumann – Đại học Quốc gia và nguyên giáo sư đại học Kiến trúc. Từ năm 1986 đến 2004, ông là lãnh đạo cấp cao ở nhiều tập đoàn đa quốc gia về điện lực, giao thông, cấp nước đô thị và dầu khí.
Ông là tác giả của hai quyển sách Một đời thương thuyết và Một đời quản trị; trong đó, quyển Một đời thương thuyết nhận giải thưởng Sách hay năm 2016 trong hạng mục sách quản trị. Ông còn được chính phủ Pháp và Việt Nam trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ Đài ghi công Pháp (1990), Bắc đẩu Bội tinh (2006), Huân chương Chủ tịch nước (2010).
Bằng trí nhớ mẫn
tiệp, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển thuật lại những dấu mốc quan trọng
trong đàm phán thương mại song phương và đa phương mà ông đã trải qua. Đặc biệt,
khi cuộc thương thuyết đi vào ngõ cụt, cách ông nhìn ra những chi tiết khó phát
hiện và đưa ra giải pháp sáng tạo làm hài lòng mọi đối tượng trên bàn đàm phán
mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho bên mình.
Sự hài hước dí dỏm của Giáo sư Phan Văn Trường khiến các học viên vừa cười thỏa thích vừa gật gù thấm thía khi nghe ông chia sẻ về những lần “đem chuông đi đánh xứ người” khi thương thuyết ở các hoàn cảnh đa văn hóa, đa quốc gia, nhiều đối tượng tham gia và với nhiều lợi ích chồng chéo.
Là hai nhà đàm
phán kỳ cựu ở hai môi trường khác nhau (công và tư), tuy vậy, cả hai khách mời
đều thống nhất quan điểm đàm phán là quá trình tạo và chia sẻ giá trị để hai
bên cùng thắng (phương pháp win-win).
“Hai bên cùng thắng” cũng là tinh thần chủ đạo được các giảng viên truyền thụ đến các học viên xuyên suốt khóa học. Qua trao đổi và trò chuyện với hai vị khách mời, học viên hình dung được cách triển khai và sử dụng những chiến thuật win-win trong những thương thuyết ngoài đời thực.
Quỳnh Chi