Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 1)

Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 1)

 

 

 

Ngắm tranh – Đứng lại và ngắm nhìn (Phần 1)

Những khi lướt internet, xem tivi, tham quan bảo tàng hay những tấm hình lưu niệm hay đơn giản là từ môn vẽ hồi tiểu học, các bạn đều có thể bắt gặp những bức tranh với muôn hình muôn màu, với nội dung phong phú và mang cho bạn một cảm xúc khó tả. Đó chính là phản ứng bình thường trước cái đẹp thẩm mĩ. Đã có bao giờ bạn chủ ý thắc mắc về nguồn gốc bức tranh, hoàn cảnh họa sỹ đã hoàn thiện tác phẩm, với cách thức nào để vẽ chưa?

“Những bức tranh cũng có những biểu hiện tình cảm như con người: chúng có thể thổ lộ với bạn, làm cho bạn vui vẻ, giận dữ, gây sốc hoặc xoa dịu tầm hồn bạn”.

Vì vậy để xem tranh, hoặc:

– tự tìm hiểu dần về cách đánh giá hội họa theo những chuẩn mực, công thức về cái đẹp dựa trên bố cục, không gian, hình thể, màu sắc, chủ đề mà Mary Acton, giảng dạy tại trường đại học Oxford viết trong quyển sách “Learning to look at painting”.

– tự cảm nhận cái đẹp, sự đồng cảm, yêu ghét bằng cảm xúc cá nhân, chưa hẳn bức họa trường phái trừu tượng với giá trên trời sẽ gây hứng thú với bạn.

Nhưng quy lại, để đánh giá hội họa không thể thiếu cả hai cơ sở trên. Tôi thích tìm hiểu thêm về hội họa, một phần bắt nguồn từ những bài tập vẽ, bài học từ môn mĩ thuật những năm cấp hai. Theo thời gian vì chạy đua với các môn học chính tôi đã vô tình bỏ quên hẳn mà chẳng đọc thêm gì nữa. Tôi không phải là một họa sỹ , cũng chẳng phải một chuyên gia, chỉ là một tay lơ mơ yêu thích loại hình nghệ thuật vô cùng thi vị và đầy triết lí này, nhất là trong giai đoạn sự ra đời và phát triển của máy ảnh đã phần nào làm mất đi tính độc nhất quan trọng của nó. Do đó trong quá trình tìm hiểu tôi đã thấy phương thức tốt nhất là học cách xem tranh thông qua tập dần dần đánh giá các chi tiết, bố cục,..và tự trau dồi thêm kiến thức cơ bản về hội họa. Trong các quyển sách dành cho kẻ lơ mơ như tôi từng đọc để hiểu hơn một chút về nghệ thuật này, quyển “Looking at paintings” của Frances Kennet là lựa chọn đầu tiên. Quyển sách thông qua việc phân tích, giải thích và cảm nhận đối với một số bức tranh tiêu biểu nhằm tạo hứng thú đầu tiên về việc tìm hiểu về hội họa.

Bài viết được tham khảo và được dịch thoáng dựa trên quyển sách trên. Tôi vẫn giữ nguyên sườn chính, một vài câu văn khi dịch và một số hình minh họa. Ngoài ra tôi sẽ thay đổi một vài cấu trúc, bổ sung thêm thông tin về tác giả, nội dung tranh và đánh giá, bình luận khác liên quan của cá nhân tôi. Hình được tìm trên Internet và có ghi nguồn. Tất cả nhằm nâng cao tinh thần học hỏi và chia sẻ sở thích này với các bạn quan tâm.

Phần 1: Đứng lại và ngắm nhìn

I/ Nhìn như thế nào?

Thông thường đứng trước một bức tranh, chúng ta sẽ lướt thật nhanh để hình thành một ý nghĩ mơ hồ về những gì được miêu tả bên trong. Có thể ngay từ cái nhìn đầu tiên bạn sẽ thích thú bởi màu sắc, hình thể hoặc là một cảm xúc đặc biệt nào đấy dấy lên bên trong. Đó là một cách khá tốt để bắt đầu xem tranh. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý thật kĩ họa tiết và biết một vài điều xung quanh cách vẽ của tác giả, bức tranh sẽ “trò chuyện” với bạn.

Bây giờ ta sẽ tìm hiểu bức họa “A Winter Scene with Skaters near a Castle” được Hendrick Avercamp, một họa sỹ người Hà Lan khoảng thời gian 1608-1609, chất liệu sơn dầu trên khung gỗ sồi.

ngamtranhp1-1

Tranh hiện được trưng bày tại nhà
Triển lãm Quốc gia (The National Gallery), Luân Đôn (Anh quốc).

Đầu tiên đập vào mắt bạn là hình ảnh một đám người lố nhố đang trượt băng, một tòa nhà/lâu đài lớn và một cái cây “dễ thương”. Bây giờ khi nhìn thật kĩ vào bức tranh (các bạn bấm vào hình và phóng to), bạn có cảm nhận được tiếng ồn nó mang lại không? Có lẽ là tiếng băng nứt, tiếng trẻ con nói cười hay tiếng kêu kin kít khi trượt băng? Trong bối cảnh thời tiết giá lạnh thế này, các bạn có cảm nhận được những niềm vui, sự hạnh phúc của mọi người khi nắm tay cùng vui chơi, cùng nhảy, khi thì đang trượt té, khi ngồi cười nói, khi nhìn xung quanh, rất hoạt náo và một tí lộn xộn. Thật ra Hendrick Avercamp chẳng bao giờ bàn luận về việc cảm nhận của mình như thế nào vì vốn dĩ bẩm sinh câm điếc. Ông đã thể hiện tất cả (cũng tự học trượt băng) qua các tác phẩm hội họa, lấy mùa đông làm chủ đề chính.

Bấm vào tấm hình phía dưới đây, zoom hết cỡ, hãy nhìn các vị trí tôi lấy làm ví dụ (có khoanh tròn), bức tranh mô tả thật cụ thể các hoạt động từng chủ thể, tôi còn biết thêm lâu đài này ở ngay tại quê hương ông, Hà Lan và các sự vật khác mà các bạn có thể tự quan sát và nhận xét. Hơn nữa các bạn có thắc mắc người nào trong tranh đến từ bên trong lâu đài không?

Bức tranh có kích thước 40.7 x 40.7 cm (hình này tương ứng với kích cỡ thật).

Tiếp, các bạn hãy thử so sánh kích cỡ của mọi người và các cây. Tôi lấy ví dụ người đang quỳ gối cột giày, cạnh gốc cây gần mắt các bạn nhất, so với các hình ảnh đoàn người đang băng con đường thật dài (hiệu ứng không gian) để đến khu vực nhà thờ khu bên trái bức họa. Và ví dụ khác về cái cây khô trước mắt so với mấy cây lưa thưa ở dãy nhà bên phải tấm hình (chiều cao chỉ còn tầm 1/3) . Các bạn hãy tự kiểm chứng điều đó (dĩ nhiên có thể ngoài đời biết đâu cây đó nhỏ hơn).

Luật xa gần, luật phối cảnh là điều cơ bản trong hội họa, vẽ phối cảnh (perspective). Khi gần mắt thì vật thể sẽ to, nét đậm và rõ hơn so với lúc ở xa. Ngoài ra các đường song song sẽ hội tụ tại đường chân trời (horizon line), các cạnh càng xa đường chân trời sẽ càng xiên hơn. Đường chân trời là thành phần quan trọng trong tranh vẽ, vì chứa nhiều điểm tụ (vanishing point) của mặt phẳng, từ đó quyết định đến khả năng tạo chiều sâu không gian trên mặt phẳng hai chiều. Vị trí đường chân trời tùy thuộc vào ý định bố cục của họa sỹ.

ngamtranhp2-3
www.pinterest.com–Hình ảnh minh họa về cách vẽ 
phối cảnh và hiệu quả của quy luật xa gần

Tôi sẽ nhắc lại một cách chi tiết hơn về luật phối cảnh trong một bài viết khác theo câu trúc của quyển sách.

II/ Tiền cảnh (foreground), trung cảnh (middleground), hậu cảnh (background) (giới thiệu sơ lược)

Tiếp tục phân tích bức họa của họa sỹ Hendrick, phần cây to nhất và một số người lố nhố đứng chỗ gốc cây là tiền cảnh. Tiếp đó ngay chính giữa tấm hình, một nhóm lớn những người thanh niên đang nhảy là khu vực trung cảnh. Sau cùng, khu vực hậu cảnh gồm lâu đài, xa xa là những tòa nhà, đoàn người “be bé” đang đi đến nhà thờ.

ngamtranhp2-4
Ví dụ khác về các thành phần bố cục
Winter Landscape with Skaters near a Castle,
họa sỹ Adrian Van de Venne(1615), tranh sơn dầu

Mỗi khu vực sẽ có cách thêm họa tiết, pha màu sáng tối, đậm nhạt khác nhau tùy ý định của tác giả. Nhưng một bức tranh thành công về thể hiện chiều sâu, điểm nhấn thường có đầy đủ cả ba phần. Các chủ thể trong tranh được đặt chồng lên nhau giữa các phần. Đối với các tranh phong cảnh, đa phần người ta sẽ tập trung cho phần trung cảnh, hậu cảnh và ít nhất cho tiền cảnh, thường tiền cảnh sẽ được dùng để dẫn dắt đến điểm nhấn ở hai khu vực còn lại. Sự lựa chọn tạo mờ ở khu vực hậu cảnh nơi nhà thờ, màu sắc ở tiền cảnh ấm, trong khi đó hậu cảnh nhạt nhòa hơn và lạnh hơn. Việc mô tả cái cây ở tiền cảnh lớn và nét đậm hơn so với tòa lâu đài là một ví dụ khác cho sự khác biệt giữa ba phần.

III/ Về sao chép tranh và kích thước

Chúng ta đều biết một bức tranh gốc (original painting) trên thế giới “rất có giá trị” vì là sản phẩm trí tuệ duy nhất của người họa sỹ, thường được trưng bày và bảo quản ở các bảo tàng. Bức ảnh tôi trích ở phía trên là một dạng sao chép, tranh chụp. kể cả các tấm poster, postcard,.. Giá cả sẽ rẻ hơn rất nhiều và phổ cập đại chúng hơn. Các sản phẩm sao in thường có kích thước nhỏ hơn so với tranh gốc. Hiện nay, nếu muốn sở hữu một phiên bản sơn dầu hoặc màu nước với giá cả hợp lí để treo trong nhà của Tô Ngọc Vân, Van Gogh, Tề Bạch Thạch, Claude Monet.. thì không thể không kể đến con đường Trần Phú (Đoạn một chiều-Quận 5) hay trên Nguyễn Văn Trỗi (Đoạn chạy ra sân bay TSN-Quận 3). Cá nhân tôi không có ý kiến phản đối về công việc sao chép tạo hình này, vì mục đích phổ biến các tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng, chỉ khi nếu nó được quản lý có hiệu quả, quy định chế tài rõ ràng nhằm bảo vệ tranh gốc và quyền tác giả, sự sáng tạo, công sức, mồ hôi của họa sỹ. Nhưng thực tế hiện nay việc sao chép tràn lan và công khai. Thật đáng phê phán. Tranh giả đang là một vấn nạn đối với mĩ thuật hiện nay, không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Chưa kể mang tính chất lừa đảo trong thị trường mĩ thuật, mang nỗi thất vọng lớn cho nhà sưu tập hay người yêu thích mĩ thuật thực thụ khi chính họ phát hiện bản thân bị lừa mà còn là nguy cơ hủy hoại các tác phẩm chính tông. 

Cũng như nội dung, phong cách, kích thước của chúng cũng rất đa dạng, đến nỗi khó có thể tưởng tượng được. Bức họa “Bathers at Asnières” (tạm dịch Những người đi tắm ở Asnières) do Georges Seurat, một họa sỹ điển hình của trường phái tân ấn tượng (Neo-impressionnism) vẽ năm 1884 bằng chất liệu sơn dầu. Bức hình trông thật vừa vặn với khuôn của bài viết, tuy nhiên thực tế họa sỹ đã truyền đạt khả năng hội họa tài năng của mình trên khung tranh 2.0 x 3.0 m, thật kinh ngạc!

Họa sỹ đang cố gắng miêu tả chân thực cảnh sinh hoạt của một số người dân Paris đang bơi lội và tắm nắng tại vùng ngoại ô thuộc Ile-de-France, ngay sông Seine (nay gọi là Asnières-sur-Seine). Hiệu ứng ánh sáng ở ngoài trời của không khí, mặt trời và cách phối trộn màu mang nét đặc trưng của họa sỹ, khi cố gắng miêu tả chính xác màu sắc thực tế và điểm họa từng chi tiết nhỏ nhặt. Về cách phối màu đánh lừa thị giác, về bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp tại Pháp cuối thế kỉ XIX, tôi sẽ nói thêm về những thông tin này trong một bài viết kế tiếp. Đây là một bức tranh rất hay của Seurat.

Tranh hiện được trưng bày tại nhà Triển lãm Quốc gia (The National Gallery), Luân Đôn (Anh quốc).

ngamtranhp2-5

IV/ Cách làm kính ngắm (view-finder):

Đôi khi bạn chỉ muốn tập trung quan sát một vài chi tiết chính trong một bức hình phức tạp, và kính ngắm sẽ giúp bạn làm việc đó. Tôi nghĩ bạn nào từng học các lớp mĩ thuật hay chụp bằng máy ảnh DSLR thì sẽ biết rõ view-finder. 

Khi sử dụng bạn có thể tự điều chỉnh 2 thanh L để tập trung vào mục tiêu hay không.

ngamtranhp2-6

ngamtranhp2-7

–  trinhhaithang biên dịch –
 Theo “Looking at paintings” của Frances Kennet 

>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 2a)

>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 2b)

>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 3)

>>> Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 4)

Rate this post