Nghệ sỹ Lý Hùng và hành trình ‘sạch’
TP – Những ngày này khi diễn viên, đạo diễn Việt Trinh tuyên bố giải nghệ, khán giả lại quan tâm đến “người tình màn ảnh” một thời của chị, nghệ sỹ Lý Hùng. Không còn ở thời đỉnh cao, song anh vẫn tràn đầy nhiệt huyết với hoạt động nghệ thuật, giải trí. Lý Hùng vẫn đóng phim, vẫn đi hát, vẫn làm MC, vẫn tham gia gameshow… Anh còn “tiêu xài” quãng đời độc thân của mình cho công tác thiện nguyện.
“Ông hoàng phòng vé” không danh hiệu
Thập niên 90 của thế kỷ 20, Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh là những ngôi sao điện ảnh được săn đón hàng đầu. Lý Hùng từng được mệnh danh “ông hoàng phòng vé”, anh cũng được ghi nhận là nam diễn viên có cát- xê cao nhất Việt Nam, một tập phim được trả tới 60 cây vàng (theo Lý Hùng tương đương khoảng 2 tỷ đồng hiện nay). Anh không phủ nhận lợi thế của bản thân, được sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, có cha là cố NSND Lý Huỳnh: “Tôi có năng khiếu bẩm sinh, lúc 12 tuổi đi với ba, có cơ hội gần gũi đạo diễn. Họ nhìn ra khả năng của tôi và trao cho tôi cơ hội đóng phim”.
Năm 12 tuổi, lần đầu tiên Lý Hùng đóng vai chính trong phim “Đàn chim và cơn bão”, đạo diễn Cao Thụy. Năm 17 tuổi anh lại thủ vai chính trong phim “Nơi bình yên chim hót”, đạo diễn Việt Linh. Ở “Nơi bình yên chim hót”, khả năng diễn xuất của Lý Hùng được đánh giá cao. Hai năm sau, năm 1988, 19 tuổi, Lý Hùng nhận vai diễn để đời trong bộ phim “Phạm Công Cúc Hoa”, đạo diễn Lưu Bạch Đàn. Từ đây, tên tuổi Lý Hùng phủ sóng từ Bắc chí Nam. Anh và Diễm Hương, người thủ vai Cúc Hoa, lập tức trở thành cặp “tiên đồng ngọc nữ” của màn ảnh Việt. Một tiết lộ nhỏ từ Lý Hùng: Dù đã nổi tiếng nhưng cha mẹ anh luôn động viên và khuyến khích con trai phải đi học, không được ỷ lại sự nổi tiếng, bởi làm nghề nào cũng cần đào tạo bài bản mới bền. Lý Hùng thi đỗ vào trường điện ảnh, qua cuộc tuyển lựa gắt gao với sự tranh tài của mấy ngàn thí sinh. Lớp học của Lý Hùng chỉ có khoảng 20 người, toàn “trai tài gái sắc”, hơn một nửa sinh viên ngày ấy đều thành người nổi tiếng: Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương… Được đào tạo bài bản, lại có vẻ ngoài “ăn tiền”, anh sở hữu gương mặt điển trai cùng chiều cao trên 1,7 m, Lý Hùng liên tục “ẵm” vai chính trong một loạt phim: “Người không mang họ”, “Tây Sơn hiệp khách”, “Lệnh truy nã”, “Tráng sĩ Bồ Đề”, “Nước mắt học trò”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”… Anh cũng là diễn viên Việt Nam có cơ hội xuất hiện trong những bộ phim hợp tác với Hồng Kông như “Phượng hoàng 99”, “Lưới trời lồng lộng” …
Nhiều người cứ tưởng sau thời vàng son, Lý Hùng không còn đóng phim nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ đam mê. Năm 2005, anh trở lại màn ảnh với vai trung úy Nguyễn Trực, phim “Dollar trắng”. Năm 2010, Lý Hùng tái xuất trong bộ phim “Tây Sơn hào kiệt” do hãng phim Lý Huỳnh phối hợp với hãng phim Thanh Niên sản xuất. “Bây giờ tôi ít nhận phim hơn. Năm 2014 tôi vẫn đóng vai chính trong “Cuộc chiến quý ông” (dài 64 tập). Năm 2017, cũng đóng vai chính trong “Biển đời giông tố”, 34 tập”, Lý Hùng chia sẻ. Anh quan niệm: “Vai chính hay vai phụ không quan trọng”. Nhưng không hiểu vì sao các đạo diễn thường xuyên mời Lý Hùng vào vai chính. Anh cũng khó chối từ, bởi vai nào cũng như được “đo ni đóng giày” cho anh. Đến mức sách kỷ lục gia Việt Nam đã xác nhận Lý Hùng là nam diễn viên đóng vai chính nhiều nhất Việt Nam, khoảng trên 100 phim.
“Ông hoàng phòng vé” đặc biệt ghi dấu ấn trong những phim võ thuật. Anh cho biết, vì ba là võ sư, nên mới 6,7 tuổi anh đã được học võ: “Nhà tôi có võ đường dạy võ cho các thí sinh. Cứ đi học về, cất cặp sách, tôi lại tập luyện, tập lâu dần cũng quen. Sau này chính võ thuật đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong phim ảnh”. Những cảnh đánh, đấm trong phim do chính anh thực hiện, ngoại trừ những pha nguy hiểm mới nhờ đóng thế. Lý Hùng trải lòng: “Đóng phim võ thuật vất vả lắm, cực cho diễn viên. Chẳng phim nào không đổ mồ hôi, sôi nước mắt. “Phạm Công Cúc Hoa” hay “Người không mang họ” quay suốt gần 5 tháng trời, từ miền Nam ra miền Trung. Hay phim gia đình tôi làm là “Tây Sơn hào kiệt” cũng quay từ miền Nam ra Huế, cũng điều quân đánh giặc vất vả lắm. Tôi mặc bộ áo giáp mười mấy ký, khi cởi đồ ra thì mồ hôi ướt đẫm luôn”.
Đóng nhiều phim, hi sinh vì vai diễn nhưng đến nay Lý Hùng vẫn không được phong tặng một danh hiệu nào. Anh nói: “Vì quy định của Nhà nước, phải có huy chương trong Liên hoan phim. Những phim tôi đóng ngày ấy lại không dự thi. Ngày xưa nếu “Người không mang họ” dự thi khéo tôi cũng có giải. Nhưng được khán giả yêu mến là hạnh phúc rồi. Tất nhiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu còn tuyệt vời hơn”.
Học mẹ làm từ thiện
52 tuổi, Lý Hùng vẫn “một mình” nhưng anh không cô đơn. Bên anh còn có người thân, bạn bè: “Gia đình tôi có truyền thống thương yêu đùm bọc nhau. Lúc ba còn sống, ba mẹ tôi luôn đi chung với nhau. Nay ba mất, tôi chăm sóc mẹ chu đáo, thay ba. Mẹ vui là tôi vui rồi”, Lý Hùng kể. Ở thời vàng son, đóng phim được bao nhiêu tiền, anh đều đưa mẹ cất giữ: “Nếu mình chỉ bày tỏ tình yêu thương ngoài xã hội mà không lo cho gia đình, thì làm từ thiện có nghĩa chi?”, suy nghĩ của “Người không mang họ”.
Nói về mẹ, Lý Hùng dùng hai chữ: Tuyệt vời. “Sau 75, miền Nam khó khăn lắm. Ba tôi làm điện ảnh, đóng một bộ phim của đạo diễn Hồng Sến, 1-2 năm trời mới xong, mà có tiền bạc gì đâu? Mẹ tôi ở nhà làm bút bi Lý Huỳnh bán. Có kinh tế ba tôi mới an tâm đi làm phim”, “ông hoàng phòng vé” một thời kể. Với Lý Hùng, mẹ có lòng từ thiện bao la, “có bao nhiêu cũng cho đi hết”: “Mẹ tôi đi xây cầu, xây trường học, viện dưỡng lão… Có lần mẹ dạy, hồi mới giải phóng gia đình cũng cực lắm, được như hôm nay cần phải biết chia sẻ với những mảnh đời thua thiệt. Ngay từ nhỏ, mẹ tôi đã hướng thiện rồi”. Đó là lý do Lý Hùng luôn âm thầm làm từ thiện. Anh muốn noi gương mẹ mình: “Gia đình chúng tôi có truyền thống làm từ thiện, suốt 20-30 năm nay, không phải có dịch mới làm. Điều này, anh em nghệ sỹ đều biết. Điều kiện gia đình có bao nhiêu chúng tôi làm bấy nhiêu, hoặc cùng nhóm bạn làm, chưa bao giờ lên mạng xã hội kêu gọi”. Chính cách làm này của gia đình Lý Hùng đã giúp họ tránh được điều tiếng.
Sống lâu trong làng giải trí, Lý Hùng thừa hiểu tính hai mặt của scandal nhưng anh lựa chọn hình ảnh “sạch”. “Tài phải được chứng minh bằng tác phẩm. Khán giả là ban giám khảo công tâm nhất. Mình làm chân chính, đàng hoàng, mình vì nghệ thuật, vì nghề, hết mình cho đam mê sẽ không bao giờ bị khán giả phụ”, quan điểm của Lý Hùng.
Hiện nay, hoạt động nghệ thuật tại Sài Gòn đã trở lại song chưa được như trước, bởi dịch bệnh vẫn tiếp diễn, hạn chế tụ tập đông người. Trong lúc không ca hát, không đóng phim, Lý Hùng tham gia gameshow. Bất kể hoạt động nghệ thuật, giải trí nào phù hợp với khả năng của mình, nam diễn viên đều không từ chối. Đối với Lý Hùng cát-xê không quá quan trọng, song cũng phải đền đáp được phần nào công sức nghệ sỹ bỏ ra. Về câu hỏi nhiều khán giả quan tâm: “Bao giờ chia tay cuộc sống độc thân?”. “Ông hoàng phòng vé” một thời cười lớn: “Khi duyên tới sẽ đón nhận”.
Không “phim giả tình thật”
Từng có thời dấy lên nghi án Lý Hùng yêu Lê Tư, Hoa đán TVB, vì họ cùng đóng chung trong một số phim hợp tác với Hồng Kông, song nam tài tử đã lên tiếng phủ nhận. 33 năm đã trôi qua, từ khi phim Phạm Công- Cúc Hoa ra đời, hỏi Lý Hùng: “Ngày đó anh có rung cảm với nàng Cúc Hoa không?”. Chàng Phạm Công cười: “Không đâu. Chúng tôi chỉ rung cảm trong khi đóng phim. Ngoài đời chỉ là anh em, bạn bè”.