“Ngày về” với Hoàng Giác, nơi tôi có được – Âm Nhạc Online

Đó là thời gian toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Hà Nội sơ tán. Nhạc sĩ Hoàng Giác tham gia đoàn Tuyên Truyền Xung Phong. Trong lần được phép về thăm vợ con (khi đó đã tản cư tới Phúc Yên,) để đánh dấu ngày gặp lại, Hoàng Giác viết “Ngày Về.” Một “Ngày Về” ngợi ca tình yêu. Một “Ngày Về” đơm hoa cho quá khứ đã tan nát… Một “Ngày Về” mà, “tổ ấm” đôi lứa, cũng là tổ quốc – – người yêu trong ca khúc, cũng là quê hương… Và ca từ (lời 1) đầy đủ, như sau:

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm / Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm / nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi / luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh / Tha thiết mong tìm về bạn cũ / nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió / vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây / mờ khuất xa xôi nghìn phương / Trên đường tha hương, vui gió sương / riêng lòng ta mang nỗi nhớ thương / âm thầm thương tiếc cho ngày về / tìm lại đường tơ nay đã dứt / Nghe tiếng chim chiều về gọi gió / như tiếng tơ lòng người bạc phước / Nhắp chén men say còn vương bóng quê hương / dừng bước tha hương lòng đau.”

(Theo: dactrung.com)

Nhưng, phải chăng sự liên tưởng từ một tiểu gia đình, thành tổ quốc, lớn rộng? – – Từ một người vợ thương yêu, nhỏ bé, tội nghiệp…tới một quê hương đau thương, chìm trong binh lửa…được chuyển tải tới đám đông bằng giai điệu cực kỳ thiết tha; khiến những người dễ mủi lòng, có thể chảy nước mắt…

Bà Hoàng Giác còn kể cho tôi nghe cái tai nạn bất ngờ mà ca khúc “Ngày Về” mang lại! Đúng hơn, đó là cơn bão khủng khiếp đã úp chụp xuống gia đình bà.

Bà nói, vào khoảng giữa thập niên 1960, khi Miền Nam Việt Nam, dùng Ca khúc “Ngày Về” của nhạc sĩ Hoàng Giác, làm nhạc hiệu cho chương trình phát thanh Chiêu Hồi!

Là thế hệ 1.1/2, khi tôi được sinh ra thì, miền Nam Việt Nam đã mất .

Tôi không có một chút ý niệm, dù mơ hồ nào về thời thế, chính trị của đất nước trước năm 1975. Luôn cả những sáng tác thuộc lãnh vực văn học và nghệ thuật, thời gian còn ở Việt Nam, tôi cũng không hay biết, không tiếp cận…mãi cho tới khi tôi được theo mẹ qua Canada.

Tôi muốn nói, trong ghi nhận non nớt của tôi, trước sau “Ngày Về” vẫn là một tình khúc cảm động. Ca khúc ngợi ca một tình yêu dù vẫn còn, hay đã vĩnh viễn biến mất. Vẫn trong ghi nhận non nớt của tôi thì, “Ngày Về” của Hoàng Giác là ngày về với tình yêu dành cho Kim Châu – – Dành cho những người thân yêu và, quá khứ “đầm ấm” một thời thanh bình của ông.

Trong khi “Ngày Về” của tôi, là ngày về của một đứa nhỏ cũng với…tình yêu…Nhưng là thứ tình yêu thơ dại. Tình yêu dành cho ấu thơ, đã qua. Tình yêu dành cho căn nhà tôi đã ở. Ngôi trường tôi đã học. Những sân chơi chứng kiến ngày tôi thêm lớn. Những con đường, những hè phố tôi đã tới lui. Và, những người “bạn cũ” thân yêu một thời, tôi đã có.

“Ngày về’ của tôi sau mười mấy năm, cũng tương tự như “ngày về” của nhạc sĩ Hoàng Giác, cách nay trên nửa thế kỷ. Cũng là “Tha thiết mong tìm về bạn cũ…” Cũng bùi ngùi khi phải đối diện với “nhưng… cánh chim mịt mùng bạt gió…”

Khác nhau chăng là “cánh chim mịt mùng bạt gió,” ở đây, với tôi, là căn nhỏ xưa đã đổi. Sân trường cũ đã thay. Phố phường đã…”quy hoạch.” Những người bạn thơ ấu của tôi một thời, đã lớn. Họ đã trưởng thành. (Như tôi,) họ đã vào đời. Không ít người đã chẳng hề còn ở địa chỉ cũ – – Và, bạn bè xưa, cũng không một ai biết, nay những người đó, phiêu bạt nơi đâu!

Tôi nghĩ, đó cũng là một thứ “… mịt mùng bạt gió!” Một dạng “Vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây / mờ khuất xa xôi nghìn phương…”

Và, nếu tôi có thầm hát “Trên đường tha hương vui gió sương / riêng lòng ta mang mối nhớ thương / âm thầm thương tiếc cho ngày về / tìm lại đường tơ nay đã dứt…” Và, nếu tôi có không cầm được nước mắt (như tôi đã không cầm được nước mắt, lúc chính nhạc sĩ Hoàng Giác, với cây guitar, hát cho tôi nghe,

“Ngày Về” của ông;) xin hiểu cho rằng, ngay cả khi tôi có là con nhỏ không mau nước mắt; thì, chuyện rơi lệ cũng là lẽ thường mà thôi.

Đó là tôi chưa kể, lúc cất tiếng hát một ca khúc của mình, tác giả, đã bước qua tuổi 80. Tác phẩm đã có trên nửa thế kỷ tuổi đời. Sự hiện diện của linh hồn “Ngày Về,” bà Kim Châu. Hà Nội, một buổi trưa mùa hè. Và mấy chục năm trước, thảm họa trên trời giáng xuống cả gia đình nhạc sĩ Hoàng Giác, khiến tôi càng thêm bàng hoàng, xốn xang, chua xót.

 

 

Tai họa đã biến bà Hoàng Giác đã từ vai trò một người vợ yếu đuối, thành người lo toan chuyện cơm áo, chạy vạy nuôi cả gia đình!

Bà kể, trong suốt thời gian đằng đẵng ấy, đã có không biết bao thức trắng, cúi xuống chiếc máy may cũ kỹ, cầm lên những que đan sờn tróc…để may vá, đan thuê cho người… Thời gian ấy, để cứu sống chồng con, bà cũng không từ bất cứ công việc gì, kể cả những việc chỉ đem lại cho bà một lợi tức bèo bọt, như phết hồ dán bao nylon…

Kết luận về thời gian bị tai họa bi thương nhất của cuộc đời mình, với nụ cười hãnh diện, bà Hoàng Giác nói:

“Tuy nhiên, thời gian đó, cũng là thời gian bà rất hạnh phúc con à. Bà cảm thấy hạnh phúc không chỉ vì chia xẻ được hoạn nạn, khó khăn với chồng con, mà còn vì bà từng bắt gặp ông che mặt khóc, khi thấy bà quá cơ cực… Với bà, chừng đó, đã là một đền bù đáng kể rồi, con à…”

 

Bà không nói, nhưng tôi biết, biết rất rõ, bà còn được trời đất đền bù cho bà những người con thành đạt. Trong số những người con đó, của ông bà, có thể kể nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một tài hoa của, Hà Thành, hôm nay.

Orchid Lâm Quỳnh,

(California, June 2007.)

Nguồn: https://dutule.com/a8390/orchid-lam-quynh-ngay-ve-voi-hoang-giac-noi-toi-co-duoc-

Rate this post