Ngay trong đêm Khang Hy băng hà, Ung Chính lập tức xử tử thân tín đã theo tiên đế suốt 60 năm, ông đến cùng đã đắc tội với ai?
Từ xưa tới nay, việc tranh giành ngôi báu trong hoàng tộc không phải chuyện lạ. Bởi chỉ cần có vương quyền thì có thể một tay che trời với quyền lực tối cao, vạn người tôn kính.
Là triều đại cuối cùng trong thời đại phong kiến của Trung Quốc, nhà Thanh cũng không thể tránh khỏi việc tranh quyền đoạt vị. Trong số 12 hoàng đế triều Thanh, vị hoàng đế nổi tiếng nhất triều Thanh, Khang Hy, cũng là hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất. Sau khi ông băng hà, thái giám tổng quản đã theo ông đến 60 năm, Triệu Xương, cũng lập tức bị hoàng đế kế ngôi là Ung Chính xử tử.
Triệu Xương đã phạm tội tày đình gì? Ông đã xúc phạm đến ai? “Âm mưu” thực sự đằng sau hành động này của Ung Chính là gì?
Theo Khang Hy đế từ khi còn nhỏ
Theo truyền thống trong cung, mỗi hoàng tử từ khi còn nhỏ sẽ chọn cho mình một người cùng độ tuổi theo hầu, bầu bạn. Khi Khang Hy từ khi còn nhỏ đã được Hiếu Trang Hoàng thái hậu và Thuận Trị đế hết mực yêu thương. Lúc Khang Hy bắt đầu văn tôi võ luyện cũng là lúc họ tìm cho ông một đứa nhỏ ngoan ngoãn để bầu bạn. Và người được lựa chọn là Triệu Xương.
Triệu Xương chỉ nhỏ hơn Khang Hy 3 tuổi nhưng từ bé đã thông minh lanh lợi, hiểu chuyện, khéo ăn nói nên rất được Khang Hy yêu thích. Mặc dù có sự khác biệt về thân phận nhưng Khang Hy một phần nào đó vẫn coi Triệu Xương như người bạn thân thiết của mình, gần như ở bên nhau suốt thuở ấu thời.
Sau này, khi Khang Hy vừa kế vị ngai vàng cần bình định nhiều thế lực thì Triệu Xương lúc đó đã âm thầm giúp đỡ lo lót. Đợi đến khi Khang Hy nắm chắc quyền lực trong tay, lập tức sắc phong Triệu Xương làm Tổng quản phủ Nội vụ. Tất cả thánh chỉ hầu hết đều qua tay Triệu Xương mà truyền xuống dưới. Vào mỗi dịp trọng đại đều sẽ có Triệu Xương đi theo. Từ những việc này có thể thấy được Khang Hy coi trọng và tín nhiệm Triệu Xương đến mức nào.
Triệu Xương không phải ngẫu nhiên được Khang Hy yêu thích. Không những ở bên Khang Hy từ nhỏ mà ông còn nắm trong tay sở thích của Khang Hy. Vì biết Khang Hy đặc biệt hứng thú với những món đồ từ phương Tây, Triệu Xương đã thường xuyên tiến cống một số món đồ mới lạ đẹp mắt từ nước ngoài về như tranh sơn dầu, súng kíp…
Không những vậy, mỗi khi Khang Hy giao cho Triệu Xương nhiệm vụ, ông đều hoàn thành một cách xuất sắc với hiệu quả cao. Triệu Xương không chỉ trung thành với Khang Hy mà còn một lòng một dạ với nhà Thanh. Khi Khang Hy còn tại vị, Triệu Xương đối nhân xử thế vô cùng khiêm nhường, gặp chuyện gì cũng khéo léo đưa đẩy, chưa từng làm mất lòng ai. Một thái giám tưởng chừng vô hại như vậy nhưng khi Khang Hy vừa băng hà lại là người đầu tiên bị xử tử? Chuyện này bắt nguồn từ sự kiện chín người con trai của Khang Hy tranh giành ngôi báu nổi danh thiên hạ.
Cuộc chiến giành vương vị
Từ trước đến nay vẫn có câu“Hậu cung ba nghìn giai lệ” nên đương nhiên số hoàng tử muốn kế thừa Vương vị cũng không ít. Vào thời Khang Hy, câu chuyện “Cửu tử đoạt đích” (Chín người con tranh giành ngôi báu) nổi tiếng đã xảy ra. Chuyện này kỳ thực cũng là do Khang Hy. Vì khi ấy Thái Tử làm ra một vài chuyện vượt quá giới hạn nên Khang Hy trong cơn tức giận đã tước đi thân phận.
Điều này khiến 8 hoàng tử có vị thế nhất định trong triều dấy lên hy vọng có thể thay thế, lên ngôi hoàng đế rồi dẫn đến cuộc giao tranh tàn khốc. Khang Hy dù không muốn chứng kiến cảnh tượng đau lòng này nhưng để chọn ra người xứng đáng nhất đứng đầu đất nước, chỉ có thể “ngoảnh mặt làm ngơ”.
Tứ hoàng tử Ung Chính ngay từ khi Thái tử còn chưa bị phế truất đã bắt đầu có tính toán, dần thu phục lòng người. Bình thường trước mặt Khang Hy và các hoàng tử khác thì khép nép khiêm nhường. Nhưng sau lưng, vào thời điểm các hoàng tử khác tranh đấu gay gắt, Ung Chính không chút do dự thẳng tay đánh vào yếu điểm của các hoàng tử. Trong cuộc hỗn chiến bộc lộ tài năng và trở thành người kế vị tốt nhất trong mắt Khang Hy.
Khang Hy băng hà, Triệu Xương bị xử tử
Đêm 20 tháng 12 năm 1722, tình trạng sức khỏe của Khang Hy xấu đi. Khi Tứ hoàng tử Ung Chính tới nơi thì Khang Hy đã vào giai đoạn nguy kịch. Trước khi chết chỉ kịp trao lại di vật thừa kế cho Ung Chính chứ không hề công khai lập di chúc.
Cũng chính vào đêm hôm ấy xảy ra thêm một chuyện kỳ quái. Ngay sau khi Hoàng đế Khang Hy băng Hà, trong hoàng cung vọng ra tiếng kêu gào thảm thiết. Ngày hôm sau, Ung Chính tuyên bố Triệu Xương qua đời, đồng thời cũng gắn cho ông một vài tội danh không thể xác minh như lấy trộm tài sản trong ngân khố, lấy của công làm tư, bất trung với nhà Thanh, có ý đồ tạo phản.
Ung Chính ngay sau khi lên ngôi bắt đầu loại bỏ những kẻ ngáng đường, không cùng quan điểm, quét sạch những kẻ trước kia từng có ý định chống đối. Thậm chí còn thực hiện đại cải cách đối với những chính sách trước kia của nhà Thanh. Có thể thấy Ung Chính từ lâu đã ấp ủ kế hoạch cải tổ lại toàn bộ Đại Thanh, từng bước từng bước khiến nó trở thành hiện thực, đối với ngai vàng cũng đã có sự suy tính từ sớm. Từ điểm này có thể thấy được việc Triệu Xương bị Ung Chính xử tử còn nảy sinh nhiều nguyên nhân khác.
Là người bạn tâm giao, đồng hành cùng Hoàng đế Khang Hy hơn 60 năm, Triệu Xương hầu như biết rõ mọi tâm tư, kế hoạch của ông. Kể cả việc người có thể thừa kế ngôi báu Khang Hy trong lòng dự tính là ai, có lẽ Triệu Xương cũng biết rõ.
Theo quan điểm của Ung Chính vào thời điểm đó, nếu Triệu Xương còn sống và người thừa kế ngai vàng mà Hoàng đế Khang Hy dự tính không phải là mình, thì Ung Chính có lẽ sẽ bỏ lỡ cơ hội làm hoàng đế cả đời. Để Triệu Xương không có cơ hội nói ra điều ấy, Ung Chính đã quyết định “giết người diệt khẩu”, tránh gây phiền phức sau này.
Từ trước tới nay, những vị hoàng đế mới kế ngôi luôn ý thức rõ ràng ai là người có nguy cơ đe dọa địa vị của mình. Triệu Xương khi còn sống dù luôn nhún nhường, ôn hòa, không làm ra chuyện gì quá đáng nhưng vẫn biết được vài chuyện cơ mật trong triều đình. Mặc dù quyền lực của ông không thể so sánh được với các quan đại thần trong triều nhưng những thứ ông biết được không hề ít hơn bọn họ.
Ung Chính ngay khi kế vị đã có thể xử tử Triệu Xương một cách vô lương tâm như vậy, một mặt là vì Triệu Xương đã biết quá nhiều. Là một người đã theo tiên đế mấy chục năm, không thể một lòng trung thành với mình, không có giá trị lợi dụng. Mặt khác, vì địa vị của một thái giám trong thời Đại Thanh là rất thấp, chẳng được ai coi trọng dù có là thân tín của hoàng đế. Giết một người như vậy, đối với Ung Chính cũng không phải một việc quá khó khăn.
Việc Triệu Xương trở thành con tốt thí mạng để Ung Chính củng cố địa vị là điều dễ hiểu. Mỗi bậc đế vương đều có một câu chuyện riêng. Dù sao đi nữa, Ung Chính cũng đã cai trị và phát triển nhà Thanh đạt đến sự thịnh vượng.