Ngắm tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù… trong không gian ảo
Mặt “Thiếu nữ trong vườn” của bức “Bình phong” (họa sĩ Nguyễn Gia Trí) mô tả khung cảnh rực rỡ sắc vàng với 7 nhân vật nữ ở các độ tuổi khác nhau như một ẩn dụ về cuộc đời người phụ nữ
50 tác phẩm sơn mài đặc sắc của hội họa Việt Nam các thời kỳ đang được trưng bày tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước qua Triển lãm trực tuyến: Tranh sơn mài Việt Nam – một sự kiện được Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO – Bộ Ngoại giao phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Người xem có thể tham quan miễn phí tại đường link: http://trienlamtranhsonmai.trienlamao.net.
Tiến vào sảnh chờ của triển lãm, người xem đi theo một hành trình tuyến tính vào chiều dài lịch sử của tranh sơn mài Việt, với các tác phẩm chia làm hai nội dung là Đất nước và Con người được lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Khi cần, khách tham quan có thể dừng trước từng tác phẩm, tiến lại gần, lùi ra xa để ngắm nhìn, và nghe thêm thuyết minh từ hộp thông tin bên cạnh.
Trong số các tác phẩm có bức Bình phong của danh họa Nguyễn Gia Trí – một trong những tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia, được đặt trang trọng ở ngay đầu triển lãm.
Bình phong gồm 8 tấm vóc ghép, với hai tác phẩm nghệ thuật trên hai mặt. Mặt Thiếu nữ trong vườn mô tả khung cảnh rực rỡ sắc vàng với 7 nhân vật nữ ở các độ tuổi khác nhau như một ẩn dụ về cuộc đời người phụ nữ.
Mặt Phong cảnh diễn họa một khu vườn nhiệt đới với các chi tiết sáng trên nền sẫm, với bút pháp khỏe khoắn, mạch lạc, giàu tính trang trí.
Khán giả nước ngoài có thể tìm thấy trong tác phẩm lối tạo hình đậm chất phương Tây, trong khi người xem Việt lại vô cùng thân thuộc với hình ảnh cây môn, cây chuối được thể hiện tinh xảo qua nghệ thuật khắc, mài, dát vàng truyền thống.
Đại diện ban tổ chức, ông Trần Quốc Khánh – phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO – cho biết: “Lần đầu tổ chức một triển lãm hội họa trực tuyến trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 là điều rất thách thức, song chúng tôi rất háo hức vì nó thể hiện tinh thần sáng tạo và chủ động thích ứng của Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng triển lãm sẽ góp phần đưa sơn mài – một nghệ thuật rất độc đáo của Việt Nam – tới gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”.
Một số tác phẩm trong triển lãm:
Mặt “Phong cảnh” bức “Bình phong” (họa sĩ Nguyễn Gia Trí) diễn họa một khu vườn nhiệt đới với các chi tiết sáng trên nền sẫm.
“Biển Sa Huỳnh” (1986), Nguyễn Thế Vinh
“Việc thường ngày ở bản” (1995), Nguyễn Lương Tiểu Bạch
“Phố” (2001), Công Quốc Hà. Tranh ghi lại cảnh hoàng hôn ở một góc phố cổ Hà Nội.
“Hội chùa”, Lê Quốc Lộc, Lê Văn Quế. Bức tranh diễn tả cảnh lễ hội mùa xuân đặc trưng của miền Bắc Việt Nam đầu thế kỷ 20.
“Tổ đôi công” (1958), Hoàng Tích Chù. Bức tranh được sáng tác dựa trên tư liệu và xúc cảm trước phong cảnh và vẻ đẹp của con người Cao Bằng mà họa sĩ đã chứng kiến trước đó 3 năm.
“Cô Liên” (1962), Huỳnh Văn Gấm.
‘Bộ sưu tập’ giá 230 tỉ đồng của mỹ thuật Việt