NASA công bố tấm ảnh chi tiết nhất về vũ trụ
Hình ảnh khoa học chất lượng đầu tiên được chụp từ Kính viễn vọng Không gian James Webb, do NASA công bố hôm 11/7. Đây cũng là ảnh chụp vũ trụ bằng tia hồng ngoại xa nhất và chi tiết nhất tính đến nay (Ảnh: NASA).
Được đặt tên là “Cánh đồng sâu đầu tiên của Webb”, bức ảnh ngoạn mục giúp chúng ta “đi ngược quá khứ”, trở lại thời gian chỉ vài trăm triệu năm sau sự kiện Vụ nổ lớn (xảy ra cách đây khoảng 13,8 tỷ năm), khi các thiên hà bước đầu được hình thành và ánh sáng nhấp nháy lên từ những ngôi sao đầu tiên.
Được biết, ánh sáng từ những ngôi sao này mất khoảng 13,5 tỷ năm – tức là gần như bằng với tuổi của vũ trụ, để du hành tới Trái Đất. Và giờ đây, chúng ta với sự hỗ trợ của Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) đã có thể hướng ánh sáng vào tiêu điểm để bắt trọn khoảnh khắc này.
“Chúng ta đang quay ngược lại 13,5 tỷ năm”, Bill Nelson – Tổng Giám đốc NASA cho biết tại một cuộc họp báo. “Chúng ta sẽ gần như quay trở lại ban đầu tại thời điểm vũ trụ này được hình thành”.
Đại diện của NASA cho biết thêm rằng, JWST sẽ ghi lại những hình ảnh chính xác đến mức có thể giúp chúng ta phân biệt được rằng liệu một hành tinh nào đó có thể sinh sống được hay không. Bên cạnh đó, quan điểm chưa từng có về vũ trụ dưới góc nhìn của Kính viễn vọng sẽ cho phép các nhà khoa học tìm ra những câu trả lời của những câu hỏi mà thậm chí còn chưa được đặt ra.
“100 năm trước, chúng tôi nghĩ rằng chỉ có một thiên hà. Bây giờ số lượng là không giới hạn”, Nelson phấn khích cho biết.
Trước cột mốc quan trọng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã lên tiếng ca ngợi hình ảnh đại diện cho quốc gia và sức mạnh của khoa học. Ông khẳng định: “Kính viễn vọng này cho thấy cách mà Mỹ dẫn đầu thế giới”.
Ảnh mô phỏng Kính viễn vọng Không gian James Webb.
Được biết, “kỷ lục gia” trước đây về khả năng ghi lại hình ảnh xa nhất và lâu đời nhất trong không gian là Kính viễn vọng Hubble. Khi ấy, hàng loạt trường ảnh sâu đã giúp chúng ta ghi lại những khoảnh khắc từ vài trăm triệu năm sau Vụ nổ lớn, khi các thiên hà bắt đầu kết tụ lại trong vũ trụ.
Tuy nhiên, để “ngược dòng thời gian” xa hơn nữa, các nhà khoa học cần tới một kính thiên văn đủ lớn để thu nhận ánh sáng từ những vật thể mờ nhất, mà lại có khả năng phát hiện các tần số hồng ngoại trung bình – nơi bước sóng ánh sáng đi xa nhất do sự giãn nở của vũ trụ.
Với JWST, các nhà khoa học có thể phát hiện ra các vật thể mờ hơn 100 lần so với Kính Hubble. Đồng thời, nhờ khả năng quét vũ trụ bằng tia hồng ngoại, nó có thể chứng kiến khoảnh khắc các thiên hà được sinh ra chỉ 200 triệu năm sau Vụ nổ lớn.
Những hình ảnh được công bố này cũng đánh dấu sự khởi đầu của JWST với tư cách là một đài thiên văn vũ trụ chính thức, kể từ khi nó được phóng lên không gian vào ngày 25/12/2021.
Mặc dù đài thiên văn này được thiết kế để hoạt động trong 5 năm, nhưng các quan chức NASA cho biết họ kỳ vọng JWST sẽ đạt được tuổi thọ 20 năm. Trước đó, kính viễn vọng Không gian Hubble cũng đã có 32 năm phục vụ cho nhân loại.