Năm tháng cuối đời của vợ cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên

“Mẹ chăm chút từng kỷ vật của bố, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, sổ ghi chép, các tác phẩm khoa học, các tài liệu hành chính… Bà muốn giữ lại mọi thứ để con cháu biết và hiểu về bố, về ông mình”, GS Nguyễn Văn Huy cho biết.

Kỳ 1: Con gái Tổng đốc khiến bao công tử nhà giàu mê đắm

Kỳ 2: Đám cưới linh đình ở dinh Tổng đốc của giai nhân Thái Bình

Kỳ 3: Cuộc sống trong biệt thự tổng đốc của giai nhân đất Bắc

Tuần trăng mật cuối cùng

10 năm đầu cuộc hôn nhân là chuỗi ngày vợ chồng bà Vi Kim Ngọc (1916 – 1988) và GS Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975) sống cảnh xa cách biền biệt do ông thường xuyên vắng nhà làm nhiệm vụ.

Dù từ nhỏ được hưởng cuộc sống sung túc nhưng trong những năm kháng chiến bà tự trồng rau, tăng gia sản xuất. Khi lên vùng tản cư, bà sống hòa mình với người dân địa phương rồi nghĩ ra cách xay thóc, giã gạo lấy cám nuôi thêm lợn, gà.

Thời điểm quá khó khăn, các con đang tuổi lớn, quần áo nhanh chật, thiếu vải, bà tự cắt may quần áo cho các con từ những chiếc áo dài của mình.

{keywords}

GS Nguyễn Văn Huy – con trai GS Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc.

GS Nguyễn Văn Huy – con trai GS Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, kể: “Mẹ tôi gửi bán những chiếc áo dài hoa ở phố Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Những lần đem áo đi bán, bà mở ra lại tiếc, chọn vài cái rồi lại cất đi. Mỗi chiếc áo dài đều gắn bó với kỷ niệm cuộc đời mẹ, trong đó có chiếc áo dài bà mặc trong lễ vu quy… ”.

Trở về Hà Nội, vợ chồng GS Huyên tiếp tục sống trong căn nhà ở phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội).

Khi GS Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng, bà Vi Kim Ngọc tiếp tục hỗ trợ chồng trong công tác ngoại giao. Mặc dù bận rộn với công việc của một chính khách nhưng GS Huyên có đời sống tinh thần vô cùng phong phú, lãng mạn. 

{keywords}

Chiếc máy hát GS Huyên hay sử dụng.

GS Nguyễn Văn Huy nhớ lại: “Bố tôi có thói quen giải tỏa căng thẳng bằng cách nghe nhạc từ chiếc máy hát cũ.

Khi thấy chồng bắt đầu mở đài, mẹ tôi lập tức đứng dậy đi pha cà phê hoặc trà, sau đó im lặng ngồi xuống bên cạnh, cùng ông thưởng thức”.

{keywords}

Những chậu hoa loa kèn đỏ trồng trong vườn nhà bà Vi Kim Ngọc.

Những năm tháng nghỉ hưu, bà Vi Kim Ngọc chuyển sang hội họa, tìm niềm vui trong cuộc sống. Vốn yêu thích loài hoa loa kèn đỏ, bà cho trồng rất nhiều loại hoa này xung quanh nhà. Bà đã vẽ rất nhiều bức tranh về loài hoa rực rỡ chỉ nở duy nhất một lần vào những ngày đầu hè, cùng các loại hoa khác.

{keywords}

Bức họa “Hoa hồng” do bà Vi Kim Ngọc vẽ.

Ngoài tranh tĩnh vật, bà thích đề tài về những nữ nhân vật lịch sử như Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng. 

Các nhân vật đó đi vào tranh của bà như một biểu tượng đẹp về phụ nữ Việt Nam, cho thấy ý thức đề cao năng lực người phụ nữ trong tư tưởng của bà.

{keywords}

Bức tranh nhân vật lịch sử bà Kim Ngọc vẽ được treo trong phòng khách nhà con trai út Nguyễn Văn Huy.

Năm 1974, bà trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và có triển lãm tranh đầu tiên ở Bảo tàng Mỹ thuật. Những nỗ lực của bà đã được giới chuyên môn công nhận, đánh giá cao.

Gần 40 năm làm vợ chồng, GS Huyên và bà Vi Kim Ngọc chưa từng xảy ra cãi vã. Lúc nào họ cũng dành cho nhau tình cảm nồng thắm, trân trọng nhất.

Quãng thời gian GS Huyên làm Bộ trưởng Bộ giáo dục (1946 – 1975) ông vẫn sưu tầm tài liệu cho các công trình nghiên cứu của mình. Ông từng bàn với vợ mua một chiếc máy chữ để khi nghỉ hưu, ông bà sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu và viết.

Tuy nhiên, tâm nguyện và những dự định dang dở đó không thành hiện thực khi ông đột ngột qua đời vào năm 1975.

{keywords}

Ngày tháng bên Đức của vợ chồng GS Nguyễn Văn Huyên – Vi Kim Ngọc 

GS Huy nhớ lại: “Bố tôi phát hiện bị mắc bệnh thận và được đưa sang Đức phẫu thuật. Chuyến đó có mẹ tôi đi cùng.

Trước khi bước vào ca mổ, họ đã có 3 tuần nghỉ ngơi, thăm các bạn bên Đức. Mẹ tôi từng nói, đó chính là tuần trăng mật muộn màng của mình.

Đây cũng là lần đầu tiên bố dẫn mẹ đi nghỉ cho bõ những ngày vất vả thay chồng gánh vác việc gia đình. Ai ngờ lại là những ngày hạnh phúc cuối cùng.

Sau ca mổ, sức khỏe bố tôi gặp vấn đề, mặc dù được các bác sĩ nước bạn hết lòng cứu chữa nhưng ông không qua khỏi. Mẹ tôi vô cùng bàng hoàng, đau khổ khi mất đi người chồng tài hoa. Ở nhà nhận được tin, tôi bay sang với mẹ.

Giây phút nhìn thấy con trai, mẹ nghẹn ngào không thốt nên lời. Mọi thứ diễn ra nhanh quá…”.

Thi hài GS Huyên được đặt trong chiếc quan tài bằng kẽm và đưa về Việt Nam bằng máy bay. Đám tang ông được Nhà nước lo liệu chu đáo.

Khi trở về từ Đức, giai nhân Vi Kim Ngọc tưởng chừng không thể sống tiếp vì nỗi mất mát quá lớn.

Bà viết nhật ký với những lời lẽ thê lương, tan nát tận cõi lòng nói về 3 tuần sống cùng chồng trước khi ông qua đời: “Sung sướng trong hạnh phúc/ Đau thương trong vĩnh biệt”. 

{keywords}

Cuốn nhật ký bà viết vào năm 1975 khi chồng qua đời được cất trong chiếc hộp sắt nhỏ. Mãi 13 năm sau, lúc bà tạ thế, các con mới tìm thấy.

Thời điểm GS Huyên mất, 4 người con đều đã trưởng thành. Sau này, con gái Nữ Hạnh là kỹ sư Đường sắt; Bích Hà là PGS-TS hóa học; Nữ Hiếu là Đại tá, PGS-TS, Thầy thuốc ưu tú, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Nguyễn Văn Huy là PGS-TS Dân tộc học, nhiều năm làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

{keywords}

Hai chiếc vali GS Huyên dùng trong chuyến sang Đức chữa bệnh.

“Bố tôi ra đi, mẹ khóc cạn nước mắt, bỏ ăn uống, thức trắng đêm. Cả ngày bà lần giở từng trang viết, từng kỷ vật của chồng ngắm nghía, ôm ấp.

Có lần mẹ còn cầm di ảnh chồng, thủ thỉ tâm sự như lúc ông còn tại thế. Mỗi buổi tối, như một thói quen, bà pha sẵn cốc cà phê, bật bản nhạc ông thích, ngồi đó hàng giờ liền.

Mọi đồ vật chồng sử dụng, bà giữ nguyên. Ngay cả hai chiếc vali dùng trong chuyến đi cuối cùng, mẹ nhắc tôi bảo quản cẩn thận. Với mẹ, bố tôi đang đi công tác xa thôi.

Chúng tôi lo lắng việc bố ra đi sẽ khiến mẹ suy sụp, cứ thế mà hao mòn sức khỏe. Thế nhưng may mắn bà lấy lại được tinh thần, tiếp tục sống cùng con cháu thêm 13 năm nữa”, GS Huy xúc động kể tiếp.

{keywords}

Đồ vật của GS Huyên đều được bà Vi Kim Ngọc giữ gìn cẩn thận.

Bà Vi Kim Ngọc luôn có ý thức ghi chép, lưu giữ những gì thuộc về truyền thống gia đình, từ thư tín, nhật ký, tài liệu chồng nghiên cứu cho đến gia phả, di chúc của tổ tiên.

Năm 1976, bà mang tất cả tư liệu đó đóng thành 9 quyển và gửi lại cho con trai út Nguyễn Văn Huy.

{keywords}

Bàn làm việc của GS Huyên được sắp xếp ngăn nắp.

“Mẹ chăm chút từng kỷ vật của bố, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, sổ ghi chép, các tác phẩm khoa học, các tài liệu hành chính… Bà muốn giữ lại mọi thứ để con cháu biết và hiểu về bố, về ông mình”, GS Huy cho biết.

Giây phút cuối đời của người phụ nữ tài sắc

Sinh thời, giai nhân Vi Kim Ngọc là người luôn yêu mến cái đẹp, đặc biệt bà coi đó là giá trị nền tảng của một người phụ nữ. Tuy nhiên, cái đẹp bao gồm cả ý nghĩa nội tâm sâu sắc và ngoại hình. Với bà, đẹp không có nghĩa là quần áo là lượt, trang điểm lòe loẹt.

Những năm bao cấp, dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, bà vẫn thường khuyên các con và đồng nghiệp của mình ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ. Đó là cách phụ nữ tôn trọng mình và tôn trọng người đối diện.

{keywords}

Bộ bàn phấn trang điểm bà Vi Kim Ngọc từng sử dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu chia sẻ: “Các chị tôi hay kể, hồi nhỏ chưa đi tản cư, buổi sáng mẹ tôi hay ngồi trước bàn trang điểm, lần lượt gọi con vào chải đầu. Mọi đồ vật mẹ dùng đều được xếp rất gọn gàng, ngăn nắp”.

Lúc nào mẹ cũng dịu dàng, hiền hậu, ánh mắt tỏa ra tình yêu thương vô hạn nhưng nghiêm khắc trong giáo dục con cái. Khi nhà có khách hay ra ngoài đường, chỉ nhìn mắt mẹ là chị em tôi biết mình ứng xử có đúng hay không mà điều chỉnh hành vi”.

Tiến sĩ Nữ Hiếu kể, chiếc bàn trang điểm của giai nhân Vi Kim Ngọc hiện trưng bày ở bảo tàng Nguyễn Văn Huyên có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Khi con gái cả Nguyễn Kim Nữ Hạnh kết hôn, do khó khăn, lễ cưới tổ chức khá giản dị. Bà Vi Kim Ngọc đã tặng cho con chiếc bàn phấn mình đang dùng như lời nhắn nhủ con gái phải biết giữ đạo hiếu, lấy sự thủy chung làm trọng, hết lòng vun vén, xây dựng gia đình chồng.

{keywords}

Chiếc bàn phấn được bà Kim Ngọc tặng lại con gái trong ngày cưới.

Sau đó, chiếc bàn phấn lần lượt chuyển cho các con gái Bích Hà, Nữ Hiếu và con dâu Vũ Kim của bà. Mỗi người con đều được bà chu đáo tặng một bộ áo dài mặc vào ngày trọng đại.

{keywords}

Bà Vi Kim Ngọc khi về già.

“Mẹ tôi thích dùng nước hoa, thời kỳ khó khăn, có lọ nước hoa quý giá vô cùng. Mẹ tôi tiết kiệm, chỉ dùng trong dịp đặc biệt.

Khoảng năm 1986, một người cháu bên nước ngoài gửi về tặng mẹ tôi lọ nước hoa. Bà nâng niu, gìn giữ mãi. Cho đến năm 1988, trước khi mẹ qua đời, tôi dùng lọ nước hoa đó xức lên người mẹ và cất vào hộp.

Năm 2014, thời điểm khánh thành bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, tôi mới mang ra để trưng bày. Rất bất ngờ là sau 30 năm, lọ nước hoa vẫn còn nguyên như lần cuối mẹ dùng, không hề vơi bớt” – GS Huy chậm rãi nói tiếp.

{keywords}

Lọ nước hoa bà Kim Ngọc dùng lần cuối cùng cách đây 30 năm nhưng không hề bị bay hơi.

Giai nhân Vi Kim Ngọc có ý nguyện được an nghỉ tại quê chồng ở làng Lai Xá. Trong suốt 13 năm cuối đời, năm nào bà cũng cùng con cháu về tảo mộ vào dịp cuối năm.

Cuộc đời người phụ nữ tài sắc vẹn toàn khép lại ở tuổi 72. Những gì vợ chồng bà để lại không chỉ là chuyện tình yêu, bạn bè và gia đình mà còn là tư liệu quý báu về một thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Chuyện tình như mơ của giai nhân Hà thành và con học giả lừng lẫy

Chuyện tình như mơ của giai nhân Hà thành và con học giả lừng lẫy

Sinh ra trong một gia đình giàu có, bà Lê Thị Tý, giai nhân trường Đồng Khánh, đã làm dâu một gia tộc danh giá mà nhiều sóng gió của học giả Nguyễn Văn Vĩnh khi ở độ tuổi xuân thì…

Cú sốc lớn trong cuộc đời giai nhân đẹp nhất Hà thành xưa

Cú sốc lớn trong cuộc đời giai nhân đẹp nhất Hà thành xưa

 Trong cuộc đời, giai nhân Đỗ Thị Bính đã trải qua hai cú sốc lớn, hai cú sốc này đã in sâu trong lòng bà cho đến khi qua đời

Tiếng sét ái tình của nhạc sĩ Văn Cao và giai nhân Hà thành

Tiếng sét ái tình của nhạc sĩ Văn Cao và giai nhân Hà thành

Tuổi 17, bà Nghiêm Thúy Băng đẹp như đóa hoa hàm tiếu. Vẻ dịu dàng, nền nã của bà đã khiến bao chàng trai đương thời phải say đắm, trong đó có nhạc sĩ Văn Cao.

Lễ cưới hoành tráng và đêm tân hôn dang dở của giai nhân xưa

Lễ cưới hoành tráng và đêm tân hôn dang dở của giai nhân xưa

Ông Nguyễn Hồng Phấn – nghệ nhân của làng nghề rèn sắt Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) vẫn bùi ngùi khi nhớ lại đám “cưới chạy” của mình với giai nhân Hà thành một thời.

Nguyệt Hà

Rate this post