Mùng 2 Tết gặp Phí Minh Long: Gã thủ môn bị Xuân Trường miêu tả là “điên” suýt trở thành kỳ thủ cờ tướng và chuyện tán đổ em gái đội trưởng
Nhà vô địch cờ tướng trẻ và lời khuyên từ người bố đã khuất
– Phóng viên: Xin chào Phí Minh Long, năm 2019 với Long dường như có nhiều khó khăn?
Phí Minh Long: Một năm qua với tôi khác trắc trở, gần như cả 1 năm ngồi trên khán đài và rất ít khi được đăng ký thi đấu, ít cơ hội ra sân. Đến cuối năm, tôi mới có cơ hội thể hiện mình ở những phút cuối. Năm 2019 không có quá nhiều sự vượt trội nhưng tôi cảm thấy hài lòng với những gì đã thể hiện trong những cơ hội ít ỏi được trao.
– Xuân Trường từng miêu tả Minh Long là một “thằng điên”, Long có tính phản biện không?
(Cười) Thật ra không riêng gì anh Trường (Minh Long xưng Xuân Trường là anh dù bằng tuổi) mà tất cả mọi người, cũng không đánh giá riêng tôi mà đánh giá cả các thủ môn khác thì đều có đặc tính đấy. Thủ môn chịu nhiều áp lực, nhiều lúc chúng tôi bị căng thẳng quá đẫn đến nhiều lúc không giống bình thường lmaws.
Đợt vừa rồi anh Trường chấn thương, tôi đã dự định đặt vé máy bay rồi. Anh Trường cũng nói với tôi là “chỉ cần đặt vé máy bay thôi, sang đây ở với anh, anh dẫn đi chơi, ăn uống các thứ”. Đợt đấy tôi cũng gặp chấn thương, cũng muốn đặt vé sang điều trị cùng anh ấy luôn nhưng vừa rồi, Hà Nội FC có kế hoạch hành hương, đi lễ các nơi thành ra tôi không sang được. Ban đầu, tôi dự tính sang Hàn Quốc ở 2 tuần cơ.
Xuân Trường và Minh Long là anh em thân thiết từ thời khoác áo cùng nhau ở các đội tuyển trẻ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, mẹ Minh Long cũng coi Xuân Trường như con trai trong nhà. Ảnh: FBNV.
– Tôi còn nghe nói trước khi chơi bóng đá, Long còn chơi một số môn thể thao rất hay, không biết có đúng không?
Tôi sinh ra ở nơi có truyền thống đánh cờ tướng và nhiếp ảnh (làng Lai Xá, Hà Nội). Tất cả mọi người đều đánh rất ghê. Năm 4 tuổi, tôi đã tiếp xúc với mặt quân. 5, 6 tuổi đã biết đánh cờ. 8 tuổi tôi đạt nhiều giải cờ tướng nhưng về làng thì vẫn như con gà thôi. Ở Hà Nội FC, chú đầu bếp, chú Nghiêm (HLV trưởng) chơi cờ cũng giỏi. Nghe chú Nghiêm nói về cờ tướng thấy rất giỏi nhưng chưa đánh thử bao giờ.
Năm 11 tuổi, tôi đạt nhiều thành tích trong cờ tướng, vô địch thành phố 2 lần rồi được lên đội tuyển quốc gia luôn. Khi ấy, tôi tham gia song song cả đá bóng song được cô Nguyễn Thị Hồng Phúc là HLV trên huyện trước có tham gia đội tuyển nữ Việt Nam, gọi lên. Thời gian bị trùng lặp, tôi không thể đi song song cả hai nên lúc đấy đấu tranh rất nhiều. Bố tôi cho tôi quyền lựa chọn, cũng đưa thông tin về hai bộ môn. Thứ nhất, bố nói luôn nếu theo cờ vua thì khác vì quy mô toàn thế giới, cờ tướng thì chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc thôi, thành ra tôi lựa chọn bóng đá, chấp nhận bỏ cờ tướng.
– Sau đó, Minh Long gia nhập lò Gia Lâm cùng với nhiều đồng đội nay đã trở nên nổi tiếng như Đức Huy, Duy Mạnh. Lò ít tiền nên điều kiện cho học viên kham khổ, Long có thể chia sẻ thêm về quãng thời gian này không?
Đợt đấy đúng là rất khổ. Không chỉ lò tôi tập luyện mà các lò khác trên cả nước cũng vậy. Bóng đá trẻ khi ấy kinh phí không được quan tâm như bây giờ đây. Ă n uống, sinh hoạt đều khó khăn. Mùa đông đến mà phòng tắm chỉ có 1 vòi nước nóng. Một lứa cầu thủ 35 đến 40 người chung một vòi tắm mà phải làm sao cho kịp giờ đi học, giờ ăn cơm. Thời đó, chúng tôi đang trong tuổi phát triển mà ăn như vậy thì không đủ dinh dưỡng. Thức ăn thì ít nên mỗi bữa ăn 2, 3 đĩa cơm là bình thường. Thức ăn thì phải ăn dè.
Cũng kể thêm là đợt đấy có 1 cô nấu ăn, chúng tôi gọi là u Tình. U rất tốt, như người mẹ thứ hai ấy. Khi mà ăn không đủ thì u cho thêm thức ăn dù lời lãi với u không được bao nhiêu. Chúng tôi rất trân trọng và ghi nhận sự hy sinh của u và các thầy bên Gia Lâm.
Chúng tôi năm nào cũng dành ra 1 ngày về lại lò đào tạo. Có năm thì cả lứa về được, có năm chúng tôi tiếc vì đi thi đấu xa cùng CLB hoặc đội tuyển. Rất thèm được về gặp các thầy, những người giúp đỡ chúng tôi. Khi về đấy, gặp lại các thầy, gặp lại u Tình, thấy mọi người vẫn khoẻ nên rất vui. Chúng tôi bình thường không uống rượu bia nhưng hôm đấy uống, dĩ nhiên, không phải uống để say mà nằm trong tầm kiểm soát và vui vẻ. Anh em cũng đặt taxi để đi lại rồi.
Phí Minh Long chụp chung cùng những người bạn ngày trở về lò đào tạo bóng đá ở Gia Lâm, Hà Nội. Đức Huy, Duy Mạnh nay vẫn đang cùng CLB. Viết Huy (thứ hai từ phải sang) là anh trai ruột của người yêu Minh Long. Ảnh: FBNV.
Ngày bé nghĩ rằng sai thì sửa, lớn lên rồi mới thấy hại cho bản thân
– PV: SEA Games 2017 là cột mốc có lẽ không thể quên với Minh Long. Trận thua 0-3 trước Thái Lan khiến U22 Việt Nam bị loại từ vòng bảng đã đẩy Long xuống đáy nhưng giờ đây, điều gì đã giúp Long trở lại mạnh mẽ đến thế?
Lúc đấy, tôi rất rối, rất khó nghĩ về sau này mình có làm được nữa không. Tôi đang nghi ngờ chính khả năng và bản thân mình nhưng rồi tất cả mọi người, có anh em trong đội, có chủ tịch Đỗ Quang Hiển động viên tôi là tự tin lên, không có gì phải sợ sệt cả. Lúc đấy, tôi sợ sai lầm, sau khi được động viên tôi tìm lại sự tự tin.
Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi nhận ra điều quan trọng nhất là đừng quan tâm những người không quan tâm mình quá, chỉ quan tâm những người quan tâm mình thôi. Những lời động viên của người quan tâm mình thì hãy tiếp thu, mình sửa đi những lỗi lầm, chưa hoàn thiện được thì hoàn thiện hơn, những gì mắc phải thì không mắc phải nữa, hạn chế xảy ra lỗi lầm.
Ngày xưa, thủ môn chúng tôi có câu là sai rồi sửa nhưng bây giờ lớn lên rồi thì tốt nhất nên nhìn cái sai của người khác và sửa luôn, không để đến mình mắc sai lầm nữa rồi mới sửa. Sửa chữa như thế rất có hại cho chính bản thân.
– Ngày ấy, có người nói rằng chính Minh Long còn động viên ngược lại gia đình sau khi xảy ra biến cố?
Trong đầu tôi khi ấy không muốn gia đình biết quá nhiều về công việc của tôi. Ngay đến bây giờ, tôi vẫn không muốn mẹ xem bóng đá. Có những trận tôi ra sân Hàng Đẫy đá, rất gần thôi nhưng vẫn không muốn mẹ đi xem, kể cả người nhà.
Thời điểm xảy ra biến cố tôi được động viên rất nhiều. Mọi người cũng rất buồn nhưng tôi không thể hiện mình buồn trước mặt mọi người. Tôi biết làm như thế không có ích lợi gì, chỉ làm gia đình buồn thêm. Tôi luôn luôn động viên mẹ là không sao cả, ở đây có anh em cầu thủ, ban huấn luyện, mọi người giúp đữo tôi đứng dậy chứ không ai ruồng bỏ cả nên mọi người không phải lo. Ở nhà, mỗi người có công việc riêng, thấy tôi như thế lại lo lắng cho tôi, tôi sợ hỏng việc của mọi người thì không hay.
– Liệu có khi nào Long tính đến làm công việc khác bóng đá chưa?
Có lần tôi nghĩ, chỉ ăn, ngủ, nghỉ, đá bóng khiến cuộc sống rất buồn tẻ. Tôi suy nghĩ thử sức lĩnh vực khác như kinh doanh. Cái này nhiều người chuyển sang rồi nhưng khi đi sang thì tôi ngẫm lại, bây giờ còn trẻ thì cống hiến cho bóng đá đi đã, đừng suy nghĩ nhiều về vấn đề khác. Tôi cần tập trung cho bóng đá, mai này có thời gian thì suy nghĩ làm việc khác. Bây giờ có buồn tẻ thật nhưng sau này có muốn buồn tẻ như vậy cũng không được nữa rồi. Thời điểm trẻ nên cống hiến cho bóng đá, đó là những gì mình yêu thích.
– Sau biến cố SEA Games, Minh Long tưởng chừng hết cơ hội lên tuyển nhưng HLV Park Hang-seo vẫn gọi lên đội U23 Việt Nam chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2018, Long nghĩ sao về điều này?
Việc thay đổi HLV mới chính là cơ hội mới với tất cả mọi người. Mỗi HLV có triết lý khác nhau, yêu cầu khác nhau, cần những cầu thủ khác nhau. Ở SEA Games 2017, tôi phải chiến đấu rất nhiều trong đó có việc từ bỏ cơ hội chữa chấn thương để tham gia. Sau đó, tôi nhận ra rằng không phải mình cố là sẽ thành công. Cố nhiều khi lại hại chính mình nên lúc đấy tôi muốn dừng lại chữa trị dứt điểm mọi thứ mình gặp phải. Tôi xin rời đội U23 cuối năm 2017 cũng là vì thế.
Phía sau Minh Long từng là một quá khứ đầy đau đớn với kỳ SEA Games 2017. Ảnh: Hiếu Lương.
– Với Long, việc thủ môn không được thi đấu thường xuyên có ảnh hưởng thế nào?
Ngoài trình độ tốt, điều quan trọng nhất còn là cảm giác và sự tự tin. Hai yếu tố này phải được trau dồi, thi đấu nhiều thì mới có cảm giác cầu môn. Khi có cảm giác tốt thì mới tự tin bước vào trận đấu. Việc không được thi đấu rất bất lợi với các thủ môn.
– Hiện tại Minh Long đang dự bị ở Hà Nội FC, nỗi sợ phong độ suy giảm có ảnh hưởng nhiều không, có cần học cách dự bị không?
Thật ra theo tôi, dự bị không cần phải học, quan trọng cần kiên trì. Mình là số 2 cũng được, số 3 cũng được vì số 2 hay 3 không khác gì nhau. Tỷ lệ vào sân dù không được cao nhưng điều quan trọng nhất là phải thể hiện mình không giống người thừa trong đội. Trong các buổi tập, mình cần thể hiện với HLV thấy tôi không phải người thừa. Khi đội gặp khó như thủ môn số 1 chấn thương hay gặp chuyện không may, dĩ nhiên điều đó không ai muốn nhưng chẳng may xảy ra thì HLV sẽ suy nghĩ đến mình, một thủ môn dự bị. HLV có thể thấy không chỉ có thủ môn số 2 mà còn số 3 nữa, rồi đánh giá. Tôi rất vui khi HLV gặp khó khăn trong lựa chọn. Khi ấy, tôi tin mình còn tác dụng trong đầu HLV.
– HLV thủ môn Võ Văn Hạnh từng nói Minh Long thiếu tập trung vì chơi game quá nhiều, sự thật là gì?
Tôi nghĩ việc chơi game đôi khi có ích, chỉ đôi khi thôi. Ngày trước, tôi không biết nhưng về sau thì hiểu cái gì quá nhiều cũng gây hại, kể cả tập luyện nhiều quá cũng gây hại. Mình có thể dành thời gian chơi, xả stress thì tốt. Cái gì cũng có giới hạn của nó cả.
– Minh Long hướng tới một hình mẫu thủ môn như thế nào và nghĩ sao về những đàn anh Văn Công, Văn Lâm?
Hình mẫu thủ môn của tôi là sự ổn định. Ổn định nhất thế giới tôi nghĩ là Buffon dù không cần quá xuất sắc. Tôi bị ảnh hưởng nhiều về các đàn anh nhưng không phải từ anh Văn Lâm hay Văn Công dù đó là những thủ môn rất tốt của Việt Nam. Anh Công vô địch V.League nhiều lần, anh Lâm thì thi đấu nhiều trên đội tuyển quốc gia và rất thành công. Thế nhưng, tôi không học hỏi tất cả. Mỗi thủ môn có điểm mạnh, khác biệt riêng. Anh Lâm thể hình rất tốt, tôi không có điều ấy thì làm sao đứng vị trí như anh ấy được. Vì vậy, tôi học mỗi người một chút, tìm điểm phù hợp nhất với bản thân mình.
Có hai điều tôi quan tâm nhất là phát triển điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của bản thân, đừng cố hoạn thiện mình vì không ai hoàn hảo cả.
Điểm yếu của tôi là chơi chân dù đã được nhiều người đi trước chỉ bảo. Anh Trần Anh Đức (Đức Tỉn – cựu thủ môn của Hà nội FC) là người chia sẻ với tôi nhiều nhất. Anh ấy là một trong những thủ môn chơi chân tốt nhất Việt Nam, điều đó ai cũng công nhận. Anh Đức khi là thủ môn chính thức của Hà Nội FC vẫn nán lại sau mỗi buổi tập, dành 30 – 60 phút để hướng dẫn tôi chơi thế nào là hợp lý. Thủ môn không cần chơi chân hay quá, kiểu rê bóng qua 2 – 3 người mà cần dùng nó hợp lý.
Phí Minh Long đang kỳ vọng vào một mùa giải 2020 thành công hơn trong màu áo Hà Nội FC. Ảnh: Hiếu Lương.
Câu chuyện thú vị: Tán đổ em gái đội trưởng vào ngày Tết
– PV: Nói về chuyên môn nhiều rồi, giờ đi sang góc cá nhân, Long có thể chia sẻ về mối tình cực kỳ hạnh phúc ở thời điểm hiện tại không?
(Cười) Tôi đi tập chuyên nghiệp từ năm 11 tuổi. Có những hôm phụ huynh không đón được vì bận việc nên hay về nhà nhau. Tôi thường về nhà đồng đội là Viết Huy (cựu đội trưởng của U19 Hà Nội FC). À, giờ phải gọi là anh.
Tôi nhớ là về rất nhiều nên tình cờ gặp em gái của Huy (Hoài Linh). Tôi lúc đó 14 tuổi, cũng chẳng nghĩ gì vì khi ấy em ấy còn bé, trẻ con, nhìn trông buồn cười lắm, giờ tả lại vẫn buồn cười. Nói chung, tôi không có ấn tượng gì mạnh mẽ, chỉ chơi cùng nhau thôi. Thế rồi, 3 hay 4 năm trước, tôi có vào nhà anh Viết Huy chơi Tết, gặp lại em ấy thì có tìm hiểu nhau rồi đến với nhau.
– Viết Huy có ngỡ ngàng về điều này không?
Khi anh Huy biết thì vẫn rất vui thôi. Tôi và anh Huy sống với nhau từ nhỏ nên biết con người của nhau. Viết Huy cảm thấy giao em gái cho tôi rất ổn. Tôi nghĩ thế (cười). Sau hơn 10 năm quen biết nhau, anh ấy vẫn có câu “dẫn bạn về nhà mất cả em gái”.
– Minh Long đã bị Hoài Linh thu hút thế nào, tôi thấy hai bạn rất hợp nhau, hay trêu chọc nhau qua các đoạn video hay hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội?
Việc nảy sinh tình cảm với tôi phải xuất phát từ cá tính của đối phương. Quan trọng nhất đấy. Ra đường mình gặp những người có cá tính hao hao nhau nên cảm thấy bình thường. Khi gặp ai mạnh mẽ một tí, khác biệt một tí thì bị thu hút và lôi cuốn.
Bạn ấy cũng hay khóc nhưng mạnh mẽ cực kỳ. Lạ là gặp một điều rất bình thường thì lại khóc, đó là điều tôi thấy rất buồn cười. Hiện tại, Linh đang học ở trường Đại học Thủ đô, theo ngành giáo viên.
Rất là khổ khi đi ngồi uống nước với bạn ấy, đặc biệt ngày mai lại còn thuyết trình. Bạn ấy sẽ lôi tôi ra rồi bắt đầu nói “bạn Minh Long có hiểu hay không?”, “bạn Minh Long cho cô biết”. Nói chung, tôi vẫn phải chấp nhận làm học sinh cho cô giáo Linh thể hiện như vậy.
Minh Long và bạn gái Hoài Linh đã có 4 năm bên nhau. Ảnh: FBNV.
“Về quê ngày Tết không có bạn, hàng xóm còn chẳng nhận ra con trai mẹ Nghĩa”
– PV: Cả năm tập luyện, bận rộn với các lịch trình, Minh Long sẽ tận dụng ngày nghỉ Tết như thế nào?
Tết thì tôi đi sắm sửa đồ đạc với mẹ. Có năm tôi không về được thì mẹ lo liệu hết. Tết thì tôi chỉ thắp hương đêm 30, xem Táo quân. Sang năm mới, tôi đi chúc Tết nhà nội, nhà ngoại trong mùng 1, gói gọn trong 1 ngày. Tôi đi theo bóng đá từ nhỏ nên không có bạn bè ở quê. Hàng xóm thậm chí còn lạ mặt thành ra tôi chỉ ở nhà. Mọi người sang chúc Tết còn tưởng tôi là khách, không phải con trai mẹ Định (Bà Nguyễn Thị Nghĩa).
– Nhiều người cho rằng Tết trước đây giàu ý nghĩa hơn, Long có thuộc nhóm này?
Tôi vẫn thích hồi bé hơn. Cảm giác Tết thời đó có hương vị sâu sắc hơn bây giờ rất nhiều. Ngày Tết mọi người đều quây quần bên nhau. Trẻ con thì ra ngoài chơi với nhau rất vui, cứ nghỉ học là vui rồi. Mình được chơi, được lì xì. Khi lớn lên thì ít dần đi, ra ngoài đường không còn ai nữa. Ngày xưa còn ra ngoài đường có trẻ con chơi vui, giờ đa phần mọi người ở trong nhà, xem TV, đùng điện thoại,… Không khí Tết cũng mất đi nhiều.
– Xin cảm ơn Phí Minh Long về cuộc phỏng vấn. Xin chúc Minh Long thành công hơn và trở thành thủ môn hàng đầu của bóng đá Việt Nam trong tương lai gần.
Phí Minh Long đang trên con đường làm lại sau sai lầm dù cho anh không đáng phải nhận mọi chỉ trích sau thất bại của cả một tập thể. Sự lạc quan luôn nằm trong đôi mắt của Minh Long và anh không bao giờ hối hận với quyết định đi theo bóng đá, làm thủ môn trong cuộc đời này. Ảnh: Hiếu Lương.
Phí Minh Long sinh năm 1995, trưởng thành từ lò đào tạo Gia Lâm, Hà Nội. Anh gia nhập Hà Nội FC từ năm 19 tuổi và từng được đánh giá là thủ môn trẻ tiềm năng nhất của bóng đá Việt Nam.
Minh Long là số 1 ở đội tuyển U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á 2016, SEA Games 2017. Cũng chính tại kỳ SEA Games này, sự nghiệp Minh Long đối mặt với biến cố sau hai sai lầm đáng tiếc ở trận đấu then chốt gặp U22 Thái Lan khiến U22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng. Thế hệ 1995 ghi nhận thêm một trường hợp đối mặt với nhiều biến cố cuộc đời sau những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường.