“Mai vàng nhân ái” thăm GS Lê Văn Lan và NSƯT Ngọc Thoa
Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao số tiền 10 triệu đồng của chương trình tới GS Lê Văn Lan, một chuyên gia lịch sử, cũng là một cộng tác viên gắn bó thân thiết với Báo Người Lao Động nhiều năm qua. Ông Tô Đình Tuân chúc GS Lê Văn Lan thật nhiều sức khỏe, bày tỏ mong muốn GS tiếp tục có những nghiên cứu, đóng góp cho sử học Việt Nam.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao số tiền 10 triệu đồng của chương trình tới GS Lê Văn Lan
Trò chuyện với Tổng Biên tập Tô Đình Tuân, GS Lê Văn Lan bày tỏ sự cảm ơn tới chương trình, đồng thời cũng chia sẻ nhiều thông tin thú vị về cuộc đời và công việc nghiên cứu của mình.
GS Lê Văn Lan sinh năm 1934. Trong giấy khai sinh được viết bằng 3 thứ tiếng là tiếng Pháp, tiếng Hán và chữ Quốc ngữ mà ông vẫn giữ được, GS được sinh ở số 40 phố Hàng Cót, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1965, ông theo học cả văn và sử tại Trường ĐH tổng hợp Hà Nội.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trò chuyện cùng GS Lê Văn Lan – CLIP: Văn Duẩn
Dù đã ở tuổi gần 90, GS Lê Văn Lan vẫn có trí nhớ rất tuyệt vời
Nhắc tới GS Lê Văn Lan, nhiều người nhớ đến ông như một chuyên gia cả đời nghiên cứu về cổ sử, một trong những chuyên gia sáng lập Viện Sử học Việt Nam.
GS Lê Văn Lan chia sẻ có hai việc ông “làm được nhất”, đó là phương pháp làm sử và hai là đưa ra quan điểm về giáo dục lịch sử, chống lại việc làm xơ cứng lịch sử.
GS có phương pháp nghiên cứu riêng, đó là phương pháp tổng hợp, vẫn dựa vào thư tịch nhưng đưa vào cả khảo cổ, văn hóa dân gian… “Lịch sử nếu chỉ dựa vào thư tịch thì rất thiếu, phải bổ sung vào đấy những thứ là cơ sở cho lịch sử là khảo cổ, dân tộc học, ngôn ngữ, và đặc biệt là văn hóa dân gian” – GS Lê Văn Lan chia sẻ.
GS Lê Văn Lan trao đổi với Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân
Những nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã giúp GS Lê Văn Lan có nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Đợt phong hàm Giáo sư năm 1984, ông là người trẻ nhất, được phong ngay đợt thứ 2, đợt đầu là năm 1980.
Dù đã ở tuổi gần 90, GS Lê Văn Lan vẫn có trí nhớ rất tuyệt vời. Ông cũng là cũng nhiều năm làm cố vấn lịch sử cho các chương trình truyền hình, tiêu biểu như “Đường lên đỉnh Olympia”.
Tổng Biên tập Tô Đình Tuân thay mặt chương trình “Mai vàng nhân ái” trao tặng NSƯT Ngọc Thoa số tiền 5 triệu đồng
Đến thăm NSƯT Ngọc Thoa, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân thay mặt chương trình trao tặng bà số tiền 5 triệu đồng, chúc bà thật nhiều sức khỏe, niềm vui cũng như năng lượng để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.
Xúc động trước tình cảm của chương trình, NSƯT Ngọc Thoa chia sẻ đây là món quà ý nghĩa nhằm động viên các văn nghệ sĩ, cho thấy sự quan tâm của Báo Người Lao Động dành cho các nghệ sĩ cả nước. “Nghệ sĩ chúng tôi luôn trân trọng chữ “tình”, và hôm nay, tôi thật xúc động trước tình cảm của Báo Người Lao Động, Ngân hàng Nam Á cũng như chương trình “Mai vàng nhân ái” – NSƯT Ngọc Thoa chia sẻ.
NSƯT Ngọc Thoa được mệnh danh là “người đóng vai mẹ chồng nhiều nhất” màn ảnh Việt
Là diễn viên của nhà hát kịch Việt Nam, ngoài cống hiến cho sân khấu, NSƯT Ngọc Thoa còn nổi tiếng qua nhiều bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình.
Từ sau vai diễn đầu tiên trong phim truyện nhựa “Người cầu may”, NSƯT Ngọc Thoa liên tục được các đạo diễn chọn vào vai mẹ trong “Người yêu đi lấy chồng”, “Tết này ai đến xông nhà”, “Thương nhớ đồng quê”, “Canh bạc”, “Chơi vơi”… Bà được mệnh danh là “người mẹ chồng hiền nhất”, “người đóng vai mẹ chồng nhiều nhất” màn ảnh Việt.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân chúc NSƯT Ngọc Thoa thật nhiều sức khỏe, niềm vui cũng như năng lượng để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trò chuyện cùng NSƯT Ngọc Thoa – CLIP: Văn Duẩn
Cả trong cuộc sống cũng như trên sân khấu, NSƯT Ngọc Thoa thuộc mẫu người luôn nhường nhịn, chia sẻ và ít ganh đua.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với công việc diễn xuất, NSƯT Ngọc Thoa vẫn đam mê với nghề. Ở tuổi ngoài 80, bà vẫn tham gia diễn xuất hoặc các gameshow truyền hình.
NSƯT Ngọc Thoa chia sẻ đóng phim với bà giờ không phải vì mục đích mưu sinh, làm phim với bà trước hết là để vui và thỏa nỗi nhớ nghề, hơn nữa là được gặp bạn bè, đồng nghiệp, để thấy mình còn có ích với xã hội…