Lưu giữ không khí ngày Quốc khánh lịch sử qua từng hình ảnh, hiện vật

Lưu giữ không khí ngày Quốc khánh lịch sử qua từng hình ảnh, hiện vật

Vương Trần

  –  

Thứ sáu, 02/09/2022 12:14 (GMT+7)

Những tư liệu, hiện vật, kỷ vật tại các bảo tàng đã lưu giữ lại những câu chuyện xúc động, ý nghĩa về những dấu son của ngày Quốc khánh 2.9.1945 trên quảng trường Ba Đình lịch sử.

Lưu giữ những kỷ vật về ngày thu cách mạng

Vị trí trang trọng nhất trong khu vực trưng bày hình ảnh, hiện vật về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2.9) của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đặt tấm ảnh đen trắng phóng to với dòng chú thích “Lễ đài tại quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2.9.1945”.

Khu vực này có nền đỏ, chữ vàng, trích từ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

  Hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2.9.1945 được trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: Trần Vương

Nhân nghỉ lễ 2.9, những vị khách tham quan đọc kỹ, chi tiết, từng dòng chữ chú thích trong khu vực trưng bày về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9.

Như nhiều người khác khi tới khu vực này, chị Nguyễn Kim Anh (Vụ Bản, Nam Định) cùng gia đình dừng lại thật lâu khi đọc dòng chữ: “Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam”. 

Những vị khách quan sát từng hiện vật như: Giá nhạc của Đoàn nhạc binh Quân đội Quốc ca Việt Nam dùng trong lễ chào cờ của ngày Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2.9.1945; hay Bộ kèn đồng của Đoàn nhạc binh Quân đội Quốc gia Việt Nam sử dụng cử hành lễ chào cờ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2.9.1945. 

 Các đoàn khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Trần Vương 

Khu trưng bày còn có bức tượng chân dung nhạc sĩ Văn Cao – kèm theo dòng giới thiệu về vị nhạc sĩ tài ba này – tác giả của bài Tiến Quân ca (Quốc ca Việt Nam). Phía bên cạnh là bản nhạc Quốc ca Việt Nam (Tiến quân ca) do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác được cử hành trong Lễ Chào cờ, ngày 2.9.1945.

Lắng nghe những câu chuyện về mốc son lịch sử

Qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, hướng dẫn viên Nguyễn Đại Việt – Phòng tuyên truyền, giáo dục (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) tỉ mỉ giới thiệu để du khách được tái hiện không khí trong ngày Quốc khánh 2.9.1945, cách đây 77 năm trong nắng vàng ở quảng trường Ba Đình lịch sử.

Anh Việt kể, mỗi lần giới thiệu tới du khách cũng chính là khi bản thân cảm thấy rất tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Không khí của những ngày thu cách mạng rất rộn ràng.

“Qua từng hình ảnh, câu chuyện, ta càng thấy được sự dày công vun đắp, xây dựng đất nước của các thế hệ cha ông. Ngắm nhìn, lắng nghe giới thiệu hiện vật trưng bày về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 mà lòng trào dâng cảm xúc” – anh Việt nói.

 Du khách tới bảo tàng tham quan tại khu vực trưng bày hình ảnh, hiện vật về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9.1945. Ảnh: Trần Vương 

Thượng tá Lê Vũ Huy – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, nhiều người dân, du khách và các đoàn tham quan đã tới bảo tàng để trực tiếp xem, lắng nghe những câu chuyện về những mốc son lịch sử.

Thượng tá Huy cho biết, cùng với việc lưu trữ, trưng bày các tư liệu, hiện vật, bảo tàng cũng phối hợp với các cơ quan tổ chức các triển lãm chuyên đề. Bảo tàng xuất bản một số cuốn sách như kỷ vật kháng chiến, trong đó có tập hợp các bài viết về kỷ vật, hiện vật liên quan tới các giai đoạn lịch sử.

Rate this post