Lịch sử sau những lá quốc kỳ trên thế giới
Một số lá quốc kỳ bạn bắt gặp trên đường du lịch của mình có thiết kế lạ mắt, đồng thời có những hình vẽ độc đáo mang tính biểu tượng của mỗi quốc gia.
Người dân thường tự hào về lá cờ của đất nước mình nhưng không phải ai cũng biết rõ ý nghĩa lịch sử của những lá quốc kỳ độc đáo.
Canada
Quốc kỳ Canada còn được biết đến với tên gọi Cờ lá phong, có màu đỏ tươi và hình vuông màu trắng ở giữa. Chính giữa lá cờ là hình lá phong cách điệu. Lá cờ này được thông qua và sử dụng từ năm 1965, được thiết kế bởi George F. G. Stanley và thay thế cho cờ Liên hiệp Anh từng dùng trước đó. Việc yêu cầu thiết kế cờ mới của thủ tướng Canada thời bấy giờ đã dấy lên một cuộc tranh cãi căng thẳng. Tuy nhiên cờ mới vẫn được chọn và xuất hiện lần đầu vào ngày 15/2/1965.
Cờ Canada.
Nepal
Nepal là quốc gia có lá quốc kỳ duy nhất trên thế giới không phải hình chữ nhật hay hình vuông mà là hai hình tam giác chồng lên nhau. Nhiều người tin rằng hai hình tam giác này tượng trưng cho hai tôn giáo lớn nhất tại quốc gia này là Hindu và Phật giáo.
Tuy nhiên theo CNN, thiết kế hình tam giác đôi tượng trưng cho hai đỉnh núi hùng vĩ thuộc dãy Himalaya – nơi những người leo núi nước ngoài đã cắm lên đó rất nhiều lá cờ của tổ quốc họ. Biểu tượng mặt trời và mặt trăng thể hiện cho sự điềm tĩnh và quyết tâm, đồng thời cũng đại diện cho nguyện vọng tốt đẹp của nhân dân Nepal khi cầu nguyện, mong đất nước trường tồn như nhật nguyệt.
Cờ Nepal.
Hy Lạp
Quốc kỳ Hy Lạp gồm 9 dải màu nằm ngang xen kẽ hai màu xanh lam và trắng. Góc bên trái lá cờ có hình dấu thập, thể hiện niềm tin vào đạo Cơ đốc – tôn giáo chủ yếu của quốc gia. Chín đường kẻ ngang đại diện cho âm tiết của cụm từ Sống hay chết. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng nó biểu tượng cho 9 nàng muse – những vị thần của thi ca và nghệ thuật trong Hy Lạp cổ đại.
Cờ Hy Lạp.
Bhutan
Quốc kỳ Bhutan hình chữ nhật, do hình tam giác màu vàng và đỏ cam tạo thành. Giữa nền cờ có hình con rồng, vuốt nắm bốn viên ngọc trắng. Hai màu sắc trên lá cờ tượng trưng cho tầm quan trọng của người dân và giới tu sĩ, tăng lữ là như nhau. Bốn viên ngọc trắng thể hiện sự giàu có, hưng thịnh và sự bảo vệ, che chở người dân. Hình con rồng trên lá cờ phần nào biểu thị tên nước, vì Bhutan có nghĩa là “thần long chi quốc”.
Quốc kỳ Bhutan.
Mỹ
Quốc kỳ Mỹ là biểu tượng của sự tự do. Bên góc trái lá cờ có hình 50 ngôi sao, tượng trưng cho 50 bang của Mỹ. Ba màu xanh, đỏ, trắng thể hiện những ý nghĩa khác nhau. Màu đỏ tượng trung cho lòng dũng cảm và nhiệt huyết, màu trắng nói lên niềm hy vọng còn màu xanh hiện thân của màu sắc thiên đàng, biểu tượng của lòng trung thành, công lý.
Quốc kỳ Mỹ.
Indonesia
Cờ Indonesia thiết kế hai màu trắng, đỏ bằng nhau. Màu đỏ tượng trưng cho lòng can đảm còn màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết. Cờ của Indonesia khá giống cờ Ba Lan và Singapore, đặc biệt giống cờ của Monaco ngoại trừ kích thước.
Cờ Indonesia với hai màu trắng đỏ đơn giản.
Mozambique
Cờ Mozambique được xếp vào những lá cờ có thiết kế đặc biệt khi xuất hiện hình ảnh khẩu súng. Hình ảnh quyển sách xuất hiện trên lá cờ tượng trưng cho giáo dục, chiếc cuốc thể hiện cho ngành nông nghiệp còn khẩu súng tượng trưng cho cuộc chiến tranh đẫm máu của đất nước giành độc lập.
Cờ Mozambique.
Anh Minh
Ảnh: CNN