Lê-vi, Người

Lê-vi, Người\ Levites. Lévitiques.

Những kẻ bởi họ Lê-vi sanh ra đều gọi chung là người Lê-vi. Dầu vậy, có sự phân biệt ngay trong chính chi phái đó, vì chức vị thầy tế lễ cao hơn, dành riêng cho các “con cháu A-rôn”, làm cho tên chung nầy còn một nghĩa đặc biệt. Luôn luôn người Lê-vi phân biệt với thầy tế lễ (1Các vua 8:4; Exơ 2:7; Giăng 1:19, v.v…). Có khi chữ đó chỉ cả chi phái gồm các thầy tế lễ (Dân Số Ký 35:2; Giô-suê 21:3, 41; Xuất Ê-díp-tô 6:25; Lê-vi Ký 25:32). Có khi thêm tiếng đệm để chỉ một phần nhỏ của chi phái, vì chúng ta đọc “thầy tế lễ về dòng Lê-vi” (Giô-suê 3:3; Ê-xê-chiên 44:15). Cần phải biết lịch sử và những chức việc của chi phái Lê-vi để biết đúng lịch sử Y-sơ-ra-ên như một nước.

I. Thời kỳ của Xuất Ê-díp-tô.–Ban đầu, trước luật pháp, các con đầu lòng tức: “kẻ trai trẻ” của Y-sơ-ra-ên làm thầy tế lễ dâng của hy sinh cho Chúa (Xuất Ê-díp-tô 24:5). Sau vì cớ dân sự phạm tội thờ bò vàng, Chúa chọn chi phái Lê-vi, vì lòng sốt sắng đối với Chúa. Lê-vi trở nên “Y-sơ-ra-ên trong dân Y-sơ-ra-ên”. Ấy là khi Môi-se đi tẻ lên núi Si-na-i ở một mình lần thứ nhứt, thì nhà A-rôn được lập lên hành chức vụ thầy tế lễ cứ cha truyền con nối (Xuất Ê-díp-tô 28:1).

Như hội mạc là dấu hiệu sự hiện diện của Vua vô hình giữa dân sự, thì cũng vậy, người Lê-vi giữa các chi phái Y-sơ-ra-ên khác nào các thị vệ có độc quyền chầu chực bên Ngài. Khi dân sự nghỉ, người lê-vi cắm trại quanh hội mạc làm những kẻ canh gác (Dân Số Ký 1:51; 18:22). Khi đi, chỉ tay người Lê-vi mới được phép chuyển vận Đền tạm cùng hết thảy đồ vật, và chỉ họ mới có quyền cho phép Đền tạm dừng lại nghỉ ngơi. Vì thế, cần có sự cắt đặt nhứt định và theo thứ tự để làm việc, và việc tổ chức này ổn định mãi về sau. Từ họ Lê-vi chia làm ba chi phái để làm việc. Công việc nặng nhọc cả chi phái gánh vác rất cần đến sức khỏe; bởi vậy người được tham dự những việc hoạt động phải đúng ba mươi tuổi trở đi, mặc dầu tuổi hai mươi là tuổi ra lính được (Dân Số Ký 1:1-; 4:23, 30, 35). Chừng năm mươi tuổi thì khỏi phải làm việc gì ngoài sự coi sóc. Người Kê-hát, về phần ruột thịt gần với thầy tế lễ nhứt, giữ một chức việc cao trọng hơn cả, là khiêng các vật thánh kể cả hòm giao ước nữa (Dân Số Ký 3:31; 4:15), sau khi thầy tế lễ đã dùng bức màn xanh thẫm che kín, không để ai nhìn thấy. Con cháu Ghẹt-sôn phải mang những tấm màn của Đền tạm và bức màn của cửa Hội mạc (4:22-26). Các vật dụng nặng hơn như các tấm ván, xà ngang, trụ và lỗ trụ của đền tạm, thì do con cháu Mê-ra-ri đảm nhận (4:29-33).

Những người lê-vi không có phần đất làm sản nghiệp. Thay vào đó, người Lê-vi được nhận thuế một phần mười về sản vật trong xứ của các chi phái; đến lượt, họ cũng trích một phần mười ra dâng cho các thầy tế lễ như công nhận sự dâng mình cao trọng hơn (Dân Số Ký 18:21, 24, 26; Nê-hê-mi 10:37). Kỳ lưu lạc trong đồng vắng đã mãn, hội mạc lập vững một chỗ, cũng vì thế một phần lớn những công việc không còn nữa, chính những người Lê-vi cũng cần một chỗ ở nhứt định. Để họ được biệt riêng và tản cư, nên Chúa ban cho chi phái đó bốn mươi tám thành với các “ngoại ô” chung quanh thành làm đồng cỏ nuôi bầy vật (Dân Số Ký 35:2). Có sáu thành được chọn làm thành ẩn náu cũng vì lòng tôn kính của dân sự đối với những người Lê-vi đó. Trong suốt cả xứ, người Lê-vi không bị bỏ bê, được đồng hưởng sự vui vẻ về các phước lành mà Chúa ban cho dân sự (Phục truyền 12:19; Phục truyền 14:26-27; Phục truyền 26:11). Cứ ba năm, người lê-vi được thêm phần về huê lợi trong xứ (Phục truyền 14:28; Phục truyền 26:12). “Các thầy tế lễ về dòng Lê-vi có nhiệm vụ gìn giữ, sao chép, và giảng nghĩa luật pháp (Phục truyền 17:9-12; Phục truyền 31:26).

II. Thời kỳ các quan-xét.

Giô-suê, người kế tiếp Môi-se, dầu thuộc chi phái khác, cũng trung tín làm mọi điều để giữ lại những gì mà Chúa đã ban cho chi phái Lê-vi. Sự đầu hàng của dân Ga-ba-ôn khiến cho Giô-suê có thể bớt sự nhọc nhằn cho hai họ Ghẹt-sôn và Mê-ra-ri. Bởi vì những người Hê-vít bị chinh phục làm kẻ “đốn củi và xách nước cho hội chúng và cho bàn thờ của Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 9:27). Khi những người chiếm xứ đã tiến xa vào nội địa đầy đủ, thì phân chia xứ và ban 48 thành cho người Lê-vi.

III. Thời quân chủ.

Nhờ sự cai trị của Sa-mu-ên, là người thuộc chi phái Lê-vi, đã khiến cho dân sự muốn tôn người Lê-vi làm một hạng người cai trị. Phần sau của đời Sau-lơ trị vì, là một khoảng thời gian, vua theo ý riêng mình mà nghịch cùng ban thứ thầy tế lễ. Dầu vậy, đến khi Đa-vít trị vì, sự bắt bớ đổi thành tôn trọng. Khi nước Đa-vít được vững lập, có một sự tổ chức đầy đủ hơn cho cả chi phái. Địa vị người Lê-vi về chức vụ thầy tế lễ được quả quuuuong Giê-ru-sa-lem, dân sự đều nhận biết rằng chỉ những người Lê-vi mới xứng đáng khiêng hòm đó (1Sử Ký 15:2). Trong khi rước hòm giao ước đi, người Lê-vi có giá trị lắm, mặc áo ê-phót bằng vải gai mịn, và làm những người khảy đờn (1Sử Ký 15:27-28). Trong sự thờ phượng tại hội mạc dưới Đa-vít, cũng như sau ở trong đền thờ, có thể thấy sự sắp đặt rất giản dị trước ở trong đồng vắng và tại Si-lô. Những người Lê-vi là người giữ cửa hội mạc, người ca hát, v.v…, trong nơi thánh. Theo trong 1Sử Ký 23:24-32, họ là những người “lo coi sóc hội mạc và nơi thánh, cùng giúp đỡ con cháu A-rôn, canh giữ hành lang và các phòng, giữ tinh sạch các vật thánh, lại lo về bánh trần thiết, về bột mịn dùng làm của lễ chay và bánh tráng không men”. Ngoài những sự đó, họ “còn phải đứng cảm tạ và ngợi khen” Đức Giê-hô-va, buổi sáng cũng như buổi chiều. Cuối cùng họ phải “dâng”, nghĩa là giúp đỡ thầy tế lễ trong sự dâng của hy sinh, tức “những của lễ thiêu thường dâng cho Đức Giê-hô-va, mỗi ngày Sa-bát, ngày mồng một, v.v…”. Người Lê-vi quanh năm ở trong các thành riêng, chỉ lên đền thờ trong kỳ đã định đến lượt mình phải làm việc thôi (1Sử Ký 25:26). Sự dạy dỗ người Lê-vi về các công việc riêng chẳng khác với trường dạy tiên tri mấy, cốt ý đào luyện họ trở thành những người dạy dỗ, người sao chép, và người giải nghĩa luật pháp, cùng người chép sử của thời đại họ đang sống. Ta thấy có nhiều ví dụ. Ví dụ rõ ràng nhất là qua hai sách Sử ký, tỏ những dấu không thể sai lầm được, là do người có quyền lợi trong công việc Đền thờ chép, và là những người quen biết với sự biên chép rất nhiều.

Vì sự nổi loạn của 10 chi phái, và chính trị của Giê-rô-bô-am đã theo, nên địa vị của người Lê-vi có sự thay đổi lớn. Họ là chứng cớ về một ban đã được cử ra và về nơi trung ương của sự thờ phượng. Song vua Giê-rô-bô-am lại muốn dùng những thầy tế lễ làm lợi khí cho mình, và lập sự thờ phượng riêng trong một tỉnh. Kết quả tự nhiên là dân sự lìa bỏ nơi vua đã chỉ định trong địa phận nước Y-sơ-ra-ên mà trở lại nhóm quanh nơi thờ phượng trước là Giê-ru-sa-lem, ở nước Giu-đa (2Sử Ký 11:13-14). Người Lê-vi, trong xứ Giu-đa, từ đó trở đi, thành một đoàn thể có quyền thế, cả về chính trị và tôn giáo.

IV. Sau khi làm phu tù.

Sau khi từ Ba-by-lôn trở về, người Lê-vi vẫn giữ những chỗ cũ trong Đền thờ và ở trong các làng gần thành Giê-ru-sa-lem (Nê-hê-mi 12:29), và có mặt đầy đủ trong ngày lễ trọng thể tức là ngày khánh thành vách tường Giê-ru-sa-lem. Hai đấng tiên tri hoạt động tích cực nhứt trong kỳ trở về cố hương, là A-ghê và Xa-cha-ri, dầu không chép là người Lê-vi nhưng đã giúp công việc phục hưng nhiều. Đấng tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, trong sự hiện thấy, thấy khi Chúa Jêsus tái lâm, Ngài sẽ “chùi các con trai Lê-vi, làm cho chúng nó sạch như vàng và bạc” (Ma-la-chi 2:5-6; 3:3; so Ê-sai 66:21).

Trong thời kỳ sau khi làm phu tù, người Lê-vi hưởng ứng việc lập một hội, tạm gọi là Hội Công luận Lớn. Họ cùng các thầy tế lễ, chiếm phần đại đa số trong hội Sanhédrin, và dự một phần lớn trong việc đoán xét theo luật pháp, cả đến những vụ quan trọng nhứt.

Người Lê-vi không dự phần lớn trong cuộc nổi loạn của Macchabée, song chắc có mặt lúc làm lễ dẹp sạch đền thờ.

Trong Tân Ước còn nói đến người Lê-vi song ít lắm. Giăng 1:19 chép người Lê-vi từ thành Giê-ru-sa-lem đến đồng vắng để hỏi Giăng Báp-tít là ai. Dường như trong Tân Ước, tên của người Lê-vi được nhắc đến với một kiểu mẫu thờ phượng lấy lệ, không xuất phát từ tấm lòng, không có thiện cảm, cũng không có tình yêu thương (Lu-ca 10:32). Trong Công vụ 4:36 chép Ba-na-ba là một người Lê-vi, quê hương tại Chíp-rơ, có nghĩa là những sự thay đổi trong thế kỷ trước đã làm cho chi phái đó cũng “bị tan lạc giữa dân ngoại”.

Rate this post