Lê Trọng Khang và góc máy của người nghệ sĩ
Xem ảnh của Lê Trọng Khang, dễ chừng nhìn thấy được những mong manh, rung động của người nghệ sĩ, bởi mỗi khung hình anh chọn đều rất thơ…
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) trẻ Lê Trọng Khang sinh năm 1985, quê Nam Phước, Duy Xuyên. Còn khá trẻ nhưng Lê Trọng Khang đã gặt hái nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật. Lê Trọng Khang cũng được giới thiệu tham gia Đại hội những tài năng trẻ toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội.
Lê Trọng Khang nhận nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Đơn cử: năm 2014 đoạt giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật “Đồng hành cùng di sản” với tác phẩm: “Ánh đèn đêm hội” thuộc chủ đề “Đời sống”. Năm 2016: Huy chương đồng và bằng danh dự cuộc thi ảnh “ISF” (hình ảnh không biên giới). Năm 2020: Tác phẩm “Nốt hạnh phúc” đoạt Huy chương vàng cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống TP.Hồ Chí Minh lần thứ 45; Huy chương vàng AlaArcha 2021, Huy chương vàng Dipa Through the Viewfineder, Huy chương vàng Glorious Photo Sri Lanka… và nhiều giải thưởng khác.
Sau ngày tái lập tỉnh, lĩnh vực nhiếp ảnh Quảng Nam bắt đầu phát triển và đã có nhiều thành tích đáng kể, trở thành một trong những trung tâm của nghệ thuật nhiếp ảnh cả nước.
Tuy vậy, hồi ấy đa số nghệ sĩ nhiếp ảnh tập trung ở Hội An, một số khác ở Tam Kỳ và ở huyện nông thôn thì khá khiêm tốn. Lê Trọng Khang nằm trong số các nghệ sĩ trẻ xuất hiện ở khu vực huyện nông thôn và để lại dấu ấn đặc biệt. Hầu như năm nào ảnh của Lê Trọng Khang cũng được trao giải.
Duyên cha để lại
* Trước khi trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, người ta hay nhắc đến cha anh, NSNA Lê Vấn, cùng những thành công của ông ấy. Vậy, anh đã thừa hưởng những gì từ cha mình trong lĩnh vực nhiếp ảnh?
– NSNA Lê Trọng Khang: Ngay từ nhỏ tôi đã được ba dẫn đi lang thang đến các miền quê. Thời còn sử dụng máy phim tôi cũng đã được tiếp cận máy ảnh, ở nhà tráng phim và rọi ảnh thủ công trong phòng tối.
Những ngày chưa được tiếp cận với công nghệ số thì những hình ảnh của các bác, lớp đàn anh đi trước được ba cắt ra từ báo sưu tập lại thành những album ảnh để xem tham khảo và học hỏi. Có những nơi rất đẹp được ghi chép lại để sau này có điều kiện sẽ đến vùng đất ấy sáng tác ảnh.
* Những khó khăn trong những năm đầu cầm máy của anh là gì?
– NSNA Lê Trọng Khang: Dù sao tôi cũng khá may mắn khi được tiếp cận với nhiếp ảnh từ sớm. Nhưng cũng có không ít khó khăn khi những năm đó ở nông thôn chưa tiếp cận được nhiều với công nghệ số. Được ba tôi tạo điều kiện cho đi học photoshop để dần thay đổi và những bức ảnh sau này được hoàn thiện tốt hơn.
* Cảm giác của anh khi lần đầu nhận giải thưởng?
– NSNA Lê Trọng Khang: “Ẩn mình với thời gian” là tác phẩm ảnh được giải thưởng trong cuộc thi ảnh các di sản thế giới của Việt Nam. Thật may mắn khi lần đầu gởi ảnh tham dự đã được chấm chọn vào giải. Lúc ấy nhiều anh em nhiếp ảnh đồng nghiệp không ai nghĩ đó là tác phẩm của mình mà cứ nghĩ của ba Lê Vấn (cười).
Phố mùa lũ. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Nỗ lực không ngừng nghỉ
* Theo dõi quá trình sáng tác của anh, tôi được biết anh rất chịu khó trong việc tổ chức các công đoạn để chụp ảnh, săn tìm các dữ liệu đắt giá để ghi lại những khoảnh khắc “ăn tiền” nhất cũng như định hướng để có được những bộ ảnh đồ sộ, quý giá. Anh có thể nói thêm điều gì đó về công việc sáng tác của mình?
– NSNA Lê Trọng Khang: Do điều kiện ít được đi sáng tác nên thường chỉ chụp ở Hội An cũng như Mỹ Sơn là đề tài chính trong các tác phẩm tôi chụp và được chọn trong các triển lãm hay các giải thưởng nhiếp ảnh.
Trong giai đoạn đầu, thiết bị không được như bây giờ. Chưa có flycam để có những góc nhìn lạ hơn. Muốn thực hiện những tác phẩm mới ở Mỹ Sơn tôi phải thuê giàn tiệp (loại giàn chuyên dành cho các công trình xây dựng) cách Mỹ Sơn gần 10km rồi chở vào tháp cổ lắp nhằm tạo độ cao để chụp toàn cảnh khu đền tháp.
Phần thì cây cối rậm rạp lại có rất nhiều rắn nên trước mỗi chuyến sáng tác tôi thường phải chuẩn bị để phát quang và đem theo sả gừng ớt rắc khắp nơi để rắn đi hết trước khi leo vào phát quang và chụp ảnh.
* Bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang” đã vượt qua 232 tác phẩm và công trình sách ảnh của 165 tác giả để đoạt cúp VAPA năm 2017. Anh có thể cho biết thêm về quá trình thực hiện bộ ảnh này?
– NSNA Lê Trọng Khang: Với bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang”, trước nhiều ngày tôi cũng đã liên hệ với các anh ở làng muốn thực hiện bộ ảnh về nét văn hóa đặt trưng của người Cơ Tu.
Bộ ảnh được thực hiện từ trưa ngày hôm trước đến tận sáng hôm sau. Lần đầu tiên thật ấn tượng được hòa cùng với đồng bào. Tôi bấm máy không ngừng nghỉ. Lúc chiều tối, hoàng hôn xuống đỏ rực cả bản làng trong tiếng chiêng, điệu múa của đồng bào Cơ Tu khiến tôi bị mê hoặc.
Bộ ảnh nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Xong bộ ảnh, khắp người đổ mồ hôi như tắm, tôi mệt lả người nhưng cảm thấy thật “đã” với những khoảnh khắc vừa chụp được. May mắn bộ ảnh được chấm giải nhất trong cuộc thi ảnh di sản Quảng Nam và được hội đồng nghệ thuật chấm chọn vào giải Cup VAPA của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đồng thời nhận luôn giải thưởng chuyên ngành Nhiếp ảnh của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
* Giải thưởng và tác phẩm nào đã để lại cho ảnh nhiều ấn tượng nhất, tạo động lực để anh miệt mài sáng tác như vậy?
– NSNA Lê Trọng Khang: Mỗi tác phẩm đều để lại nhiều ấn tượng và không ít kỷ niệm. Nhưng ấn tượng hơn cả là trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, đặc thù nhiếp ảnh lại phải gắn liền với thực tế mà lại không được đi đâu sáng tác!
Dịp vợ mang bầu ở những ngày bị cách ly, tôi thực hiện tác phẩm cùng chính gia đình mình. Và tôi đã may mắn giành được giải nhất cuộc thi ảnh truyền thống TP.Hồ Chí Minh lần thứ 45 và Huy chương Đồng liên hoan ảnh khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên năm 2021 với tác phẩm “Điều giản dị”.
Chú trọng ảnh di sản và văn hóa
* Những năm gần đây kỹ thuật photoshop và flycam đã được đưa vào xử lý ảnh, theo anh thì những thuận lợi và khó khăn sẽ gặp là gì?
– NSNA Lê Trọng Khang: Photoshop ra đời tạo rất nhiều thuận lợi cho anh em xử lý hậu kỳ. Những hình ảnh ở thể loại hiện thực có thể cân chỉnh màu sắc, xử lý “rác” trong bức ảnh để bức ảnh được sạch và chỉn chu hơn.
Những thể loại ý tưởng và tự do, người chụp về có thể thỏa sức sáng tạo với hình ảnh của mình để tạo ra tác phẩm theo ý đồ của tác giả. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi người làm ra tác phẩm phải hiểu sâu về photoshop, về tỷ lệ, màu sắc… thì mới tạo ra được những tác phẩm tốt và chất lượng.
Những năm gần đây phương tiện flycam đã phát triển và tạo ra những khung hình, góc máy mới lạ. Nhưng có rất nhiều trở ngại và khó khăn với người chơi flycam như đối mặt với rủi ro về hư hỏng, sự cố trong lúc sáng tác cũng như việc vi phạm pháp luật nếu không xin phép… Trong khi đó, quy định thủ tục để xin phép và cấp phép bay gặp rất nhiều khó khăn, tốn thời gian nên nói chung, còn rất khó với người chơi ảnh.
* Anh có thể nói về những dự định của mình trong thời gian tới?
– NSNA Lê Trọng Khang: Dù đã có nhiều hình ảnh về di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn cũng như những di sản văn hóa phi vật thể khác nhưng tôi vẫn luôn muốn thực hiện nhiều bộ ảnh mới hơn nữa. Qua đó góp phần mang những hình ảnh đẹp về di sản Quảng Nam để giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời mong muốn có thêm nhiều hình ảnh mang bản sắc văn hóa dân tộc.
* Xin cảm ơn NSNA Lê Trọng Khang!