Làm thế nào để áo dài Việt có sức lan tỏa rộng rãi?

Từ xưa đến nay, chuẩn mực về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam là sự dịu dàng, nền nã, trung hậu, đảm đang và vẻ đẹp ấy được toát lên rõ nét qua chiếc áo dài truyền thống. Là trang phục của dân tộc, phụ nữ Việt Nam có quyền hãnh diện về tà áo dài, bởi khi nhắc đến Việt Nam, áo dài là một trong hình ảnh gợi nhớ về một dân tộc có bề dày lịch sử hào hùng.

Không thể phủ nhận được sức hút của tà áo dài truyền thống, quảng bá hình ảnh của đất nước hình chữ S đi khắp thế giới. Áo dài luôn xuất hiện trong các cuộc thi hoa hậu trong phần trang phục truyền thống, áo dài đã được thế giới biết đến và xem là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

lam the nao de ao dai viet co suc lan toa rong rai? hinh 1

NTK La Phạm

Nhà thiết kế áo dài La Phạm khẳng định, hình ảnh áo dài có ý nghĩa rất lớn trong văn hóa Việt. Áo dài từ lâu vẫn luôn là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh con người Việt Nam mà còn chứa đựng cả linh hồn dân tộc. Chúng ta, những thế hệ hiện tại và tương lai cần tiếp tục giữ gìn và bảo tồn những giá trị nhân văn trong trang phục truyền thống để biết trân quý những giá trị mà ông cha để lại.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, áo dài truyền thống đẹp nhưng theo thời gian, áo dài đã có sự “cách tân”, làm mới một cách đáng kể. Lý giải về vấn đề này, NTK La Phạm cho rằng, “Áo dài truyền thống tuy rất đẹp nhưng ít khi được mặc thành trang phục hàng ngày vì chiết eo và ngực chặt, khó cử động. Ngoài ra, người Châu Á lưng dài, chân ngắn nên phải đi giày cao gót mới tôn được áo dài. Vì thế, khi mặc áo dài truyền thống, người phụ nữ khó linh hoạt trong cuộc sống. Nhất là ngày nay, người phụ nữ hiện đại tham gia mọi lĩnh vực trong cuộc sống từ công việc hàng ngày, đi chợ, đón con, tham gia việc xã hội, có các hoạt động ngoại khóa, tập thể thao đi chơi, đi du lịch… vì thế, áo dài truyền thống chỉ được mặc trong ngày cưới, ngày lễ Tết, các dịp đặc biệt. Còn lại, áo dài được treo trong tủ quanh năm suốt tháng.

lam the nao de ao dai viet co suc lan toa rong rai? hinh 2

NTK La Phạm (trái) và nữ diễn viên Tăng Thanh Hà.

Để phù hợp với cuộc sống và thời thế, nhiều nét văn hóa nên áo dài đã được cách tân cho phù hợp và thực tiễn hơn với mọi lứa tuổi. Thế hệ trẻ cũng có động lực và thích thú mặc áo dài hơn với những hoạt động và suy nghĩ hiện đại”.

NTK La Phạm cũng thừa nhận, ngày nay, áo dài cách tân gặp phải nhiều làn sóng dư luận khác nhau, có người đồng tình, người phản đối, người thích, người không nhưng chiếc áo dài truyền thống sẽ vẫn được mặc trong những dịp trọng đại và được gìn giữ. Còn chiếc áo dài cách tân lấy cảm hứng từ chiếc áo dài truyền thống để sáng tạo ra nhiều cách mặc với xu hướng hiện đại của thế giới. Ngay cả các NTK nổi tiếng thế giới cũng thiết kế những bộ quần áo có cảm hứng từ chiếc áo dài. Điều đó làm người Việt Nam cảm thấy tự hào.

Theo NTK La Phạm, “Để áo dài có sức lan tỏa rộng rãi, không gì nhanh và hiệu quả hơn là càng nhiều người mặc càng tốt. Để nhiều người mặc thì bắt buộc áo dài cần phải thuận tiện cho việc di chuyển hoặc trong các hoàn cảnh khác nhau – đưa áo dài thành một trang phục truyền thống nhưng được mặc hàng ngày chứ không phải chỉ trong các dịp đặc biệt.

lam the nao de ao dai viet co suc lan toa rong rai? hinh 3

Hoa hậu Ngô Phương Lan trong một thiết kế áo dài nằm trong bộ sưu tập “Sleep No More” của NTK La Phạm.

Với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ khi diện những chiếc áo dài cách tân cho thấy, hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam đã đến gần hơn, rộng rãi hơn với người dân. Từ một chiếc áo dài trang trọng quý phái cũng có thể giản dị và gần gũi với những bạn trẻ”.

“Trong ngôn ngữ tiếng Anh, “Áo dài” là cụm từ không phiên dịch ra bằng từ ngữ tiếng Anh khác có nghĩa tương đương để thay thế. Điều đó tạm thời khẳng định vị trí và chủ quyền của trang phục này của người Việt. Trong mắt không ít bạn bè thế giới, “Áo dài” được xem là quốc phục Việt Nam nhưng về mặt pháp lý, áo dài chưa có được giấy khai sinh ngay ở quốc gia nơi nó chào đời. Tôi tin việc áo dài được công nhận quốc phục Việt Nam là mong ước không chỉ của riêng tôi mà là của các nhà thiết kế thời trang áo dài Việt Nam” – NTK La Phạm bày tỏ.

Chia sẻ mong muốn về “tương lai” của áo dài Việt, NTK La Phạm nói, “Cùng với chiếc nón lá, áo dài vinh dự trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt dù ở bất cứ nơi đâu. Mặc áo dài sẽ luôn là một truyền thống tốt đẹp của người Việt và văn hóa áo dài sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai”.

Rate this post