Kỷ niệm của Bác ở Chiến khu Việt Bắc – Tỉnh đoàn Hà Giang

Trong tâm trí của chúng ta không bao giờ quên từ Tây Bắc hoặc Việt Bắc, vì đây là nơi gắn với những trận đánh thần thánh của quân và dân ta, mà trong đó linh hồn là Bác Hồ. Khu Việt Bắc ngày đó có 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang. Đồng bào dân tộc nơi đây nằm trong những kỷ niệm đầy ân nghĩa với Đảng và Bác Hồ.

Khi Bác rời Tân Trào về Hà Nội để tiến hành những sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt lúc này là giai đoạn chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nhưng Bác đã cử một số cán bộ quan trọng ở lại để làm nòng cốt và xây dựng phong trào, Bác tiên tri, dự báo là biết đâu rồi ta lại trở về Việt Bắc một lần nữa. Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, một lần nữa Bác và các cơ quan của Đảng và Chính phủ lại về Việt Bắc để chỉ đạo cách mạng, cho nên Việt Bắc đầy tình nghĩa là thế.

 

Ở Việt Bắc có những địa danh như Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), Tân Trào (Tuyên Quang), xã Kim Bình, là nơi tổ chức Đại hội Đảng lần thứ II để ra mắt Đảng Lao động Việt Nam. Còn Hà Giang, năm 1961 Bác đã lên thăm. Đây là kỷ niệm ân tình của Bác dành cho cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Trong những năm tháng ở Việt Bắc, Bác luôn luôn giữ bí mật để bảo toàn lực lượng. Vì kẻ thù biết đầu não của ta ở đó, và chúng muốn dồn quân, tập trung binh lực nhảy dù xuống bắt sống toàn bộ đầu não của Đảng, trong đó có Hồ Chí Minh. Nên ở Việt Bắc, Bác di chuyển các cơ quan thường xuyên. Ngay cả tên của Thư ký của Bác cũng gọi tên bí mật. Trong đó 8 Thư ký của Bác được đặt tên là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Ở đây Bác có bài thơ mà trở thành quan điểm để Bác hành động: Trên có núi, dưới có sông; có đất ta trồng, có bãi ta chơi; gần đường tới Trung ương; tiện đường sang bộ tổng; nhà kín mái thoáng mát; gần dân không gần đường. Câu cuối cùng là cả một triết lý, gần dân chính là sức mạnh của cách mạng. Không gần đường để tránh sự lùng sục của địch.

Đó là những kỷ niệm đằm thắm của Bác khi còn ở Việt Bắc. Ở đây cũng là nơi Bác chủ trì Lễ phong Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp khi mới 37 tuổi. Việt Bắc cũng là nơi mà Bác và Trung ương quyết định cuộc tổng tiến công Điện Biên Phủ 1954. Trong sự kiện này, chúng ta nhớ người chiến sỹ tham gia cùng 5 người vào bắt tướng Đờ – Cát đầu hàng ở Điện Biên là chiến sỹ trẻ mới chỉ có 20 tuổi, đó là Hoàng Đăng Vinh. Sau này biết tin, Bác đã gắn Huy hiệu Điện Biên cho chiến sỹ trẻ đó. Bây giờ Đại tá Hoàng Đăng Vinh đã nghỉ hưu và đang sinh sống tại tỉnh Bắc Ninh.

Ở Việt Bắc, Bác và Trung ương còn chủ trì Đại hội Chiến sỹ thi đua; Bác thảo Văn kiện Kháng chiến kiến quốc, vừa kháng chiến vừa kiến quốc; Văn kiện thi đua là yêu nước. Ở đây Bác cũng đưa ra 6 lời quan trọng với ngành Công an, sau này là Quân đội và bây giờ là lời dạy chung cho toàn Đảng, toàn quân và dân ta.

Việt Bắc cũng là ghi dấu sự kiện mà Bác tiễn cụ Bùi Bằng Đoàn về xuôi để dưỡng bệnh mà Bác không cho cụ từ chức. Việt Bắc cũng là nơi hội văn hóa cứu quốc, các nhà văn, nhà thơ các trí thức lớn đi theo Đảng, theo cách mạng đã quây quần xung quanh Bác. Cảm động nhất là phiên họp Chính phủ, cũng có dinh Chủ tịch dù chỉ là túp lều được làm bằng tre và nứa, cũng họp Hội đồng Chính phủ, Quốc hội, vừa họp vừa nhóm lửa và nướng khoai, sắn để ăn; uống nước chè tươi từ núi rừng Việt Bắc.

Cũng từ Việt Bắc mà nhiều cán bộ, chiến sỹ tập hợp về đây để trao đổi, học tập và triển khai các nội dung quan trọng của đất nước. Nên Việt Bắc sản sinh ra nhiều quyết định trọng đại của Đảng và Nhà nước với ảnh hưởng rất lớn của Bác, từ đó dẫn đến thành công. Bác luôn nói cách mạng nhờ có Việt Bắc mà thành công và thắng lợi. Quả nhiên, Việt Bắc đã đi vào lịch sử của Việt Nam với chiến tích hào hùng. Trong đó, có đóng góp của dân và quân Hà Giang tải đạn cung cấp cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)

Rate this post