Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (01/2/1902 – 01/2/2022)
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (01/2/1902 – 01/2/2022)
Chủ nhật – 30/01/2022 21:45
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên thật là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 01/02/1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Bạch Mai, ngoại thành Hà Nội (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội). Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thể hiện là một trí thức giàu nhiệt huyết, nhạy bén với thời cuộc, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia và hoạt động tích cực trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trở thành một trong chiến chiến sĩ cộng sản đầu tiên, góp phần tích cực vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.Đồng chí Nguyễn Phong Sắc có những phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp, là một người chiến sĩ kiên trung, bất khuất, luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có lối sống giản dị, trong sáng. Đồng chí là một cán bộ lãnh đạo tiêu biểu của Đảng ta, một nhân cách cộng sản mẫu mực, tận tụy với Đảng, với nước, tận hiếu với dân; kiên cường bất khuất trước quân thù, giữ trọn khí tiết của người đảng viên. Là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí đã trung kiên, bất khuất, trở thành linh hồn của cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh; tạo nên một mốc son chói lọi, huy hoàng đầu tiên trong lịch sử vẻ vang của Đảng và của Cách mạng Việt Nam.
I. Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc sinh ngày 01/02/1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở làng Bạch Mai, ngoại thành Hà Nội – nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Thân phụ là cụ Nguyễn Đình Phúc, một người đã tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và thân mẫu là cụ Thành Thị Tửu. Năm 1912, khi tròn 10 tuổi, Nguyễn Phong Sắc theo học trường Dân Tiến.
Năm 1915, Nguyễn Phong Sắc chuyển lên học ở trường Công ích. Từ năm 1920 đến năm 1924, vào trường Bưởi theo học hệ cao đẳng tiểu học với chương trình học bốn năm.
Năm 1924, dời trường Bưởi, Nguyễn Phong Sắc làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương. Cuối năm 1926, Nguyễn Phong sắc gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Năm 1927, Nguyễn Phong Sắc thôi việc ở Sở Tài chính, tham gia hoạt động cách mạng chống lại sự thống trị của thực dân Pháp. Sau đó Nguyễn Phong sắc dạy học tại trường Nguyễn Văn Tòng; năm 1928, dời trường Nguyễn Văn Tòng, dạy học ở trường Thăng Long.
Ngày 07/03/1929, Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí khác thành lập tổ chức đảng đầu tiên ở trong nước.
Tháng 6/1929, Nguyễn Phong Sắc tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng; được phân công phụ trách khu vực Trung kỳ.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập; đồng chí Nguyễn Phong Sắc là ủy viên Ban Chấp ủy Trung ương lâm thời. Tháng 10/1930, Đồng chí là ủy viên Trung ương và ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục phụ trách Trung Kỳ.
Ngày 03/05/1931, Nguyễn Phong Sắc bị địch bắt và hy sinh ngày 25/5/1931.
II. Cống hiến, đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
1. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc – một trí thức giàu nhiệt huyết, nhạy bén với thời cuộc, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia và hoạt động tích cực trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
Năm 1924, Nguyễn Phong Sắc từ biệt trường Bưởi, đứng trước sự lựa chọn nghề nghiệp và hướng đi. Vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương với mức lương khá, được đề bạt là “tham biện tài chính”. Mặc dù chưa hiểu biết nhiều về chính trị, nhưng trong thời gian làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương, qua hoạt động tài chính và nghiên cứu chính sách tài chính, tiền tệ của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương, Nguyễn Phong Sắc đã thấy bản chất của chế độ đô hộ, bóc lột của thực dân Pháp ở Đông Dương. Không chỉ người nông dân mà toàn thể Nhân dân lao động Việt Nam bị bóc lột.
Nguyễn Phong Sắc nhận thấy giai cấp công nhân phần lớn đều xuất thân từ giai cấp nông dân, những người không có ruộng để cày cấy, ông cảm thông, gần gũi với những người lao động; chứng kiến sự tàn ác của thực dân Pháp, sự nhu nhược, tham lam của bọn quan lại Nam triều; nhận rõ thủ đoạn và sự liên kết của chính quyền thực dân với bọn tay sai phong kiến, địa chủ để đàn áp Nhân dân. Nguyễn Phong Sắc say mê tìm tòi kinh điển Mác – Lênin, nghiên cứu sách, báo, đặc biệt là những tài liệu, bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã giúp ông từng bước giác ngộ về lý luận chính trị, hiểu biết về giai cấp và tầng lớp xã hội Việt Nam.
Là một trí thức có lương tâm, thương những người lao động nghèo khổ, Nguyễn Phong Sắc sớm nhận ra rằng đã đến lúc phải hòa mình với cuộc đấu tranh của dân tộc chống mọi áp bức, bất công.
Nguyễn Phong Sắc là một đại diện tiêu biểu của trí thức Việt Nam yêu nước, thấu hiểu nỗi thống khổ của đồng bào, giác ngộ và đến với cách mạng bằng lòng nhiệt thành, trong sáng, thủy chung. Ông là tấm gương quý và đáng trân trọng trong giới trí thức xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Cuối năm 1926, qua đồng chí Nguyễn Danh Đới, Vương Văn Mùi và qua nghiên cứu, Nguyễn Phong Sắc nhận thấy Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (gọi tắt là tổ chức Thanh niên) là một tổ chức yêu nước và cách mạng do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc sáng lập; bổn phận của người trí thức yêu nước là đi theo giai cấp công nông làm cách mạng nên ông đã quyết định gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Việc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là bước ngoặt quan trọng về tư tưởng trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Phong Sắc. Từ đây, Nguyễn Phong Sắc được đứng trong một tổ chức cách mạng, cùng đồng chí của mình và nhân dân đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ.
Nguyễn Phong Sắc là một trong số 11 thành viên xây dựng lên Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cũng là một trong những hội viên làm tốt công tác giác ngộ thanh niên vào hội.
Từ năm 1927, Nguyễn Phong Sắc hoạt động cách mạng rất tích cực như đi vào các xóm thợ, ra vùng ngoại ô để tìm hiểu đời sống của thợ thuyền và dân cày; ra các chợ của Hà Nội, bí mật gặp gỡ một số tiểu thương để tìm hiểu tình hình thị trường; tuyên truyền tinh thần yêu nước cho học sinh.
Khi dạy học ở trường Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn Phong Sắc đã truyền đạt cho học sinh tư tưởng yêu nước qua những bài thơ, bài văn của Đông Kinh nghĩa thục và các bậc sĩ phu, trong đó có thơ văn nổi tiếng của cụ Phan Bội Châu. Trong những ngày dạy học tại trường Thăng Long, Nguyễn Phong Sắc tiếp xúc với nhiều trí thức yêu nước, được đọc thêm nhiều sách, báo tiến bộ. Ông đi đến các nhà máy, trường học, xưởng sửa chữa ô tô, khách sạn… để tìm kiếm những người ưu tú, giác ngộ cách mạng cho họ và kết nạp vào tổ chức Thanh niên.
Trên cơ sở tổ chức Thanh niên phát triển mạnh và phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi, để có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, tháng 3/1927 Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc kỳ được thành lập và đến tháng 6/1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được thành lập. Nguyễn Phong Sắc đã dành nhiều tâm sức cho việc biên soạn, in tài liệu, truyền đơn để mở lớp bồi dưỡng lý luận và giác ngộ cách mạng cho quần chúng.
Trong quá trình giác ngộ và tham gia những hoạt động cách mạng đầu tiên, xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Phong Sắc đã thể hiện tinh thần nhiệt tình cách mạng vì nước, vì dân cao cả, mãnh liệt, hoạt động ngày đêm không mệt mỏi, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, lăn lộn trong phong trào đấu tranh của quần chúng và trưởng thành từ phong trào quần chúng.
2. Những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong phát triển các tổ chức thanh niên và tham gia sáng lập những tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước
Sau khi Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được thành lập, phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội phát triển mạnh mẽ theo hướng mới. Để đáp ứng nhiệm vụ đề ra lúc bấy giờ, ngày 28/9/1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ đã họp Đại hội Đại biểu toàn kỳ lần thứ nhất. Thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ nhất, Nguyễn Phong Sắc đã tích cực chuẩn bị cho Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Đầu năm 1929, Đại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được tổ chức. Đồng chí được bầu làm Bí thư chính thức đầu tiên của Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. Với cương vị quan trọng trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và là người đứng đầu Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội, Nguyễn Phong Sắc đã có đóng góp quan trọng vào sự chuyển biến về chất trong phong trào cách mạng, phong trào Thanh niên ở Hà Nội, Bắc kỳ và trên cả nước.
Từ cuối năm 1928, thực hiện chủ trương của Đại hội lần thứ nhất Kỳ bộ Bắc Kỳ, Nguyễn Phong Sắc đã tổ chức, chỉ đạo, lãnh đạo Tỉnh bộ Hà Nội tích cực thực hiện phong trào “vô sản hóa” để tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản trong công nhân, nông dân và thợ thủ công nhằm mở rộng cơ sở Thanh niên. Phong trào “vô sản hóa” bắt đầu từ Hà Nội phát triển khắp Bắc Kỳ và cả nước.
Thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng ở Hà Nội, Bắc Kỳ và cả nước năm 1928 và đầu năm 1929 đòi hỏi phải có một tổ chức chặt chẽ, cương lĩnh rõ ràng, phương pháp hoạt động đúng đắn, với cơ sở quần chúng rộng rãi hơn để đáp ứng những yêu cầu mới đang đặt ra của phong trào, lãnh đạo phong trào tiến lên theo con đường cách mạng của giai cấp vô sản. Ngày 7/3/1929, Chi bộ cộng sản đầu tiên trong nước đã được thành lập, Nguyễn Phong Sắc là một trong 8 thành viên sáng lập ra chi bộ này và trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của Hà Nội. Từ một trí thức yêu nước, hoạt động cách mạng đồng chí đã trở thành người chiến sĩ cộng sản.
Sau khỉ thành lập, Chi bộ cộng sản đầu tiên đã xúc tiến cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản. Ngày 17/6/1929, Nguyễn Phong Sắc cùng 19 đại biểu đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng để đáp ứng đòi hỏi của cách mạng Việt Nam lúc đó. Nguyễn Phong Sắc đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng.
3. Những cống hiến đóng góp của Đồng chí Nguyễn Phong Sắc trên cương vị Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ
Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, các Ủy viên Trung ương được phái đến các địa phương xây dựng tổ chức đảng, cơ sở cách mạng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở đó. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được phân công vào miền Trung để xây dựng hệ thống tổ chức đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ và các tỉnh Nam Trung Kỳ. Cùng với các đồng chí lãnh đạo khác, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Kỳ bộ phụ trách tờ báo Bônsơvích, in truyền đơn vận động quần chúng đấu tranh, in Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng.
Sau khi thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ và trực tiếp làm Bí thư Kỳ bộ, Nguyễn Phong Sắc thấy rằng cần phải phát triển cơ sở trong vùng phía bắc Trung Kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chi bộ của Thanh niên đã chuyển thành chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng, có những chi bộ được đồng chí Nguyễn Phong Sắc trực tiếp đến lập thành chi bộ Đảng Cộng sản.
Đồng thời với xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng rộng khắp từ tỉnh tới huyện, xã, thôn, hình thành lực lượng cách mạng rộng lớn mà hạt nhân là liên mình giai cấp công nhân và nông dân ở Trung Kỳ.
Khi các tỉnh Bắc Trung Kỳ đã xây dựng được hệ thống tổ chức Đảng, cuối năm 1929, Nguyễn Phong Sắc đã triển khai phát triển cơ sở Đảng ở Nam Trung Kỳ. Ngoài việc cử các đặc phái viên vào công tác xây dựng Đảng tại đây, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn trực tiếp vào các tỉnh Nam Trung Kỳ kiểm tra, chỉ đạo và giúp đỡ các tỉnh này xây dựng cơ sở Đảng, xây dụng lực lượng quần chúng và tổ chức phong trào cách mạng.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Trung ương lâm thời và được phân công tiếp tục phụ trách Trung Kỳ. Lúc này ở Trung Kỳ có hai hệ thống tổ chức Đảng: Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Theo tinh thần Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phong Sắc thực hiện sứ mệnh thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ về một mối, tạo sức mạnh mới của bộ tham mưu lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, tháng 3/1930, Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ đã lãnh đạo thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ về một mối là tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thành hệ thống tổ chức của Đảng từ Phân cục Trung ương tới các tỉnh bộ, thành bộ, huyện bộ, thị bộ, xã bộ.
Đi liền với xây dựng Đảng về tổ chức, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn đặc biệt chú ý đến vấn đề bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng. Đồng chí đã chỉ đạo Kỳ bộ ra báo Người lao khổ và trực tiếp định hướng công tác tư tưởng, chỉ đạo công tác lãnh đạo phong trào cách mạng của các tổ chức Đảng. Đồng chí cũng là người truyền đạt cho các tổ chức Đảng của Kỳ bộ những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh của Đảng được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng. Đến các cơ sở Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc nói rõ cho cán bộ, đảng viên hiểu về ý nghĩa lớn lao của việc thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, về công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí thường nhấn mạnh vai trò to lớn, vẻ vang của Đảng đòi hỏi các đảng viên của Đảng phải trung thành tuyệt đối với tư tưởng, đường lối, sự nghiệp của Đảng, phải sẵn sàng hi sinh vô điều kiện cho Đảng, cho quần chúng lao khổ.
Với trách nhiệm của Bí thư Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã lãnh đạo công tác Đảng và phong trào cách mạng trong tất cả các tỉnh miền Trung. Ở Trung Kỳ, tính từ cuối năm 1929 đến tháng 4/1930 đã có rất nhiều cuộc đấu tranh nổ ra. Ngày 20/4/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ quyết định lấy ngày 1/5/1930 phát động quần chúng nhân dân toàn xứ đấu tranh. Cuối tháng 8/1930 phong trào cách mạng ở Trung Kỳ cũng như trong cả nước phát triển mạnh mẽ, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh.
Tại Hội nghị lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, tiếp tục phụ trách Trung Kỳ. Với tư cách là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo ra báo Công – nông – binh, làm cơ quan ngôn luận, thống nhất tư tưởng, chỉ đạo và hướng dẫn hệ thống tổ chức đảng của Xứ bộ thống nhất hành động trong lãnh đạo thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, của Xứ ủy. Những biện pháp tư tưởng và tổ chức của Xứ ủy đã góp phần xây dựng, củng cố, bảo vệ tổ chức Đảng và duy trì, phát triển các phong trào cách mạng ở Trung Kỳ lên cao trào, trở thành đỉnh cao của cách mạng cả nước.
4. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản, là người lãnh đạo mẫu mực tiêu biểu, tận tụy với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, kiên cường bất khuất trước quân thù, giữ trọn khí tiết của người đảng viên
Nguyễn Phong Sắc thấm nhuần sâu sắc, trung thành tuyệt đối và hy sinh cả cuộc đời cho con đường cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc tìm ra cho dân tộc. Đường lối cách mạng đó đã trở thành cương lĩnh của Đảng, là con đường đấu tranh cho độc lập thật sự của dân tộc, tự do, hạnh phúc thật sự cho toàn dân. Đó là lý tưởng, khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam, mà chỉ đến thế kỷ XX, đến thời đại Hồ Chí Minh, Nhân dân ta mới thực hiện được. Nguyễn Phong Sắc từ một trí thức yêu nước nhiệt thành đã trở thành người cộng sản tiêu biểu, mẫu mực, là một trong những người tiên phong trong thực hiện con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nắm vững tư tưởng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, muốn có phong trào cách mạng phải có lực lượng cách mạng, là người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cách mạng ở Trung Kỳ, Nguyễn Phong Sắc đã có công lao to lớn trong xây dựng lực lượng và lãnh đạo và phong trào cách mạng ở đây. Trong xây dựng lực lượng cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc ý thức rõ phải xây dựng ở trong nước hai bộ phận: lực lượng lãnh đạo, bộ tham mưu của cách mạnh; và lực lượng quần chúng đông đảo tham gia cách mạng. Đồng thời phải gắn lực lượng cách mạng Việt Nam với lực lượng cách mạng thế giới.
Những ngày đấu tranh sôi động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc không quản gian khổ, hy sinh, làm việc hết mình cho sự thắng lợi của các cuộc đấu tranh. Ban ngày chỉ đạo công việc, ban đêm Đồng chí viết bài đăng trên các báo của Đảng nhằm kịp thời động viên, khích lệ và uốn nắn những lệch lạc của từng cuộc đấu tranh, đồng thời vạch mặt kẻ thù, kêu gọi đồng bào vùng lên đấu tranh giành lấy tự do cơm áo và các quyền lợi thiết thực khác. Sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một yếu tố làm cho phong trào cách mạng phát triển nhanh, mạnh, chính quyền Xô Viết được thành lập ở nhiều địa phương.
Khi địch khủng bố phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã kịp thời vạch kế hoạch cho các chi bộ phải tuyệt đối bí mật, chỉ đạo các địa phương tăng cường các tổ chức đoàn thể để đối phó với địch. Trong hoàn cảnh rất khó khăn, Đồng chí vẫn mở các lớp bồi dưỡng giúp cho các chi bộ cơ sở xác định rõ vai trò của đảng viên và cốt cán các đoàn thể khi phong trào bị khủng bố, bồi dưỡng tinh thần cảnh giác cho họ trước mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, bảo toàn tới mức cao nhất có thể các lực lượng cách mạng.
Ngày 03/05/1931, sau khi phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ hai của Đảng cho Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hải Phòng trở về Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã bị địch bắt. Dù bị địch dùng hết mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, phỉnh phờ đến tra tấn, nhưng bằng ý chí sắt đá và tinh thần yêu nước nồng nàn của một trí thức giác ngộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng không hề bị lung lay tinh thần. Hoảng sợ trước khí thế của phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ – Tĩnh, thực dân Pháp đã hèn hạ bí mật thủ tiêu đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đồng chí đã hi sinh ngày 25/5/1931 sau nhiều ngày bị quân địch tra tấn.
Xô Viết Nghệ – Tĩnh – đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930 – 1931, là cuộc tống diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là mốc son chói lọi, huy hoàng đầu tiên trong lịch sử vẻ vang của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Nhân dân ta đánh giá, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc là linh hồn của cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh. Sự cống hiến lớn lao của đồng chí cho dân tộc và sự nghiệp cách mạng nước ta được nhân dân Nghệ – Tĩnh, nhân dân Trung Kỳ và cả dân tộc trân trọng, ghi nhận.
***
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc là dịp để chúng ta thể hiện lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với công lao, đóng góp to lớn của Đồng chí và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Học tập và noi gương Đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện chung sức, đồng lòng vượt lên khó khăn, thách thức do đại dịch Covid -19 gây ra, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tác giả: Tỉnh Đoàn Thanh Niên Cao Bằng