KTS Ngô Viết Thụ trong ký ức người con trai
Ngày đó, cha tôi nổi tiếng là một chàng sinh viên kiến trúc học giỏi và đẹp trai. Lúc đầu cha chỉ mới xem mẹ tôi như em, cho nên dù quen và đi chơi với cô gái nào, cũng về kể lại hết cho mẹ tôi nghe. Nhưng với thời gian, cha tôi nhận ra mẹ tôi là người có phẩm hạnh đáng quý hơn hết, vì vậy mà tình cảm giữa hai người dần dần nảy nở…
Dinh Thống nhất, tức Dinh Độc Lập ngày xưa là một cái tên gợi cho hàng triệu triệu người dân Việt Nam một niềm tự hào khi nghĩ đến thời khắc lịch sử nước nhà, khoảnh khắc của những chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cái tên di tích lịch sử văn hóa ấy, còn là niềm tự hào của mỗi trái tim Việt Nam về bản sắc văn hóa của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến. Và hơn bao giờ hết, Dinh Thống nhất đã khiến giới chuyên môn trong và ngoài nước thán phục ngỡ ngàng bởi một kiến trúc độc đáo, có sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống phương Đông.
Đã gần 10 năm nay, KTS Ngô Viết Thụ không còn nữa, thế nhưng những kí ức, câu chuyện về tài năng, tính cách cha của mình vẫn được TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn dệt lại bằng một nỗi niềm rưng rưng, trọn vẹn…
Cha tôi lớn lên trong một gia đình trí thức tại Huế (làng Lang Xá, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Ông nội tôi – Ngô Viết Quang, là một giáo sư Trường Kỹ thuật Huế và là một nhà Nho học uyên thâm. Ông nội tôi cũng là người thiết kế kiến trúc và trang trí cho một số công trình của dòng họ tại Huế. Lớn lên trong môi trường đó, cha tôi rất giỏi về Hán Nôm và cũng là một thợ tiện có tay nghề cao.
Suốt cuộc đời, cha có mẹ tôi là người luôn đi bên cạnh và động viên ông trong những lúc khó khăn nhất. Chuyện tình giữa cha và mẹ tôi là một mối tơ duyên tình cờ. Năm cha tôi 18 tuổi, người đầu tiên cha tôi gặp tại Đà Lạt để hỏi đường khi khăn gói từ Huế vào để theo học Trường Kiến trúc Đà Lạt trực thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1944-1949) là mẹ tôi – bà Võ Thị Cơ.
Sau một thời gian, ông ngoại tôi nghe người quen giới thiệu về tư cách cũng như tài học của cha tôi nên mời về giảng dạy thêm ở nhà cho mẹ và các cậu, các dì và con của các người em của ông ngoại.
Ngày đó, cha tôi nổi tiếng là một chàng sinh viên kiến trúc học giỏi và đẹp trai. Lúc đầu cha chỉ mới xem mẹ tôi như em, cho nên dù quen và đi chơi với cô gái nào, cũng về kể lại hết cho mẹ tôi nghe. Nhưng với thời gian, cha tôi nhận ra mẹ tôi là người có phẩm hạnh đáng quý hơn hết, vì vậy mà tình cảm giữa hai người dần dần nảy nở.
Ông ngoại là người yêu quý người tài, nên dù biết cha tôi nghèo, nhưng vẫn đồng ý gả con gái, và giúp cho cha tôi phương tiện đi du học. Mẹ không muốn cha phải áy náy vì nhờ vả gia đình vợ, nên xin nghỉ học để phụ giúp ông bà ngoại buôn bán. Cha tôi cảm ân tình của vợ, không dám ham chơi như các bạn đồng học tại Paris, mà dành hết thời gian vào việc học để sớm có ngày đáp lại tình nghĩa đó.
Cha tôi kể lại, có nhiều buổi dạ vũ tại đại học xá, âm nhạc vang vọng, các bạn sinh viên cử các cô đầm lên gõ cửa phòng để trêu ghẹo người “học gạo” nhưng cha tôi vẫn lặng lẽ ngồi trong phòng miệt mài vẽ các đồ án, bên cạnh tấm hình mẹ tôi bồng chị lớn nhất của tôi.
Mẹ tôi hiểu cha tôi có tài năng về kiến trúc, nhưng tính tình quá thẳng thắn và nghệ sĩ. Khi cha tôi được mời làm Bộ trưởng Xây dựng của chính quyền Sài Gòn lúc đó, vào khoảng 1960, một chức vụ uy quyền và có thu nhập cao vì nắm cả cơ quan quản lý xây dựng toàn miền Nam và cơ quan xổ số kiến thiết, mẹ tôi đồng lòng với cha tôi là nên từ chối. Cha tôi chỉ tiếp tục giữ vai trò chuyên môn lãnh đạo Văn phòng Tư vấn Kiến trúc và Chỉnh trang Lãnh thổ cho Phủ Tổng thống cho đến năm 1975.
Những năm cả nước lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế sau khi giải phóng miền Nam, mẹ tôi là người lo buôn bán nuôi sống cả một gia đình mười hai người, để cha tôi có thể rảnh tay đóng góp cho đất nước. Vì quá yêu thương mẹ tôi, nên dù bà mất lúc ông vẫn còn trẻ (51 tuổi) nhưng ông vẫn không muốn tục huyền.
Tôi tin một điều rằng, nếu không gặp mẹ tôi, là một người dịu dàng, có tấm lòng nhân hậu và luôn đứng sau ủng hộ và lo coi sóc tất cả chuyện gia đình, chuyện chi tiêu tài chánh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để chồng mình phát huy tài năng, thì cha tôi chưa chắc đã đạt được mức độ thành công vượt bậc như thế…
Có một bí mật thú vị về giải thưởng Khôi Nguyên La Mã của cha. Đó là trong lần thiết kế công trình “Ngôi thánh đường trên Địa Trung Hải” để dự thi giải Khôi Nguyên La Mã về kiến trúc khi đã gần đến hạn nộp bài thì ông lại quyết định bỏ hết phương án đã vẽ trong thời gian trước đó, để thay bằng một phương án hoàn toàn mới.
Không ai biết rằng ông đã tự thiết kế một thiết bị nhỏ giúp ông một mình vẽ nhanh một đồ án trên một diện tích giấy rộng trên 10 thước vuông mà chỉ mất chưa đầy 1 tuần. Như thế, việc hiểu biết về cơ khí cũng là một yếu tố quan trọng trong việc cha tôi giành được giải thưởng Khôi Nguyên La Mã. Cha tôi luôn chú trọng đến yếu tố kĩ thuật đơn giản mà hiệu quả.
Năm 1955, ngay sau khi biết tin đoạt giải, cha tôi chạy ra bưu điện gửi hai điện tín về Huế cho ông bà nội, và về Đà Lạt cho mẹ tôi. Việc đem lại niềm hãnh diện cho gia đình là phần thưởng lớn nhất mà cha tôi đã đem lại cho những người xứng đáng, khi mà nhiều tháng sau đó, mẹ tôi và gia đình ông bà nội ngoại vẫn còn nhận được lời chúc mừng và thăm hỏi từ bà con, bạn bè thân hữu, và cả những người không quen trong chính quyền và tại địa phương.
Khi Giáo sư Nguyễn Phúc Bửu Hội đến thăm ông nội và nhắn lời của lãnh đạo chính quyền Sài Gòn lúc đó muốn mời cha tôi về Việt Nam giúp đất nước, ông nội viết một bài thơ và nhờ Giáo sư Hội mang giúp sang cho cha tôi kèm theo hai trái xoài trong vườn nhà. Cha tôi hiểu ý và họa lại bằng bài thơ Cá gáy hóa long, đại ý nói mình không quên nguồn gốc và sẽ về giúp đất nước…
Trong hội thảo nghiên cứu về Dinh Thống nhất tổ chức ngày 9/10/2006 tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã có thuyết trình về các ý nghĩa lịch sử quan trọng của công trình về mặt kiến trúc.
Thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ thể hiện quan niệm kiến trúc Việt Nam hiện đại, không sao chép các chi tiết của kiến trúc cổ điển, nhưng vẫn hài hòa và mang bản sắc văn hóa dân tộc, hoàn toàn đi theo hướng khác với các đóng góp thiết kế dinh của các KTS danh tiếng cùng thời, trong đó đa số hoặc theo xu hướng kiến trúc cổ điển Pháp hoặc mang nặng ảnh hưởng kiến trúc tôn giáo và cung đình.
Ngoài ra, Dinh Thống Nhất đánh dấu sự khởi đầu cho phong cách kiến trúc mang dấu ấn riêng của KTS Ngô Viết Thụ sau này trong các công trình Đại học Nông nghiệp Thủ Đức, Trụ sở Hàng không Việt Nam, Tổ hợp Khách sạn Hương Giang I và II…
Trong các tác phẩm của ông, các yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật luôn mang tính đổi mới và sáng tạo, nhưng điều quan trọng hơn, mỗi tác phẩm đều ẩn tàng một bản sắc độc đáo và triết lý sâu sắc.
Trong công trình Dinh Thống Nhất, ông áp dụng khoa chiết tự vào thiết kế mặt đứng để nhắc nhở những ai chủ trì tại đó phải có tài đức của một nhà lãnh đạo (chữ Vương, và chữ Tam – tượng trưng cho Nhân, Minh, và Võ đức), giữ vững chủ quyền đất nước (chữ Chủ), đảm bảo tự do ngôn luận của người dân (chữ Khẩu), trung với quốc dân (chữ Trung), và làm sao cho đất nước ngày càng hưng thịnh (chữ Hưng)…
Tiếc thay, trước năm 1975, những ai ngồi trong cái gọi là Dinh Độc lập ấy đã tạo dựng cơ nghiệp của mình trên những quị lụy ngoại bang và những hành động có hại cho dân tộc, cho đất nước, cho sự độc lập của Tổ quốc…
Trong công trình Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt, ông thay đổi thiết kế khối hình vuông thô kệch ban đầu của Mỹ bằng cơ cấu mang hình tượng “Lò Bát quái” để nhắc nhở việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình