Kiquy Phạm cắt nghĩa minh họa thời trang
Trong thế giới thời trang, minh họa là một công việc thú vị. Từ Paris, New York đến Milan, những họa sĩ minh họa thời trang (fashion illustrator) xuất hiện trên hàng ghế đầu của các tuần lễ thời trang danh giá. Họ ra vào phòng thử đồ, trò chuyện thân mật cùng nhà thiết kế nổi tiếng. Vài giờ sau khi sàn diễn khép lại cũng chính là lúc những bản vẽ minh hoạ của họ được công khai trên mạng xã hội cho cả thế giới chiêm ngưỡng.
Với một họa sĩ minh họa, đôi mắt lại chính là chiếc máy ảnh. Từ đó, người họa sĩ mang góc nhìn và cảm xúc của mình đặt lên bộ trang phục. Từ đường nét cho đến chi tiết, một bản vẽ minh họa mang cho người nhìn cảm xúc rất khác với những bức ảnh chụp từ sàn catwalk.
Ở Việt Nam, tuy xuất hiện chưa nhiều những tuần lễ thời trang, nhưng đâu đó những họa sĩ minh họa với kỹ năng điêu luyện sẵn sàng theo đuổi công việc này. Say mê thời trang và tâm huyết với nghệ thuật, họ không ngần ngại mang góc nhìn khác cho những trang phục của các nhà thiết kế nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Kiquy Phạm (tên thật là Phạm Thị Kim Quyên) là một họa sĩ minh họa thời trang tự do hiện đang giảng dạy tại Vietnam Fashion Academy. Cô đồng thời cũng là một blogger với những bản vẽ đầy cảm hứng. Với sự tò mò về một nghề nghiệp mới, chúng tôi tìm đến Kiquy để cùng trò chuyện về con đường minh họa thời trang của cô ở Việt Nam.
Với sự tò mò về một nghề nghiệp mới, chúng tôi tìm đến Kiquy để cùng trò chuyện về con đường minh họa thời trang của cô ở Việt Nam.
Bạn bắt đầu làm công việc này như thế nào?
Mình học Thiết kế Thời trang tại Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh rồi ra thiết kế cho một thương hiệu Việt. Mình bắt đầu thể hiện lại những bộ trang phục trên giấy và màu nước với nhiều chi tiết hơn một bản phác thảo đơn thuần trong thiết kế. Khi nhận được sự chú ý trên Instagram, mình mới bắt đầu tìm hiểu đến khái niệm minh họa trong thời trang.
Lúc đấy, mình vẫn nuôi nấng việc vẽ minh họa như một sở thích cá nhân. Mình nhận những lời mời vẽ tự do và tranh thủ tập vẽ sau giờ làm việc hoặc vào những dịp cuối tuần.
Sau một trận ốm “thập tử nhất sinh”, mình nhận ra công việc văn phòng không còn phù hợp, và thứ duy nhất mình muốn theo đuổi chính là nghề minh họa. Thế là mình xin nghỉ việc, và chính thức làm nghề ‘lạ’ này được hơn một năm nay (cười).
Minh họa thời trang có phải là một nghề mới ở Việt Nam?
Thật ra, vẽ minh họa hiện tại chưa phải là một ngành học riêng mà chỉ được gói gọn trong một môn học tại trường. Phần lớn mọi người theo nghề này vì đam mê với thời trang đầu tiên.
Vẽ minh họa hiện tại chưa phải là một ngành học riêng mà chỉ được gói gọn trong một môn học tại trường. Phần lớn mọi người theo nghề này vì đam mê với thời trang đầu tiên.
Vậy họa sĩ minh họa phải tự học tất cả mọi thứ?
Gần như vậy. Ai cũng như nhau khi đứng ở cùng một xuất phát điểm, nhưng nếu bạn chọn một lĩnh vực và đầu tư thời gian, công sức vào nó thì bạn sẽ tự khắc giỏi lên. Bản thân mình học ngành Thiết kế thời trang nên đã có sẵn nền tảng. Mình chuyên vẽ màu nước, lại thích công việc minh họa nên mình tự học bằng cách thực hành vẽ mỗi ngày và xem lại các bản vẽ để tự tìm hướng vẽ đa dạng hơn.
Đâu là nét vẽ đặc trưng của Kiquy?
Mình thường dùng cọ đánh cho xương gò má nổi rõ hơn như cách các nghệ sĩ makeup vẫn làm sau cánh gà. Khi mọi người thấy nét gò má này, họ nhận ra tác phẩm của mình. Ngoài ra mình hay vẽ môi cong lên, mắt hơi xếch, và chân mày mỏng đi một chút để mang dáng vẻ châu Á.
Với mình, nếu chỉ chép lại hình ảnh trang phục của người mẫu từ sàn diễn lên giấy sẽ rất nhàm chán. Do đó, khi vẽ mình thường thay đổi dáng đứng khác nhau để người mẫu trông có sức sống hơn.
Khi mọi người thấy nét gò má này, họ nhận ra tác phẩm của mình.
Ví dụ, khi vẽ một cô người mẫu đang mặc quần, mình sẽ tìm dáng đứng khác thú vị hơn nhưng vẫn đảm bảo cho người xem không bị lầm lẫn với váy và vẫn nhìn ra đặc trưng trang phục của nhà thiết kế.
Ngoài ra, khi nào chán vẽ thời trang thì mình sẽ vẽ đồ ăn. Về sau mình thử kết hợp cả hai với nhau để tạo cảm xúc mới và may mắn nhận được khá nhiều lời khen từ bạn bè cũng như có thêm nhiều người theo dõi trên Instagram hơn.
Vai trò của họa sĩ minh họa thời trang là gì?
Bản vẽ minh họa thời trang được dùng làm tài liệu quảng bá bên cạnh lookbook và ảnh trình diễn. Trong một thương hiệu thời trang, người vẽ minh họa đóng vai trò như một người hoàn thiện gói quảng bá bộ sưu tập.
Khác với những bản phác họa ý tưởng thiết kế ban đầu, bản vẽ minh họa thời trang được làm sau khi một bộ sưu tập được ra mắt. Họ phải đảm bảo miêu tả sát chi tiết và đường nét trang phục cũng như những góc nhìn khác của trang phục đó.
Vậy khó khăn và cơ hội cho công việc của bạn ở Việt Nam là gì?
Ở Việt Nam khó khăn nhất với mình chính là việc tìm khách hàng. Trên thực tế chúng ta đang có rất ít những tuần lễ thời trang lớn để người vẽ minh họa có thể hoạt động hết công suất. Nhưng mình hy vọng trong một tương lai không xa, thời trang Việt Nam sẽ phát triển hơn và các thương hiệu chú ý hơn tới việc minh họa trang phục.
Một ngày làm việc của bạn thường bắt đầu như thế nào?
Là một người làm việc tự do nên đôi khi mình cũng khá lười biếng (cười).
Thông thường mình sẽ dậy lúc 8h sáng, ăn uống và dọn dẹp đến 9h30 rồi bắt đầu làm việc.
Nếu có khách, mình sẽ vừa làm vừa trao đổi với khách hàng qua email. Mình nhận yêu cầu và vẽ phác thảo trước rồi đưa cho khách hàng. Khi khách hàng đồng ý mình mới bắt đầu tô màu, nếu không lại tiếp tục trao đổi thêm.
Cái hay của làm việc tự do là bạn có thể vẽ bất cứ thứ gì bạn muốn miễn bạn có đủ năng lượng và cam kết được với nó.
Hồi trước mình làm việc khá chậm trễ nhưng bây giờ có kế hoạch hơn nhiều rồi. Thông thường mình sẽ tranh thủ làm ngay khi nhận yêu cầu. Nếu khách hàng cần quá gấp thì mình sẽ không nhận vì sợ làm không kịp.
Những lúc không làm việc cho khách hàng thì mình làm cho mình. Mình có nhiều cảm hứng vào buổi chiều tối hơn nhưng làm việc lúc đó lại khá mệt mỏi nên vẫn luôn cố gắng duy trì lịch làm việc từ buổi sáng. Cái hay của làm việc tự do là bạn có thể vẽ bất cứ thứ gì bạn muốn miễn bạn có đủ năng lượng và cam kết được với nó.
Mất bao lâu để bạn hoàn thành một bản vẽ?
Những bản vẽ cho khách hàng thường mất 3-4 ngày để hoàn thành vì mình cần thời gian nhận xét và chỉnh sửa với họ. Nếu vẽ cho mình thì khá thoải mái. Mình có thể vẽ trong một ngày nếu tập trung, không thì kéo qua ngày hôm sau thôi (cười).
Khách hàng của Kiquy là những ai?
Mình từng làm việc với Charles&Keith, Viktor&Rolf, Sebastian Gunawan, v.v. cũng như một vài thương hiệu thời trang ở Việt Nam khác như Bui Ross, MUJOSH. Thông thường họ sẽ yêu cầu mình vẽ không chỉ trang phục mà còn cả họa tiết, hoa văn cho sản phẩm của họ nữa.
Ai cũng như nhau khi đứng ở cùng một xuất phát điểm, nhưng nếu bạn chọn một lĩnh vực và đầu tư thời gian, công sức vào nó thì bạn sẽ tự khắc giỏi lên.
Theo bạn, những kỹ năng cần có của một họa sĩ minh họa thời trang là …
- khả năng phác họa, đặc biệt là con người;
- khả năng thể hiện chi tiết trang phục bằng các chất liệu màu sắc;
- sự am hiểu và niềm yêu thích với thời trang;
- rất nhiều sự kiên trì.
Bạn có muốn làm việc này suốt đời không?
Mình ước gì được làm việc này cả đời (cười).