KIẾN TRÚC SƯ NGÔ VIẾT THỤ, MỘT TRÍ THỨC LỚN | Giêsu Chạnh Lòng Thương
Khôi nguyên La Mã, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sinh năm 1926 trong một gia đình nghèo ở Lang Xá, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cha ông là Ngô Viết Quang, một giáo sư Trường Kỹ thuật Huế và là một nhà Nho học uyên thâm. Ông cũng là người thiết kế kiến trúc và trang trí cho một số công trình của dòng họ tại Huế. Lớn lên trong môi trường đó, Ngô Viết Thụ rất giỏi về Hán Nôm và cũng là một thợ tiện có tay nghề cao.
Hết trung học, ông thi đậu Cao đẳng kiến trúc Đà Lạt ( một campus của Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ) và khăn gói lên đường. Lạ đường lạ xá, ông thấy một thiếu nữ bên đường bèn hỏi thăm. Mà người đó chính là Võ Thị Cơ, mối nhân duyên tiền định sau này thành phu nhân của ông.
Sau này cha của Võ Thị Cơ muốn tìm một sinh viên thật giỏi và có đạo đức, để làm gia sư dạy kèm cho con cô con gái cùng mấy đứa em trong nhà. Và chàng sinh viên mà ông ưng ý lại chính là Ngô Viết Thụ.
Ngày đó, Ngô Viết Thụ nổi tiếng là một chàng sinh viên kiến trúc học giỏi và đẹp trai. Lúc đầu anh chỉ mới xem cô gái Võ Thị Cơ khi ấy như người em, cho nên dù quen và đi chơi với cô gái nào, cũng về kể lại hết cho cô nghe. Nhưng với thời gian, anh nhận ra cô là người có phẩm hạnh đáng quý hơn hết, vì vậy mà tình cảm giữa hai người dần dần nảy nở, phát triển và làm đám cưới vào năm 1948.
Đám cưới với chàng sinh viên nghèo được cha cô Cơ hết sức ủng hộ vì yêu quý người tài. Và vì nhà có điều kiện nên giúp con rể tiền bạc đi qua Pháp du học. Người vợ trẻ vì không muốn chồng áy náy vì phải nhờ vả nhà mình nên đã xin nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ buôn bán.
Kiến trúc sư Thụ cảm ân tình của vợ, không dám ham chơi như các bạn đồng học tại Paris, mà dành hết thời gian vào việc học mong có ngày thành tài. Sau này ông kể có nhiều buổi dạ vũ tại đại học xá, âm nhạc vang vọng, các bạn sinh viên cử các cô đầm lên gõ cửa phòng để trêu ghẹo người nhưng ông vẫn lặng lẽ ngồi trong phòng miệt mài vẽ các đồ án, bên cạnh tấm hình vợ bồng con gái đầu lòng.
Tại Pháp, Ngô Viết Thụ miệt mài học tập ở trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris. Trong quá trình đó, ông xuất sắc đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức. Năm 1955, ông bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư xuất sắc D.P.L.G.
Cũng năm 1955, Học Viện Hội Họa và Điêu Khắc tổ chức “Giải thưởng lớn Rôma” ( Priemier Grand Prix de Rome ) thường được gọi là giải “Khôi nguyên La Mã”. Đây là giải thường có truyền thống lâu đời từ năm 1663 ở Pháp dưới thời vua Louis XIV, dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Vì là giải thưởng rất danh giá và lâu đời nên cuộc thi quy tụ được hàng trăm thí sinh xuất sắc nhất châu Âu.
Ngô Viết Thụ được ưu tiên mời tham gia cuộc thi này. Vì trước đó ông đã đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn Lâm tổ chức nên không cần tham gia vòng ngoài mà trực tiếp vào thi 3 vòng sau cùng. Ngô Viết Thụ đã xuất sắc vượt qua 2 vòng liền để lọt vào vòng chung kết với 10 thí sinh còn lại.
Để chuẩn bị cho bài thi của mình, Ngô Viết Thụ đã miệt mài vẽ kiến trúc công trình Ngôi Thánh Đường trên Địa Trung Hải. Đến lúc chỉ còn 1 tuần nữa là hết hạn thì ông mới nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm khi chọn phương án thiết kế theo phong cách cổ điển. Ông quyết định bỏ hết phương án đã vẽ trong thời gian trước đó, để thay bằng một phương án hoàn toàn mới.
Ông đã tự thiết kế một thiết bị nhỏ giúp ông một mình vẽ nhanh một đồ án trên một diện tích giấy rộng trên 10 thước vuông mà chỉ mất chưa đầy 1 tuần. Đồ án tuyệt vời này đã giúp ông thành người Việt Nam đoạt giải “khôi nguyên La Mã” với số phiếu 28/29. Cánh nhà báo lúc đó còn điều tra và giải thích rằng 1 phiếu nghịch mà Ngô Viết Thụ nhận được là do trong số 29 vị giám khảo có 1 vị có học trò cùng tranh tài, nên ông ta chỉ bỏ phiếu thuận duy nhất cho học trò của mình.
Khi kết quả được công bố, bạn bè của Ngô Viết Thụ, chủ yếu là người Pháp, đã sung sướng công kênh ông lên vai trên những con phố ở Paris trong niềm vui sướng vô hạn.Cho đến tận hôm nay, Ngô Viết Thụ là người châu Á duy nhất đoạt được giải thưởng “Khôi nguyên La Mã” này.
Năm 1955, ngay sau khi biết tin đoạt giải, Ngô Viết Thụ chạy ra bưu điện gửi hai điện tín về Huế cho cha mẹ và về Đà Lạt cho vợ con. Gia đình ông rất hãnh diện và nhận được nhiều lời khen tặng và chúc mừng của người thân, bạn bè và chính quyền thời đó.
Lúc này danh tiếng của Ngô Viết Thụ đã bay xa. Rất nhiều công ty ở Pháp, Ý và châu Âu mời ông về làm việc với mức thu nhập rất cao. Ông cũng hoàn toàn có thể cùng vợ và gia đình đến định cư ở châu Âu. Nhưng khi Giáo sư Nguyễn Phúc Bửu Hội đến thăm cha của ông ở Huế và nhắn lời của lãnh đạo chính quyền Sàigòn lúc đó muốn mời ông về Việt Nam giúp đất nước, cha của ông viết một bài thơ và nhờ Giáo sư Hội mang giúp sang cho con trai kèm theo hai trái xoài trong vườn nhà. Nhận thơ cha, Ngô Viết Thụ hiểu ý và họa lại bằng bài thơ Cá gáy hóa long, đại ý nói mình không quên nguồn gốc và sẽ về giúp đất nước…
Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã mời ông về nhận chức Bộ Trưởng bộ Xây Dựng vào năm 1960, khi ông mới 24 tuổi. Bộ này vào thời ấy nắm luôn cả Xổ số Kiến thiết vốn đang hái ra tiền.Vốn không quen với việc làm quan, Ngô Viết Thụ rất băn khoăn và chia sẻ điều này với vợ. Vợ khuyên ông không nên nhận vì ông vốn là người giỏi nghệ thuật sáng tạo chứ không phải là chính khách.
Ông liền từ chối vị trí này, nhưng trước thịnh tình của Tổng thống, ông nhận làm cố vấn và sẽ mở “Văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ” cho phủ tổng thống. Từ đó Việt Nam Cộng Hòa không có Bộ Xây Dựng, việc quy hoạch do ông Ngô Viết Thụ cùng văn phòng của ông nghiên cứu phát triển, rồi Tổng Nha Kiến Thiết nghiên cứu thực hiện.
“Văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ” của Ngô Viết Thụ được mở tại 104 Nguyễn Du và số 8 Nguyễn Huệ, Sàigòn. Ông đã thiết kế nhiều công trình lớn như: Dinh Độc Lập ( 1961-1966 ), Viện Đại học Huế ( 1961-1963 ), Viện Nguyên Tử Đà Lạt nay thuộc Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam ( 1962-1965 ), Làng Đại Học Thủ Đức ( 1962 ), Công trường Mê Linh ( 1961 ), Chợ Đà Lạt, Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam ở Huế… cùng một số công trình lớn không nhưng không thể xây dựng do thời cuộc. Ngoài ra ông còn thiết kế hàng chục công trình cho các tỉnh thành khác.
Ngô Viết Thụ cũng là người châu Á đầu tiên trở thành Viện sĩ Danh dự của Viện Kiến Trúc Hoa Kỳ ( H.F.A.I.A. ) cùng thời với một số kiến trúc sư danh tiếng như J.H. Van den Broek, Arne Jacobsen, Steen Eiler Rasmussen, Hector Mestre, Amancio Williams, Hernan Larrain-Errazuriz, Emilio Duhart H., Jerzy Hryniewiecki và John B. Parkin.
Sau tháng 4 năm 1975, Ngô Viết Thụ phải đi học tập cải tạo 1 năm. Cuộc sống đột nhiên lâm cảnh khốn khó, bà Lâm Thị Cơ phải tần tảo một mình vất vả nuôi con. Đến lúc Ngô Viết Thụ hết hạn cải tạo về nhà thì vợ ông đã rất yếu vì vất vả, bà ra đi năm 1977 trong sự thương tiếc vô hạn của ông cùng gia đình. Năm đó ông Thụ mới 51 tuổi. Bạn bè có giới thiệu cho ông nhiều người khác nhưng ông vẫn quyết ở vậy.
Trong những năm tháng này, ông thiết kế Ty Thủy Lợi Đắk Lắk ( 1976 ), Bệnh viện Sông Bé 500 giường ( 1985 ), Khách sạn Century Huế ( 1990 ), phác thảo chùa Trúc Lâm Đà Lạt ( sau này do một nhóm KTS. Lâm Đồng tiếp tục thực hiện phần khai triển chi tiết và thi công ). Trên quy mô rộng hơn, ông cộng tác trong Quy Hoạch Tổng Mặt Bằng của Hà Nội ( đến năm 2000 ), và Quy Hoạch Hải Phòng. Ông là thành viên ban giám khảo quốc tế trong cuộc thi thiết kế quy hoạch Nam Sàigòn ( 1993 ).
Ngô Viết Thụ không chỉ là một kiến trúc sư, ông còn là một nghệ sĩ đa tài. Ông từng có các bức tranh nổi tiếng như Thần tốc, Hội chợ, Bến Thuyền, và bộ tranh Sơn hà cẩm tú. Bộ tranh này và được treo trong Dinh Độc Lập, gồm có 7 bức, mỗi bức dài 2m và rộng 1m. Ông tổ chức nhiều triển lãm cá nhân về quy hoạch, kiến trúc, điêu khắc, và hội họa, trong đó có triển lãm tại Tòa Đô Chính ( 1960 ), tại Nhà Triển Lãm Công viên Tao Đàn ( 1963 ) và tại Viện Kiến Trúc Philippines ở Manila ( 1963 ), triển lãm lưu động tại Viện Smithsonian và một số thành phố khác tại châu Âu ( hàn lâm viện Pháp tại Rome và Paris 1956, 1957, 1958 ) và tại Mỹ ( 1963 ).
Ông cũng là một nghệ sĩ điêu khắc ( tác phẩm điêu khắc kim loại đặt trước Toà Đô Chánh Sàigòn, nay không còn ), và sành sỏi các loại nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn kìm và sáo, và là một nhà thơ có tài, để lại hàng trăm bài thơ và bài viết.
Ông qua đời ngày 9 tháng 3 năm 2000 tại nhà riêng số 22 Trương Định, Quận 3, Sàigòn, do tai biến mạch máu não. Ban tổ chức đám tang KTS Ngô Viết Thụ đã cho dừng linh cữu xe tang trước cổng Dinh Độc Lập để vong hồn ông được nhìn lại lần cuối tác phẩm ông đắc ý nhất trong số các tác phẩm kiến trúc mà ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời.
Ông bà có tám người con nhưng chỉ có một người con theo nghề kiến trúc sư là KTS Ngô Viết Nam Sơn. Anh tốt nghiệp Tiến sĩ Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington ( Mỹ ) và bằng Thạc sĩ Quy Hoạch và Kiến Trúc ở Đại Học California tại Berkeley ( UC Berkeley, Mỹ ). Anh từng thành công với nhiều dự án lớn ở Mỹ như Đại Học Washington tại Seattle. Đại Học California tại San Francisco; dự án quy hoạch khu nhà ở thương mại cao cấp Lachine ở Montreal ( Canada ); quy hoạch xây dựng Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố ( Thượng Hải, Trung Quốc ); quy hoạch đô thị mới Filinvest ( Philippines ); Almaden Plaza, San Jose ( Mỹ )… ; thành viên nhóm thiết kế khu đô thị Nam Sàigòn, quy hoạch khu đô thị Hà Nội Mới, quy hoạch lại Đà Nẵng, Phú Quốc…
KTS Ngô Viết Thụ thật là một trí thức lớn, tinh hoa của dân tộc. Người vô cùng tài ba, đức độ, sống trọn tình, vẹn nghĩa với gia đình, đất nước và được công nhận trên trường quốc tế. Chuyện về ông là câu chuyện về một con người tài năng, yêu nước, một gia đình tử tế trung hậu, chuộng nghĩa tình và không coi trọng bạc tiền.
Những người như ông, tiếc thay giờ đây hiếm hoi vô cùng.
NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU