Không chỉ có một Giang Văn Minh
Tìm hiểu sự kiện sang sứ nhà Minh của sứ thần Giang Văn Minh, tôi gõ sử liệu ở Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia, thấy ghi: “Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 đời Hậu Lê (1637), Phúc Lộc Hầu Giang Văn Minh và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm Chánh sứ cùng với 4 phó sứ Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu, 2 sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh”.
Vì sao lại 2 sứ bộ đi cùng trong một năm? Đó là theo tiền lệ từ đầu thời Lê trung hưng, việc tuế cống nhà Minh vốn giữ lệ 3 năm một lần, nhưng để giảm đi lại, sau quy định 6 năm một lần, nhưng phải tính là hai lễ (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí). Từ năm Hoằng Định thứ 14 (1613) đến năm Đức Long thứ 2 (1630) đã có 4 cặp đôi sứ thần như vậy!
Gian nan đi sứ – Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn
Hiện tình lúc đó, nhà Mạc thua chạy lên Cao Bằng, cầm cự với triều Hậu Lê. Nhà Minh áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt, mục đích muốn kéo dài cuộc phân tranh Lê – Mạc để nước ta suy yếu, nên vua Minh Sùng Trinh lấy lý do: “Vì lệ cũ không có quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó khi chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ”, (trì hoãn việc phong vương cho nhà Hậu Lê, duy trì bang giao tuế cống của nhà Mạc).
Đi sứ những năm ấy là thập phần nguy hiểm: Quân nhà Mạc phục kích giết sứ thần, vừa đoạt được cống vật quý hiếm, vừa phá việc cầu phong của vua Lê. Có đoàn sứ thần hàng trăm người, phải đi đường biển từ vùng Chiêm Thành, đi ghé thuyền buôn người Quảng Đông, lênh đênh trên biển, gian nan đường bộ, ăn chực nằm chờ đến hơn hai năm mới đến được Yên Kinh (Bắc Kinh) được yết kiến vua nhà Minh.
Việc thảm sát sứ thần Giang Văn Minh xảy ra vào ngày 2 tháng 6 Kỷ Mão (1639). Giai thoại về Thám hoa Giang Văn Minh có lẽ không người Việt nào không biết: Giữa triều đình nhà Minh, khi vua Sùng Trinh muốn làm nhục sứ thần ta bằng cách ra vế đối: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng trụ đến nay rêu đã xanh, nhắc đến cột đồng Mã Viện chôn sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng, với lời nguyền: Cột đồng này gãy thì dân Giao Chỉ sẽ bị diệt vong).
Chánh sứ Giang Văn Minh trước mặt sứ thần các nước và triều đình nhà Minh đã hiên ngang đối lại: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng tự xưa còn đỏ máu, nhắc nhà Minh: quân phương Bắc từng thảm bại trên sông Bạch Đằng). Có thể nói, chỉ 7 chữ xuất thần này đã hội tụ được cả tinh anh, linh khí non sông! Vua Sùng Trinh bị hạ nhục đã bất chấp mọi quy định bang giao, sai gắn trám đường vào miệng, vào mắt cụ, mổ bụng xem sứ thần Việt Nam to gan đến thế nào, cho ướp xác bằng thủy ngân để sứ bộ mang về.
Wikipedia ghi khá rõ danh tính, tước vị chánh sứ thứ hai Nguyễn Duy Hiểu và 4 phó sứ của hai sứ đoàn Việt, chỉ chưa ghi được chi tiết về hành trạng, số phận của vị chánh sứ này!
Người cha, bậc cha mẹ của dân
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2011, tôi được dự lễ trao Giải thưởng Nguyễn Duy Thì ở ngay trường trung học phổ thông mang tên cụ (thuộc xã Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, chỉ cách ngôi đền chính của vị danh thần đời Lê trung hưng này khoảng 15 km thuộc xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng, Vĩnh Phúc). Giải thưởng do hậu duệ của cụ Nguyễn là các ông Nguyễn Duy Mùi, Nguyễn An Kiều đại diện dòng họ lập ra để tưởng nhớ cụ và hàng năm khích lệ các em học sinh học giỏi của trường (mà bản thân sự đỗ đạt vinh thăng của cha con cụ đã là tấm gương sáng. Cụ Nguyễn Duy Thì chính là thân phụ của vị sứ thần Nguyễn Duy Hiểu nói trên: cả hai cha con đều thi đỗ Tiến sĩ vào năm 27 tuổi).
Minh họa: Lê Phương
Tìm hiểu thêm trong cuốn Các vị tư nghiệp và tế tửu Quốc Tử Giám, tôi được biết thêm: “…Ngót 30 năm phục vụ triều đình, người thời bấy giờ trông cậy, tôn kính cụ. Cụ thọ 81 tuổi. Nguyễn Duy Thì là một tể tướng danh tiếng thời Lê – Trịnh, được danh sĩ Phạm Đình Hổ viểt trong Tang thương ngẫu lục: “Ông luôn giữ mình ngay thẳng và khéo thay đổi được ý vua chúa”. Thí dụ một buổi, ông đang về nghỉ ở quê Yên Lãng, nghe tin chúa Thanh vương Trịnh Tráng ngự thuyền rồng đi kinh lý Sơn Tây, tiện đường muốn rẽ vào làng Mông Phụ thăm nhà một bà phi đang được chúa yêu dấu. Đoàn tùy tùng của chúa tiền hô hậu ủng cờ xí rợp trời, thanh thế uy nghi, lại ngẫu hứng rẽ vào thăm nhà một phi tần. ông nghe tin, không khỏi bất bình, khi chúa qua hạt Yên Lãng, đã ra phục lạy ở bến sông, tâu: “Nay bốn phương không giặc giã, sao lại vì một người đàn bà mà làm nhọc đến sáu quân, như vậy quốc thể còn ra sao nữa?”. Chúa nghe, biết ông nói phải, đang ngần ngừ chưa ra lệnh hồi loan thì ông đã truyền cho quân sĩ không được bơi thuyền tiến lên nữa, trái lệnh sẽ trị tội theo quân pháp.
Đó là một hành động thật dũng cảm, cùng lúc làm phật ý chúa và gây thù oán với bà phi đang được chúa yêu vì. Tể tướng Nguyễn Duy Thì còn nổi tiếng vì luôn có hành động can gián vua chúa, bênh vực bách tính như vụ cứu được dân các làng Thạch Đà, Đình Xá khỏi bị quân đội triều đình bức hại. Tể tướng Nguyễn Duy Thì đã nhắc lại tư tưởng vì dân của Nguyễn Trãi 200 năm trước trong bản khải trình nổi tiếng (năm 1612), đệ lên Bình An Vương Trịnh Tùng, được các sử gia ghi chép trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước cốt ở yên dân. Trời với dân đều một lẽ, lòng dân vui thì thuận ý trời, nên người giỏi trị nước phải yêu dân như yêu con”. Điều này như đã thành chân lý muôn đời với bất kể chính thể nào muốn tồn tại lâu dài!
Người con sớm đại đăng khoa, sớm đền nợ nước
Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được ghi khá chi tiết trong cuốn Các vị tư nghiệp và Tế tửu Văn Miếu Quốc Tử Giám: “Nguyễn Duy Hiểu (1602-1639) là con trưởng cụ Nguyễn Duy Thì, cùng đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi, khoa thi năm Mậu Thìn (1628) cùng khoa với Thám hoa Giang Văn Minh (56 tuổi). Cả hai đều có tên trên bia đá Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội (bia số 32)… Năm 1637, được cử làm Chánh sứ một đoàn đi tuế cống nhà Minh, cùng đi với sứ đoàn do cụ Giang Văn Minh làm Chánh sứ, cả hai Chánh sứ đều đã hy sinh (1639), và có ghi trong sách Đăng khoa lục”.
Linh cữu Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (mất năm 37 tuổi) do chính cha ông, quận công Nguyễn Duy Thì (67 tuổi), được lệnh nhà vua dẫn một đoàn lên cửa quan đón thi hài cả hai Chánh sứ về. Hiện đền thờ cụ Nguyễn Duy Thì còn lưu giữ bảy đạo sắc phong đời vua Lê Thần Tông. Đặc biệt có đạo rất quý hiếm, đó là tấm sắc phong vua Lê ghi nhận công lao đi sứ của Hoàng Giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, có đóng Quốc ấn “Hoàng đế chí bảo” cho thấy vua Lê Thần Tông và triều đình thời chúa Trịnh Tráng đánh giá rất cao công lao đi sứ lần ấy. Các sắc phong khác phần nhiều chỉ khen ngợi chung như trung cần, mẫn cán, phụ bật triều chính. Sắc phong này ghi rõ: “…vâng mệnh đi sứ sang Bắc quốc nộp lễ cống, hoàn thành việc nước, có công… Sắc Nguyễn Duy Hiểu… đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, do vâng mệnh đi Bắc sứ tuế cống, bị bức hại nên đã chết thảm thương, có công lao vì nước mà yên nghỉ khi đang tại chức, nên gia tặng chức Thị lang Bộ Hình, tước Hầu…”. (Các vị tư nghiệp và Tế tửu Quốc Tử Giám – Hà Nội). Nội dung khen tặng và hình thức dấu Quốc ấn có thể sánh ngang với lời vua Lê Thần Tông khen ngợi Chánh sứ Giang Văn Minh: “Đi sứ không làm nhục mệnh vua, thực là anh hùng thiên cổ!” .
Về Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu, tuy sử liệu và gia phả họ Nguyễn Duy không ghi chi tiết về nguyên do cái chết, nhưng ta thừa biết với cùng một ông vua cậy nước lớn, luôn hạ nhục sứ thần, cùng một thời điểm xảy ra vụ bị Giang Văn Minh làm nhục, cách ứng xử của vua Minh với Chánh sứ Nguyễn sao có thể khác! Cũng không thể khác khi sứ giả Nguyễn Duy Hiểu hẳn cũng vì biết giữ quốc thể không kém người đồng cấp, đồng nhiệm Giang Văn Minh khi bị vua Minh xúc phạm! Vì vậy, ông mới bị bức hại và nhận cái chết thảm thương như lời văn trong đạo sắc phong của vua Lê Thần Tông trích dẫn ở trên!
Chánh sứ Giang Văn Minh sở dĩ được truyền tụng là nhờ giai thoại với vế đối nổi tiếng kể trên, tức đã có văn để tải sử, dễ nhớ dễ thuộc. Nhưng tôi thiết nghĩ không thể vì thiếu giai thoại để lại mà cái chết vì bảo vệ danh diện quốc gia của Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu kém phần khí tiết!
Đó là sơ lược hành trạng của hai cha con vị danh thần phụ tử đồng triều thời Hậu Lê: Nguyễn Duy Thì và Nguyễn Duy Hiểu.
Khi được đọc thêm Ngô Đức Thọ blog, nhà nghiên cứu Hán – Nôm Ngô Đức Thọ còn cho biết nhiều chi tiết đáng quý khác của dòng họ Nguyễn Duy qua công trình nghiên cứu Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu (1602-1639), nhà ngoại giao có công với nước: Cụ tổ 4 đời về trước của Nguyễn Duy Hiểu là Hoàng giáp Nguyễn Duy Tường, đỗ đại khoa thời Lê Thánh Tông (1508), cũng từng đi xứ sang nhà Minh. Khi Mạc Đăng Dung đoạt ngôi nhà Lê, ông cùng một số nhà khoa bảng dấy binh chống lại. Thế cô, lực yếu, hương binh của ông bị quân Mạc Đăng Dung đánh bại, ông tử trận. Vậy là khi quốc biến, văn thần trở thành võ tướng!
Ngược dòng phả hệ, cụ tổ 5 đời về trước của Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu, là một vị khoa bảng tài năng: cụ Nguyễn Bảo Khuê, mà tài thơ đã được vua Lê Thánh Tông vời tham gia Tao Đàn nhị thập bát tú, ngày đêm bàn chuyện văn chương với ông vua thi sĩ.
Đến thời hiện đại, một điều đáng quý nữa là con cháu dòng họ này vẫn tiếp nối những đóng góp vẻ vang như họa sư Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ, người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1925; kỹ sư Nguyễn An Kiều, một doanh nhân đại diện cho chi nhánh Điện lực Alstom (Pháp) là người nối dõi, vừa thành lập Giải thưởng hằng năm Nguyễn Duy Thì cho trường phổ thông trung học mang tên cụ.
Tôi có cùng ý nghĩ với nhà nghiên cứu Hán – Nôm Ngô Đức Thọ: “Chúng ta cần có sự đánh giá công bằng với vị sứ thần Nguyễn Duy Hiểu mà khí tiết chẳng hề kém sứ thần Giang Văn Minh. Chỉ có điều đáng tiếc: hình như kho sách cổ của chúng ta không còn lưu giữ được tập văn thơ nào của cả hai vị sứ thần “bất nhục quân mệnh” này!”