Khái niệm về cây cảnh, bonsai – triết lý, tinh thần và phân loại cây cảnh, dáng thế

1. Khái quát chung về cây cảnh, cây cảnh nghệ thuật

1.1. Cây cảnh, cây dáng thế, cây bonsai

– Cây cảnh là gì?: Cây cảnh là những cây trồng để trang trí, thưởng thức vẻ đẹp của hoa, lá, dáng…

– Cây dáng thế là gì?: Cây dáng thế là cây cảnh nghệ thuật với sự tác động của con người tạo thành tác phẩm thể hiện ý nghĩa văn hoá phù hợp với thời đại.

– Cây Bonsai là gì?: Bonsai là cây được trồng trong chậu, khay, được cắt tỉa tạo dáng theo một phương pháp đặc biệt, mang đầy đủ những yếu tố thẩm mỹ và ấn tượng thiên nhiên sẵn có, hay nói một cách khác, Bonsai là một cây hay một nhóm cây trong thiên nhiên được thu nhỏ lại trong gang tấc nhưng vẫn mang nét cổ thụ, được trồng trong chậu, khay hay trên đá bằng một kỹ thuật, và nghệ thuật riêng biệt.

Bonsai Nhật Bản tuyệt đẹp

– Ý nghĩa cây Bonsai: Vì thế người ta nói Bonsai là một nghệ thuật, là một tác phẩm sống, hay là một tác phẩm điêu khắc sống. Cái đẹp ở Bonsai là đơn giản, vừa đủ, hóa cách, mà quan trọng nhất là gợi ý, gợi ý về một điều gì đó hơn là khẳng định.

– Khái niệm, quan niệm về cây Bonsai: Cũng có quan niệm cho rằng Bonsai là một hình thái nghệ thuật đơn nhất vì nó là sự hòa hợp giữa nghệ thuật và nghề làm vườn. Cũng có người cho Bonsai là nghệ thuật của cái đẹp, có người thì nói Bonsai là một hình thức đặc trưng của nghề làm vườn.

Tóm lại tùy theo quan niệm, trong khi người này xem Bonsai như là một trong những lẽ sống đầy ý nghĩa thiêng liêng cao cả của tư tưởng, triết học, tôn giáo, thì người khác lại xem đó chỉ là một thú vui lúc nhàn rỗi.

  • Giải nghĩa của từ Bonsai:

Bonsai là từ của tiếng Nhật: 盆栽; nghĩa Hán – Việt: là “bồn tài”, nghĩa là “cây con trồng trong chậu” là loại cây cảnh nhỏ có dáng cổ thụ trồng trong chậu cảnh, hoặc có thể hiểu:

+ Bon: cái khay, cái chậu.

+ Sai: cây, trồng cây.

Bonsai (盆栽) có nghĩa là cây con trồng trong chậu

Bonsai (盆栽) có nghĩa là cây con trồng trong chậu

1.2. Triết lý – tinh thần của cây cảnh, cây dáng thế

Cây cảnh, hoa cảnh không chỉ thuần tuý là bức tranh phác thảo thiên nhiên, mà là sự kết hợp tài tình giữa thiên nhiên và nghệ thuật. Tính triết lý của cây cảnh nghệ thuật có thể là:

– Hoà hợp với thiên nhiên, thiên nhiên là bà mẹ nuôi dưỡng chúng ta chứ thiên nhiên không phải là kho vô tận của con người.

Cây cảnh (bonsai) giúp con người hoà hợp với thiên nhiên

Cây cảnh (bonsai) giúp con người hoà hợp với thiên nhiên

– Con người là một phần trong thiên nhiên, sống hài hoà với thiên nhiên chứ con người không phải là trung tâm của vũ trụ.

– Khi làm và chơi cây dáng thế nghĩa là rèn luyện đức tính khiêm nhường, giản dị, kiên nhẫn tin tưởng vào cuộc sống vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống hiện tại.

Cây dáng thế, Bonsai là kết quả của một quá trình lao động chuyên môn và nghệ thuật vất vả từ cắt tỉa, uốn nắn, chăm sóc với các nguyên tắc tạo hình, thẩm mỹ phù hợp để tạo nên một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao.

Cây dáng thế Bonsai với nghệ thuật thể hiện ở mức đơn giản vừa đủ song rất tinh tế, gợi ý về một điều gì đó hơn là khẳng định.

Việc tạo cho cây nhỏ, lùn lại không phải là bỏ đói hành hạ cây, mà chúng ta có biện pháp kỹ thuật tạo cho cây dáng vẻ cổ thụ với sức sống khoẻ mạnh thể hiện sự từng trải phong sương của cây.

Bonsai là kỹ thuật tạo cho cây dáng vẻ cổ thụ với sức sống khoẻ mạnh

Bonsai là kỹ thuật tạo cho cây dáng vẻ cổ thụ với sức sống khoẻ mạnh

Thiên nhiên liên tục vận động biến đổi và tiến hoá hoàn thiện, nghệ thuật cây cảnh Bonsai luôn hướng tới sự sáng tạo hoàn thiện. Sự sâu xa nhất của nghệ thuật cây cảnh “Con người chỉ có thể góp phần hoàn thiện thiên nhiên chứ không thể tạo ra thiên nhiên”.

2. Phân loại cây cảnh, bon sai

Hiện nay ở Thế giới và Việt Nam có nhiều cách phân loại cây dáng thế.

Tuỳ theo từng mục đích có cách phân loại khác nhau:

2.1. Phân loại cây cảnh dựa vào tình trạng của cây

– Cây nguyên liệu: Hay còn gọi là cây phôi là cây chưa được uốn tỉa

– Cây sơ chế: Mới uốn tỉa sơ bộ

– Cây thành phẩm: Là cây đã định hình có thể trưng bày

2.2. Phân loại bonsai Dựa vào trọng lượng hay kích cỡ

– Bonsai 1 tay: Loại bonsai mini

– Bonsai 2 tay: Dễ di chuyển, cao 15 – 70cm thịnh hành nhất

– Bonsai 4 tay: Hai người khiêng, còn gọi là bonsai sân vườn, cao 70 – 180 cm. Ở Việt Nam rất thịnh hành loại Bonsai này.

2.3. Phân loại cây cảnh, bon sai dựa vào dáng thế của cây

Để phân loại dáng thế, trước hết chúng ta cùng nhau phân biệt và làm rõ dáng, thế là gì ?

Dáng thế cây cảnh là gì?

Các kiểu dáng, thế cây cảnh

– Dáng cây: là phương của cây (chiều dọc của thân cây) so với mặt phẳng nằm ngang hay so với mặt chậu.

VD: Dáng thẳng, dáng nghiêng…

– Thế/kiểu: Thế cây là nghệ thuật biểu đạt sự ẩn dụ ý nghĩa, tinh thần, tư tưởng truyền thống văn hoá và được thể hiện qua một tên nào đó hay thế mà tác giả muốn gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào tác phẩm.

VD: Thế nhân văn, thế ngũ phúc…

Mời các bạn đón đọc tiếp bài viết: Các dáng thế cơ bản của cây cảnh nghệ thuật, bonsai

Nguồn: Giáo trình nghề tạo dáng và chăm sóc cây cảnh – Bộ NN&PT NT

Rate this post