Kai Đinh: “Sự quyết đoán từng khiến tôi tranh cãi đến suýt đòi lại bản hit của Min”
Kai Đinh: “Âm nhạc làm gì có con trai hay con gái? Cứ gọi tôi là Kai”
“Kai Đinh là con trai hay con gái?” có lẽ là một trong những chủ đề được quan tâm nhất khi nhắc đến tác giả trẻ này. Mọi người sẽ càng thêm thắc mắc với những bài hát mà lúc thì Kai ở ngôi xưng “anh” (Phải Có Em, Đừng Xa Anh) lúc lại xưng “em” (Điều Buồn Nhất) và với chất giọng unisex đặc trưng, điều này càng làm người nghe thêm tò mò. Tôi mở đầu bằng câu hỏi: “Việc bị tò mò quá nhiều về giới tính có khiến Kai cảm thấy khó chịu hay không?”. Kai không quá ngạc nhiên:
“Thật ra là tùy lúc. Khi vui thì sao cũng được, ai nói gì cũng được. Lúc tâm trạng bực bội thì tôi sẽ khó chịu. Thực ra gần đây thì tôi đã biến chuyện đó thành một trong những thú vui của mình. Tức là thỉnh thoảng tôi hay phản hồi lại các câu hỏi bằng cách: “Ôi mọi người làm mình tự hoang mang với chính mình luôn rốt cuộc cũng không biết mình là ai”. Tôi nghĩ câu chuyện để mọi người cãi nhau tôi là gì cũng là điều thú vị.
Sau cùng thì đối với một người nghệ sĩ, chuyện anh ta là ai và thích ai hoàn toàn không quan trọng bằng chất lượng sản phẩm anh ta làm ra, cũng như những giá trị sống mà anh ta theo đuổi. Cây táo sẽ luôn là cây táo, cho dù có bao nhiêu người gọi nó là cây đào. Giá trị của mỗi chúng ta cũng vậy, người ta có thể nghĩ và nói rất nhiều thứ về bạn, nhưng chỉ cần bạn hiểu rõ chính mình, bạn sẽ luôn thấy yên bình và tĩnh lặng. Mọi người có thể nghĩ Kai là gái cũng được, trai cũng được, chỉ cần giá trị quan trọng nhất mà Kai theo đuổi là âm nhạc, có thể đồng cảm được với người nghe, vậy là thành công rồi. Mà âm nhạc làm gì có con trai hay con gái? Cứ gọi tôi là Kai thôi”.
“Sáng tác với tôi như một sở thích cá nhân”
Kai Đinh mở đầu câu chuyện về chuyến hành trình âm nhạc của mình bằng câu nói này. Chưa đầy 20 tuổi, Kai tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại một trường Đại học ở Anh Quốc. Ngày về nước, Kai tìm cho mình một công việc an toàn, ổn định như bao người trẻ khác, cho một tập đoàn lớn. “Tôi làm trong đó 3 năm. May quá, đó chỉ là 3 năm chứ không phải 5 năm, 10 năm”, Kai Đinh cười lớn.
– Điều gì khiến Kai bỏ hẳn công việc văn phòng với mức lương tạm vững vàng, mà rẽ sang một hướng khác đầy mạo hiểm, chẳng biết chắc gì trong tay? – Tôi hỏi.
– Tôi nghĩ là ai cũng có một giới hạn chịu đựng nào đó. Ngày mà tôi quyết định sẽ dừng hẳn công việc văn phòng, đó là lúc tôi cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa. Ba năm đó giống như để mình thực sự nhận ra bản thân đang bị mắc kẹt như thế nào. Sau khi kết thúc quãng thời gian đó, nhìn lại, tôi luôn nhủ với bản thân mình rằng: Nếu không làm âm nhạc thì mình không có làm được cái gì hết, bởi mình chỉ đam mê có một cái đó thôi.
Trong thế giới hiện tại, có quá nhiều thứ, quá nhiều lựa chọn khiến chúng ta bị lẫn lộn giữa mình thích và đam mê. Nhưng thực ra nếu chỉ suy nghĩ là tận hưởng nó khi vui chứ không chấp nhận được khó khăn của nó, tức chỉ là mình thích thôi. Nếu như vậy thì không nên bỏ những cái an toàn mà chạy theo. Còn nếu, bạn nhìn ra được điều mà bản thân không thể nào sống thiếu nó, thì hãy theo đuổi nó đến cùng, như tôi. Có những người không nhất thiết cần một đam mê đủ mãnh liệt để sống. Nhưng nếu đã có rồi, mà mình bỏ nó thì đó sẽ là một điều ám ảnh suốt cuộc đời…
Kai Đinh định nghĩa cuộc đời mình là một người viết, nghĩa là có cả nhạc, cả văn. Ngày xưa trước khi có nhiều kỹ năng để tập trung hoàn toàn vào âm nhạc, Kai dồn sức để viết sách. Hiện gần như đã hoàn tất bản thảo cho hai quyển sách đầu tay của mình. Đó là những năm từ 2011 đến 2013.
Sau giai đoạn đó, Kai Đinh phát hành mini album “Tinh cầu cô đơn”. Đó là cột mốc Kai bắt đầu viết nhạc trở lại và hầu như không còn viết gì ngoài âm nhạc nữa. “Tinh cầu cô đơn” cũng chính là bức tranh tập hợp tất cả những khoảng không mắc kẹt và bí bách trong cuộc sống mà Kai Đinh gặp phải ở những ngày tháng đầu về nước – làm công việc văn phòng, đi đi về về và chẳng có cảm hứng gì về niềm đam mê. Ca khúc đó được viết vào lúc mà Kai cảm thấy hoang mang vô định về bản thân nhất.
“Nó gần như là một cột mốc cá nhân đối với tôi. Nhưng khi biết được âm nhạc của mình từng có lúc đến với cảm xúc của rất nhiều người một cách lặng lẽ và ở lại trong họ nhẹ nhàng như vậy, tôi thật sự hạnh phúc, một niềm hạnh phúc thầm lặng”.
Cuộc tranh cãi quyết liệt đến mức suýt đòi lại “Gọi Tên Em” từ Min
“Từ trước đến giờ nghệ sĩ hợp tác ăn ý nhất với tôi thì chính là chị Min”. Kai nhớ lại giai đoạn khi Min đến nhờ mình viết bài hát mới thì nó vào khoảng mùa hè năm 2016. Đó là vào thời điểm nữ ca sĩ quyết định “tự thân vận động” trên con đường âm nhạc của mình. Trước đó, họ cũng từng biết nhau nhưng không có duyên với nhau trong âm nhạc. Khi nói chuyện với Min, Kai đặt vấn đề rằng, cô gái này hãy hát một ca khúc vui và yêu đời thay vì hòa vào thị trường mà tất cả mọi người đều đang hát pop ballad buồn sầu thảm. Màu giọng của Min sẽ hợp với ca từ trong sáng, nhẹ nhàng và dễ thương.
“Lúc đầu hợp tác, tất cả ý tưởng ban đầu đưa ra đều là những ca khúc buồn nhưng tôi cảm thấy vẫn có gì đó chưa hợp với chị Min. Đến khi tôi định ra một hướng khác ngược lại, “Gọi tên em” ra đời. Chị Min lập tức ưng ý ngay và bắt tay vào hoàn thiện bài. Quá trình sản xuất single này khá gian nan vì ngay khi hoàn thành bản thu, nó được chọn vào làm ca khúc phụ cho single “Take me away” do nhạc sĩ Khắc Hưng làm cho chị Min. Và hơn nữa, bản phối của “Gọi tên em” lúc đó là một bản EDM – hoàn toàn không đúng với tinh thần bài hát mà tôi muốn. Vậy là tôi có những phản ứng rất quyết liệt vì nghĩ ca khúc này hoàn toàn có thể thành hit, nếu để làm bài phụ thôi thì rất uổng.
Chuyện vui nhất đó là tôi đã bay từ Sài gòn ra Hà Nội và có 3 tiếng đồng hồ để tranh luận với phía Min và êkip, phản đối đến việc dùng bản phối EDM, thuyết phục rằng bản phối phù hợp và hợp lý nhất là phải giống như cái bản phối cuối cùng đã ra mắt như mọi người đã nghe.
Tôi nhớ mình chỉ nói với chị Min rằng: “Em nghĩ là cái quan trọng nhất là mình phải làm một ca khúc mà sao nó đúng là mình nhất và đúng là ca khúc đó nhất. Chị cứ nghĩ đi em là người viết ra ca khúc mà em còn cảm thấy không đồng tình với phần sản xuất ca khúc thì làm thế nào mà khán giả nghe có thể đồng cảm được với ca khúc đó?”. Tôi thậm chí vì muốn bảo vệ đứa con của mình, còn nghĩ đến chuyện trả lại tiền tác quyền cho chị Min và đảm bảo sẽ viết bù lại một ca khúc khác, còn hơn phải để “Gọi tên em” ra đời mà không phải hoàn toàn là nó. Cuối cùng là sau 1 tuần suy nghĩ thì phía chị Min đã quyết định sử dụng phương án là sử dụng cái bản phối mà tôi đề nghị, và chính xác là nó đúng.
Về nhạc sĩ Khắc Hưng, tôi nghĩ rằng bạn ấy cũng là một người chuyên nghiệp, hiểu được rằng khi Kai nói ra ý kiến của mình thì nó hoàn toàn không phải là đả kích cá nhân. Thậm chí tôi còn khen bản phối EDM của Hưng rất hay, rất lớp lang, chỉ là nó không phù hợp với riêng ca khúc này”.
Kai Đinh đánh giá thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, khán giả đều quan tâm rất nhiều về phần lời của một ca khúc. Thể hiện ở việc họ có thể dùng nó để tạo thành xu hướng các câu nói đời thường trên mạng xã hội. Đó là điều Kai rất chú trọng khi đặt ca từ vào một đoạn giai điệu nào đó. Nhạc sĩ trẻ cho rằng nhờ phản hồi rất tốt của “Gọi tên em” nên “Có em chờ” sau này mới được ảnh hưởng cộng dồn như vậy.
“Có Em Chờ là ca khúc nằm trong chuỗi mà tôi viết định hướng dành riêng cho chị Min với hình tượng là Happy Girl – nghĩa là một cô gái chỉ hát những ca khúc thật là dễ thương, đáng yêu. Dự định là cuối năm nay sẽ là một ca khúc Urban R&B mà tôi với chị Min thống nhất với nhau từ năm trước rồi. Nhưng biết đâu mùa thu năm nay mọi người lại tiếp tục được nghe một ca khúc rất là dễ thương cộp mác Kai Đinh và Min”, Kai Đinh tiết lộ.
Thẳng thắn từ chối những đặt hàng na ná nhau từ các ca sĩ
Kai Đinh nhận mình là một người rất sợ áp lực, nếu cảm thấy stress quá, khó khăn hay vô lý quá là sẽ bỏ qua. Ví dụ như sau những thành công nhỏ gần đây, có khá nhiều nghệ sĩ đến đặt hàng muốn Kai viết cho họ một bài giống như “Có Em Chờ” hay “Điều Buồn Nhất”. Nhưng Kai chia sẻ thẳng thắn với họ rằng: Phần quan trọng nhất của một ca khúc đó là ý tưởng và concept. Nếu như mà mọi người không cùng làm việc thì rất khó để Kai phát triển được ý tưởng vừa độc đáo mà nó vừa mang tính kết hợp giữa Kai và nghệ sĩ đó. Nếu như một ý tưởng độc đáo mà chỉ có một mình Kai nghĩ thì rõ ràng ca khúc đó chỉ nên là Kai thể hiện.
Kai Đinh chia sẻ góc nhìn về thực trạng ở thị trường âm nhạc Việt Nam mà bản thân quan sát được, đó là các ca sĩ hầu như không ai quan tâm đến Music Producer. “Mọi người bị đánh giá quá thấp tầm quan trọng của người làm sản xuất âm nhạc. Công việc của người làm sản xuất không phải chỉ là giám sát phối khí thôi đâu. Phối khí chỉ là một trong các công đoạn sản xuất bài hát. Việc một ca sĩ tự mình đặt và chọn bài hát, chọn người phối, rồi tự đi thu theo ý thích, tức là họ đã tự mình chịu trách nhiệm làm nhà sản xuất luôn rồi.
Thế nên nếu không phải là người có tư duy sản xuất, thì sản phẩm người đó làm ra (không phải không tốt) nhưng sẽ rơi vào các trường hợp sau:
Một – Không đồng màu, mỗi bài mỗi kiểu và ngay cả chính các bạn cũng hoang mang không biết là mình giỏi cái gì hay hợp cái gì;
Hai – Hoàn toàn không liên quan đến dòng chảy âm nhạc đương đại (và nếu bạn làm nhạc mà không quan tâm đến số lượng người nghe thì bạn có thể bỏ qua phần này);
Ba – Thích gì làm đó, không có bố cục hoặc bố cục nhạt nhẽo, không hợp lý.
Tôi thực sự nghĩ khi đầu tư một sản phẩm, phần sản xuất không bao giờ nên là phần bị cắt đi khỏi chi phí. Nếu vì tiếc chi phí một vị trí sản xuất giỏi, nghĩa là các bạn tự cắt đi 50% thành công của bài hát”.
Kai Đinh cảm thấy, một trong những quyết định may mắn trong cuộc đời là đã chọn học chuyên ngành quản trị. Mọi người hay nói là quản trị viên là những người có đầu óc rất là lí trí, rất là tính toán nhưng thực ra thì nó có một cái hay là khi đưa vào nghệ thuật, nó lại hình thành nên ý tưởng cho dự án một cách rõ ràng. Tức là nó có một câu chuyện, một thông điệp mà người làm muốn gửi gắm tới chứ không phải chỉ tùy hứng.
Kai Đinh có một quan điểm khi làm nghệ thuật: “Nếu chỉ làm được một sản phẩm hay thì mình không đủ giỏi. Nếu chỉ nghĩ được một ý tưởng thôi thì tốt nhất mình không làm ngành sáng tạo. Nếu chỉ viết được một bài hát hay thì mình không nên tiếp tục viết”. Vì vậy, Kai không nghĩ sau mỗi thành công thì sẽ là áp lực, mà cứ xem nó là một chuyện vui, một thử thách mới để đi đến bậc thang cao hơn. Chuyện hit hay không hit Kai không đặt nặng. Quan điểm của người làm nhạc, khi ra mắt một sản phẩm, Kai lại mong bài hát đó đạt được nhiều đồng cảm nhất, để người nghe họ cảm thấy bản thân trong đó. Khiến cho người nghe cảm giác bài hát là một dòng cảm xúc ở lại trong một phần đời của họ, đó mới là mong muốn của tác giả khi đặt bút viết.
Kai Đinh hát “Điều Buồn Nhất”
Nói chuyện với Kai, dễ nhận thấy tác giả trẻ sinh năm 1992 này có một tư duy rất sâu sắc về cách nhìn nhận sự vật, sự việc xung quanh mình. Trong âm nhạc cũng vậy, nhạc của Kai không dành cho những người nông nổi, phải ngồi hít thật sâu, nghiền ngẫm từng dòng ca từ mới hiểu hết ý tứ mà Kai đặt để trong bài hát của mình. Kai Đinh không viết về thứ tình cảm bộc trực, thẳng thắn.Từng giai điệu, câu chuyện cứ nhẹ nhàng, lãng đãng, có chút buồn vẩn vơ… Đặc biệt, tính tượng hình trong những ca khúc do Kai chắp bút rất cao. Nó là những điều nhỏ bé tinh tế mà chưa chắc ai cũng có thể phát hiện, dù họ được thấy hàng ngày.
Khi tôi hỏi, “nguyên liệu” ở đâu để Kai làm dày nội tâm cho âm nhạc đến như vậy, cho suy nghĩ, thì Kai cười:
– Tôi là một đứa hay suy nghĩ, hay buồn lắm, khoảng 9, 10 tuổi đã biết buồn rồi. Tôi còn nhớ khoảng năm 10 tuổi, trên đoạn đường bước từ cổng trường đi vào hội trường để tham gia cuộc thi văn nghệ, lần đầu tiên tôi cảm thấy cái cảm giác cô đơn kinh khủng. Tự đặt hàng loạt câu hỏi: Vì sao mình lại mặc một bộ đồ như này, đội mũ, đeo cái cặp này đi trên con đường này bước vào trong kia thi một cuộc thi?; Vì sao mình được sinh ra để làm những chuyện như thế này? Đó là lần đầu tiên tôi băn khoăn về chuyện mình được sinh ra để làm gì”.
– Nội tâm là món quà hay lời nguyền, theo Kai? – Tôi hỏi.
– Tôi nghĩ là bất kì một chuyện gì xảy ra nó cũng có hai mặt. Với những người sống nội tâm, họ cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc hơn bình thường thì những nỗi buồn thông thường của người khác họ phải buồn nhiều hơn, ngược lại thì những niềm vui họ cũng sẽ thấy vui hơn so với người khác. Mình luôn cảm nhận mỗi thứ ở một mức khác nhau thì mình sẽ thấy cảm xúc hơn với cuộc sống. Đó là một món quà rất đẹp đẽ.