iDesign | Thăng trầm của ngành vẽ minh họa thời trang qua 4 thế kỷ
Rất lâu trước khi thời đại của nhiếp ảnh kỹ thuật số bắt đầu, các tạp chí thời trang được lấp đầy bởi những bức vẽ rực rỡ. Họa sĩ minh họa không chỉ tôn vinh các thiết kế mang tính biểu tượng và đáng nhớ, mà còn truyền cảm hứng cho sự hợp tác giữa thời trang và hội họa trong nhiều thập kỷ sau này.
Lược sử của minh họa thời trang
Khởi đầu
Ngành vẽ minh họa thời trang bắt đầu vào thế kỷ 16 khi sự khám phá các vùng đất mới trên thế giới dẫn đến việc say mê tìm hiểu về trang phục và cách ăn mặc của người dân ở nhiều quốc gia. Từ năm 1520 đến năm 1610, hơn hai trăm bộ sưu tập tranh khắc gỗ đã được xuất bản thể hiện các nhân vật diện quần áo đặc trưng cho xuất thân của họ. Các tranh minh họa này sau đó đến tay các nhà may và khách hàng, phục vụ cho việc truyền cảm hứng sáng tạo ra thiết kế mới.
- Abraham Bosse (1629)
- Jacques Callot (1620)
Các tạp chí thời trang đầu tiên được xuất bản ở Pháp và Anh từ năm 1670 trở đi, bao gồm vài cái tên như Le Mecure Gallant, The Lady’s Magazine, La Gallerie des Modes, Le Cabinet des Modes, Le Journal des Dames et des Modes. Mối quan tâm của độc giả và khả năng tiếp cận ngày càng dễ dàng đối với thế giới thời trang đã dẫn đến sự ra đời của hơn một trăm năm mươi tạp chí về lĩnh vực này trong thế kỷ 19.
Từ năm 1860
Các nhà may thuê họa sĩ minh họa để làm việc trực tiếp với thợ may và phác thảo các thiết kế mới, vẽ theo dáng hình người mẫu khoác lên trang phục. Họ cũng vẽ minh họa cho bộ sưu tập đã hoàn thiện để gửi cho khách hàng.
Đến cuối thế kỷ 19, các bản vẽ tô màu thủ công được thay thế bằng phương pháp in màu. Các bức vẽ thời trang bắt đầu có hai hình cho một người mẫu, một hình được nhìn từ phía sau hoặc bên cạnh để trang phục có thể được quan sát từ nhiều góc độ hơn.
- Georges-Jacques Gatine (1815)
- Florensa de Closménil (1846)
Từ thế kỷ 20
Thời trang, trước đây là công việc của cá nhân nghệ sĩ, nay đã trở thành một ngành công nghiệp, sản xuất hàng hóa với số lượng lớn chưa từng có để lấp đầy các cửa hàng bách hóa. Từ những cửa hàng này đã xuất hiện văn hóa mua sắm, một thú tiêu khiển mới.
Paul Iribe vẽ minh họa cho các thiết kế của Paul Poiret, với phong cách lấy cảm hứng từ bản in gỗ Nhật Bản và kiểu dáng hình học của phong cách Art Deco.
- Tạp chí thời trang Gazette du bon ton quy tụ nhiều nghệ sỹ vẽ minh họa vĩ đại: Charles Martin, Eduardo Garcia Benito, George Barbier, Georges Lepape, Umberto Brunelleschi.
- Bìa tạp chí Vogue năm 1931
Từ năm 1910 cho đến khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, trang bìa của Vogue luôn có hình minh họa. Các trang bìa thời kỳ đầu giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ minh họa Mỹ như Helen Dryden, George Wolf Plank, Georges Lepape, F.X. Leyendecker. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, có thêm sự tham gia của các nghệ sĩ châu Âu: Eduardo Benito, Charles Martin, Pierre Brissaud, Andre Marty.
Những năm 1920 đến 1930 là thời kỳ hoàng kim của minh họa thời trang. Nhiều nghệ sỹ tài hoa có thể thể hiện kết cấu, độ sáng bóng và thậm chí cả trọng lượng của vải qua nét vẽ.
Những công nghệ mới trong nhiếp ảnh và in ấn dẫn đến sự xuất hiện của các tấm ảnh chụp trên tạp chí. Từ thập niên 30, độc giả dần ưa thích ảnh hơn và Vogue từng thống kê vào năm 1936, một tạp chí với trang bìa là ảnh chụp sẽ bán chạy hơn. Vì thế, tranh minh họa bắt đầu được chuyển vào những trang bên trong.
Những năm 1960 chứng kiến sự mất vị thế của minh họa thời trang. Nó giờ thường xuất hiện trong các tạp chí dành cho thanh thiếu niên, hoặc được sử dụng như một phương án thay thế rẻ hơn cho ảnh chụp.
Antonio Lopez là nghệ sĩ duy nhất thường xuyên xuất hiện trên các trang của Vogue trong thời gian này
Trong nửa sau của thế kỷ 20, ngành minh họa thời trang phải vật lộn để tồn tại trước khi trải qua thời kỳ phục hưng vào những năm 1980. Một thế hệ nghệ sĩ mới đã được xuất hiện trên các tạp chí như La Mode en peinture, Conde Nast’s Vanity và Visionaire. Công lao cho sự phục hưng này là của các chiến dịch quảng cáo, đáng chú ý là chiến dịch do Barney’s New York’s thực hiện diễn ra từ 1993 đến 1996 với những khung tranh minh họa dí dỏm của Jean-Philippe Delhomme.
Tác phẩm của Jean-Philippe Delhomme
Ngành minh họa thời trang đương đại
Vì nhiếp ảnh hiệu quả hơn nhiều trong việc thể hiện chi tiết của một bộ quần áo, công việc của các họa sĩ minh họa không còn là vẽ lại chính xác trang phục, thay vào đó là làm nổi bật phong cách và cảm xúc của người mặc nó. Điều này đã phát triển một loạt các phong cách nghệ thuật độc đáo vào cuối thế kỷ 20, được hỗ trợ bởi công cụ kỹ thuật số và các nền tảng truyền thông xã hội. Những năm 1990 chứng kiến sự trỗi dậy của nghệ thuật vẽ trên máy tính với những người tiên phong như Ed Tsuwaki, Graham Rounthwaite, Jason Brooks và Kristian Russell.
Ed Tsuwaki
- Jason Brooks
- Kristian Russel
- Graham Rounthwaite
Đây là thời kỳ xuất hiện các phần mềm như Adobe Photoshop và Illustrator đồng thời với việc hồi sinh hình thức minh họa thời trang truyền thống. Vẽ minh họa trở thành đại diện cho sự cổ điển, song hành cùng với những thứ được tạo ra bởi quy trình hiện đại hơn.
Hiện tại, minh họa vẫn thịnh hành thông qua sự hợp tác giữa các nhà thiết kế thời trang và họa sĩ. Với việc sử dụng mạng xã hội, các họa sĩ đã có phương tiện để trở nên nổi bật. Bùng nổ với màu sắc rực rỡ, họa tiết phức tạp hay cá tính bất tận, các bản vẽ minh họa thời trang lại tái sinh một lần nữa.
Các tác phẩm dự thi cuộc thi vẽ minh họa bìa tạp chí thời trang L’Officiel Vietnam
- Nguyễn Trang Linh
- Kim Kim Ngọc
- Đỗ Nguyễn Ngọc Hân
- Đinh Thị Minh Lý
- Võ Kỳ Anh
- Bủi Thị Tố Uyên
Huỳnh Anh Thư
Biên dịch: 19August
Nguồn tham khảo: Illustrationhistory