Hot girl nói 7 thứ tiếng: ‘Tiếng Anh không khó, đừng nhăn nhó’
Vào đầu thế kỷ XX khi nền mỹ thuật Việt Nam còn sơ khai, họa sĩ Thang Trần Phềnh đã nổi danh bậc nhất, với nhiều giải thưởng và những lời tán dương.
Vừa qua, tại nhà triển lãm trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu – Hà Nội) đã diễn ra triển lãm bộ sưu tập các tác phẩm của cố họa sĩ Thang Trần Phềnh (1895 – 1972) của nhà sưu tập Lê Quang Tuyến và ra mắt cuốn sách Thang Trần Phềnh – Hồi ký và tác phẩm.
Nổi danh từ khi chưa vào học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Thang Trần Phềnh được xem là một trong những viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho “ngôi nhà mỹ thuật Việt Nam” cận đại. Đồng thời, ông cũng đóng vai trò là “người khai mở” và có đóng góp lớn cho mỹ thuật sân khấu Việt Nam.
Triển lãm các tác phẩm của cố họa sĩ Thang Trần Phềnh đã trưng bày trên 70 bức vẽ gồm các thể loại: tranh tả cảnh sinh hoạt, tranh phong cảnh, ký họa, phác thảo trang phục nhân vật sân khấu, trang trí bối cảnh vở diễn bằng nhiều chất liệu khác nhau, chủ yếu là kích cỡ nhỏ.
Tại triển lãm, nhà nghiên cứu mỹ thuật sân khấu Đoàn Thị Tình – một trong số ít các học trò ở mảng trang trí mỹ thuật sân khấu, người có thời gian gần gũi với ông trong những năm tháng cuối đời – chia sẻ:
“Dưới con mắt quan sát hiện thực sâu sắc của họa sĩ, từ đối tượng ngoại cảnh đi vào nội tâm bằng trình độ kỹ xảo tinh tế, làm chủ chất liệu họa phẩm trong hệ thống nhịp điệu sắc màu đỏ, nâu mặn mòi trong trẻo đã đưa ta trở về quá khứ với những hình ảnh sinh hoạt thanh bình chốn bên sông, xóm nhỏ, chợ quê, góc hè nơi phố thị…
Đặc biệt, ở mảng trang phục của con người thể hiện trong từng bức vẽ đã phác họa lên một phần sử liệu phong phú, chính xác về đặc trưng hình dáng, màu sắc đến tính chất vật thể, hoàn cảnh, cách mang vận của chủ nhân đương thời. Với những gam màu trầm ấm, lặng lẽ mà nhẹ nhàng tươi sáng, gợi mỹ cảm bởi nét duyên dáng, tỉ mỉ, chân thực, càng xem càng thu hút, gần gũi, mang lại những rung động về cảm xúc chất hồn quê, sắc tộc Việt Nam…”.
Chân dung cố họa sĩ Thang Trần Phềnh thời là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và khi ngoài 70 tuổi.
Còn nhớ, cuốn sách đầu tiên về Thang Trần Phềnh có tên Thang Trần Phềnh (1895 – 1972) của tác giả Ngô Kim Khôi – cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn ra đời năm 2018 đã thực sự góp phần quan trọng trong việc “giải mã” cuộc đời nghệ thuật tài hoa, độc đáo và lặng lẽ của cố họa sĩ Thang Trần Phềnh. Cuốn sách Thang Trần Phềnh – Hồi ký và tác phẩm vừa được Nhà xuất bản Thế giới ấn hành đã cho công bố hơn 20 trang ghi chép của họa sĩ Thang Trần Phềnh, được xem như một “hồi ký ngắn gọn” của ông về con đường và những năm tháng hoạt động nghệ thuật của ông (hồi ký đề ngày kết thúc ghi chép là 25/7/1967).
Theo đó, Thang Trần Phềnh (tức Trần Văn Bình, tự Đạt Siêu) có bố đẻ là ông Thang Thọ Ký người lai Trung Quốc, mẹ là Lê Thị Ngát người Việt Nam. Lúc còn nhỏ cậu bé Phềnh học với thầy đồ nho, lớn lên học chữ Pháp, đến năm 1910 vào học Trường Bưởi. Vốn yêu thích và có năng khiếu vẽ bẩm sinh, nên cậu sớm được cha mua giấy bút cho tự tập vẽ.
Trong những trang viết của mình, cố họa sĩ Thang Trần Phềnh tự thuật rằng, cuối năm 1910 cũng là lần đầu tiên trong đời vẽ một bức tranh thuốc nước lên giấy khổ 30x60cm đặt tên là “Chùa Trấn Quốc trong buổi hoàng hôn” bày ở Đấu xảo Mỹ thuật năm 1911 và được một người Pháp tên là Georges Bois mua ngay trong ngày khai mạc. Về sau, người này còn tìm đến nhà riêng đặt mua thêm 2 bức nữa.
Việc bán được tranh khiến cậu bé Trần Phềnh có thêm động lực để vẽ, trong nhiều năm liền tranh của cậu luôn được bày và đoạt giải trong các cuộc Đấu xảo Mỹ thuật và từng được ông Vũ Đình Long dành nhiều lời ca ngợi trong bài “Khảo về thủy họa” đăng trên “Nam Phong tạp chí” số 77.
Trong suốt những năm tháng hoa niên đó, Trần Phềnh đã tự học, tự mày mò để vẽ tranh lụa, tranh sơn dầu, tranh màu nước với bút pháp mới mẻ và đã nhận được rất nhiều lời tán thưởng của các họa sĩ cùng thời. Năm 1923, Thang Trần Phềnh đoạt giải nhất Triển lãm Mỹ thuật của Hội Khai trí Tiến Đức của người Việt Nam mở ra lần thứ nhất với 2 bức tranh lịch sử bằng sơn dầu là Hai Bà Trưng (khổ 0,9 x 1,2 m) và Phạm Ngũ Lão (khổ 70 x 94 cm).
Một tác phẩm tranh màu nước của họa sĩ Thang Trần Phềnh sáng tác trong thời kỳ đi tản cư (1948).
Có thể nói, vào đầu thế kỷ XX khi nền mỹ thuật Việt Nam còn sơ khai, họa sĩ Thang Trần Phềnh đã nổi danh bậc nhất, với nhiều giải thưởng và những lời tán dương. Năm 1925 khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập và chiêu sinh khóa đầu, ông và Tô Ngọc Vân đã đăng ký dự tuyển nhưng cả 2 đều… trượt. Việc một họa sĩ đã có danh tiếng như Trần Phềnh thi rớt kỳ tuyển sinh là một sự kiện gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Nhưng đến kỳ tuyển sinh thứ 2 (năm 1926), cả ông và Tô Ngọc Vân đều đã đỗ và học chung khóa với những nhân vật nổi tiếng trong giới hội họa sau này như Vũ Cao Đàm, An Sơn Đỗ Đức Thuận.
Theo một số tài liệu đã được công bố, khá nhiều tác phẩm của Thang Trần Phềnh sau đó đã được gửi sang triển lãm và bán ở châu Âu. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang trưng bày 2 tác phẩm nổi tiếng của ông là Phạm Ngũ Lão (sơn dầu, 1923) và Chân dung phụ nữ Lào (sơn dầu, 1927). Ngoài ra, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng là nơi lưu giữ khoảng 60 bức vẽ tĩnh vật, ký họa bằng mực nho, mực nước (phần lớn khổ 13x18cm), chủ yếu được sáng tác trong giai đoạn từ 1947 đến 1955.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt cho rằng: “Nếu không kể trường hợp của họa sĩ Lê Văn Miến thì có nhiều lý do để cho rằng ở nước ta, Thang Trần Phềnh là họa sĩ đầu tiên vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu châu Âu và sớm giành được sự công nhận rộng rãi, thậm chí là sự công nhận của cả giới trí thức, giới tinh hoa đương thời. Trong thời gian học Trường Mỹ thuật, ông cũng là một trong số ít họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ tranh lụa và thể hiện tác phẩm trang trí bằng chất liệu sơn mài, cũng như đã tham gia nhiều triển lãm quan trọng trong và ngoài nước…”.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, dường như họa sĩ Thang Trần Phềnh đã chọn đi một lối riêng mình, đó chính là con đường gắn bó với mỹ thuật sân khấu. Cũng theo những trang tự thuật của ông, năm 1912 khi được xem trang trí tranh cảnh của một đoàn Tân kịch Trung Quốc sang diễn ở Quảng Đông hội quán Hàng Buồm, ông đã có ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi về nhà nghiền ngẫm vẽ ra một bức sơn dầu lên vải dày thành một bức phông 2,4 x 3 m, “vẽ một con đường đi vào trong vườn, một bên có nhà lá, một bên có rào cây, gần đó có vườn cây thấp, xa xa có viễn cảnh”.
Có lẽ đây chính là tác phẩm mỹ thuật trang trí sân khấu đầu tay của ông, đánh dấu sự “chạm ngõ” và lựa chọn con đường dấn thân của ông với mỹ thuật sân khấu sau này. Ông cũng chính là viên gạch đầu tiên cho nền mỹ thuật sân khấu thuần Việt sơ khai của nước nhà.
Những năm sau đó, Trần Phềnh vừa vẽ tranh chơi bán, vừa vẽ bối cảnh cho các sân khấu như Sán Nhiên Đài, rạp Quảng Lạc, Nhà hát Lớn Hà Nội – Hải Phòng, Kinh Kỳ hí viện, rạp Kim Chung… Đến năm 1932, Thang Trần Phềnh lập ra Đoàn ca kịch Đồng Ấu lấy tên là “Ban hát Mỹ thuật Đồng Ấu” (gọi tắt là ban hát Trần Phềnh). Sau một thời gian tập luyện, ban hát đã đi biểu diễn lưu động khắp nơi trong suốt hơn 10 năm (từ 1932 đến 1943) với 7 vở diễn nổi danh một thời như: Tam hoàng tử tranh hôn, Thất hiền quyến, Tống tửu Đơn Hùng Tín, Đức mẫu Thượng Ngàn, Đức mẫu Thoải, Kiều, Lã Bố hí Điêu Thuyền.
Với nghệ thuật trang trí sân khấu, ông có rất nhiều sáng tạo, đặc biệt là phương pháp nhìn “tứ cố” để người xem cảm thấy như được hòa vào, chuyển động cùng không gian ước lệ của vở diễn. Ông đã biết cách sử dụng ánh sáng từ đèn chiếu để tạo ra những hiệu ứng tích cực và hiệu quả thẩm mĩ cao từ các bức vẽ trang trí. Kỳ tài này của Trần Phềnh đã được giới mộ điệu sân khấu khi đó tán thưởng, nể phục.
Ghi nhận công lao to lớn của họa sĩ Thang Trần Phềnh với mỹ thuật sân khấu nước nhà, nhà nghiên cứu mỹ thuật sân khấu Đoàn Thị Tình nhận định: “Ở vai trò người mở đầu cho bộ môn nghệ thuật này và hoạt động trong đó suốt gần 50 năm, Thang Trần Phềnh vừa phải sáng tạo ra ngôn ngữ mà cũng vừa phải sáng tạo ra tác phẩm, từ phông màn, trang phục, hóa trang đến đạo cụ, ánh sáng.
Các ghi chép, nghiên cứu phác thảo sân khấu của ông, đặc biệt cho các vở diễn cổ hoặc có đề tài cổ còn giữ được đến ngày nay là một nguồn tư liệu, một cái vốn quý báu để lại cho hậu thế. Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, nhất là nghệ thuật trang trí sân khấu mà còn có nhiều giá trị trên phương diện sử học, dân tộc học, xã hội học, phong tục học thấm đẫm tinh thần và thẩm mỹ Việt Nam…”.