Hội thảo khoa học đề tài: “Hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng chống tham nhũng – Thực trạng và giải pháp”

Nêu dẫn đề tại hội thảo, ThS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các quốc gia. Song song với quá trình hợp tác phát triển, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các quốc gia để phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật vượt ra khỏi biên giới của mỗi quốc gia, trong đó có tham nhũng.

Ở Việt Nam, PCTN được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Tăng cường hợp hợp tác quốc tế là một chủ trương lớn trong PCTN thời gian qua. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Việt Nam trong PCTN cũng đã được lan tỏa, góp phần tăng cường hình ảnh, vai trò của Việt Nam trong hợp tác về PCTN.

Ban Chủ nhiệm cho biết, đề tài sẽ nghiên cứu 3 nội dung, bao gồm: Phần 1: Một số vấn đề lý luận và cơ sở pháp lý về hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; Phần 2: Thực trạng hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng; Phần 3:  Định hướng, giải pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều cho rằng phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu phù hợp. Đề tài đã tập trung nghiên cứu khuôn khổ pháp lý và hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ quan trực tiếp thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, xây dựng chính s/ách, hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong PCTN và thực hiện hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp trong PCTN theo quy định về trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế tại Chương VIII (Hợp tác quốc tế về PCTN) của Luật PCTN năm 2018, bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Các đại biểu đề nghị đề tài cần tập trung đưa ra một cách tổng quan nhất về hợp tác quốc tế trong PCTN; tập trung nghiên cứu vào mảng của các đơn vị chuyên trách theo Chương VIII Luật PCTN; xem xét các quy định của pháp luật trong các đạo luật tố tụng liên quan đến hợp tác quốc tế về PCTN; rà soát lại quy định, bổ sung trong thực tế về trách nhiệm của cơ quan chuyên trách như thế nào; trình tự thủ tục thực hiện theo trách nhiệm ra sao…

Ngoài ra, Ban chủ nhiệm đề tài cần xây dựng lại kết cấu các đề mục cho phù hợp với các nội dung nghiên cứu của đề tài.

 

Rate this post