Hoàng Trinh: ‘Tôi sát cánh khi chồng mắc bạo bệnh’

Khi Dị Thảo lên cơn đau vì ung thư phổi, Hoàng Trinh nhói lòng, động viên chồng tích cực điều trị.

– Cuộc sống của chị bị ảnh hưởng thế nào trong thời dịch?

– Đợt dịch vừa qua, tôi lao đao khi không có thu nhập, phải rút tiền tiết kiệm để trang trải cho cuộc sống, lo cho con gái – Kỳ Thanh (18 tuổi) – du học, cũng như giúp chồng chữa bệnh ung thư. Đầu năm ngoái, anh ấy bị đau lưng, đi khám và chụp phổi phát hiện khối u nằm sát cột sống. Anh đang uống thuốc điều trị men gan sau đó mới có thể tiến hành xạ trị hay hóa trị tùy diễn biến của căn bệnh.

Ông xã bệnh tật nên tôi là trụ cột chính trong gia đình. Chúng tôi “liệu cơm gắp mắm”, cuộc sống cũng không đến nỗi quá khó khăn. Ngoài đi diễn, quay hình, tôi bán thêm đồ online. Nếu thấy khỏe trong người, bạn đời phụ giúp tôi trong các công việc lên đơn, giao hàng.

Diễn viên Hoàng Trinh sinh năm 1968. Chị đã tham gia hơn 200 vai diễn hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau qua các vở kịch sân khấu, truyền hình như: Lôi vũ, Ngàn năm tình sử, Bí mật vườn Lệ Chi, Gươm lạc giữa rừng hoa, Ngôi nhà không có đàn ông và loạt kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa của sân khấu kịch Idecaf. Chị có khả năng diễn xuất đa dạng, hóa thân vào nhiều nhân vật, nhiều thể loại vai khác nhau

Hoàng Trinh sinh năm 1968. Diễn viên đã tham gia hơn 200 vai diễn, qua các vở kịch sân khấu, truyền hình như: “Lôi vũ”, “Ngàn năm tình sử”, “Bí mật vườn Lệ Chi”, “Gươm lạc giữa rừng hoa”, “Ngôi nhà không có đàn ông” và loạt kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” của Idecaf. Ảnh: Nhân vật cung cấp

– Chị chăm sóc chồng ra sao?

– 13 năm trước, tôi bị ung thư tuyến giáp, anh ấy giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn, giờ đến lượt tôi bên cạnh anh. Cùng gặp các vấn đề về sức khỏe ở tuổi trung niên nên cả hai gần nhau hơn. Tôi nhói lòng, có chút hoảng loạn mỗi khi nhìn ông xã chịu đau, sau đó chấn chỉnh tinh thần để anh không nhận ra sự lo lắng đó. Tôi luôn động viên anh, ai rồi cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử, còn sống được ngày nào thì mình cố gắng ngày đó. Mỗi khi thấy ông xã buồn, tôi nhắc lại cách tôi vượt qua ung thư tuyến giáp. Tôi nói: “Ngày xưa, con quá nhỏ, em còn trẻ, bị ung thư vẫn cố gắng đi diễn, làm việc, không để căn bệnh khiến tinh thần suy sụp. Vì vậy, em nghĩ anh sẽ làm được”. Tịnh tâm là phương pháp tốt nhất để cả hai nhìn mọi điều một cách tích cực.

Ngoài động viên tinh thần, tôi tìm đọc các bài viết liên quan bệnh này trên mạng cũng như nói chuyện kỹ với bác sĩ, rồi phân tích cho chồng hiểu. Tôi có một quyển sổ ghi chú riêng để theo dõi sức khỏe của bạn đời. Hàng ngày tôi ghi ra anh ấy ăn gì, uống thuốc gì để điều chỉnh kịp thời. Chúng tôi bên nhau hơn 20 năm, đồng cam cộng khổ nên có biến cố gì sắp tới, cả hai cũng bình tâm đón nhận.

– Điều gì giúp anh chị giữ tình nghĩa vợ chồng luôn mặn nồng?

– Tôi thường nói với ông xã niềm hạnh phúc là mỗi chiều đi làm về, thấy chồng, con có mặt ở nhà. Dù bận rộn cỡ nào, mọi người trong gia đình phải quây quầy bên mâm cơm. Tôi không chấp nhận việc mỗi người bưng một tô cơm, mạnh ai nấy ăn. Tôi luôn chuẩn bị sẵn cơm nước cho chồng con trước khi ra khỏi nhà, hoặc tranh thủ về sớm để nấu nướng, không bao giờ đi ăn quán xá.

Tôi hết lòng vì gia đình, ngược lại ông xã cũng tỉ mỉ chăm sóc tôi. Mỗi khi tôi đi làm, anh mở cửa sẵn, giúp vợ dắt xe ra khỏi cổng. Tôi nhớ thời cả hai chưa kết hôn, anh ấy đã là người đàn ông chu đáo. Khi tôi có lịch quay ở Đồng Nai, 4h sáng, anh có mặt trước cổng nhà chở tôi đi diễn, sau đó chở về sân khấu kịch 5B (TP HCM) chạy show. Lúc con gái còn ở nhà, anh thay tôi đưa đón bé đúng giờ.

– Con gái đi học xa, chị lo lắng ra sao?

– Tôi không tránh được nỗi lo khi con chập chững bước vào đời. Hàng ngày, tôi luôn gọi điện hỏi han để biết con vẫn khỏe mạnh. Tôi trò chuyện với Kỳ Thanh về tình yêu và hôn nhân vì muốn bé có đời sống tình cảm trọn vẹn. Tôi dặn dò con sáng suốt lựa chọn người đàn ông có đạo đức, học thức, luôn hướng về gia đình. Người đó phải biết cầu tiến, không dựa dẫm cha mẹ. Không phải lúc nào đàn ông cũng là điểm tựa của phụ nữ nên con phải vững vàng trong mọi thời điểm.

– Ở tuổi 53, chị hoạt động nghề với tần suất thế nào?

– Sân khấu đóng cửa thời gian dài vì dịch nên tôi rất nhớ ánh mắt, nụ cười của khán giả, đồng nghiệp. Hiện mọi người trở lại cuộc sống bình thường mới và tôi cũng nhận vài chương trình quay hình nhỏ. Tôi chưa dám bung hết công suất làm việc bởi điều quan trọng nhất là sức khỏe. Tôi tự hiểu dù yêu nghề thế nào cũng phải biết chăm chút bản thân, có như vậy mới đủ sức lực bảo vệ người thân, chồng, con.

– Chị nhận thấy thanh sắc hiện tại so với 20 năm trước như thế nào?

– Nghề diễn viên khiến cho tâm hồn tôi luôn chộn rộn nên dường như gương mặt trẻ so với tuổi. Tôi níu kéo thanh sắc của mình được lúc nào hay lúc đó vì con người đâu thể chiến thắng thời gian. Buồn cỡ nào tôi cũng không ù lì mà tìm cách khắc phục, lao vào công việc. Tâm hồn chúng ta khỏe khắn thì thần thái mới tươi tắn được. Ngoài ra, tôi ăn rau xanh, uống nước đầy đủ, cố gắng ngủ đủ giấc để không bị đuối sức khi nhiều việc. Tôi vui lắm vì mỗi khi ra đường, nhiều khán giả nhận ra nhân vật mèo Li Li trong nhóm kịch Líu Lo ngày xưa và bảo: “Nhìn chị vẫn không thay đổi gì so với nhiều năm về trước”. Họ xem nhóm Líu Lo diễn lúc lên 5, 6 tuổi, giờ đã đi làm, có gia đình.

– Nhớ lại thời hoàng kim của mình, chị tiếc nuối điều gì?

– Tính cách của tôi quá rụt rè khiến thanh xuân trôi qua mà chưa kịp có được kỷ niệm nào sâu sắc cùng đồng nghiệp, bạn bè. Diễn xong, tôi đi về nhà, không bao giờ tụ tập cùng mọi người. Thậm chí, tôi cũng không có cuộc hẹn nào ngoài thời gian cho gia đình. Tôi thấy tiếc nuối vì có một tuổi trẻ đơn điệu nhưng không hối hận bởi niềm vui duy nhất của tôi chính là thấy con gái ngoan ngoãn, sức khỏe của chồng được tốt hơn.

Hoàng Trinh khuyên chồng lạc quan vượt qua bạo bệnh

 

 

Hoàng Trinh khuyên chồng lạc quan vượt qua bạo bệnh

Hoàng Trinh diễn vai Tấm trong kịch “Tấm Cám” thuộc chuỗi kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” của sân khấu Idecaf. Video: YouTube Kênh thiếu nhi BHMedia

Hoàng Dung

Rate this post