Hoàng Ngọc Phách (1896-1973)

Hoàng Ngọc Phách (1896-1973)

Hoàng Ngọc Phách không chỉ đến với chúng ta với tư cách là một nhà văn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn học và sự trưởng thành của khoa học xã hội, ông còn là một nhà giáo, thế hệ của những người khai sinh ra nền giáo dục của chế độ mới.

Hoàng Ngọc Phách, hiệu là Song An, sinh tại làng Đông Thái xã Yên Đường, tổng Việt Yên (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), cha ông là một nhà nho từng tham gia phong trào Cần Vương.

Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, gia đình Hoàng Ngọc Phách chuyển ra Thuận Thành, Bắc Ninh (nay là Hà Bắc). Cả hai miền quê điển hình của Việt Nam ấy đều có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp nhà giáo, nhà văn của ông. Hồi nhỏ học chữ Nho với thân phụ, năm 1911, học tiếng Pháp tại Hà Nội, năm 1913 đỗ bằng khoá sinh, năm 1914, đỗ bằng tiểu học Pháp – Việt và trúng tuyển vào trường Trung học Bảo hộ. Năm 1919, đỗ bằng Cao đẳng tiểu học Pháp và bằng Thành Chung và trúng tuyển vào trường Cao đẳng sư phạm và tốt nghiệp năm 1922.

Suốt 20 năm dạy học dưới chế độ thực dân, do có liên quan đến phong trào yêu nước trong các trường đại học, ông luôn bị chuyển đến hết nơi này sang nơi khác. Năm 1935, về dạy học tại Bắc Ninh, giữ chức Giám đốc học khu Bắc Ninh đến ngày Tổng khởi nghĩa. Cách mạng tháng Tám thành công, ông giữ những trọng trách trong ngành giáo dục.

Từ năm 1959, Hoàng Ngọc Phách về công tác ở Viện Văn học, tham gia sưu tầm, biên soạn các công trình về văn học cổ điển, cận đại dân gian Việt Nam.

Hoàng Ngọc Phách nổi tiếng với tác phẩm “Tố Tâm” in nă 1925. Cuốn tiểu thuyết mở đường cho loại văn xuôi tự sự và trào lưu văn học lãng mạn sau này. Lần đầu tiên một cuốn tiểu thuyết hiện đại đặt ra một vấn đề xã hội bức xúc bấy giờ: đó là cuộc đấu tranh chống lại những ràng buộc khắt khe trong lễ giáo phong kiến mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh âm thầm cho tình yêu chân chính xuất phát từ con tim.

Nhưng ý nghĩa lớn lớn lao trong tác phẩm của ông chính là ở chổ nó đã chứa đựng những giá trị khách quan vượt khỏi ý muốn của tác giả. Tố Tâm khẳng định quyền sống, quyền tự do lựa chọn trong tình yêu hôn nhân cũng như sự dũng cảm của lớp người mới dám hy sinh cho tình yêu đó trước quyền uy của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt.

Vấn đề giải phóng cá nhân của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học đã có từ trước nhưng phải đến Hoàng Ngọc Phách mới trở thành nhu cầu cấp bách của toàn xã hội, mới có đủ điều kiện để dần dần biến thành một cuộc đấu tranh.

Chỉ với một cuốn tiểu thuyết gần 100 trang giấy, ông đã đặt ra hàng lọat vấn đề của thể loại làm thay đổi hẳn những quan điểm nghệ thuật xưa cũ. Lịch sử văn học Việt Nam đã chọn Hoàng Ngọc Phách làm người thể hiện những bước chuyển về chất – người mở cánh cửa đầu tiên cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Ngoài viết tiểu thuyết, Hoàng Ngọc Phách còn có một số công trình nghiên cứu lý luận được người đọc trân trọng vì sự chính xác của tư liệu và ý thức đề cao ban săc văn hoá dân tộc của người Việt.

Hà Tĩnh Online

Đối tượng: +) Tạo:HocVan+) Duyệt:?+) Giữ:HocVan Trạng thái: _Editing Thời gian: +) Tạo:17/08/2009 10:03+) Sửa:19/08/2009 15:49+) Đăng:

Rate this post