Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân- người phác hoạ thân phận dân tộc
Tô Ngọc Vân là một trong những họa sĩ lớn, thuộc “ bộ tứ” đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Phong cách nghệ thuật của ông là sự kết hợp tinh tế giữ kỹ năng điêu luyện trong hội họa phương Tây hoà cùng sự tỉ mỉ, chau chuốt,giàu tình cảm của người Á Đông. Vậy con đường đến với nghệ thuật của ông có gì nổi bật? Những tác phẩm nổi tiếng của hoạ sĩ là gì
Tô Ngọc Vân là hoạ sĩ nổi tiếng có đóng góp lớn với nền mỹ thuật của nước nhà
Con đường đến với nghệ thuật của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân
Tô Ngọc Vân sinh năm 1908 tại làng Xuân Cầu, huyện Hưng Yên – một trong những làng quê đẹp, yên bình thuộc khu vực Bắc bộ. Do điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên thuở nhỏ ông đến trường muộn hơn so với các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, ngay từ thời thuở nhỏ ông đã rất yêu thích hội hoạ và đam mê tìm hiểu các vấn đề liên quan đến loại hình nghệ thuật này.
Chính vì niềm đam mê hội hoạ mà ông đã có quyết định táo bạo dừng việc học từ năm lớp 8 để toàn tâm toàn ý theo đuổi nghệ thuật. Ông đã cố gắng hết mình để theo đuổi nghệ thuật và cuối cùng đến năm 1926, Tô Ngọc Vân đã thi đỗ vào trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Ông bắt đầu hiện thực hóa ước mơ của mình tại ngôi trường đào tạo nghệ thuật danh tiếng nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Tại đây Tô Ngọc Vân đã được đào tạo bài bản về nghệ thuật, tiếp nhận nền tảng mỹ thuật phương Đông và sự mới mẻ trong phong cách tạo hình của phương Tây. Trong những năm theo học tại trường hoạ sĩ Tô Ngọc Vân cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu và sử dụng chất liệu sơn dầu. Đến năm 1931, hoạ sĩ tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương bắt đầu vận dụng những kiến thức được đào tạo vào trong các sáng tác của mình.
Thiếu nữ bên hoa huệ là bức tranh nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của hoạ sĩ
Năm 1932, hoạ sĩ đã ghi dấu ấn nghệ thuật đầu tiên của mình qua tác phẩm tranh lụa “ Bức Thư”. Tác phẩm này được tặng huy chương vàng ở triển lãm thuộc địa tại Pari và được Hội các họa sĩ Pháp tặng bằng danh dự.
Tới năm 1935 Tô Ngọc Vân được cử sang Campuchia dạy vẽ. Trong quá trình dạy học, thăm thú các miền đất mới hoạ sĩ cũng đã nghiên cứu và sáng tác ra vô số các tác phẩm nghệ thuật đắt giá. Hoạ sĩ cũng đã đóng góp không nhỏ công sức của mình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: tham gia công cuộc cải cách ruộng đất, chiến sĩ chiến đấu, đào tạo mỹ thuật cho cán bộ phục vụ kháng chiến….Hoạ sĩ cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: trường đoàn văn hóa kháng chiến Việt Bắc, Giám đốc xưởng hoạ, trường cao đẳng Mỹ Thuật Việt Nam… Đến tháng 6/ 1954, ông hy sinh tại trong chiến dịch Điện Biên Phủ trong khi sự nghiệp sáng tác đang nở rộ.
Bức tranh thiếu nữ bên hoa sen bằng chất liệu sơn dầu của Tô Ngọc Vân
Các đề tài chính của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân
Với sự am hiểu uyên bác về học thuật cùng niềm đam mê nghệ thuật, thế giới quan sinh động đã giúp Tô Ngọc Vân sáng tạo nên những tác phẩm vô cùng giá trị. Hầu hết các tác phẩm của ông đều sử dụng chất liệu chính là tranh sơn dầu. Tùy từng thời kỳ mà đề tài trong các tác phẩm của hoạ sĩ có sự thay đổi như:
Trước cách mạng tháng 8 năm 1945
Trước cách mạng tháng 8, chủ đề chính trong những bức tranh của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đó chính là vẻ đẹp dịu dàng mềm mại của người thiếu nữ Việt Nam, đặc biệt là thiếu nữ thành thị. Nhờ tâm hồn nhạy cảm, thế giới quan sinh động cùng học thuật uyên bác đã khiến những bức tranh của hoạ sĩ chạm đến trái tim của người thưởng thức.
Những bức tranh thể hiện không chỉ vẻ đẹp bên ngoài mà còn lột tả được nội tâm của nhân vật. Những bức tranh nổi tiếng của ông thời kỳ này đó là: Thiếu nữ bên hoa huệ, thiếu nữ bên hoa sen, hai thiếu nữ và em bé, thuyền sông Hương, buổi Trưa, bên hoa… Toàn bộ các tác tác phẩm này của ông đều vẽ bằng tranh sơn dầu, thể hiện được vẻ đẹp, sự lãng mạn, nhẹ nhàng của người phụ nữ xưa. Những bức tranh này cũng được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật giá trị nhất trong sự nghiệp của tác giả.
Bức tranh ‘ Buổi trưa” sáng tác năm 1936
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 các tác phẩm nghệ thuật của hoạ sĩ cũng có sự thay đổi theo yêu cầu của đất nước. Ông đã dùng ngòi bút để vẽ nên cuộc sống, con người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến. Trong các tác phẩm của ông chúng ta có thể thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ, mạnh mẽ vùng đứng lên trong khói lửa chiến tranh hay hình ảnh của người chiến sĩ tham gia chiến đấu…
Bác Hồ cũng là một trong những đề tài thành công trong tranh của Tô Ngọc Vân. Từ những bức tranh của ông chúng ta có thể thấy rõ được hoàn cảnh của đất nước, sự mạnh mẽ trong đấu tranh giành độc lập hay cả sự gắn bó, đoàn kết của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp. Mỗi bức tranh của ông không chỉ dừng lại là các tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là vũ khí đấu tranh, cổ vũ và ca ngợi tinh thần chiến đấu của dân tộc.
Bức tranh “ đốt đuốc đi học” sáng tác năm 1954
Một số tác phẩm nổi tiếng của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân
Tô Ngọc Vân có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng được giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao. Dưới đây là 1 số tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhất của hoạ sĩ bạn có thể tham khảo.
Thiếu nữ bên hoa huệ
Thiếu nữ bên hoa huệ là tác phẩm sơn dầu được hoạ sĩ sáng tác vào năm 1943. Bức tranh được coi là bức vẽ nổi tiếng và tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của hoạ sĩ. Thiếu nữ bên hoa huệ mô tả lại hình ảnh của một người thiếu nữ thành thị mặc tà áo dài trắng bên cạnh lọ hoa huệ trắng. Bức tranh được vẽ theo bố cục vòng tròn quy tụ
Tà áo dài trắng mềm mại, thanh khiết, ôm trọn lấy thân hình thiếu nữ làm toát lên một vẻ đẹp đài các, nhu mì. Bên cạnh đó khuôn mặt nghiêng e ấp bên những đoá hoa huệ trắng tạo nên vẻ đẹp nhẹ nhàng nhưng man mác buồn. Chỉ bằng những nét phác thảo đơn giản thiếu nữ bên hoa huệ đã lột tả được vẻ đẹp chân thực của người phụ nữ từ đó cho ta thấy được vẻ đẹp chung của phụ nữ Việt.
Hai thiếu nữ và em bé- tranh sơn dầu năm 1944
Hai thiếu nữ và em bé
Tác phẩm hai thiếu nữ và em bé được Tô Ngọc Vân sáng tác vào năm 1944. Vẫn được vẽ bằng tranh sơn đầu và cùng miêu tả vẻ đẹp của thiếu nữ trong tà áo dài truyền thống những bức tranh này mang vẻ đẹp riêng khác hẳn với bức “ thiếu nữ bên hoa huệ”
Bức tranh được vẽ theo bố cục hình tam giác kinh điển trong hội họa mang lại cho người thưởng thức cảm giác đàn trải. Mỗi thiếu nữ trong bức tranh mang tới cảm nhận khác nhau cho người xem. Thiếu nữ áo vàng từ dáng ngồi đến cách để tay, tà áo dài rủ là mềm mại đều bật nên nét đoan trang của một thiếu phụ.
Thiếu nữ áo trắng có dáng ngồi bồn chồn bất an, cùng nếp áo xô lệch thể hiện sự bối rối, ngây thơ,cần được khuyên bảo… Bên cạnh hai người phụ nữ là cậu bé có dáng ngồi nghịch ngợm, dễ thương… Ngoài ra, khung cảnh xung quanh với chõng tre, bức mành buông lơ lửng hay cây phù dung hoa trắng tinh tạo nên ấn tượng về sự yên bình, sự an yên của con người.
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Tô Ngọc Vân dó là mô tả lại hình ảnh của Hồ Chủ tịch khi làm việc
Hồ Chủ Tịch làm việc ở Bắc Bộ Phủ
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Tô Ngọc Vân dó là mô tả lại hình ảnh của Hồ Chủ tịch khi làm việc. Bức tranh Hồ Chủ Tịch làm việc ở Bắc Bộ Phủ được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với 2 gam màu chủ yếu là đen và trắng.
Bằng tài hoa nghệ thuật nghệ sĩ đã thể hiện được vẻ đẹp của người lãnh tự vĩ đại của đất nước khi đang say mê làm việc. Từ trang phục giản dị, đồ đạc xung quanh Người đều vô cùng sơ sài thể hiện rõ sự thiếu thốn về vật chất, khó khăn, vất vả của người trong thời gian ở Bắc Bộ Phủ. Ngoài ra, nét mặt đăm chiêu, suy tư của Bác chính là sự lo lắng, canh cánh bên mình về công cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc.
Trên đây là những thông tin chi tiết về hoạ sĩ Tô Ngọc Vân bạn có thể tham khảo. Là một nghệ sĩ tài hoa, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, dũng cảm, ông không chỉ đóng góp rất lớn cho nền mỹ thuật hiện đại nước nhà mà còn góp phần làm nên chiến thắng, độc lập cho dân tộc. Những tác phẩm của ông sẽ còn giá trị trường tồn cùng thời gian, là tấm gương lớn được nhiều thế hệ nghệ sĩ học hỏi.
5/5 – (2 bình chọn)