Hình ảnh vũ trụ lớn nhất chụp bởi kính James Webb

Các nhà khoa học tạo ra bức ảnh khảo sát thiên hà lớn nhất từ trước tới nay dựa trên dữ liệu mới từ kính viễn vọng James Webb.

Bức ảnh vũ trụ khổng lồ được tạo nên từ kho dữ liệu của James Webb. Ảnh: CEERS

Bức ảnh vũ trụ khổng lồ được tạo nên từ kho dữ liệu của James Webb. Ảnh: CEERS

Hôm 16/8, các nhà thiên văn học từ dự án khảo sát tiến hóa vũ trụ CEERS đã phát hành một “bức tranh khảm” khổng lồ – có tên là Epoch 1 – cung cấp cái nhìn chi tiết chưa từng có về một vùng trời gần chòm sao Bắc Đẩu với đầy đủ màu sắc.

Bức ảnh được ghép từ 690 khung hình riêng lẻ, chụp bởi máy ảnh cận hồng ngoại NIRCam và máy ảnh hồng ngoại tầm trung MIRI trên kính viễn vọng James Webb. Theo CEERS, đây là bức ảnh vũ trụ lớn nhất từng được tạo ra bởi Webb, rộng hơn gấp 8 lần so với hình ảnh trường sâu đầu tiên của siêu kính viễn vọng được công bố vào ngày 12/7, và là hình ảnh khảo sát thiên hà lớn nhất cho đến nay.

“Epoch 1 chỉ là một trong số các quan sát của CEERS. Chúng tôi mới thực hiện chưa đầy một nửa cuộc khảo sát đầy đủ của mình nhưng đã có những khám phá mới với sự phong phú bất ngờ”, nhà vật lý thiên văn Rebecca Larson từ CEERS cho biết trên Twitter. “Số lượng thiên hà mà chúng tôi chụp được cho đến nay thật đáng kinh ngạc!”.

Một số hình ảnh phóng to nổi bật trong Epoch 1. Ảnh: CEERS

Một số hình ảnh phóng to nổi bật trong Epoch 1. Ảnh: CEERS

Larson nói thêm rằng mọi người nên tải hình ảnh độ phân giải cao, có sẵn để phóng to và khám phá, nhưng lưu ý những phiên bản với độ phân giải cao nhất có kích thước rất lớn và không thực sự hiệu quả khi xem chúng trên điện thoại.

Trong khung hình trên, có một vài thiên hà đáng chú ý, ví dụ như thiên hà xoắn ốc ở độ dịch chuyển đỏ z = 0,16 trong hình ảnh phóng to số 1. Độ phân giải cao của Webb cho thấy một số lượng lớn các cụm sao đang hình thành (màu xanh lam).

Ngoài ra còn có hai thiên hà xoắn ốc tương tác ở độ dịch chuyển đỏ z = 0,7 trong hình ảnh phóng to số 4. Nằm giữa chúng là một điểm sáng bất thường có khả năng là siêu tân tinh.

Một đốm sáng giống siêu tân tinh nằm giữa hai thiên hà đang tương tác. Ảnh: CEERS

Một đốm sáng giống siêu tân tinh nằm giữa hai thiên hà đang tương tác. Ảnh: CEERS

Nhóm nghiên cứu cũng xác định được một cấu trúc – đặt tên là Maisie để vinh danh con gái của người đứng đầu dự án Steven Finkelstein – có thể là một trong những thiên hà cổ xưa nhất từng biết đến.

Siêu kính viễn vọng trị giá 10 tỷ USD của NASA đang mở ra một kỷ nguyên khám phá vũ trụ mới. Khả năng quan sát hồng ngoại của Webb cho phép nó nhìn thấy sâu hơn trong không-thời gian, trở lại vụ nổ Big Bang xảy ra cách đây 13,8 tỷ năm, vì vậy nó còn được mệnh danh là “kính viễn vọng nhìn xuyên quá khứ”.

“Tôi hy vọng bạn cũng cảm thấy kinh ngạc và hào hứng với kính thiên văn này cũng như dữ liệu mà nó thu thập. Tôi thật may mắn khi là người chia sẻ chúng với bạn và hy vọng bạn cũng tìm thấy những thiên hà yêu thích mới của mình trong đó!” Larson chia sẻ.

Đoàn Dương (Theo CNET/Universe Today)

Rate this post