Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh

Danh họa Goya đã từng ca ngợi: “Vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ là kiệt tác của tạo hóa. Nhân loại đã trải qua hàng ngàn năm mới có được…”. Vì thế, nghệ thuật cổ kim Đông Tây bao giờ cũng trọng vọng vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, xem như là mùa xuân vĩnh hằng, là nguồn hứng khởi vô biên và là một đề tài muôn thuở.

 

Các tác phẩm: Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Rửa rau cầu ao, Em bé cho chim ăn của danh họa Nguyễn Phan Chánh.       

Tuy nhiên, cách thức thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ thì thật là muôn hình vạn trạng. Điều đặc biệt trong tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh là ông không chạy theo vẻ đẹp của người phụ nữ ở tầng lớp đài các, phấn son, nhàn hạ, hoa khôi của Hà thành hay lớp người trung lưu vốn là mốt thời thượng bấy giờ, mà những người phụ nữ trong tranh Nguyễn Phan Chánh vốn là những người lao động. Đó là chị nông dân trong cảnh lao động cấy cày, đi gặt, chăn trâu, mò cua bắt ốc, tát nước, hái rau, rê lúa, sàng gạo; hoặc đó có thể là những chị em thuộc tầng lớp dân nghèo thành thị đang tất bật kiếm sống, như cảnh đi chợ búa mua bán, người hát rong, cô đào hát, cô hàng xén, chị hàng hoa v.v… Những ai đã từng xem những bức tranh thể hiện hình tượng người phụ nữ Việt Nam của bậc danh họa này sẽ không thể không xúc động trước lối thể hiện mang đầy dấu ấn cá tính của ông. Khác với Tô Ngọc Vân, Lê Phổ… với những cô gái tân thời, yêu tự do, đang muốn vùng lên giải phóng mình khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến nên những nét đẹp của các cô gái này là cái đẹp của những đường cong mềm mại cơ thể, những khối hình co thắt, nở nang, những dáng đi thướt tha, những khuôn mặt kiều diễm, đài các, nhàn hạ trong những sắc màu lộng lẫy như muốn phô diễn ra hết bên ngoài, thì ngược lại, cái đẹp trong tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh là cái đẹp của những người phụ nữ lao động, với những thân hình khỏe mạnh, chân chất, những khuôn mặt tròn trặn, những dáng người đẫy đà, nở nang ẩn chứa trong một tâm hồn chất phác, thanh thản và thuần hậu. Càng đẹp hơn khi những hình ảnh đó luôn sống động trong đời sống sinh hoạt bình dị hàng ngày. Đó là hình ảnh những thiếu nữ đang lao động giúp đỡ gia đình, là hình ảnh của tình mẫu tử, là hình ảnh vui đùa sau giờ lao động với những mô típ quen thuộc, như cây cau, vại nước, ngôi nhà tranh, chiếc cầu ao nhỏ bé, cánh đồng xa xăm, làn sương mong manh… Họa sĩ như nhìn thấy vẻ đẹp trong cuộc sống giản dị, vĩnh cửu của người phụ nữ lao động, nhìn thấy sự khỏe khoắn về tâm hồn, và cái chân chất không thay đổi của họ. Với những màu sắc khi thì nâu sồng đậm đà, vàng rơm, vách đất ấm áp trung hòa, khi thì vàng xanh, lá cây có điểm xuyết trắng, màu da hồng ngà trắng trẻo của các thiếu nữ và phụ nữ nông thôn thời ấy. Nét đẹp đó được thể hiện trong một loạt tác phẩm, như: “Rửa rau cầu ao”, “Bữa cơm” (1931), “Mẹ con” (1937), “Thiếu nữ và biển” (1938), “Cô gái với con trâu” (1938), “Thiếu nữ chơi cá”, “Trốn tìm”, “Thiếu nữ nhảy dây” (1939) … Đôi khi, họa sĩ cũng khai thác vẻ đẹp da thịt qua những bức tranh trong một mảng chủ đề. Đó là mảng tranh “Tắm” của ông. Tắm là một hoạt động bình thường trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng qua những bức tranh này, tác giả muốn đề cập đến một cái gì đó lớn lao hơn, nằm bên ngoài chủ đề của tác phẩm. Xem những bức tranh như “Tắm ao” (1961), “Kỳ lưng” (1962), “Trăng tỏ” (1968), “Trăng lu” (1970), “Tiên Dung tắm” (1973)…, chúng ta thấy họa sĩ đã cảm nhận con người và thiên nhiên một cách thơ mộng và thể hiện nó trong chìa khóa lãng mạn, xúc động. Ở đây, hội họa của ông là sự khao khát  một vẻ đẹp hài hòa: vẻ đẹp hài hòa của cơ thể người phụ nữ và sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Vâng, trong những gam màu nâu đen, xanh lơ, trắng ngần hiển hiện những thân hình thiếu nữ tròn trĩnh, đầy đặn, da thịt mịn màng, trắng trong, tươi mát đến diệu kỳ, chứa đựng trong nó một sức sống lành mạnh. Vẻ đẹp nuột nà của các thiếu nữ được lồng trong một thiên nhiên thôn quê tĩnh mịch, với cây cau, vại nước, được ánh trăng dát vàng ở “Trăng lu”, “Trăng tỏ”, hay một thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng trong “Tiên Dung tắm”… Tất nhiên, cái đẹp ở đây cũng chỉ được bộc lộ một cách kín đáo, thanh khiết, nó thanh cao và trong sáng chứ không khêu gợi nhục cảm một cách tầm thường, rẻ tiền.

 

Bên cạnh, một vẻ đẹp khác được danh họa khai thác, thể hiện thành công về hình tượng người phụ nữ Việt Nam là vai trò làm mẹ của họ. Tình mẫu tử thiêng liêng đã được họa sĩ đề cập khá nhiều trong tranh. Tình mẫu tử đó được phản ánh ở nhiều góc độ khác nhau. Đó là cảnh người mẹ nâng niu, trò chuyện với con khi con chưa biết nói (“Mẹ con” -1937); đó là cảnh người mẹ chăm chú tắm rửa kì cọ cho con sau ngày lao động vất vả (“Chiều về tắm cho con” – 1963, “Tắm cho con” – 1969); đó là nét rạng rỡ tươi vui khi gặp con sau giờ trực chiến căng thẳng (“Sau giờ trực chiến” – 1968); hay phút giây hạnh phúc được ngắm con khi cho con bú no nê (“Tối về cho con bú” – 1972)… Những bức tranh đó được ông thể hiện ở nhiều thời điểm khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều nói lên được tấm lòng yêu thương bao la, sự hy sinh vô bờ bến của người mẹ. Đặc biệt, những bức tranh như “Sau giờ trực chiến” (1968) và “Tối về cho con bú” (1972) là những bức tranh đã mô tả được khoảnh khắc đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Đó là phút giây người mẹ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trực chiến, trở về với mái nhà ấm cúng, với đứa con đang thiếu sữa của mình. Thời kỳ ấy, gánh nặng của chiến tranh cũng đè nặng lên vai người phụ nữ: họ vừa phải nuôi con, vừa phải tham gia sản xuất và bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cho chồng yên tâm đánh giặc nơi tiền tuyến. Dù trong bận rộn và căng thẳng, nhưng người họa sĩ tài ba vẫn khắc họa được chân dung người mẹ tự tin, đôn hậu với nụ cười trìu mến đẹp đến vô cùng. Đây cũng là một thành công trong nội dung ý tưởng thể hiện trong tranh của ông về người phụ nữ Việt Nam sau cách mạng. Đó là vẻ đẹp của người phụ nữ biết làm chủ cuộc đời, tự tin, thông minh nhưng hiền hòa, duyên dáng. Họ không những đảm nhiệm chức năng làm vợ, làm mẹ mà còn có vai trò, trách nhiệm công dân đối với xã hội…

 

Xem tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh, đặc biệt là mảng tranh về đề tài hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, ta thấy như lòng ta vui hơn, yêu đời hơn và đặc biệt là càng thêm tôn quý con người, nhất là người phụ nữ hơn. Trong đời sống con người, có điều gì quý hơn thế nữa nhỉ?!

Nguyễn Thị Thọ

                                                             

 

 

 

 

 

Rate this post